(Baothanhhoa.vn) - Bác Hồ - vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới. Tư tưởng của Người từ lâu đã trở thành nền tảng tinh thần của đất nước, di sản văn hóa phi vật thể quý báu mà toàn thể dân tộc nguyện đời đời tin tưởng, noi theo. Trong mỗi lĩnh vực, ở mỗi phương diện của đời sống xã hội đều có bóng dáng tư tưởng của Người soi đường, dẫn lối, tựa như “kim chỉ nam” hành động. Cả cuộc đời và sự nghiệp của Người vẫn mãi là đề tài bất tận cho những người cầm bút hôm nay. Trăn trở, suy tư, đắm mình trong mạch nguồn cảm hứng đó, mỗi nhà báo, văn nghệ sĩ xứ Thanh luôn ấp ủ trong lòng khát khao có thể viết được tác phẩm hay, có ý nghĩa, xứng tầm với tư tưởng và nhân cách cao đẹp Hồ Chí Minh.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Viết về Bác bằng cả tấm lòng

Bác Hồ - vị cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam, danh nhân văn hóa thế giới. Tư tưởng của Người từ lâu đã trở thành nền tảng tinh thần của đất nước, di sản văn hóa phi vật thể quý báu mà toàn thể dân tộc nguyện đời đời tin tưởng, noi theo. Trong mỗi lĩnh vực, ở mỗi phương diện của đời sống xã hội đều có bóng dáng tư tưởng của Người soi đường, dẫn lối, tựa như “kim chỉ nam” hành động. Cả cuộc đời và sự nghiệp của Người vẫn mãi là đề tài bất tận cho những người cầm bút hôm nay. Trăn trở, suy tư, đắm mình trong mạch nguồn cảm hứng đó, mỗi nhà báo, văn nghệ sĩ xứ Thanh luôn ấp ủ trong lòng khát khao có thể viết được tác phẩm hay, có ý nghĩa, xứng tầm với tư tưởng và nhân cách cao đẹp Hồ Chí Minh.

Viết về Bác bằng cả tấm lòng

Tập truyện ngắn Bình Minh Xanh của nhà văn Hà Thị Cẩm Anh – một trong những tác phẩm được đánh giá cao tại cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2016-2018.

Viết từ những điều bình dị, gần gũi nhất

Có thể thấy rất rõ từ kết quả của các cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong nhiều năm qua: Đó là sự đa dạng, phong phú trong hình thức biểu đạt và sự sinh động, thiết thực trong nội dung tác phẩm. Viết về Bác nhưng không giáo điều, khiên cưỡng mà xuất phát từ những điều bình dị, gần gũi nhất được chắt lọc trong hơi thở của cuộc sống. Các tác giả khi sáng tác đã chủ động “bứt” ra khỏi những “khuôn mẫu” cứng nhắc, nhàm chán để tích cực thể hiện mình thông qua trải nghiệm, đúc rút từ thực tiễn. Từ đó, bằng tài năng và cảm quan chính trị của mình, các tác giả có sự tham chiếu thực tiễn cuộc sống với tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh nhằm tìm ra điểm nhìn, cách tiếp cận vấn đề mới mẻ, tinh tế, không lặp lại người khác và cũng không lặp lại chính mình qua từng tác phẩm.

Đây là những yếu tố quan trọng làm nên thành công của các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí được đánh giá có chất lượng tốt tại cuộc vận động sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2016 - 2018. Các sáng tác văn học, nghệ thuật tiêu biểu: Phóng sự “Người gieo hạt giống đỏ nơi cổng trời” của tác giả Lê Hải Chuyền; tác phẩm âm nhạc “Rừng Thông nhớ Bác” của tác giả Duy Cẩn; tập truyện ngắn “Bình minh xanh” của nhà văn Hà Thị Cẩm Anh... Các tác phẩm báo chí tiêu biểu: “Thanh Hóa xây dựng các danh hiệu kiểu mẫu” của nhóm tác giả Minh Hiếu – Thu Vui; “Ngọc sáng vùng cao” của tác giả Linh Nga; “Thanh Hóa làm theo lời Bác” của Việt Linh - Lê Hà; phóng sự truyền hình “Núi rừng quê Thanh vọng mãi lời Người” của nhóm tác giả Đăng Hùng - Hà Hồng - Quang Phú; phim tài liệu “Ân tình xứ Thanh” của nhóm tác giả Mai Ngọc – Quang Hòa; “Chung một quyết tâm” của tác giả Đỗ Xuân Đức; “Khắc ghi lời dạy của Bác, Yên Định quyết tâm xây dựng huyện kiểu mẫu” của tác giả Kông Quang... Ẩn hiện trong từng câu chuyện về tập thể, cá nhân tiêu biểu trong các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí là tinh thần và cốt cách Hồ Chí Minh vĩ đại, là nền tảng tư tưởng của Người quyện vào bóng dáng quần chúng nhân dân một cách gần gũi, sinh động và chân thực nhất.

Lan tỏa và thiết thực

Thực hiện Kế hoạch số 150-KH/TU ngày 3-6-2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969- 2019) và 50 năm Ngày mất của Người (2-9-1969 - 2-9-2019); Kế hoạch số 154-KH/BTGTU ngày 10-6-2019 của Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy về tổ chức đợt cao điểm sáng tác, quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật và báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, đội ngũ văn nghệ sĩ, nhà báo xứ Thanh tích cực hưởng ứng, sôi nổi tham gia.

Hội Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa đã triển khai nhiệm vụ đến các trưởng ban; trưởng ban trực tiếp chỉ đạo, lập kế hoạch cho các ban viên do mình phụ trách đi thâm nhập thực tế ở những vùng trọng điểm kinh tế, văn hóa, du lịch, tiêu biểu trong phong trào xây dựng nông thôn mới... Tính đến thời điểm hiện tại, một số ban thuộc hội như: Mỹ thuật, nhiếp ảnh, văn xuôi, thơ, lý luận – phê bình, âm nhạc đã hoàn thành chuyến đi thực tế sáng tác và có khoảng gần 100 tác phẩm gửi về hội. Trong thời gian tới, ban âm nhạc sẽ tổ chức chuyến đi về các huyện: Tĩnh Gia, Hoằng Hóa, Nông Cống, Như Thanh với mục đích công bố, quảng bá các tác phẩm do các thành viên của ban sáng tác, lấy nguồn cảm hứng từ các chuyến thâm nhập thực tế vừa qua.

Hội Nhà báo tỉnh đã hướng dẫn các cơ quan báo chí, bao gồm: Báo Thanh Hóa, Đài Phát Thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Văn hóa và Đời Sống, Tạp chí Xứ Thanh... triển khai, phát động đến đội ngũ phóng viên tích cực tham gia hưởng ứng đợt cao điểm sáng tác, quảng bá. Các cơ quan này đã duy trì thường xuyên chuyên mục, bài viết trên các số thường kỳ, hằng tuần, hằng tháng, phụ trương để đăng tải tin, bài, phóng sự về những cá nhân, tập thể có những việc làm hay, cách làm hiệu quả, phát huy tinh thần học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo nên sức lan tỏa rộng rãi đến quần chúng nhân dân.

“Viết về Bác”, “Học tập và làm theo Bác” đã thực sự trở thành mục tiêu phấn đấu, nỗi niềm trăn trở, đau đáu khôn nguôi. Với tư cách là người cầm bút và “tập hợp những người cầm bút”, nhà lý luận – phê bình văn học Thy Lan – Tổng Biên tập Tạp chí Xứ Thanh tâm sự: “Di chúc của Người với tôi cũng như là một “áng văn chương bất hủ”. Từng câu chữ có sức cô đúc và lan tỏa. Chúng ta học Bác là làm theo lời Bác dặn. Học Bác ở mọi nơi, từ tâm hồn đến trí tuệ. Học Bác từ sự lễ độ, vô tư, bác ái, đến sự khiêm nhường. Học bác sự thích nghi nhạy bén để hội nhập mà vẫn không làm mất đi gốc rễ, cội nguồn văn hóa dân tộc mình...”. Chính bởi vậy, để kết quả của cuộc vận động có thể đi vào thực tiễn, đội ngũ những người cầm bút phải nhận thức đúng về công việc và sứ mệnh của mình. Các tác phẩm viết về Bác phải hay, điển hình. Và điều đặc biệt quan trọng, nó phải được “thai nghén” từ trong chính những rung cảm trong tâm hồn và trải nghiệm thực tiễn hoặc thấm ngấm lịch sử dân tộc của người viết. Nếu viết về những tấm gương học tập và làm theo lời Bác thì phải lựa chọn người có tâm, có những việc làm có sức lan tỏa. Khi viết hãy quan tâm nhiều hơn đến những chi tiết nhỏ mà làm nên cái lớn lao, đi vào cụ thể mà nêu cái chung mang tính định hướng chứ đừng nên viết chung chung...

“Không bao giờ Bác tạo ra cho người khác cảm giác bị đè xuống dưới cái bóng của mình” – đó chính là điều đã chạm đến cảm xúc, thôi thúc Tố Hữu viết nên những vần thơ chân thành về Bác trong tác phẩm “Sáng tháng Năm”:

“Ta bên Người, Người tỏa sáng trong ta

Ta bỗng lớn bên Người một chút”.

Vì lẽ đó, suy cho cùng, viết về Bác là mỗi người chúng ta đang dâng trọn tất cả tấm lòng kính yêu, trân trọng dành cho vị cha già của dân tộc mà gửi gắm trong từng con chữ.

Hương Thảo



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]