(Baothanhhoa.vn) - Ngày 23/2/2024, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Kết luận số 2664-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác giáo dục liêm chính cho cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.  

Tăng cường công tác giáo dục liêm chính cho cán bộ trong cơ quan Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Ngày 23/2/2024, Tỉnh ủy Thanh Hóa đã ban hành Kết luận số 2664-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường công tác giáo dục liêm chính cho cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Tăng cường công tác giáo dục liêm chính cho cán bộ trong cơ quan Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị của tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030

Sáng 7/11/2023, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, Ban Nội chính Tỉnh ủy, Trường Chính trị tỉnh phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học giá trị lý luận và thực tiễn của tác phẩm “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tại Hội nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy họp ngày 19/01/2024; sau khi nghe Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh báo cáo Đề án “Giáo dục liêm chính cho cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị tỉnh Thanh Hóa, giai đoạn 2023-2025, định hướng đến năm 2030” (Tờ trình số 17-TTr/BCĐTU ngày 19/01/2024) và ý kiến của các đại biểu tham dự Hội nghị, Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết luận như sau:

Trong những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh đã được Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện đạt được kết quả tích cực. Từ khi Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh được thành lập và đi vào hoạt động, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh đã có những chuyển biến rõ rệt, đóng góp tích cực vào công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển; qua đó tạo được sự đồng thuận trong hệ thống chính trị và trong xã hội, góp phần củng cố niềm tin của cán bộ, đảng viên và Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và cấp ủy, chính quyền các cấp. Tuy nhiên, tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn diễn biến phức tạp với phương thức ngày càng tinh vi, gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp; một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức (trong đó có cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp) vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng đến mức bị xử lý kỷ luật, xử lý hình sự...

Trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực hiện nay, bên cạnh các giải pháp về lãnh đạo, quản lý, chế tài xử phạt, chế độ tiền lương, thu nhập, chăm lo đời sống cho cán bộ, công chức, viên chức, thì việc xây dựng, hình thành văn hóa liêm chính, tiết kiệm là một trong những nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, có ý nghĩa rất quan trọng. Tuy nhiên, công tác giáo dục liêm chính hiện nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức, chỉ được lồng ghép chung trong công tác giáo dục chính trị tư tưởng; nội dung, tài liệu về giáo dục liêm chính chưa được biên soạn bài bản và còn thiếu; phương thức giáo dục liêm chính có mặt còn hạn chế...

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, với phương châm ngăn chặn “từ sớm, từ xa”, “cả gốc lẫn ngọn”; Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể trong tỉnh tập trung lãnh đạo thực hiện tốt các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu sau đây:

I. MỤC TIÊU CHUNG

Nâng cao nhận thức, xác định rõ trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị, cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người đứng đầu đối với công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nói chung và công tác giáo dục liêm chính nói riêng. Đổi mới toàn diện, thực chất nội dung và phương thức giáo dục liêm chính; xây dựng và thực hành văn hóa liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực; kiến tạo môi trường sống, làm việc lành mạnh với những giá trị đạo đức, nhân văn cao đẹp, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Thanh Hoá có năng lực, phẩm chất, tư cách đạo đức tốt, gương mẫu, tiên phong, tận tụy phục vụ Nhân dân, trung thành với mục tiêu, lý tưởng của Đảng, lợi ích của dân tộc; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, góp phần củng cố và tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với cấp uỷ đảng, chính quyền; huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và các tầng lớp Nhân dân thực hiện thành công mục tiêu đến năm 2030 Thanh Hoá là tỉnh giàu đẹp, văn minh và hiện đại, một cực tăng trưởng mới cùng với Hà Nội, Hải Phòng và Quảng Ninh tạo thành tứ giác phát triển ở phía Bắc của Tổ quốc.

II. CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU

Đến năm 2025, 100% các cơ quan, tổ chức, đơn vị rà soát, bổ sung, xây dựng được bộ quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp.

Hằng năm, 100% cán bộ, công chức, viên chức được học tập, quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, trách nhiệm nêu gương, đạo đức công vụ, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị; 100% cán bộ, công chức, viên chức được tham gia lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức, trong đó lồng ghép từ 01 đến 02 chuyên đề về giáo dục liêm chính và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Hằng năm, 100% cán bộ, công chức, viên chức có bản đăng ký cá nhân về thực hành liêm chính trong hoạt động công vụ, gắn với việc đăng ký học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Hằng năm, cấp ủy từ cơ sở trở lên có hình thức biểu dương, tôn vinh những hành động liêm chính, gương người tốt, việc tốt, việc tử tế ở địa phương, đơn vị.

Từ năm 2030, mỗi quý 01 lần, cán bộ, công chức, viên chức được tham gia lớp bồi dưỡng, cập nhật kiến thức mới, trong đó có lồng ghép chuyên đề về công tác giáo dục liêm chính và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

III. NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU

1.Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy đảng, người đứng đầu đối với công tác giáo dục liêm chính

Cấp uỷ, tổ chức đảng phải coi công tác giáo dục liêm chính là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên và lâu dài của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh. Triển khai thực hiện nghiêm túc, chất lượng, hiệu quả việc học tập, nghiên cứu các chỉ thị, nghị quyết, kết luận, các văn bản, chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xây dựng chương trình, kế hoạch hành động phù hợp với thực tiễn địa phương, đơn vị để tổ chức thực hiện. Tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phòng ngừa, phát hiện, xử lý các vụ việc có dấu hiệu tham nhũng, tiêu cực và các hành vi bao che, dung túng, cản trở công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý kịp thời, nghiêm minh các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Tăng cường giáo dục liêm chính cho cán bộ, công chức, viên chức, gắn với tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI, khoá XII), Kết luận số 21-KL/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XIII) “Về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá””, gắn với đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và thực hiện các quy định về những điều đảng viên không được làm, về trách nhiệm nêu gương.

Duy trì nền nếp và nâng cao chất lượng sinh hoạt cấp ủy, chi bộ; tăng cường công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên; đề cao nguyên tắc tự phê bình và phê bình. Trong mỗi kỳ sinh hoạt chi bộ, cấp ủy, cần lựa chọn một chủ đề hoặc một câu chuyện, tấm gương “liêm chính” để giáo dục, nhắc nhở cán bộ, đảng viên học tập và noi theo.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động công vụ của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là người có chức vụ, quyền hạn. Thực hiện nghiêm túc, đầy đủ các quy định, cơ chế, chính sách để “không thể, không dám, không muốn, không cần tham nhũng, tiêu cực”. Trong trường hợp cần thiết, cấp ủy cấp trên gợi ý kiểm điểm và trực tiếp tham dự, chỉ đạo những chi ủy, chi bộ có đảng viên biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm chuẩn mực về liêm chính và có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực.

2.Nâng cao ý thức tự giác, tự tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, công chức, viên chức; phát huy vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị

Các cấp ủy, tổ chức đảng nghiên cứu xây dựng và ban hành quy định, hướng dẫn về tiêu chí chuẩn mực đạo đức, liêm chính; rà soát, sửa đổi, bổ sung các chuẩn mực đạo đức công vụ cho phù hợp với điều kiện của từng cơ quan, đơn vị theo hướng “sát chức năng, nhiệm vụ, ngắn gọn, dễ nhớ, dễ thực hiện, dễ đánh giá”; góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có bản lĩnh chính trị vững vàng, có đạo đức trong sáng, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, dám hành động vì lợi ích chung. Kiên trì xây dựng văn hóa tiết kiệm, liêm chính, không tham nhũng, tiêu cực trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.

Tăng cường rèn luyện đạo đức cách mạng và thực hành văn hóa liêm chính; phát huy tinh thần tự giác, tích cực, sáng tạo của mỗi cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ, nhiệm vụ. Quán triệt cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nỗ lực học tập, nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; nâng cao nhận thức, trách nhiệm, thực hiện nghiêm các quy định của Đảng và Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Đề cao sự gương mẫu, quyết liệt, “nói đi đôi với làm, làm đi đôi với nói” của người đứng đầu và tập thể lãnh đạo quản lý các cấp trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Phát huy ý thức tự giác, gương mẫu thực hiện nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; bảo đảm việc rèn luyện đạo đức liêm chính của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức phải được tiến hành trên tinh thần chủ động, tự giác ở mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh và thường xuyên, liên tục. Thực hiện tốt quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp; trọng liêm sỉ, danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, tiêu cực; phê phán, lên án, tích cực đấu tranh chống tham nhũng, tiêu cực.

Triển khai thực hiện đồng bộ kế hoạch tu dưỡng, rèn luyện đạo đức liêm chính trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức toàn tỉnh. Định kỳ hằng tháng, quý, năm, từng cán bộ, công chức, viên chức phải tự xem xét, đánh giá kết quả thực hiện trách nhiệm nêu gương, đề ra các biện pháp khắc phục khuyết điểm và chịu sự giám sát thường xuyên của tập thể nơi công tác và của Nhân dân nơi cư trú.

3.Tăng cường tuyên truyền, đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục liêm chính cho cán bộ, công chức, viên chức

Các cấp ủy đảng, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường tuyên truyền, giáo dục văn hóa liêm chính, không tham nhũng, lãng phí, tiêu cực cho cán bộ, công chức, viên chức. Biểu dương, khen thưởng những tổ chức, cơ quan, đơn vị và cá nhân gương mẫu trong học tập và thực hành liêm chính. Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục về giáo dục liêm chính trên Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, trang thông tin điện tử của địa phương, đơn vị. Khai thác, sử dụng hiệu quả các phương thức truyền thông hiện đại trên mạng Internet, mạng xã hội để nâng cao hiệu quả tuyên truyền. Phát huy vai trò của Hội đồng phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh trong việc tham mưu xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nâng cao hiệu quả hoạt động của Tủ sách pháp luật; biên soạn, cấp phát tài liệu phục vụ công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cho đội ngũ báo cáo viên pháp luật các cấp.

Tiếp tục quan tâm đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức công vụ cho cán bộ, công chức, viên chức. Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục chính trị tư tưởng, đạo đức lối sống, gắn với giáo dục liêm chính cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, bảo đảm có trọng tâm, trọng điểm và phù hợp với từng đối tượng; chú trọng bồi dưỡng về đạo đức cách mạng “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” trong thực thi công vụ, nhiệm vụ của mỗi cán bộ, công chức, viên chức; hình thành văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng, tiêu cực trong cơ quan Đảng, Nhà nước trong tỉnh.

Đưa nội dung giáo dục, bồi dưỡng về liêm chính vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng lý luận chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức hằng năm. Nghiên cứu đưa chuyên đề giáo dục liêm chính vào chương trình giáo dục chính trị cho học sinh, sinh viên các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh.

4.Tiếp tục quan tâm làm tốt công tác cán bộ, trong đó lấy liêm chính là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá, sử dụng cán bộ

Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm các chủ trương, nghị quyết, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ; thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách, chế độ đãi ngộ đối với cán bộ theo quy định. Thực hiện tốt công tác tuyển dụng cán bộ, công chức, viên chức, bảo đảm điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định.

Tiếp tục làm tốt công tác đánh giá, quy hoạch, bổ nhiệm cán bộ, trong đó lấy liêm chính là tiêu chí quan trọng để đánh giá cán bộ. Phát huy tính năng động, sáng tạo của cán bộ, công chức, viên chức; động viên, khuyến khích và tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức phát huy năng lực, sở trường; xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, dám nghĩ, dám làm, tích cực đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vì lợi ích chung; xây dựng nguồn cán bộ có đủ năng lực, trình độ, tiêu chuẩn, phẩm chất đạo đức và kỹ năng lãnh đạo, điều hành, xử lý hiệu quả những vấn đề thực tiễn đặt ra.

5.Siết chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát trong việc thực hành liêm chính

Tổ chức thực hiện nghiêm túc Quy định số 114-QĐ/TW ngày 11/7/2023 của Bộ Chính trị “Về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ”. Đề cao ý thức tự quản lý của cán bộ, đảng viên; yêu cầu mỗi cán bộ, đảng viên phải tự giác rèn luyện đạo đức, lối sống, gương mẫu giữ gìn phẩm chất người chiến sĩ cộng sản. Kiên quyết sàng lọc, không để lọt những người có bản lĩnh chính trị không vững vàng; phẩm chất, năng lực, uy tín giảm sút; thiếu gương mẫu, mất đoàn kết, cục bộ, bè phái, cơ hội, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh; có biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; chạy chức, chạy quyền, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, “lợi ích nhóm”, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế, quy định của Đảng, Nhà nước, tiêu chuẩn chính trị và những điều đảng viên không được làm.

Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, người đứng đầu trong công tác giáo dục liêm chính, việc thực hiện cam kết tu dưỡng, rèn luyện của cán bộ, công chức, viên chức. Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra công vụ, trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc. Chú trọng công tác tự kiểm tra việc thực hành liêm chính trong nội bộ cơ quan, đơn vị để nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực từ sớm, từ xa; kịp thời phát hiện những trường hợp vi phạm đạo đức công vụ, chuẩn mực liêm chính để chấn chỉnh; đồng thời, biểu dương, khen thưởng, nhân rộng những tấm gương điển hình về tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, liêm chính.

Tăng cường cải cách hành chính, xây dựng môi trường làm việc trong sạch, lành mạnh, kỷ luật, kỷ cương; thường xuyên rà soát, bổ sung, hoàn thiện quy chế làm việc, xác định rõ quyền hạn, trách nhiệm của tập thể, cá nhân; tăng cường công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong thực hiện nhiệm vụ của mỗi tập thể, cá nhân. Kiên quyết khắc phục tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong giải quyết công việc và biểu hiện đùn đẩy, né tránh trách nhiệm, sợ sai không dám làm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức.

6.Phát huy vai trò, trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan truyền thông, báo chí trong công tác tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục và thực hành liêm chính

Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phát huy mạnh mẽ vai trò, trách nhiệm trong công tác vận động, giáo dục, thuyết phục cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và Nhân dân thực hành văn hóa liêm chính. Đưa nội dung giám sát việc thực hành liêm chính gắn với thực hiện cam kết tu dưỡng học tập, rèn luyện, làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, quy định về trách nhiệm nêu gương, về những điều đảng viên không được làm, chống biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp vào chương trình giám sát hằng năm của tổ chức mình.

Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng các cơ quan truyền thông, báo chí trên địa bàn tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về những nguy hại, hệ luỵ của tham nhũng, tiêu cực đối với sự phát triển của đất nước, của Tỉnh và của mỗi cơ quan, đơn vị; tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên và các tầng lớp Nhân dân phát huy vai trò, trách nhiệm trong việc tuyên truyền, giám sát, tham gia đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Đẩy mạnh tuyên truyền về kết quả thanh tra, kiểm tra, xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực được dư luận xã hội quan tâm, góp phần cảnh báo, răn đe, phòng ngừa từ sớm, từ xa. Chú trọng tuyên truyền, phổ biến để người dân hiểu rõ thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan, đơn vị cung cấp dịch vụ công và các tổ chức, doanh nghiệp, người dân trong thực hiện thủ tục hành chính; kiên quyết không hối lộ và từ chối gợi ý hối lộ, thay đổi thói quen dựa vào các mối quan hệ để giải quyết công việc; tạo dư luận mạnh mẽ để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1.Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh căn cứ các quy định hiện hành và Kết luận này để hoàn thiện, ban hành và tổ chức thực hiện hiệu quả Đề án “Giáo dục liêm chính cho cán bộ, công chức, viên chức nhằm nâng cao hiệu quả phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị tỉnh Thanh Hóa đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

2.Ban Cán sự đảng UBND tỉnh lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND các cấp tăng cường quan hệ phối hợp trong thực hiện công tác giáo dục liêm chính cho cán bộ, công chức, viên chức; chỉ đạo xây dựng các đề án, kế hoạch, cơ chế, chính sách để triển khai thực hiện có hiệu quả Kết luận này.

3.Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy chỉ đạo, định hướng các cơ quan báo chí, thông tin truyền thông, hệ thống tuyên giáo các cấp trong tỉnh và các đơn vị liên quan đẩy mạnh tuyên truyền các nội dung về giáo dục liêm chính và thực hành văn hóa liêm chính cho cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn toàn tỉnh.

4.Trường Chính trị tỉnh nghiên cứu xây dựng giáo trình, tài liệu về giáo dục liêm chính và bổ sung vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng về lý luận chính trị cho cán bộ, công chức, viên chức hằng năm. Chủ trì tổ chức các hội thảo chuyên đề, kịp thời tổng kết thực tiễn để bổ sung, sửa đổi nội dung đào tạo, bồi dưỡng, bảo đảm phù hợp với yêu cầu thực tiễn công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và sự phát triển của tỉnh trong giai đoạn tới.

5.Các huyện, thị, thành ủy, đảng ủy trực thuộc; MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội, các cơ quan, ban, ngành, căn cứ chức năng, nhiệm vụ của mình xây dựng kế hoạch hành động, tổ chức quán triệt và triển khai thực hiện nghiêm túc Kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương, đơn vị; nghiên cứu ban hành chủ trương lãnh đạo công tác giáo dục liêm chính; định kỳ sơ kết, tổng kết, rút kinh nghiệm và báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy theo quy định.

6.Ban Nội chính Tỉnh ủy tham mưu cho Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh và Ban Thường vụ Tỉnh ủy tăng cường chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả giáo dục và thực hành văn hóa liêm chính cho cán bộ, công chức, viên chức gắn với các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện Kết luận này, định kỳ báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy kết quả thực hiện.

TS


TS

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]