(Baothanhhoa.vn) - Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Sau mùa đông lạnh lùng, là mùa xuân ấm áp. Sau đêm tối mù mịt, đến rạng đông sáng tươi. Sau những thế kỷ nô lệ, là thời đại độc lập tự do, xã hội chủ nghĩa”. Trên hành trình đi đến “rạng đông tươi sáng”, dân tộc Việt Nam đã phải đánh đổi bằng vô vàn xương máu. Song cái đích cuối cùng là rất chắc chắn: “Tương lai của dân tộc Việt Nam cũng tươi sáng như mặt trời mùa xuân”!

“Việt Nam, ta tiến vào kỷ nguyên ánh sáng”!

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng khẳng định: “Sau mùa đông lạnh lùng, là mùa xuân ấm áp. Sau đêm tối mù mịt, đến rạng đông sáng tươi. Sau những thế kỷ nô lệ, là thời đại độc lập tự do, xã hội chủ nghĩa”. Trên hành trình đi đến “rạng đông tươi sáng”, dân tộc Việt Nam đã phải đánh đổi bằng vô vàn xương máu. Song cái đích cuối cùng là rất chắc chắn: “Tương lai của dân tộc Việt Nam cũng tươi sáng như mặt trời mùa xuân”!

“Việt Nam, ta tiến vào kỷ nguyên ánh sáng”!Thủ đô Hà Nội - chứng nhân của những dấu mốc lịch sử liên quan đến vận mệnh quốc gia, dân tộc.

“Kỳ tích” là khái niệm để chỉ những thành tựu lớn lao, phi thường; còn “hình mẫu” thì có ý nghĩa như “khuôn vàng thước ngọc” có tính chuẩn mực để noi theo. Đó cũng là những khái niệm đã và đang được lãnh đạo nhiều nước, nhiều đối tác trên thế giới dành để nói về Việt Nam.

Có lẽ không quá khi nói rằng, lịch sử hình thành và phát triển hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam gắn với vô vàn kỳ tích. Và nếu chỉ tính riêng thế kỷ XX, thì việc một quốc gia “nhược tiểu” có thể đánh bại được hai siêu cường hàng đầu thế giới, cũng đã tốn không biết bao nhiêu giấy mực của giới nghiên cứu và truyền thông quốc tế. Những kỳ tích vĩ đại mà từ đó, dân tộc ta đã khảng khái định lại chủ quyền quốc gia và khắc hai chữ “Việt Nam” lên bản đồ lịch sử nhân loại như một biểu tượng của tinh thần yêu nước và khát vọng hòa bình. Đồng thời, đưa Việt Nam trở thành một “hình mẫu” có khả năng thôi thúc các quốc gia bị áp bức vùng lên tranh đấu, giành lại quyền tự quyết dân tộc.

Đó là sự thật lịch sử mà mỗi người dân sinh ra trên mảnh đất này đều có quyền tự hào. Song, đó không phải là tất cả, bởi ngày nay khi nhắc đến Việt Nam, thì hai từ “kỳ tích” và “hình mẫu” đang xuất hiện với tần suất dày, mang nội hàm và các giá trị rất mới. Đó là những kỳ tích trong phát triển kinh tế - xã hội, đã đưa Việt Nam trở thành hình mẫu về sự phục hồi và phát triển mạnh mẽ sau chiến tranh. Đồng thời, vị thế và uy tín quốc tế ngày càng cao, đã đưa Việt Nam trở thành một “nhân tố” đặc biệt, luôn được các nước lớn, các tổ chức và liên minh chính trị, kinh tế quan trọng hàng đầu trên thế giới cân nhắc đến, khi thực hiện các chính sách xoay trục sang khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Khởi nguồn của những kỳ tích được bắt đầu với cụm từ đã trở nên vô cùng quen thuộc với người dân Việt Nam: Đổi mới!

Để giành lại độc lập, cả dân tộc đã phải tiến hành 2 cuộc kháng chiến trường kỳ, gian khổ ngót 30 năm. Thế nhưng sau 10 năm (1975-1985) tiến hành công cuộc tái thiết, kinh tế - xã hội đất nước lại lâm vào cuộc khủng hoảng trầm trọng. Nguyên nhân gốc rễ được chỉ ra là tư tưởng chủ quan, duy ý chí, muốn đốt cháy giai đoạn, nhận thức giáo điều, ấu trĩ, say sưa với thắng lợi, không thấy hết những khó khăn của sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội... Những vấn đề tồn tại ấy đã làm hạn chế sự sáng tạo của Đảng và Nhân dân ta, khiến cho các nguồn lực tiềm tàng của đất nước không phát huy hiệu quả. Thực trạng ấy một lần nữa đặt dân tộc ta đứng trước câu hỏi khó của lịch sử: nỗ lực vượt lên hay phó mặc cho sự trì trệ, lạc hậu đè bẹp xuống? Để trả lời cho câu hỏi khó này đòi hỏi ý chí, bản lĩnh và trí tuệ của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Bước ngoặt lịch sử bắt đầu từ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI (tháng 12/1986) của Đảng. Trước đòi hỏi của thực tiễn đất nước và xu thế thời đại, đồng thời với tinh thần “nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật”, Đại hội VI đã đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước và khẳng định “quyết tâm đổi mới công tác lãnh đạo của Đảng theo tinh thần cách mạng và khoa học”. Thành công của đại hội đánh dấu một bước tiến lớn về nhận thức của Đảng trong quá trình xây dựng CNXH, mở ra một thời kỳ phát triển mới của cách mạng Việt Nam.

Đổi mới thực chất là một cuộc cách mạng, một quá trình đấu tranh cách mạng đầy khó khăn, thử thách, khó tránh khỏi những vấp váp, sai lầm. Do đó, đổi mới sẽ mang đến những thành tựu, nhưng đồng thời cũng sẽ có khuyết điểm, nên phải vừa làm vừa học, vừa rút kinh nghiệm để tìm ra con đường, biện pháp phù hợp với quy luật phát triển và thực tiễn đất nước. Có nhận định cho rằng, công cuộc đổi mới toàn diện đất nước được Đảng ta đề ra tại Đại hội VI, xét về phương diện văn hóa, thì vấn đề đầu tiên và cũng là cốt lõi nhất chính là xác định lại hệ giá trị phát triển. Trong đó, cơ bản nhất là giá trị con người, giá trị xã hội, giá trị lợi ích, giá trị pháp lý, giá trị đạo đức... của tất cả các chủ thể trong xã hội, phù hợp với đòi hỏi khách quan của sự phát triển trong giai đoạn mới. Đó là quá trình chuyển từ giá trị hệ thống chuyên chính vô sản sang hệ thống chính trị; từ Nhà nước chuyên chính vô sản sang xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; từ thể chế kinh tế tập trung quan liêu bao cấp sang thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN với nền kinh tế đa sở hữu, đa thành phần kinh tế; từ con người làm chủ tập thể sang đề cao quyền con người - quyền công dân; từ xã hội làm chủ tập thể sang xã hội pháp quyền, dân chủ...

Dựa trên hệ giá trị phát triển mới, công cuộc đổi mới đất nước do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, đã làm nên một cuộc đổi thay ngoạn mục. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, trình độ thấp, bị bao vây, cấm vận, Việt Nam đã trở thành nước đang phát triển, có thu nhập trung bình, hội nhập sâu, rộng vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại và đảm nhiệm nhiều trọng trách quốc tế. Độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ được giữ vững, lợi ích quốc gia dân tộc được bảo đảm... Những con số khẳng định kỳ tích phát triển của Việt Nam thể hiện qua quy mô nền kinh tế đã tăng 96 lần so với năm 1986 và lọt top 40 nền kinh tế hàng đầu. Quy mô thương mại top 20 quốc gia trên thế giới và là mắt xích quan trọng trong 16 hiệp định thương mại tự do (FTA) gắn kết 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực. Đặc biệt, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia/vùng lãnh thổ trên thế giới; có quan hệ đối tác chiến lược và đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có toàn bộ các thành viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và các nền kinh tế nhóm G7... Những thành tựu kinh tế là “bệ đỡ” để cải thiện rõ rệt đời sống của người dân. Đồng thời, với tiềm lực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, khoa học - công nghệ, quốc phòng - an ninh không ngừng nâng cao, Việt Nam đã tham gia đóng góp tích cực duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và thế giới.

Những kỳ tích đổi mới là thành quả của một quá trình nỗ lực, phấn đấu liên tục qua nhiều nhiệm kỳ của Đảng, phù hợp với thời đại và thực tiễn Việt Nam. Đồng thời, là thành quả của ý chí độc lập, tự chủ, tự cường, khát vọng xây dựng và phát triển đất nước của toàn Đảng, toàn dân ta suốt 40 năm qua. Như nhận định của PGS.TS Trần Quốc Toản, Ủy viên Hội đồng Lý luận Trung ương, thực tiễn trên thế giới cho thấy, không có quốc gia nào có thể phát triển mạnh và bền vững nếu thiếu (hoặc yếu) các giá trị về lòng tự hào - tự tôn - đồng thuận dân tộc. Bởi đây là giá trị kết nối ý chí và khát vọng của mọi chủ thể trong xã hội thành giá trị của dân tộc; kết nối các giá trị truyền thống của dân tộc với các giá trị của thời đại, đưa dân tộc vượt qua những khó khăn, thách thức để vươn lên.

Ngày nay, khi nhắc đến Việt Nam là nhắc đến một quốc gia có trách nhiệm đối với tương lai phát triển của nhân loại. Như phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm tại phiên họp Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 79 (diễn ra hồi tháng 9/2024): “Trong thế giới đang mạnh mẽ chuyển mình ngày nay, mỗi quốc gia đều đóng một vai trò quan trọng trong bản giao hưởng lớn của thời đại. Việt Nam đang ra sức phấn đấu, bứt tốc để có thể hiện thực hóa một tương lai hòa bình, ổn định, thịnh vượng và bền vững, không chỉ cho người dân Việt Nam, mà còn cho tất cả mọi quốc gia trên thế giới. Đó là tầm nhìn, là mục tiêu và cam kết mạnh mẽ của Việt Nam đối với cộng đồng quốc tế hôm nay và mai sau”. “Trong bản giao hưởng lớn của thời đại”, Việt Nam đang định hình hình ảnh và vị thế của “một quốc gia có trách nhiệm”. Điều này đã góp phần khẳng định uy tín và vị thế đang lên của Việt Nam trên trường quốc tế. Đồng thời, cũng là nền tảng rất căn bản, rất vững chắc để Việt Nam dám khao khát và dám nỗ lực cho kỷ nguyên ánh sáng - kỷ nguyên vươn mình mạnh mẽ để hiện thực hóa “giấc mơ hóa Rồng” cho dân tộc. Và niềm tin, kỳ vọng ấy đã và đang được khơi dậy và dẫn dắt bởi “Người cầm lái vĩ đại”: Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh!

Bài và ảnh: Lê Dung



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]