(Baothanhhoa.vn) - “Trách nhiệm của người thầy thuốc, thấy bệnh nhân như vậy, chúng tôi không thể bỏ mặc, kể cả bệnh nhân không có tiền vẫn phải chăm vì không thể thấy chết mà không cứu. Mặc dù trong khoa vẫn còn nhiều bệnh nhân nặng và các y tá, hộ lý cũng quá tải nhưng không thể để bệnh nhân nằm một mình mà không được ăn uống, chăm sóc...”,

Chuyện những người bị “bỏ quên” trong bệnh viện

“Trách nhiệm của người thầy thuốc, thấy bệnh nhân như vậy, chúng tôi không thể bỏ mặc, kể cả bệnh nhân không có tiền vẫn phải chăm vì không thể thấy chết mà không cứu. Mặc dù trong khoa vẫn còn nhiều bệnh nhân nặng và các y tá, hộ lý cũng quá tải nhưng không thể để bệnh nhân nằm một mình mà không được ăn uống, chăm sóc...”,

Chuyện những người bị “bỏ quên” trong bệnh việnCác y, bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh chăm lo cho bệnh nhân không có người thân chăm sóc.

Bệnh viện cưu mang

Đã tới bệnh viện thì mỗi người một thứ bệnh, nhưng tựu chung lại thì ai cũng: đau đớn, mệt mỏi, tốn kém... Trong những lúc ốm đau, người bệnh cần nhất sự động viên, hỗ trợ của người thân. Ấy vậy mà vẫn có những người khi bị ốm, bị nạn phải nằm bệnh viện, nhưng người thân, ruột thịt lại bỏ rơi không đoái hoài quan tâm thì nỗi cay đắng, tủi hờn sẽ nhân lên gấp bội. Sự đau đớn về thể xác có lẽ lúc này không thể sánh với nỗi đau đớn khủng khiếp về tinh thần, nỗi đau ấy chỉ người trong cuộc mới thấm thía...!

Tại Phòng Nội thận - Tiết niệu, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, ông N.V.T., 74 tuổi, ở xã Hoằng Quang (TP Thanh Hóa) gầy gò nằm lọt thỏm trên chiếc giường bệnh. Ông T. nhắm nghiền mắt, mặt đầy vẻ mỏi mệt. Lâu lâu, ông trở người, mở đôi mắt mờ đục, buồn da diết. Những cơn đau của căn bệnh thận khiến ông yếu, mệt, tinh thần không tỉnh táo. Nhưng theo nhiều người ở khu bệnh này, ông lơ mơ có khi lại là việc tốt. Bởi nếu tỉnh, ông sẽ tủi thân biết bao nhiêu khi biết mình đã bị người thân bỏ lại bệnh viện. Gần 4h chiều, một điều dưỡng của khoa mang vào chiếc khăn ướt, cẩn thận lau sạch mặt cho ông như đứa “con gái” chăm sóc cho cha ruột.

Thấy tôi đến giường ông T., những người cùng phòng hồ hởi: “Cô là người thân hả?”. Biết không phải, họ buông tiếng thở dài. Ông T. đảo mắt nhìn tôi. Người phụ nữ giường bên cất tiếng: “Nhiều ngày nay chúng tôi chứng kiến ông ấy nằm bất động trên giường, chẳng có một người thân nào vào chăm sóc, đi vệ sinh rồi mà nằm chịu trận đó. Khi nào các y tá rảnh mới qua giúp thay, vệ sinh được. Có lúc ông biết, có lúc không. Nhưng hỏi tới gia đình là ông nhắm mắt, hoặc lơ đi. Thương quá!”.

Theo các y, bác sĩ tại khoa, ngày 31-10-2021, ông T. được một người đàn ông đưa vào phòng cấp cứu trong tình trạng lơ mơ, suy kiệt. Người đàn ông nhận là họ hàng của bệnh nhân. Ông ta nói bỏ quên giấy tờ của người thân trong cốp xe, xin ra ngoài lấy rồi trở vào nộp ngay. Thế nhưng, ông bỏ đi luôn. Theo chẩn đoán ban đầu, ông T. bị nhiễm khuẩn huyết không xác định. Bệnh viện gọi điện cho người nhà đến làm thủ tục mổ, nhưng các số điện thoại được lưu trong hồ sơ bệnh án đều không liên lạc được. Không có người thân, các điều dưỡng và hộ lý phải thay phiên nhau chăm sóc. Khổ cực không ngại, nhưng mọi người đều thấy buồn thay cho ông khi thấy ai cũng có con cái chăm sóc, còn ông lại một thân một mình. “Ngoài việc chuyên môn, chúng tôi đang phải làm công việc vệ sinh, nâng bệnh nhân lên rồi hạ xuống... đúng như một người con thực sự của ông” - điều dưỡng Lê Thị Phương Hiền buồn rầu.

Sau nhiều lần tìm cách liên hệ, bệnh viện đã kết nối được với người đưa bệnh nhân vào bệnh viện, nhưng người đàn ông này không đồng ý đóng viện phí vì cho rằng mình là họ hàng xa nên không có trách nhiệm chi trả. Lần theo địa chỉ ghi trong hồ sơ, bệnh viện đã cử cán bộ xuống nhà bệnh nhân, tuy nhiên con trai ông T. lại từ chối nhận bố vì những sai lầm trong quá khứ của ông. Gần nửa tháng sau, nhờ có sự phối hợp nhiệt tình của Công an xã Hoằng Quang, người con trai đã đến bệnh viện chăm bố. Nhưng, bệnh tình ông T. diễn biến xấu, anh đã xin đưa ông về để điều trị tại nhà.

Người lạ giúp sức

Được biết, đây không phải là trường hợp bệnh nhân duy nhất bị người thân bỏ rơi tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Trước đó, bệnh viện cũng đã điều trị cho bệnh nhân N.V.H., ở phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa bị tai nạn giao thông, nhập viện trong tình trạng đa chấn thương. Bệnh nhân này cũng có người thân nhưng không hiểu lý do gì, ông đã bị bỏ rơi lại bệnh viện.

Chia sẻ về trường hợp người bệnh này, y tá Nguyễn Xuân Giá, Khoa Phẫu thuật thần kinh - lồng ngực, cho hay: Ngày 14-7, xe cấp cứu 115 đưa bệnh nhân đến. Sau đó chỉ có một người đàn ông tự nhận là em cùng cha khác mẹ với bệnh nhân kê khai thông tin vào bệnh án. Người đàn ông này trình bày hoàn cảnh vô cùng khó khăn, không có khả năng nuôi dưỡng cũng như chi trả viện phí, sau đó rời đi. Phía bệnh viện cũng đã nhiều lần gọi điện cho người nhà theo số điện thoại trong bệnh án nhưng suốt 2 tuần ông nằm ở Khoa thần kinh - lồng ngực vẫn không có ai lên chăm nom.

Thông cảm với hoàn cảnh của ông, các y tá, hộ lý thay phiên nhau chăm sóc thường xuyên, từ cắt móng tay, móng chân đến việc vệ sinh cá nhân. Vì ông H. phải nằm bất động, cần phải thay đổi tư thế nằm để tránh hoại tử nên dù bệnh nhân trong khoa rất đông nhưng các thầy thuốc thay nhau cử người theo dõi, chăm sóc. “Trách nhiệm của người thầy thuốc, thấy bệnh nhân như vậy, chúng tôi không thể bỏ mặc, kể cả bệnh nhân không có tiền vẫn phải chăm vì không thể thấy chết mà không cứu. Mặc dù trong khoa vẫn còn nhiều bệnh nhân nặng và các y tá, hộ lý cũng quá tải nhưng không thể để bệnh nhân nằm một mình mà không được ăn uống, chăm sóc...”, y tá Giá nói.

Cũng theo y tá Giá, lúc mới vào ông H. rất yếu, ăn uống, mọi sinh hoạt lệ thuộc vào các y, bác sĩ, nhưng sau thời gian nằm viện, ông khỏe hơn, đi lại được, nói chuyện nhiều hơn. Tuy vậy, khi hỏi về gia đình, con cái, ông thường lặng im. Lúc hiếm hoi trải lòng về con cái, ông nói: “Con tôi nó không nhận tôi”. Thương ông, những người nhà của các bệnh nhân cùng phòng người cho quả cam, người cho hộp sữa, người lại đi mua tô cháo về bón cho ông nhưng ông chỉ ăn được một chút rồi thôi. Đến ngày 27-7, tự thấy sức khỏe hồi phục, ông H. bỏ đi và cắt đứt hoàn toàn liên lạc với bệnh viện.

Theo bác sĩ chuyên khoa II Lê Văn Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh, mỗi năm bệnh viện tiếp nhận hàng chục bệnh nhân bị con cái, người thân “bỏ quên” trong tình trạng sức khỏe rất xấu... Ngoài ra, còn có những ca bệnh không liên hệ được với thân nhân như bệnh nhân bị đột quỵ, tai nạn giao thông. Với những trường hợp này, bệnh viện phải cử người để chăm nom.

“Bác sĩ phải làm đúng trách nhiệm lương tâm của một thầy thuốc. Bệnh nhân có thể bị gia đình bỏ rơi, chứ các thầy thuốc không bao giờ bỏ rơi bệnh nhân của mình” - bác sĩ chuyên khoa II Lê Văn Sỹ khẳng định và nhắn nhủ - “Nếu ai đó đang “bỏ quên” người thân ở bệnh viện hoặc người thân mất tích đã lâu, hãy tìm đến các bệnh viện, biết đâu có cơ hội tìm được máu mủ ruột rà. Bởi tình thân lúc nào cũng rất thiêng liêng”.

Được biết, sau khi điều trị khỏi bệnh, ổn định, nếu thân nhân không đến đón về, bệnh viện sẽ liên hệ với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để đưa đến các bệnh nhân đến Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh.

Bài và ảnh: Tăng Thúy



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]