Xây dựng vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi tỉnh Thanh Hóa phát triển bền vững
LTS: Đại hội Đại biểu các dân tộc thiểu số tỉnh Thanh Hóa lần thứ IV năm 2024 dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 20 - 21/11 tại TP Thanh Hóa. Với chủ đề: “Các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đoàn kết, đổi mới sáng tạo, phát huy lợi thế, tiềm năng, hội nhập và phát triển bền vững”, Đại hội sẽ đánh giá thành tựu, kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, XDNTM giai đoạn 2019 - 2024 và phương hướng, nhiệm vụ giai đoạn 2024 - 2029; tôn vinh và biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào các DTTS trong sự nghiệp xây dựng, hội nhập phát triển và bảo vệ đất nước giai đoạn từ 2019 - 2024.
Thường Xuân là địa phương tổ chức Đại hội điểm cấp huyện Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Thanh Hóa lần thứ IV năm 2024. Ảnh: Ngọc Huấn
Vùng dân tộc miền núi tỉnh Thanh Hóa với tiềm năng đất đai, lao động và tài nguyên phong phú, từ trước đến nay luôn có vị trí chiến lược quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh (QP-AN) của cả tỉnh, cả nước. Đây là cửa ngõ miền Trung mở ra vùng đồng bằng Bắc bộ rộng lớn, nối liền với vùng núi rừng trùng điệp các tỉnh Tây Bắc của Tổ quốc, là vùng tiếp giáp với nước CHDCND Lào với chiều dài 213,6km đường biên giới dọc theo địa phận của 16 xã, thị trấn biên giới thuộc 5 huyện: Mường Lát, Quan Sơn, Quan Hóa, Lang Chánh và Thường Xuân.
Phát huy tiềm năng, lợi thế khu vực miền núi
Vùng DTTS&MN tỉnh Thanh Hóa hiện nay có tổng diện tích tự nhiên khoảng gần 8.000km2, chiếm trên 71% diện tích tự nhiên toàn tỉnh, gồm 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã có xã, thôn miền núi, với 174 xã, thị trấn/1.548 thôn, bản, khu phố. Toàn vùng có 7 dân tộc chủ yếu cùng sinh sống là: Mường, Kinh, Thái, Mông, Thổ, Dao, Khơ Mú, với tổng số dân khoảng 992.692 người (trong đó người DTTS khoảng 701.039 người, chiếm hơn 18% dân số cả tỉnh và hơn 70% dân số toàn miền núi). Địa bàn sinh sống của các DTTS có nhiều tài nguyên, khoáng sản; điều kiện khí hậu thuận lợi để phát triển nông nghiệp toàn diện, trọng tâm là nghề rừng, chăn nuôi, trồng cây công nghiệp và cây dược liệu. Dọc tuyến biên giới có Cửa khẩu Quốc tế Na Mèo, cửa khẩu quốc gia Tén Tằn và cửa khẩu Khẹo, là điều kiện thuận lợi để giao lưu, phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH). Mỗi dân tộc đều có bản sắc văn hóa riêng, làm phong phú thêm nền văn hóa của cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung và của Thanh Hóa nói riêng.
Trong những năm qua, vùng DTTS&MN dù còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, song với sự lãnh đạo kịp thời, sát sao của Tỉnh ủy, sự chỉ đạo quyết liệt, linh hoạt của UBND tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh; sự nỗ lực của các cấp, các ngành và đồng bào các dân tộc trong vùng, tình hình KT-XH, QP-AN vùng DTTS&MN tiếp tục chuyển biến tích cực. Đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc ổn định và từng bước được cải thiện. Cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện phương án sản xuất theo định hướng tái cơ cấu, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng tập trung quy mô lớn như: Đẩy mạnh phát triển cây trồng chủ lực (cây thức ăn chăn nuôi, cây dược liệu, cây ăn quả,...), ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, đưa giống lúa có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất, góp phần đảm bảo an ninh lương thực tại chỗ trên địa bàn 11 huyện miền núi. Phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại, gia trại quy mô lớn, công nghệ cao, phát triển lâm nghiệp theo hướng bền vững. Các huyện miền núi như Thạch Thành, Như Thanh, Ngọc Lặc, Thường Xuân... đã tập trung thu hút các doanh nghiệp đầu tư các nhà máy may công nghiệp để tạo việc làm, tăng thu nhập cho Nhân dân. Các ngành dịch vụ, thương mại cơ bản đáp ứng nhu cầu sản xuất, tiêu dùng và sinh hoạt của Nhân dân.
Đến nay, 100% các xã, thôn bản trong vùng DTTS&MN đều có điện lưới quốc gia. Công tác XDNTM được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và đã đạt được một số kết quả. Đến đầu tháng 10/2024, khu vực 11 huyện miền núi của tỉnh có 73/163 xã đạt chuẩn NTM, dự kiến đến năm 2025 có 109/163 xã đạt chuẩn NTM. Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2025 có 17 huyện, thị xã, thành phố trở lên, 88% số xã của tỉnh, 65% số thôn, bản miền núi đạt chuẩn NTM. Công tác phát triển sản phẩm OCOP từ các sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế của mỗi địa phương theo chuỗi giá trị được quan tâm.
Tình hình văn hóa - xã hội vùng miền núi tiếp tục chuyển biến tiến bộ; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống của Nhân dân ổn định. Công tác bảo tồn, giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc được quan tâm. Nhiều lễ hội truyền thống đặc sắc, tiêu biểu của đồng bào DTTS được phục dựng và bảo tồn, như: Lễ hội Mường Ca Da (Quan Hóa), lễ hội Mường Xia (Quan Sơn), lễ hội Căm Mương, lễ hội Mường Khô (Bá Thước), lễ hội Nàng Han (Thường Xuân), lễ hội Đình Thi (Như Xuân), lễ hội Chá Mùn (Lang Chánh), lễ hội Khai hạ (Cẩm Thủy, Như Xuân), lễ hội Bàn Bù (Ngọc Lặc), lễ hội Cửa Đặt (Thường Xuân), lễ hội Kin Chiêng Boọc Mạy, Sết Bóoc Mạy, lễ hội Phủ Na (Như Thanh), lễ hội đền Phố Cát (Thạch Thành)... Nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, vui chơi giải trí được triển khai thực hiện đã góp phần làm phong phú thêm đời sống văn hóa của đồng bào các dân tộc, đẩy lùi, xóa bỏ dần hủ tục, xây dựng đời sống văn hóa lành mạnh trong cộng đồng.
Xây dựng vùng DTTS&MN phát triển vững mạnh
Cùng với phát huy tiềm năng, thế mạnh, nguồn nội lực trong đồng bào DTTS&MN, các chương trình, chính sách đối với vùng DTTS&MN được Đảng, Nhà nước, cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, triển khai thực hiện. Trong đó trọng tâm là 3 chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG); chương trình phát triển KT-XH khu vực miền núi tỉnh Thanh Hóa... góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH khu vực miền núi. Có thể khẳng định, sau 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp; Quyết tâm thư của Đại hội đại biểu các DTTS tỉnh Thanh Hóa lần thứ III (2019-2024), đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân các DTTS của tỉnh đã phát huy truyền thống đoàn kết, nỗ lực phấn đấu, phát huy nội lực, tranh thủ sự hỗ trợ của Nhà nước, triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách dân tộc của Trung ương và của tỉnh, qua đó đã tạo động lực mới, khai thác có hiệu quả các tiềm năng thế mạnh của địa phương và đã đạt được những thành tựu quan trọng.
KT-XH trong vùng DTTS&MN đã có bước phát triển; tốc độ tăng trưởng bình quân giai đoạn 2021 - 2023 đạt 6%/năm, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các DTTS trong vùng được cải thiện rõ rệt; hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH được đầu tư tăng cường và nâng cấp. Nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt, việc làm cho lao động được quan tâm giải quyết; sự nghiệp giáo dục, văn hóa, chăm sóc sức khỏe Nhân dân có chuyển biến tích cực. Các chính sách an sinh xã hội được thực hiện đầy đủ, kịp thời; hệ thống chính trị cơ sở ngày càng được củng cố vững mạnh và hoạt động có hiệu quả; đội ngũ cán bộ là người DTTS được quan tâm đào tạo bồi dưỡng; QP-AN, trật tự an toàn xã hội trong vùng được giữ vững. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo 11 huyện miền núi giảm còn 11,04%; Tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng giảm còn 14,75%. Thu nhập bình quân đầu người của vùng năm 2023 đạt 39,605 triệu đồng, ước năm 2024 đạt 42,62 triệu đồng/người/năm. Từ trong các phong trào thi đua, đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình trong phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội, bảo vệ an ninh Tổ quốc và XDNTM.
Phát huy những kết quả đạt được trong giai đoạn 2019 - 2024, giai đoạn 2024 - 2029, đồng bào các dân tộc tỉnh Thanh Hóa đề ra mục tiêu chung đó là: Huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực để phát triển toàn diện, bền vững vùng DTTS&MN; khai thác và phát huy hiệu quả tiềm năng, lợi thế trong vùng, tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài, đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu hẹp dần khoảng cách về mức sống so với miền xuôi; giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn. Quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, liên vùng, kết nối với các vùng phát triển trong và ngoài tỉnh; cải thiện rõ rệt đời sống Nhân dân; phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, nâng cao chất lượng đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động. Xóa bỏ các tập tục lạc hậu đi đôi với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa tốt đẹp của các dân tộc. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, đảm bảo QP-AN, nhất là khu vực biên giới quốc gia; củng cố, tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với Đảng và Nhà nước.
Nhiệm vụ và giải pháp được đặt ra trong vùng đồng bào DTTS&MN Thanh Hóa giai đoạn 2024 - 2029, đó là:
Thứ nhất, tiếp tục tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc tích cực tham gia cùng chính quyền địa phương thực hiện tốt, có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp giai đoạn 2025 - 2030; các chương trình MTQG và các chính sách dân tộc đang được triển khai thực hiện trên địa bàn. Tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào các dân tộc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không di cư tự do, không truyền đạo trái phép, xóa bỏ các tập quán lạc hậu; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội vùng DTTS&MN.
Thứ hai, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các chương trình MTQG, chương trình phát triển KT-XH khu vực miền núi Thanh Hóa giai đoạn 2021 - 2025 và các chính sách dân tộc để huy động mọi nguồn lực đầu tư phát triển KT-XH trên địa bàn theo hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và có sức lan tỏa. Đẩy mạnh thu hút nguồn lực từ các vùng khác, các nguồn tài trợ quốc tế có hiệu quả để phát triển KT-XH, giảm nghèo bền vững. Sử dụng hiệu quả chính sách hỗ trợ đối với cây trồng, vật nuôi, chính sách xây dựng mô hình; đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, trong đó ưu tiên cho lĩnh vực phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp; xây dựng và nhân rộng các mô hình có hiệu quả để Nhân dân học tập và làm theo...
Thứ ba, tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ở khu vực miền núi của tỉnh; đa dạng hóa và phát triển nhanh các loại hình đào tạo, bồi dưỡng, dạy nghề. Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa - thể thao cơ sở; gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc gắn với phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng ở những nơi có điều kiện.
Thứ tư, xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh Nhân dân, phát huy sức mạnh tại chỗ để sẵn sàng đập tan mọi âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch; tăng cường công tác bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, không để xảy ra những “điểm nóng” về an ninh, trật tự xã hội. Xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, với sự nỗ lực, cố gắng của Đảng bộ, chính quyền các cấp, các ngành, tin tưởng rằng, cán bộ và Nhân dân các DTTS tỉnh Thanh Hóa tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, yêu nước, vượt qua mọi khó khăn, thách thức, không ngừng nỗ lực phát triển, vươn lên, sát cánh cùng Nhân dân cả tỉnh thực hiện có hiệu quả các mục tiêu được nêu trong Nghị quyết số 58-NQ/TW, ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển tỉnh Thanh Hóa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, xây dựng tỉnh Thanh Hóa sớm trở thành “Tỉnh kiểu mẫu” như sinh thời Bác Hồ hằng mong muốn.
Mai Xuân Bình
Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa
{name} - {time}
-
2025-01-18 11:42:00
Công đoàn Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đón nhận Huân chương Lao động hạng Ba
-
2025-01-18 11:10:00
Đồng chí Nguyễn Hồng Quang giữ chức Chủ tịch Ủy ban MTTQ TP Thanh Hóa
-
2024-11-17 14:37:00
Lễ hội Đền thờ Thái sư Hoằng Quốc Công Đào Duy Từ năm 2024
Hội thi Thể thao truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi Thanh Hóa năm 2024
Chủ động ứng phó với diễn biến của siêu bão MAN-YI
Lễ kỷ niệm 60 năm thành lập Trường cấp 3 Hậu Lộc - THPT Hậu Lộc I và đón nhận Cờ thi đua của UBND tỉnh
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 17/11/2024
Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Brazil bắt đầu chuyến công tác dự Hội nghị G20
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng 17/11
Mời bạn đọc báo Thanh Hóa số ra ngày 17/11/2024
Những sự kiện nổi bật trong tuần
Cầu truyền hình trực tiếp “Tình sâu nghĩa nặng” kỷ niệm 70 năm sự kiện Tập kết ra Bắc (1954-2024)