(Baothanhhoa.vn) - Trong tiết trời mùa thu cách đây tròn 78 năm tại Nam Bộ, Xứ ủy Nam Kỳ đã phát động kháng chiến toàn dân chống thực dân Pháp tái xâm lược với tinh thần “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Kỷ niệm 78 năm ngày Nam Bộ kháng chiến (23-9-1945 - 23-9-2023): "Mùa thu rồi ngày hăm ba" ở Nam Bộ

Trong tiết trời mùa thu cách đây tròn 78 năm tại Nam Bộ, Xứ ủy Nam Kỳ đã phát động kháng chiến toàn dân chống thực dân Pháp tái xâm lược với tinh thần “quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mệnh và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.

Kỷ niệm 78 năm ngày Nam Bộ kháng chiến (23-9-1945 - 23-9-2023): Mùa thu rồi ngày hăm ba ở Nam Bộ

Nhân dân Nam Bộ nổi dậy kháng chiến chống thực dân Pháp. (Ảnh tư liệu)

Nhân dân Nam Bộ chưa hưởng độc lập tự do được bao lâu thì rạng sáng 23/9/1945, thực dân Pháp tiến hành gây hấn, đánh chiếm các cơ quan đầu não của chính quyền cách mạng ở Sài Gòn-Gia Định, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược nước ta lần thứ hai. Ngay lập tức Hội nghị Xứ ủy Nam Kỳ mở rộng khẩn cấp được triệu tập tại số 629 đường Cây Mai, hay còn gọi “Hội nghị Cây Mai” (nay là đường Nguyễn Trãi, Quận 5, Thành phố Hồ Chí Minh) để quyết định phát động nhân dân Nam Bộ đứng lên chiến đấu bảo vệ thành quả cách mạng. Từ Hội nghị đã thông qua lời kêu gọi: “Pháp bắt đầu xâm chiếm nước ta một lần nữa. Ngày 2 tháng 9, đồng bào đã thề quyết hy sinh đến giọt máu cuối cùng để bảo vệ độc lập của Tổ quốc: “Độc lập hay là chết!”... Ủy ban Kháng chiến kêu gọi: Tất cả đồng bào, già, trẻ, trai, gái hãy cầm võ khí xông lên đánh đuổi quân xâm lược”.

Nhận được báo cáo của Xứ ủy Nam Bộ về Nam Bộ bắt đầu kháng chiến, Trung ương Đảng dưới sự chủ trì của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã họp khẩn cấp và yêu cầu lãnh đạo cách mạng Nam Bộ: “Các đồng chí phải căn cứ theo chính sách tranh thủ hoàn toàn độc lập của chính phủ và điều kiện thực tế của Nam Bộ mà định hướng phương châm hành động cho đúng, làm sao giữ gìn được thực lực chính trị và quân sự, đồng thời tỏ cho thế giới biết rằng dân Việt Nam không chịu ách nô lệ của thực dân Pháp một lần nữa”.

Tiếp sau đó, Người gửi thư cho đồng bào Nam Bộ, khẳng định quyết tâm kháng chiến của Trung ương Đảng, Chính phủ và nhân dân cả nước ta: “Tôi chắc và đồng bào cả nước đều chắc vào lòng kiên quyết ái quốc của đồng bào Nam Bộ... Tôi chắc và đồng bào Nam Bộ cũng chắc rằng Chính phủ và toàn quốc đồng bào sẽ hết sức giúp những chiến sĩ và nhân dân hiện đang hi sinh tranh đấu để giữ vững nền độc lập của nước nhà. Tôi chắc và tất cả đồng bào đều chắc rằng những người và những dân tộc yêu chuộng bình đẳng tự do trên thế giới đều đồng tình với chúng ta. Chúng ta nhất định thắng lợi vì chúng ta có lực lượng đoàn kết của cả quốc dân. Chúng ta nhất định thắng lợi vì cuộc tranh đấu của chúng ta là chính đáng”.

Với sự ủng hộ của Trung ương, động viên của Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự chi viện kịp thời sức người, sức của trong cả nước đã mang lại cho nhân dân Sài Gòn- Gia Định và Nam Bộ thêm nghị lực, quyết tâm tin tưởng vào cuộc kháng chiến. Với tinh thần “vì miền Nam ruột thịt” tại các tỉnh Bắc Bộ và Trung Bộ đều thành lập phòng Nam Bộ để tiếp nhận tiền bạc, thuốc men, lương thực...do Nhân dân tự nguyện đóng góp cho quân và dân Nam Bộ. Mặt khác, khí thế xung phong đầu quân bùng lên khắp nơi. Nhiều học sinh, sinh viên, thanh niên...nghe hai từ “Nam tiến” liền bỏ lớp về đăng ký tình nguyện lên đường. Các tỉnh nhanh chóng thành lập những đội quân bừng bừng tinh thần Sát Thát.

Tại Thanh Hóa, thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, nhiều cuộc mít tinh đã diễn ra từ huyện đến xã để bày tỏ sự ủng hộ đối với đồng bào Nam Bộ. Sau các cuộc mít tinh là việc xung phong tình nguyện của hàng trăm thanh niên vào các đoàn quân Nam tiến. Ngày 26/9/1945 tại ga Thanh Hóa, chi đội Nam tiến đầu tiên của cả nước đã hành quân vào Nam bằng tàu hỏa để chi viện cho đồng bào Nam Bộ kháng chiến chống thực dân Pháp tái xâm lược.

Sau lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam bộ, đông đảo quần chúng nhân dân Sài Gòn hăng hái tham gia bảo vệ độc lập với tinh thần và khí thế sục sôi. Quân và dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã anh dũng đánh trả quyết liệt với chiến thuật, kìm giữ chân địch để các địa phương có thời gian chuẩn bị lực lượng kháng chiến trường kỳ, thực hiện lời thề “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”. Thực hiện “trong đánh ngoài vây”, Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ thành lập 04 mặt trận ở ngoại thành Sài Gòn. Lực lượng vừa bố trí lực lượng chốt giữ các cầu chính để vây địch trong nội thành, vừa triển khai lực lượng tiến vào nội thành, phối hợp với các tổ, đội du kích bám trụ, tiến hành các cuộc đột kích vào các cơ quan địch đóng quân, đốt phá các kho tàng quân sự và cơ sở kinh tế của chúng rồi nhanh chóng rút lui. Mọi tầng lớp nhân dân đều tích cực tham gia cùng các đội tự vệ tổ chức chốt chặn, canh giữ các ngã đường. Nhân dân Sài Gòn còn triệt để thực hiện tổng đình công; nhà máy đèn, nhà máy nước bị phá hủy, chợ đóng cửa, xe điện ngưng chạy, v.v...

Chỉ trong một tuần lễ sau lời kêu gọi của Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ, quân và dân Sài Gòn-Chợ Lớn đã nhanh chóng bước vào cuộc chiến đấu đầy tự tin. 138 xí nghiệp và công sở lớn, 24 kho tàng, 4 chợ, 30 tàu lớ, 51 tàu nhỏ, 200 xe hơi và một số cầu bị đột phá. Gần 300 tên giặc bị đền mạng. Tuy cách đánh, kỹ thuật chiến đấu còn non kém, vũ khí thô sơ, nhưng quân và dân ta đã phát huy truyền thống yêu nước từ ngàn xưa, kiên trì bám trụ, dũng cảm, kiên cường tạo nên khúc dạo đầu sôi nổi trong quá trình chống thực dân Pháp tái xâm lược của dân tộc ta. Xứng đáng với lời khen ngợi của Bác “sự anh dũng của đồng bào trong đó đã làm gương cho đồng bào toàn quốc noi theo. Chúng ta đồng tâm hiệp lực, không sợ gian nan, kiên quyết tranh đấu đến cùng, thì trường kỳ kháng chiến nhất định thắng lợi, thống nhất, độc lập nhất định thành công”

Tiếp nối truyền thống yêu nước, kế thừa những bài học kinh nghiệm lịch sử, Đảng bộ, quân, dân Sài Gòn - Chợ Lớn - Gia Định đã phát huy truyền thống Nam Bộ kháng chiến, chung sức đồng lòng, vượt qua mọi khó khăn, thử thách, gian khổ, hy sinh, cùng cả nước làm nên thắng lợi to lớn trong cuộc trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp (1945-1954) và đế quốc Mỹ (1954-1975); góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước; xứng đáng với danh hiệu “Thành đồng Tổ quốc” mà Bác đã trao tặng.

Sau ngày giải phòng miền Nam, thống nhất đất nước, non sông thu về một mối (30/4/1975) dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân và dân Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và các tỉnh Nam Bộ nói chung đã phát truyền thống cách mạng, tinh thần kiên cường, dũng cảm của các chiến sĩ cách mạng năm xưa, vượt qua mọi khó khăn thử thách, năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong chiến đấu, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Đã 78 năm trôi qua kể từ ngày Nam Bộ kháng chiến (23-9-1945), nhưng những bài học về tinh thần chủ động, sáng tạo của quân và dân Nam Bộ; sự lãnh đạo, chỉ đạo đúng đắn, kịp thời của Trung ương Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cuộc kháng chiến ở Nam Bộ; phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc để tiến hành kháng chiến...vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay và mai sau.

Tùng Anh

1. Hồ Chí Minh: Toàn tập (2011), Tập 4, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 3

2. Mùa Thu rồi ngày hăm ba (1995), Tập 2, Độc lập hay chết, Nxb Chính trị Quốc gia, tr. 54

3. Mùa Thu rồi ngày hăm ba (1995), Tập 2, Độc lập hay chết, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, tr. 56-57

4. Hồ Chí Minh: Toàn tập (2011), Tập 4, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 17

5. Hồ Chí Minh: Toàn tập (2011), Tập 5, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr. 136


Tùng Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]