(Baothanhhoa.vn) - Với tư cách là yếu tố quan trọng bậc nhất của văn hóa, văn học đã và đang tiếp lửa cho nội lực cá tính sáng tạo, vì thế mà nó ảnh hưởng rất sâu sắc tới sự phát triển của nền báo chí mỗi dân tộc và đặc biệt là ở Việt Nam. “Văn trong báo” tồn tại và phát triển như một lẽ tất nhiên để bảo tồn phát huy những giá trị vốn có mà báo chí đem lại cho cuộc sống “vị nhân sinh” này, đặc biệt góp phần trong sự nghiệp chung của toàn Đảng, toàn dân “Xây dựng văn hóa, con người Việt Nam hôm nay đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Văn trong báo - tiếp lửa cho nội lực cá tính sáng tạo

Với tư cách là yếu tố quan trọng bậc nhất của văn hóa, văn học đã và đang tiếp lửa cho nội lực cá tính sáng tạo, vì thế mà nó ảnh hưởng rất sâu sắc tới sự phát triển của nền báo chí mỗi dân tộc và đặc biệt là ở Việt Nam. “Văn trong báo” tồn tại và phát triển như một lẽ tất nhiên để bảo tồn phát huy những giá trị vốn có mà báo chí đem lại cho cuộc sống “vị nhân sinh” này, đặc biệt góp phần trong sự nghiệp chung của toàn Đảng, toàn dân “Xây dựng văn hóa, con người Việt Nam hôm nay đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững của đất nước”.

Vẫn biết sự tồn tại của một tờ báo trước hết là ở phần tin tức. Chức năng chuyên biệt của báo chí là chức năng thông tấn. Có thể nói tờ báo cần tin như cơ thể cần máu, đặc biệt trong thời đại kinh tế tri thức, sự bùng nổ thông tin càng trở nên dữ dội nhưng những tin bài mang đậm sắc thái văn hóa, nghệ thuật cũng vô cùng quan trọng với cuộc sống đương đại. Xã hội càng phát triển nhu cầu về thẩm mỹ càng cao nhằm giải tỏa bớt những áp lực cuộc sống. “Văn trong báo” góp thêm hiệu quả cho báo chí, nhất là thuyết phục công chúng, độc giả hơn nhờ tính thẩm mỹ và tính nhân văn.

Như chúng ta đã biết, văn học và báo chí hiện đại ra đời trong cùng một điều kiện văn hóa, lịch sử, cùng sử dụng chữ quốc ngữ làm phương tiện, cùng chung đội ngũ những người cầm bút, cùng phục vụ một kiểu công chúng xưa nay vốn trọng văn chương nên hai loại hình này đã sớm xuất hiện một mối giao thoa sâu đậm. Mối quan hệ tác động qua lại của báo chí và văn học có tính chất song phương, ảnh hưởng đa chiều. Mặc dù không thể phủ nhận vai trò hết sức to lớn của báo chí với văn học hiện đại nhưng là một trong những loại hình nghệ thuật ra đời sớm, sự tác động văn chương với báo chí theo chiều thuận mạnh mẽ và sâu sắc.

Ở nước ta, khi nền báo chí còn non trẻ thì văn học đã có bề dày lịch sử lâu đời và những thành tựu to lớn, như một lẽ tự nhiên, văn học trở thành dòng sữa mẹ trong lành nuôi dưỡng báo chí không ngừng trưởng thành và phát triển. Một thực tế rất rõ là quá trình làm báo đã giúp người nghệ sĩ kích thích nguồn cảm hứng sáng tạo. Còn cái mềm mại, uyển chuyển, chiều sâu văn hóa lại giúp họ phản ánh những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống không chỉ dừng ở cái chân, cái thiện của báo chí mà đã có một sự biểu đạt tối ưu thông qua cái mỹ của văn chương, nhờ thế mà sức mạnh của mỗi tác phẩm báo chí có thể được nhân lên gấp bội.

Ngày nay, không chỉ có “văn trên báo” mà còn có nhiều “văn trong báo”. Sự kết hợp này tinh tế và hiệu quả. Báo và văn xuyên thấm vào nhau để tạo cho mỗi thể loại một chất lượng mới. Nếu báo trong văn làm cho văn chương trở nên hiện đại ở tốc độ; con mắt sự kiện sẽ giúp cho nhà văn bám sát cuộc sống, làm cho văn học có tính cập nhật, làm cho văn chương sắc sảo hơn, linh hoạt hơn, bút lực của nhà văn cũng sẽ tăng lên. Ngược lại văn trong báo giúp nhà báo nhìn nhận vấn đề cuộc sống có chiều sâu văn hóa, nhờ thế mà tăng cường tính nhân văn, làm cho tác phẩm báo chí có thể vượt qua số phận một bài báo. Nhờ hút nhụy văn chương mà báo chí có sức sống bền lâu trong lòng bạn đọc: Bản án chế độ thực dân Pháp (Nguyễn Ái Quốc), Kỹ nghệ lấy Tây, Cơm thầy cơm cô (Vũ Trọng Phụng), Tùy bút sông Đà (Nguyễn Tuân)... hay như sau này tác phẩm “Mãi mãi tuổi hai mươi” - nhật ký của liệt sĩ Nguyễn Văn Thạc do Đặng Vương Hưng sưu tầm và giới thiệu... sở dĩ sống mãi cùng năm tháng vì nó thấm đẫm chất văn chương.

Văn trong báo như mạch nước ngầm xuyên thấm làm mềm đi mảnh đất khô cứng. Chẳng hạn nhà báo Trần Đăng khi viết ký sự Trận phố Ràng, ông miêu tả một đêm đánh trận với bóng đêm bao phủ bằng ngôn ngữ đậm chất văn: “Một đêm không trăng không sao bắt đầu bưng lấy mắt, những lối đi lại, liên lạc trong cỏ lau, bụi rậm, bực dọc vô cùng”. Cùng với “Trong rừng Yên Thế” đây là những ký sự được bạn đọc quan tâm, nhắc nhớ nhiều bởi nó vẫn chuyển tải được thông tin mà mềm mại, có hồn. Bên cạnh đó là Ký sự Cao Lạng của Nguyễn Huy Tưởng, Trận Thanh Hương của Nguyễn Khắc Thứ... đã ghi lại chân thật những diễn biến phức tạp của các chiến dịch, các trận đánh trong kháng chiến chống Pháp nhưng cũng tạo hấp dẫn bởi cá tính riêng của người viết.

Giá trị đích thực luôn có sức sống lâu dài. Các tác phẩm báo chí của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhà báo Hữu Thọ, Thép Mới, Hoàng Tùng, Lưu Trung Kỳ, Phan Quang... có ảnh hưởng sâu rộng và lâu dài là các tác phẩm báo đậm chất văn chương. Không chỉ trong tác phẩm báo chí mà ngay cả việc trả lời đối thoại với cách lập luận để thuyết phục của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã khiến cho nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phải nể: “Quân đội Nhân dân Việt Nam ở cả miền Bắc và miền Nam, như Chủ tịch Hồ Chí Minh nói là một quân đội anh hùng của một dân tộc anh hùng, có tinh thần quyết chiến rất cao, thông minh và sáng tạo. Còn vị tướng dù có công lao lớn đến đâu cũng chỉ là giọt nước trong biển cả. Chỉ có nhân dân Việt Nam là người đánh thắng Mỹ. Các ngài gọi tôi là vị tướng thần thoại, nhưng tôi tự nghĩ tôi bình đẳng với những người lính của mình” (Cuộc đối thoại lịch sử: “Tướng Giáp và nguyên Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ”). “Giọt nước trong biển cả” là cách nói ví von của văn chương đã làm cuộc đối thoại hấp dẫn mà sắc về quan điểm của Người. Chính sự khiêm tốn mà thấm đẫm nhân văn đó đã khiến cho nhân dân thế giới, Việt Nam trân trọng. Trả lời của Đại tướng được các cơ quan thông tấn báo chí truyền đi sâu rộng và có tiếng vang lớn và lưu giữ về một tư tưởng, một nhân cách cao đẹp của vị tướng tài ba.

Trong nghiệp báo phải nhắc đến tên tuổi của nhà báo Thép Mới. Ông là một nhà báo lớn, chuyên viết ký. Chủ yếu là ông sử dụng loại bút ký chính luận rất tài hoa. Như trong Hồi ký “Nhân dân ta rất anh hùng” - (Nxb Văn học, 1960) đã phản ánh chân thật, sinh động khí thế hào hùng của toàn dân tộc ta nhất tề vùng dậy làm nên thắng lợi của cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại. “Rồi xe chúng tôi lại rong ruổi trên con đường thẳng tắp, đẹp vô cùng của miền Nam Trung bộ, con đường có núi, có biển và có ánh nắng trong vắt... Trên cả một dải non sông dài dằng dặc, ở đâu cũng là một sức trỗi dậy mau lẹ phi thường. Chúng tôi đến đâu là ở đấy cũng đã giành được chính quyền rồi, đi đến đâu cũng là thấy cờ ta bay đằng trước mặt. Tiếng hô khẩu hiệu âm vang bên tai, bằng mọi giọng đường ngoài, đường trong mà cùng một dũng khí. Dường như có cả một luồng điện, cực kỳ mạnh đã truyền đi, làm cả nước cùng dấy lên, cùng chuyển động. Luồng điện Tháng Tám ấy là sức quật khởi sẵn có của một dân tộc anh hùng”. Những trang hồi ký đậm chất văn ấy với “con đường có núi, có biển, có ánh nắng trong vắt” và “luồng điện Tháng Tám ấy là sức quật khởi sẵn có của một dân tộc anh hùng”... là những miêu tả ví von làm mềm đi cuộc kháng chiến, làm mạnh thêm khí thế dân tộc ta lúc bấy giờ. Hay trong tùy bút “Tre Việt Nam”, nhà báo Thép Mới cũng để lại ấn tượng và sức lan tỏa trong mọi tầng lớp nhân dân: “Tre giữ làng, giữ nước, giữ mái lều tranh, giữ đồng lúa chín. Tre hy sinh để bảo vệ con người. Tre, anh hùng lao động! Tre, anh hùng chiến đấu!”. Cây tre - trở thành biểu tượng cho sức sống con người Việt Nam, cho chủ nghĩa anh hùng cách mạng với cách lập luận thuyết phục. Với những hình ảnh gợi cảm và thuyết phục nhờ vào tài điều khiển con chữ nên tác phẩm đạt được thành công cả nội dung và nghệ thuật.

Còn rất nhiều những tên tuổi, những tác phẩm: Chúng tôi ở Cồn Cỏ của Hồ Phương; Sóng Hòn Mê của Hoàng Văn Bổn; Ngôi sao trên đỉnh Phu Văn Lâu của Hoàng Phủ Ngọc Tường; Miền đất lửa của Nguyễn Sinh, Vũ Tường Lân; Tháng ba ở Tây Nguyên của Nguyễn Khải... là những dòng cảm xúc về hiện thực nhưng rất lãng mạn về một thời chống Mỹ. Bút ký “Đây là tiếng nói Việt Nam” của Lưu Quý Kỳ viết sau khi Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc năm 1972, được dịch và phát thanh bằng tiếng Nhật và nhiều tiếng trên thế giới làm lay động lòng người. Nhà báo Phan Quang khẳng định: “Viết một bài ký mà tạo nên cả một tác động dây chuyền như vậy, chỉ một việc ấy thôi, tôi nghĩ cũng đủ là một vinh dự, một phần thưởng xứng đáng cho cả cuộc đời cầm bút”. Sự cộng hưởng của văn và báo đã tạo nên dấu ấn của cá tính người viết và sức lan tỏa của tác phẩm. Là một nhà báo, nhà văn thiên về chính trị, thế nhưng đọc kỹ, giữa ngọn lửa cách mạng rực cháy, ẩn sâu trong các bài viết của ông vẫn chứa chất cái lãng mạn của một người nghệ sĩ với “ngôn ngữ chọn lọc, gợi cảm”. Mạnh mẽ trong cách viết của một nhà báo chính luận nhưng xuyên thấm cái lãng mạn của một nhà văn. Bởi vậy khi ông mất, nhà văn nhà báo Lưu Quý Kỳ được Ban Tổng thư ký Hội Nhà báo Quốc tế ghi nhận: “Mất nhà báo Lưu Quý Kỳ, phong trào báo chí dân chủ quốc tế mất một trong những người đại diện đáng kính nhất”.

Nhà báo Hữu Thọ là tấm gương của người làm báo. Lúc sinh thời trong cương vị nhà báo, ông đưa ra nhiều quan điểm rất sắc bén về báo chí: “Vai trò của truyền thông hiện nay cực kỳ quan trọng. Khen ai, chê ai, phải có sự chọn lựa kỹ càng. Khen thì đừng có thổi phồng, chê cũng đừng đẩy người ta xuống bùn đen”; “Tôi không biết viết thế nào để thành công vì mỗi bài báo là một sự thử thách, nhưng tôi chắc chắn bài báo sẽ thất bại nếu làm vừa lòng mọi người (Đề từ sách Người hay cãi); “Khi trong lòng còn hồ nghi thì ngòi bút nên do dự” (trả lời phỏng vấn báo điện tử Vietnam net); “Làm báo trung thực, công bằng, đúng mực thì sẽ được tin cậy; sự tin cậy của xã hội là phần thưởng cao quý nhất đối với người làm báo” (Trong cuốn sách “Mắt sáng, lòng trong, bút sắc”)... tất cả là kinh nghiệm một đời làm báo của ông và yếu tố “văn trong báo” cũng đã được ông phát huy để làm nên hồn phách của những trang báo của mình. Các tác phẩm của ông còn sống trong lòng bạn đọc như: Cô gái thôn Bạt, Theo bước chân đổi mới, Những ngày chưa xa, Người hay cãi, Mắt sáng, lòng trong, bút sắc...

Ngày nay văn học vẫn luôn là một phần không thể thiếu của tất cả các loại hình báo chí. Các tờ báo văn học nghệ thuật như Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), Văn nghệ Công an, Diễn đàn văn nghệ Việt Nam, Tạp chí văn nghệ quân đội, Tạp chí Hội Nhà văn, Tạp chí văn nghệ các địa phương... đương nhiên lấy văn làm gốc. Nhưng còn các tờ báo lớn như Nhân dân, Lao động, Sài Gòn giải phóng... cũng sử dụng văn như một phần không thể thiếu. Ngay cả các báo ngành, báo Đảng... cũng xem trọng các chuyên mục văn chương như: Phụ nữ, Công luận, Giáo dục và thời đại... Kể cả các báo tưởng như chẳng liên quan gì đến văn chương như: Toán học và Tuổi trẻ, Thế giới vi tính, Tài chính... cũng sử dụng rất nhiều văn trong báo. Nhất là các số báo xuân, các ngày lễ trọng in ấn những tác phẩm thơ, truyện, ký, tiểu thuyết, câu đối, tản văn... được bạn đọc hồ hởi đón đợi, số lượng phát hành tăng. Có thể nói, văn học thổi vào báo chí cái hồn, cái sắc để bớt đi tính khô khan, thông tấn và tiếp lửa thêm cho người cầm bút cá tính sáng tạo, niềm đam mê và khát vọng. Đúng như ông Trần Đăng Tuấn (Đài Truyền hình Việt Nam) khẳng định: “Khi người ta yêu thích và đọc, văn chương sẽ ngấm vào người. Nó để lại dấu ấn cho cách nhìn sự vật, cách nhìn công việc: Từ viết đến nói đến cách làm các công việc trong lĩnh vực nghe nhìn”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh “viết báo không chỉ cần phản ánh đúng mà phải phản ánh hay”. Sau này Hữu Thỉnh (Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) lại khẳng định: “Đạt đến cái mới nhưng chưa hay, đạt được cái hay thì luôn luôn mới”. Như vậy hay đồng nghĩa với hấp dẫn, mới mẻ. Hấp dẫn bởi bút pháp, ngôn từ, hấp dẫn bởi chất văn, một thứ văn của báo. Thời đại báo chí khuôn mẫu công nghiệp đang có phần lên ngôi, người đọc dễ bị rập khuôn, máy móc. Văn hợp với báo sẽ mang lại sự nhuần nhị, có cá tính, có hồn quê hương, bản sắc dân tộc. Như vậy báo chí sẽ không chỉ chuyển tải thông tin mà còn bồi dưỡng mỹ cảm cho công chúng bạn đọc.

Thy Lan



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

1 bình luận

 Lê Văn Sự - 14:43 29/06/19

 Trả lời

Bài viết hay lập luận chứng minh rõ ràng, khúc triết có sức thuyết phục người đọc. Xin chúc mừng Thy Lan.

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]