(Baothanhhoa.vn) - Hơn nửa thế kỷ tồn tại, kinh đô Vạn Lại – Yên Trường đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của một “kinh đô kháng chiến”, nơi có vị trí hiểm yếu chiến lược mang tính phòng thủ để củng cố lực lượng. Đồng thời, đây cũng là nơi các triều vua thời Lê - Mạc xây dựng và thực thi các thiết chế để điều hành đất nước.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Vạn Lại – Yên Trường: Giá trị lịch sử của “kinh đô kháng chiến”

Hơn nửa thế kỷ tồn tại, kinh đô Vạn Lại – Yên Trường đã hoàn thành sứ mệnh lịch sử của một “kinh đô kháng chiến”, nơi có vị trí hiểm yếu chiến lược mang tính phòng thủ để củng cố lực lượng. Đồng thời, đây cũng là nơi các triều vua thời Lê - Mạc xây dựng và thực thi các thiết chế để điều hành đất nước.

Vạn Lại – Yên Trường: Giá trị lịch sử của “kinh đô kháng chiến”

Hội thảo khoa học Kinh đô Vạn Lại – Yên Trường trong lịch sử vương triều Lê.

Những năm cuối thế kỷ XV, đầu thế kỷ XVI, cuộc nội chiến kéo dài hơn 60 năm giữa tập đoàn phong kiến Lê - Trịnh và nhà Mạc đã khiến cho đời sống Nhân dân vô cùng cực khổ. Sau khi Mạc Đăng Dung tiếm ngôi nhà Lê (năm 1527), nhà Mạc đã lùng sục khắp nơi nhằm tiêu diệt con cháu nhà Lê và quan lại trung thành với nhà Lê. Giữa bối cảnh đó, năm Quý Tỵ 1533, Chiêu Huân công Nguyễn Kim (người Bái Trang, huyện Tống Sơn, nay là huyện Hà Trung, tỉnh Thanh Hóa) đã tìm được Lê Ninh (một người con của vua Lê Chiêu tông) liền rước về rồi lập làm vua (Lê Trang tông, niên hiệu Nguyên Hòa). Đến năm Ất Tỵ 1545, Thái sư Hưng quốc công Nguyễn Kim mất, toàn bộ binh quyền giao lại cho Trịnh Kiểm (con rể Nguyễn Kim). Năm Bính Ngọ 1546, Trịnh Kiểm cho lập hành điện vua Lê ở Vạn Lại (nay là xã Thuận Minh, huyện Thọ Xuân, tỉnh Thanh Hóa); đồng thời, lấy Vạn Lại – Yên Trường xây dựng kinh đô, nhằm khẳng định quyền thống trị của vua Lê và nêu cao ngọn cờ phù Lê chống Mạc để quy tụ muôn dân.

Dựa theo thư tịch, tài liệu cổ, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, Vạn Lại là vùng đất cổ, từ thời Lý - Trần trở về trước thuộc huyện Lương Giang; đến đầu đời vua Lê Thái tổ đổi thành huyện Ứng Thụy; năm 1469 đời vua Lê Thánh tông lấy lại tên cũ là Lương Giang, thuộc phủ Thiệu Thiên; đời vua Lê Uy Mục đổi thành huyện Thụy Nguyên; cuối triều Nguyễn, Vạn Lại thuộc huyện Thiệu Hóa. Ngày nay, Vạn Lại thuộc xã Thuận Minh, huyện Thọ Xuân. Sách địa lý cuối đời Lê, đầu đời Nguyễn có đoạn chép: Đất Vạn Lại cao vút, đó là cảnh do thiên nhiên tạo ra. Hình sông thế núi ở đây rất đẹp, mạch núi này chạy từ Ai Lao sang. Bên trong giống hình con dơi, có đàn chim phượng đang khoe vẻ đẹp thể hiện phúc lành, lại có cả những con rồng đang hướng nhìn mặt trăng, phong cảnh còn đẹp hơn cả cửa Phật tổ. Còn nhìn bên ngoài thấy hình thể cao sâu thăm thẳm, ở giữa mọc lên những đỉnh núi nhấp nhô, chẳng khác nào muôn trùng vùng núi đất yên lành, kết thành hình xoắn ốc, đồi núi cao chín tầng mây, ngôi báu sẽ được lưu truyền muôn đời”.

Yên Trường cũng là vùng đất cổ. Cũng như Vạn lại, đời Lý - Trần, Yên Trường thuộc huyện Lương Giang. Đây là vùng bán sơn địa, tạo thế liên hoàn với vùng đất Vạn Lại. Dưới góc độ phong thủy, các nhà nghiên cứu đã chỉ ra, Vạn Lại ở thế cao hơn nên là thế dựa, thế Huyền vũ của Yên Trường; còn Yên Trường ở thế thấp hơn, nhưng thoáng, rộng, tạo ra thế “minh đường tích thủy”. Từ đó, tạo cho kinh thành Vạn Lại – Yên Trường thế đứng vững chắc. Vì vậy, dù nhà Mạc mở nhiều cuộc tiến công vào Vạn Lại – Yên Trường, song chưa lần nào đặt chân vào được vùng hiểm địa linh thiêng này. Cũng dựa theo hình thế đó, Thái sư Trịnh Kiểm đã tấu trình vua Lê cho mở rộng kinh thành Vạn Lại đến Yên Trường và cho lập phủ chúa tại đây. Từ đó “Yên Trường là cung miếu của phủ chúa, gọi là Nghi Kinh; khoảng 200 năm cùng với Biện Thượng, Sóc Sơn đều là chỗ rất quan trọng”.

Do nhiều biến động lịch sử nên trong khoảng 50 năm, việc di dời kinh đô qua lại giữa Vạn Lại và Yên Trường đã diễn ra nhiều lần. Sách Thanh Hóa tỉnh chí chép: “Xét sử nhà Lê năm Nguyên Hòa thứ 11, Trang tông từ Ai Lao tiến quân lấy Tây Đô. Năm thứ 10 vốn dựng hành điện ở sách Vạn Lại. Khoảng năm Thuận Bình thời vua Trung tông dời hành tại đến Yên Trường, trải qua hơn 20 năm vì sau mấy phen bị họ Mạc xâm lược. Vua Lê tuy lui về Vạn Lại nhưng chúa Trịnh lại xây dựng phủ khố ở Yên Trường, gọi là Nghi Kinh – nơi chứa quân lương của nhà Lê – Trịnh. Bởi vì thời bấy giờ, nơi ấy (Yên Trường) làm chỗ căn bản lâu dài tới 60 năm, rồi sau mới thắng được họ Mạc và tiến về đóng đô ở Thăng Long. Còn như thành Tây Đô và hành điện Vạn Lại tuy hoang phế nhưng mà cung phủ ở Yên Trường vẫn còn... Phủ ấy trải trên 200 năm, họ Trịnh đời đời đặt quan giám phủ, đến mãi Tây Sơn mới để tàn phá”.

Có thể nói, Vạn Lại là đất căn bản vững chắc, gắn với sự nghiệp trung hưng nhà Lê. Còn Yên Trường giữ vị trí chiến lược quan trọng trong bảo vệ kinh đô Vạn Lại từ xa. Nhà nghiên cứu Vũ Văn Phái (Trường Đại học Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), nhận định: “Kinh đô Vạn Lại – Yên Trường – nơi các triều vua thời Lê – Mạc xây dựng và thực thi các thiết chế để điều hành đất nước, là một thủ đô thời chiến có vị trí hiểm yếu chiến lược mang tính chất phòng thủ để củng cố lực lượng, nhưng không bị cô lập như kinh đô Hoa Lư. Kinh đô Vạn Lại - Yên Trường đã hoàn thành sứ mệnh của mình sau gần nửa thế kỷ của thời kỳ Nam – Bắc triều Lê – Mạc, để thống nhất đất nước Đại Việt. Với vai trò và sứ mệnh như vậy, có thể ví kinh đô Vạn Lại – Yên Trường giống như Chiến khu Việt Bắc trong kháng chiến chống Pháp”. Song, trải qua thời gian với nhiều biến cố lịch sử và sự tàn phá của thiên tai, con người, kinh đô Vạn Lại - Yên Trường hầu như đã bị hủy hoại. Điều này đã khiến cho việc tìm kiếm các tài liệu về di tích gặp nhiều khó khăn; đồng thời, nhận thức của hậu thế về di tích cũng rất hạn chế. Do vậy, việc quan tâm đầu tư nghiên cứu và từng bước trùng tu, tôn tạo di tích giàu ý nghĩa và giá trị lịch sử này sao cho xứng tầm “kinh đô kháng chiến”, là vấn đề đang được đặt ra cho giới khoa học, các cấp, các ngành và chính quyền địa phương.

(Bài viết có sử dụng một số tư liệu trong cuốn “Kinh đô Vạn Lại – Yên Trường” - Ban Tuyên giáo Huyện ủy Thọ Xuân).

Bài và ảnh: Trần Giang


Bài và ảnh: Trần Giang

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]