Tin liên quan
Đọc nhiều
Ý nghĩa của Tuyên ngôn Độc lập đối với cách mạng Việt Nam và quê hương Thanh Hóa
Cách mạng Tháng Tám thành công, ngày 02/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thay mặt Chính phủ lâm thời đọc Tuyên ngôn Độc lập - tuyên bố với toàn thể đồng bào cả nước và các dân tộc trên thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ( nay là nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam), mở ra kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc.
Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh Tư liệu
Bản Tuyên ngôn Độc lập có ý nghĩa vô cùng to lớn đối với dân tộc Việt Nam, đồng thời mang giá trị quốc tế, thời đại sâu sắc. Đó là văn kiện khẳng định tinh thần, khát vọng độc lập, tự do của dân tộc Việt Nam; khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa; mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên độc lập, tự do, hạnh phúc; tạo ra thế và lực để cách mạng Việt Nam vững bước tiến lên, giành được thắng lợi lịch sử mang tầm thời đại.
Bản tuyên ngôn Độc lập – Văn kiện khai sinh nước Việt Nam mới; mở ra kỷ nguyên của độc lập, tự do, hạnh phúc
Quyền độc lập dân tộc, quyền sống, quyền tự do và mưu cầu hạnh phúc là những giá trị cơ bản nhất của nhân quyền. Nhưng dưới chế độ thực dân, phong kiến ở Việt Nam, những quyền đó bị tước bỏ và chà đạp. Trong Tuyên ngôn Độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lên án đanh thép tội ác của thực dân Pháp khi chúng đã thi hành những chính sách hết sức phản động, cả về chính trị, kinh tế và văn hóa - xã hội, để áp bức bóc lột Nhân dân ta. Đó là những hành động “trái hẳn với nhân đạo và chính nghĩa”(1). Dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, Nhân dân Việt Nam đã đứng lên đánh đuổi đế quốc, thực dân và phong kiến, giành lại độc lập, tự do và quyền con người. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thắng lợi đã buộc: “Pháp chạy, Nhật hàng, vua Bảo Đại thoái vị. Dân ta đã đánh đổ các xiềng xích thực dân gần 100 năm nay để gây dựng nên nước Việt Nam độc lập. Dân ta lại đánh đổ chế độ quân chủ mấy mươi thế kỷ mà lập nên chế độ Dân chủ Cộng hòa”(2). Việt Nam từ một xứ thuộc địa, bị xóa tên trên bản đồ thế giới đã giành lại vị thế của một quốc gia độc lập; từ một dân tộc nô lệ, dân tộc ta đã giành lại tự do, giành được quyền hưởng cuộc sống ấm no, hạnh phúc, quyền tự quyết định sự phát triển của mình. Sự ra đời của Nhà nước dân chủ nhân dân ở Việt Nam là bước nhảy vọt to lớn, là cuộc cải biến xã hội vĩ đại không chỉ của lịch sử dân tộc Việt Nam mà của cả lịch sử phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các dân tộc bị áp bức chống chủ nghĩa thực dân, đế quốc trên thế giới.
Như vậy, nhân quyền ở Việt Nam không phải là giá trị do ai ban phát mà là kết quả của cuộc đấu tranh trường kỳ của Nhân dân Việt Nam.
Tạo ra thế và lực để cách mạng Việt Nam vững bước tiến lên, giành được những thắng lợi lịch sử mang tầm thời đại
Trong bối cảnh phát xít Nhật ở Đông Dương tan rã, chính quyền tay sai tê liệt, quân đồng minh chưa tiến vào Việt Nam, lực lượng chính trị và vũ trang cách mạng được rèn luyện qua thực tiễn đấu tranh..., Đảng ta đã phát động tổng khởi nghĩa, lãnh đạo quần chúng Nhân dân giành chính quyền. Nhờ vậy, cách mạng đã tránh được sự đụng đầu với kẻ thù khi còn đang mạnh, đồng thời tạo nên thế hợp pháp, chính nghĩa của Chính phủ lâm thời khi đón tiếp quân đồng minh. Lời tuyên bố của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong tuyên ngôn độc lập về quyền độc lập, tự do tất yếu của dân tộc Việt Nam là đòn phủ đầu vào âm mưu tái chiếm Đông Dương của thực dân Pháp và ý đồ can thiệp của các nước đế quốc đối với Việt Nam, khẳng định trước công luận : mọi hành vi xâm phạm độc lập, chủ quyền của nước Việt Nam độc lập đều là vi phạm luật pháp quốc tế, đi ngược với xu hướng phát triển của nhân loại tiến bộ. Tuyên ngôn Độc lập là cơ sở pháp lý vững chắc khẳng định mạnh mẽ chủ quyền quốc gia của dân tộc Việt Nam trước toàn thế giới và mở ra thời kỳ mới của dân tộc ta, Nhân dân ta trên con đường xây dựng và phát triển, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Bản Tuyên ngôn độc lập đã khẳng định tính đúng đắn về con đường cách mạng vô sản ở Việt Nam là giành độc lập cho dân tộc để mưu cầu tự do hạnh phúc cho Nhân dân. Nghĩa là giành độc lập là để dân làm chủ, để xây dựng chính quyền cách mạng theo đúng ý nguyện của mọi tầng lớp Nhân dân và cả dân tộc. Đánh dấu cuộc cách mạng giải phóng dân tộc thắng lợi mang tính nhân dân sâu sắc, thật sự là “ đem sức ta tự giải phóng cho ta”.
Thấm nhuần tư tưởng Hồ Chí Minh về quan điểm “ tất cả các dân tộc trên thế giới đều sinh ra bình đẳng”. Bản Tuyên ngôn Độc lập còn minh chứng cho một sách lược mềm dẻo, linh hoạt về đối ngoại, tinh thần nhân văn cao cả, tính hoà hiếu của một dân tộc “ muốn làm bạn với các nước” để trong hành trình cách mạng luôn “đảm bảo lợi ích tối cao của quốc gia – dân tộc”, coi lợi ích của quốc gia, dân tộc là tối thượng, là mục tiêu cao nhất, quan trọng nhất. Điều này có ý nghĩa định hướng hoạt động đối ngoại trên tất cả các lĩnh vực. Việt Nam đã luôn kiên định và sẵn sàng hợp tác với tất cả các nước công nhận nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam.
Những quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong bản Tuyên ngôn Độc lập về quyền con người, quyền dân tộc và sự thống nhất biện chứng giữa quyền con người và quyền dân tộc, về khát vọng và tinh thần đấu tranh kiên cường để giữ vững nền độc lập, tự do có ý nghĩa đặc biệt sâu sắc trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Từ đó đến nay, Nhân dân Việt Nam đã không ngừng phấn đấu cho quyền con người và đạt được nhiều kết quả tích cực, rất quan trọng
Bản Tuyên ngôn Độc lập không chỉ kết tinh các giá trị truyền thống anh hùng, bất khuất, tinh thần và ý chí đấu tranh cho một nước Việt Nam độc lập, tự do mà còn khẳng định cách mạng Việt Nam là một bộ phận của phong trào cách mạng thế giới; đồng thời khích lệ Nhân dân các nước thuộc địa, các dân tộc bị áp bức đứng lên chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập dân tộc, cung cấp kinh nghiệm thành công cho Nhân dân các nước thuộc địa đấu tranh giành độc lập. Vì vậy, bản Tuyên ngôn độc lập có ý nghĩa mở ra thời đại Hồ Chí Minh lịch sử gắn liền với hành trình Nhân dân Việt Nam kiên định con đường độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Kể từ ngày bản Tuyên ngôn Độc lập ra đời đến nay, vị thế đất nước đã có nhiều đổi thay, lời thề lịch sử “toàn thể nhân dân Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy” (3) khẳng định ý chí không gì lay chuyển; khẳng định triết lý nhân sinh vĩnh hằng của dân tộc Việt Nam đang phấn đấu, rằng: “ không có gì quý hơn độc lập, tự do”.
Thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám với việc ra đời bản Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 đã tạo ra thế và lực mới để cách mạng Việt Nam vững bước tiến lên, vượt qua mọi khó khăn, giành được những thắng lợi lịch sử mang tầm thời đại, kiên trì đấu tranh bảo vệ thành quả Cách mạng Tháng Tám năm 1945, tiến hành thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mỹ xâm lược, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, luôn kiên định mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội; xây dựng một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới và hội nhập quốc tế, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu to lớn trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, văn hoá, xã hội. Tăng trưởng kinh tế đạt tốc độ cao, lạm phát được kiểm soát; tiềm lực, quy mô và sức cạnh tranh của nền kinh tế được nâng lên.
Công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị được đặc biệt chú trọng, đạt nhiều kết quả tích cực. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí chuyển biến mạnh mẽ, có bước đột phá, được tiến hành quyết liệt, có hiệu quả, ngày càng đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ giữa “xây” và “chống”. Chính trị, xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố, kiên quyết, kiên trì đấu tranh giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; cùng với đó, quan hệ đối ngoại và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng và hiệu quả; vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế được nâng cao.
Công cuộc đổi mới đã đáp ứng được những đòi hỏi bức thiết của tình hình đất nước, phù hợp với xu thế phát triển của thời đại; có ý nghĩa như một cuộc cách mạng trong thời kỳ mới; khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế phát triển của lịch sử.
Tình hình thế giới sẽ tiếp tục còn nhiều thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp ảnh hưởng tới sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, nhưng những giá trị tư tưởng trong bản Tuyên ngôn Độc lập sẽ là ngọn đuốc soi đường cho con đường cách mạng Việt Nam.
Thắng lợi của cuộc cách mạng Tháng Tám với việc ra đời của bản Tuyên ngôn Độc lập là động lực, là bài học có ý nghĩa lịch sử quan trọng để Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Thanh Hoá vận dụng và phát triển
Năm 1945, cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền ở Thanh Hoá nổ ra đầu tiên trên địa bàn huyện Hoằng Hoá vào ngày 24/7/1945. Đêm ngày 18, rạng sáng ngày 19/8/1945, tổng khởi nghĩa giành chính quyền diễn ra trong toàn tỉnh. Đến 23/8/1945, Uỷ ban nhân dân cách mạng lâm thời trong tỉnh đã ra mắt Nhân dân , tuyên bố xoá bỏ chính quyền thực dân , phong kiến, thiết lập chính quyền nhân dân cách mạng và bước vào xây dựng chế độ mới.
UBND cách mạng lâm thời do đồng chí Lê Tất Đắc làm Chủ tịch ra mắt tại thị xã Thanh Hóa ngày 23-8-1945. Tranh Tư liệu
Đây là kết quả của cả một quá trình đấu tranh lâu dài, gian khổ, hy sinh của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Thanh Hoá, góp phần vào thắng lợi chung của cả nước, mở ra kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc Việt Nam. Bản Tuyên ngôn Độc lập được tuyên bố là động lực, là bài học có ý nghĩa lịch sử quan trọng để Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Thanh Hoá vận dụng và phát triển. Từng bước cùng Nhân dân cả nước vượt qua mọi khó khăn xoá bỏ nạn đói, nạn dốt và diệt giặc ngoại xâm, tăng gia sản xuất, tiết kiệm, xây dựng, củng cố bảo vệ chính quyền cách mạng và chế độ xã hội mới.
Trong kháng chiến chống thực dân Pháp, cùng với thực hiện nhiệm vụ xây dựng, bảo vệ hậu phương Thanh Hoá, Đảng bộ đã tổ chức lãnh đạo Nhân dân trong tỉnh tiếp tục hoàn thành xuất sắc vai trò của căn cứ, hậu phương kháng chiến để cùng Nhân dân cả nước đưa cuộc kháng chiến đi đến thắng lợi quyết định.
Trên cơ sở xây dựng, bảo vệ quê hương ngày càng vững mạnh về chính trị, quân sự, kinh tế, văn hoá – xã hội. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Thanh Hoá trở thành địa bàn chiến lược trọng yếu, là “chiếc giáp sắt” bảo vệ thủ đô Hà Nội, kho dự trữ chiến lược, chiếc cầu nối giữa miền Bắc với miền Nam, với trách nhiệm, nghĩa vụ quân và dân Thanh Hoá đã đóng góp sức người, sức của, lập nhiều chiến công xuất sắc bảo vệ hậu phương miền Bắc xã hội chủ nghĩa, ra sức chi viện cho chiến trường, với tinh thần “ tất cả vì miền Nam ruột thịt”, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Hoà bình lập lại, bằng tất cả tinh thần và lực lượng Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Thanh Hoá cùng với cả nước bắt tay vào thời kỳ khôi phục kinh tế sau chiến tranh, ổn định đời sống Nhân dân và tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Tỉnh Thanh Hóa đang từng bước phấn đấu trên hành trình trở thành cực tăng trưởng mới. Ảnh: Hoàng Đông
Hiện nay, trong sự nghiệp đổi mới đất nước, Đảng bộ, chính quyền tỉnh Thanh Hoá đã bám sát thực tiễn, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện quyết liệt, đồng bộ, bài bản các nhiệm vụ, giải pháp phát triển các ngành, lĩnh vực với tinh thần “ Kỷ cương – Trách nhiệm – Hành động – Sáng tạo – Phát triển”, Thanh Hoá đã phát động nhiều phong trào thi đua yêu nước, tập trung xây dựng khối đoàn kết thống nhất, huy động sức mạnh tổng lực của mọi tầng lớp trong xã hội, chú trọng phát huy dân chủ. Đặc biệt, Đảng bộ Thanh Hoá đang tập trung vào những giải pháp lãnh đạo, chỉ đạo đúng trọng tâm, trọng điểm. Tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, hấp dẫn, đổi mới hoạt động công tác xúc tiến đầu tư. Thực hiện quyết liệt đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp thu ngân sách nhà nước.......Nhờ đó trong 6 tháng đầu năm 2024 kinh tế - xã hội, quốc phòng – an ninh của tỉnh có nhiều điểm sáng và chuyển biến tích cực trên hầu hết các lĩnh vực: tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 11,5%, đứng thứ 3 cả nước. Sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, dịch vụ vẫn giữ được mức tăng trưởng tốt. Thu ngân sách nhà nước bằng 76,9% dự toán cả năm và tăng 2,96%; thu hút đầu tư tăng 78,8% về số dự án và 25,3% về số vốn đăng ký; số doanh nghiệp thành lập mới tăng 7,2% đứng đầu khu vực Bắc Trung Bộ và đứng thứ 8 cả nước. Các lĩnh vực văn hoá – xã hội, an sinh xã hội được quan tâm, thực hiện đầy đủ kịp thời các chế độ, chính sách. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Những kết quả bước đầu mà Thanh Hoá đạt được hiện nay là tiền đề, là bước đệm quan trọng cho các giai đoạn tiếp theo.
Th.s Lê Hải Yến
(Trường Chính trị tỉnh Thanh Hóa )
-----------------------
TÀI LIỆU THAM KHẢO
(1), Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.1.
(2), Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 4, Nxb CTQG-ST, H.2011, tr.3.
(3), Trích Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chí Minh toàn tập, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011 sđ , tập 4, tr.3.
{name} - {time}
-
2025-01-14 15:09:00
Phát triển đảng viên trong học sinh để tăng sức chiến đấu cho Đảng
-
2025-01-13 14:06:00
Chốt tên các Bộ sau khi tiến hành tinh gọn, hợp nhất
-
2024-08-30 13:58:00
MTTQ huyện Lang Chánh vận động Nhân dân phát triển kinh tế
Như Xuân nỗ lực thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm 2024
Phụ nữ tham gia bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng
Thiệu Hóa phát huy vai trò của bí thư chi bộ trong kiểm tra, giám sát
Nâng cao chất lượng giải quyết, xét xử án tham nhũng, chức vụ
Quan Hóa tăng cường công tác dân vận trong vùng đồng bào Mông
Tuyên ngôn độc lập và tương lai của đất nước
Thạch Thành thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân
Mô hình “Chính quyền thân thiện, vì Nhân dân phục vụ”: Nhìn từ sự hài lòng của người dân
Phát huy vai trò người cao tuổi trong xây dựng hệ thống chính trị