(Baothanhhoa.vn) - 70 năm về trước, họ là những cậu bé lên năm, lên mười theo gia đình tập kết ra Bắc. Có người gắn bó những năm tháng tuổi thơ, lớn lên trên quê hương Thanh Hóa, lại có người chỉ nương lại xứ Thanh thời gian ngắn... Nhưng những kỷ niệm về vùng đất, con người quê Thanh những ngày gian khó mà nghĩa tình thì vẫn mãi in đậm trong tâm trí người con đất phương Nam.

Xứ Thanh... nghĩa tình

70 năm về trước, họ là những cậu bé lên năm, lên mười theo gia đình tập kết ra Bắc. Có người gắn bó những năm tháng tuổi thơ, lớn lên trên quê hương Thanh Hóa, lại có người chỉ nương lại xứ Thanh thời gian ngắn... Nhưng những kỷ niệm về vùng đất, con người quê Thanh những ngày gian khó mà nghĩa tình thì vẫn mãi in đậm trong tâm trí người con đất phương Nam.

Xứ Thanh... nghĩa tìnhSau 57 năm, PGS.TS Nguyễn Danh Sơn đã cùng người bạn đời trở về xứ Thanh - quê hương thứ hai của ông.

Một ngày cuối tháng 5/2024, PGS.TS Nguyễn Danh Sơn, một người con của đất dừa Bến Tre, sau 57 năm chia xa đã lần đầu tiên quay trở về thăm lại xứ Thanh - nơi ông đã gắn bó thuở thiếu thời dẫu gian khó nhưng ăm ắp nghĩa tình.

Năm 1954, khi mới 4 tuổi, cậu bé Nguyễn Danh Sơn quê Tiên Thủy, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre theo gia đình lên tàu tập kết ra Bắc. Sau khi dừng chân ở Sầm Sơn, gia đình Nguyễn Danh Sơn được bố trí về thị xã Thanh Hóa (nay là TP Thanh Hóa) để sinh sống.

“Thời gian như “bóng câu qua cửa”, mới ngày nào tóc hãy còn xanh, giờ đây đều đã ở tuổi “xưa nay hiếm”. Gia đình tôi là gia đình cách mạng. Ba tôi vốn là kỹ sư canh nông, ông rất giỏi, am hiểu về các loại cây trồng, cây lâm nghiệp, đặc biệt là cây dừa. Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, rồi Hiệp định Giơnevơ, gia đình tôi tập kết ra Bắc. Ngày ấy ở Bến Tre, dòng họ Nguyễn được xem như một “gia tộc” làm cách mạng. Chỉ riêng gia đình tôi khi đó ra Bắc tập kết là 6 người, nhưng cả dòng họ, đại gia đình họ Nguyễn khi đó lên tới gần 150 người... Ba tôi được bố trí về công tác tại ty Lâm nghiệp Thanh Hóa phụ trách những trang trại cây giống rất lớn”, ông Nguyễn Danh Sơn nhớ lại.

“Năm 1964, tôi vào học cấp 3 Lam Sơn. Tuy nhiên, sang năm 1965 Thanh Hóa là một trong những địa phương bị đế quốc Mỹ bắn phá ác liệt. Gia đình tôi buộc phải chia nhỏ để đi sơ tán. Ba má thì sơ tán theo cơ quan, các anh chị em tôi thì đi theo trường học. Lớp học chúng tôi khi đó sơ tán lên huyện Đông Sơn, chúng tôi tiếp tục học ở Trường THPT Đông Sơn 1. Khi sơ tán lên Đông Sơn, tôi nhớ mình được ở với một gia đình nông dân ở thôn Hiệp Khởi. Tuy khó khăn, nhưng gia đình người nông dân ấy yêu thương, san sẻ, xem tôi như con cháu trong gia đình. Sau những giờ học trên lớp, khi về nhà, tôi dạy các em của gia đình ấy học hành; cùng nhau đi kéo vó, kiếm cá, ngày mùa cùng đi gặt lúa... Dẫu là những năm tháng chiến tranh bom đạn, vất vả nhưng tình người thật ấm áp, mãi chẳng thể quên”.

Trên quê hương Thanh Hóa, cậu bé Nguyễn Danh Sơn và các anh chị em cùng nhau lớn lên, đi học, hòa mình vào cuộc sống. Thấm thoát đã 13 năm trôi qua, năm 1967, sau khi tốt nghiệp cấp 3, do có thành tích học tập tốt, Nguyễn Danh Sơn được cử đi học Đại học tại Liên Xô. Năm 1973, tốt nghiệp loại xuất sắc, Nguyễn Danh Sơn về nước bắt đầu làm công tác giảng dạy.

PGS.TS Nguyễn Danh Sơn được biết đến là một trong những chuyên gia đào tạo đầu ngành trong cả nước về lĩnh vực cơ khí máy xây dựng và nâng chuyển. Trong suốt gần 50 năm liên tục giảng dạy tại các trường Đại học Giao thông Đường Sắt và Đường Bộ (nay là Đại học Giao thông Vận tải Hà Nội); Đại học Bách Khoa (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh); Đại học Công nghiệp TP Hồ Chí Minh... ông là giảng viên chính chuyên ngành máy xây dựng - nâng chuyển, góp phần đào tạo nên hàng nghìn sinh viên; trực tiếp hướng dẫn hàng trăm kỹ sư tốt nghiệp đại học; cũng đồng thời hướng dẫn nhiều thạc sĩ, tiến sĩ; tham gia biên soạn nhiều giáo trình... Và đặc biệt, ông là một trong những chuyên gia trước đây từng tham gia xây dựng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; đường sắt Thống Nhất và Nhà máy Thủy điện Trị An.

“Với tôi, xứ Thanh giống như quê hương thứ hai - một vùng quê nặng nghĩa tình. Thanh Hóa và Bến Tre có nhiều điểm tương đồng. Cũng như Bến Tre, quê Thanh có nhiều dừa; con người chất phác, hồn hậu và quê Thanh cũng là địa phương có phong trào cách mạng sôi nổi. Nơi đây, tôi đã lớn lên thành người. Chính những người thầy quê Thanh đã dạy dỗ, chắp cánh để tôi có thể đi trên con đường khoa học của cuộc đời. Vì thế, đầu năm 2024, nhận được thông báo mời về dự hội khóa, dù tuổi đã cao nhưng tôi vẫn quyết định cùng vợ lên kế hoạch trở ra Thanh Hóa, tôi muốn giới thiệu với người bạn đời của mình về quê hương thứ hai - nơi tôi đã lớn lên, về những người thầy, người bạn quê Thanh của tôi”.

Từ “mối duyên” ra Bắc 70 năm về trước, nếu như PGS.TS Nguyễn Danh Sơn có 13 năm gắn bó với Thanh Hóa trong những tháng năm thiếu thời, thì ông Đỗ Thành Lập - một người con của quê hương Hậu Giang dù chỉ có vài tháng gắn bó với đất và người quê Thanh, nhưng nghĩa tình xứ Thanh như một kỷ niệm đẹp theo suốt cùng ông trong những năm tháng cuộc đời về sau.

Sinh năm 1945 ở Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang ngày nay, Đỗ Thành Lập là con trai liệt sĩ hy sinh trong kháng chiến chống Pháp. Năm 1954, Đỗ Thành Lập (9 tuổi) cùng chị gái là Đỗ Hồng Phấn (16 tuổi) tập trung về Cà Mau sau đó lên tầu tập kết ra Bắc.

Khi đó tôi 9 tuổi, còn nhớ tàu ra đến Sầm Sơn nhưng không thể cập bến nên bà con Sầm Sơn đã chèo thuyền ra tàu Ba Lan đón đồng bào miền Nam. Dù lần đầu gặp gỡ nhưng người dân tình cảm thắm thiết, giống như đón người thân đi xa trở về nhà! Khi đó, biển Sầm Sơn còn khá hoang vắng, chủ yếu chỉ có phi lao rì rào sóng vỗ. Chị em tôi ở lại Thanh Hóa mấy tháng trước khi ra Hà Đông. Chị em tôi được đưa về ở tại một gia đình nông dân ở một huyện khá gần thị xã Thanh Hóa. Khi đó là mùa đông, trời khá rét. Khu vực tôi ở người dân trồng nhiều các loại rau màu, trong đó có su hào. Một lần, trong bữa cơm, tôi đã được ăn món xu hào xào thịt - đến bây giờ, đó vẫn là món su hào ngon nhất trong cuộc đời mà tôi đã được ăn. Suốt bao năm, cứ mỗi lần ngửi thấy mùi su hào xào là tôi lại nhớ da diết hương vị bữa ăn ngày hôm đó - ông Đỗ Thành Lập tâm tình.

Xứ Thanh... nghĩa tìnhÔng Đỗ Thành Lập lên kế hoạch cho một chuyến trở lại Thanh Hóa trong dịp kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

Trong những tháng ngày ở quê Thanh, chị em tôi luôn được no cơm, ấm áo, chưa từng một ngày phải chịu đói. Mãi sau này, chị gái Đỗ Hồng Phấn mới kể tôi biết: “Ngày ấy, đồng bào Thanh Hóa rất vất vả, nghèo khó. Do trước đó phải dồn sức người, sức của, lúa gạo cho chiến trường Điện Biên Phủ vì thế cuộc sống người dân nhiều khó khăn. Hầu hết các gia đình đều phải bữa đói, bữa no, thậm chí ăn rau, ăn khoai thay cơm. Vậy nên, những bữa cơm no của chị em chúng tôi khi đó đều do đồng bào Thanh Hóa nhường phần mà có. Khi ấy tôi còn nhỏ nên vô tư không biết, đến khi biết rồi, giờ nhắc lại nước mắt lại rưng rưng”.

Và trong chuyện kể nhắc nhớ về nghĩa tình người quê Thanh, ông Đỗ Thành Lập không ngừng nhắc đến thầy giáo xứ Thanh Lê Ngọc Lập: “Khi tôi học lớp 10 dưới Đông Triều (Quảng Ninh) bây giờ, tôi đã có duyên học với thầy Lê Ngọc Lập. Chúng tôi khi đó phần nhiều là học sinh miền Nam, thầy Lập không chỉ dạy chúng tôi kiến thức, khơi dậy trong học sinh tình yêu quê hương, đất nước, về lòng biết ơn với Tổ quốc; thầy còn như một người cha, tận tụy và yêu thương... Tôi mãi biết ơn thầy! Hơn 30 năm sau ngày đất nước thống nhất, tôi mới tìm được thông tin, địa chỉ của thầy Lập ở TP Thanh Hóa. Lần trở lại xứ Thanh khi ấy, rưng rưng bao nỗi niềm xúc động về những tháng ngày nghĩa tình thầy trò dưới mưa bom, bão đạn... Gặp lại thầy, tôi gửi thầy bài hát “Giáo án ngày xưa” mà tôi đã sáng tác riêng tặng thầy”.

Dù đã ở tuổi 79, sức khỏe không còn như trước. Nhưng khi biết được, bên bờ biển Sầm Sơn, “Con tàu tập kết ra Bắc” đã được hoàn thiện và cuối tháng 10 này, tại Thanh Hóa sẽ diễn ra kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc, ông Đỗ Thành Lập không giấu được niềm bất ngờ và xúc động. Ông cho biết, sẽ cố gắng thu xếp để vào dịp đó, có thể ra thăm lại xứ Thanh, tham dự lễ kỷ niệm, gặp lại những con người quê Thanh đầy nghĩa tình.

Nếu như, mọi sự hội ngộ, gặp gỡ trong đời người đều được bắt đầu bằng một chữ “duyên”. Thì có lẽ, sự “gặp gỡ” với xứ Thanh của những học sinh miền Nam năm xưa như PGS.TS Nguyễn Danh Sơn; ông Đỗ Thành Lập... cũng được tạo nên bởi một chữ duyên - mối duyên của “bánh xe” lịch sử.

Bài và ảnh: Thu Trang



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]