(Baothanhhoa.vn) - Tạo dựng thương hiệu du lịch Thanh Hóa - với tư cách một điểm đến an toàn, thân thiện và văn minh - là quá trình luôn có sự đồng hành của yếu tố văn hóa du lịch. Văn minh, hiểu đơn giản nhất là lối ứng xử tôn trọng bản thân và tôn trọng mọi người; còn văn hóa, trước hết phải là lối ứng xử đúng mực, thái độ thân thiện, tinh thần tận tụy. Muốn vậy, mỗi người dân, mỗi người làm du lịch phải như là một hướng dẫn viên du lịch!

Tin liên quan

Đọc nhiều

Văn hóa du lịch: Bắt đầu từ ý thức mỗi người

Tạo dựng thương hiệu du lịch Thanh Hóa - với tư cách một điểm đến an toàn, thân thiện và văn minh - là quá trình luôn có sự đồng hành của yếu tố văn hóa du lịch. Văn minh, hiểu đơn giản nhất là lối ứng xử tôn trọng bản thân và tôn trọng mọi người; còn văn hóa, trước hết phải là lối ứng xử đúng mực, thái độ thân thiện, tinh thần tận tụy. Muốn vậy, mỗi người dân, mỗi người làm du lịch phải như là một hướng dẫn viên du lịch!

Giao tiếp, ứng xử thân thiện, lịch sự là một trong những yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ nhân viên du lịch.

Cũng như nhiều địa phương trong cả nước, nhất là những tỉnh, thành phát triển mạnh về du lịch, luôn chú trọng tạo dựng một môi trường du lịch lành mạnh; những năm gần đây, tỉnh Thanh Hóa đang nỗ lực để xây dựng thương hiệu du lịch xứ Thanh với tư cách một điểm đến an toàn, thân thiện và văn minh. Theo đó, tình trạng ăn xin, bán hàng rong tại các khu, điểm du lịch từng bước được đẩy lùi; giá hàng hóa, dịch vụ được niêm yết công khai và thực hiện bán đúng giá niêm yết; thiết lập lại trật tự tại các khu dịch vụ, các điểm trông giữ xe, bảo đảm không gian thông thoáng, thuận tiện cho khách du lịch tham quan và nghỉ dưỡng... Riêng đối với đô thị du lịch Sầm Sơn, cách đây chừng dăm năm, một chiến dịch “làm sạch” môi trường du lịch đã được triển khai quyết liệt, với các hình thức như lắp đặt các cụm với gần 90 loa truyền thanh phục vụ công tác thông tin, tuyên truyền du lịch; duy trì hoạt động các số điện thoại đường dây nóng để kịp thời nắm bắt thông tin và giúp du khách giải quyết mọi vấn đề liên quan đến quyền lợi, an toàn tính mạng và tài sản; các tệ nạn xã hội như trộm cắp, cướp giật, ma túy, mại dâm được lực lượng công an địa phương ngăn chặn và xử lý; hiện tượng “chặt chém”, bắt chẹt du khách được kiểm soát... Từ đó, góp phần tạo dựng hình ảnh du lịch Sầm Sơn – du lịch Thanh Hóa thân thiện trong mắt du khách.

Có ý kiến cho rằng, con số hàng triệu du khách và hàng nghìn tỷ đồng doanh thu từ du lịch mỗi năm, không chỉ là kết quả của hàng loạt các chính sách vĩ mô, những dự án đầu tư, những công trình lớn về hạ tầng kỹ thuật...; mà còn từ sự nỗ lực tưởng chừng nhỏ bé nhất trong tất cả các khâu. Và, một trong số đó là sự tận tình, chu đáo, kỹ năng chuyên nghiệp của các cán bộ, nhân viên du lịch; cùng sự văn minh, thân thiện thể hiện qua cử chỉ, ánh mắt, nụ cười của mỗi người dân. Hay, hiểu một cách nôm na nhất, để tạo dựng được môi trường du lịch văn minh - văn hóa, bên cạnh những chính sách, biện pháp mang tính hành chính, răn đe của ngành chức năng và chính quyền địa phương; thì điểm mấu chốt phải bắt đầu từ nhận thức và ý thức của mỗi người. Muốn vậy, không cách nào khác là phải xây dựng được những kỹ năng thực hành du lịch lành mạnh. Kỹ năng ấy bắt đầu từ những điều đơn giản nhất như câu “xin cảm ơn”, “xin chào”, “xin lỗi”, “xin mời” nơi cửa miệng; là nụ cười mến khách luôn thường trực; là thái độ trung thực, khiêm tốn; là lối ứng xử, giao tiếp lịch sự nhã nhặn của mỗi nhân viên du lịch, mỗi người dân. Đồng thời, những kỹ năng này cần được thực hành kiên trì, thường xuyên, trong mọi hoàn cảnh, với mọi đối tượng du khách, để dần hoàn thiện tới mức trở thành thói quen, thành lối ứng xử tự nhiên trong mỗi người.

Du lịch, về bản chất, là một quá trình xoay quanh và nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của du khách. Song, nếu chỉ coi khách du lịch như là khách hàng đơn thuần để phục vụ và thu tiền, thì du lịch mới làm được 1/2 chức năng của nó. Bởi, như có ý kiến đã khẳng định, du lịch là một yếu tố của lòng khoan dung và hòa bình; hay du lịch tạo ra sự liên kết các nền văn hóa, trên cơ sở hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau. Ý nghĩa tích cực và tốt đẹp mà du lịch có thể mang lại này, chắc chắn không thể chỉ dựa vào những chính sách vĩ mô về du lịch của một quốc gia hay một địa phương, mà còn dựa trên quá trình giao lưu, tương tác, hiểu biết giữa người với người, mà cụ thể và trực tiếp nhất là giữa cư dân bản địa với du khách, giữa nhân viên du lịch với khách du lịch. Muốn đạt đến cấp độ cao ấy, không cách nào khác là phải coi du khách như là khách quý và người làm du lịch phải là vị chủ nhà hiếu khách; phải mang đến cho du khách những trải nghiệm quý giá, thông qua những sản phẩm, dịch vụ được tạo dựng và thực hành bằng thái độ chuyên nghiệp, lòng yêu nghề, yêu người. Nhờ đó mà giá trị và niềm vui cuộc sống của chính chúng ta – những người làm du lịch và cộng đồng dân cư - và của cả du khách cũng sẽ được nhân lên.

Với mục tiêu tạo dựng môi trường du lịch lành mạnh, thân thiện và hấp dẫn, tháng 3-2017, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ban hành Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch. Bộ quy tắc bao gồm các quy định mang tính chuẩn mực, nhằm định hướng hành vi, thái độ, thói quen, cách thức ứng xử văn minh của các tổ chức, cá nhân khi tham gia các hoạt động du lịch, cộng đồng dân cư tại các điểm du lịch, khách du lịch là người Việt Nam đi du lịch trong và ngoài nước, người nước ngoài đi du lịch Việt Nam. Trong đó, đối với cộng đồng dân cư, nhất là cộng đồng nơi có các điểm du lịch trọng điểm, các quy tắc ứng xử được quy định khá chi tiết. Chẳng hạn, cộng đồng dân cư cần lịch sự, thân thiện, nói lời hay, cử chỉ đẹp; nhiệt tình chỉ dẫn, giúp đỡ du khách khi có yêu cầu; xếp hàng theo thứ tự, không chen lấn, xô đẩy khi sử dụng các dịch vụ hoặc tham gia các hoạt động nơi công cộng; tôn trọng, giúp đỡ, ưu tiên và nhường đường cho khách du lịch; có ý thức, trách nhiệm bảo vệ cảnh quan và môi trường; giữ gìn bản sắc văn hóa cộng đồng; không chèo kéo, đeo bám du khách; không có lời nói, cử chỉ, hành vi thô tục, thiếu văn hóa, khiếm nhã, kỳ thị, phân biệt đối xử với du khách; không xả rác, khạc nhổ, đi vệ sinh bừa bãi, hút thuốc lá ở nơi không được phép; không bán các sản phẩm từ động, thực vật hoang dã cho khách du lịch...

Ngoài ra, Bộ quy tắc ứng xử văn minh du lịch cũng đề ra những quy định cụ thể, rõ ràng đối với các đối tượng như cơ sở kinh doanh dịch vụ nhà hàng, lưu trú, vận chuyển, lữ hành, điểm mua sắm, điểm tham quan và đội ngũ hướng dẫn viên du lịch... Trong đó, đề cao cách ứng xử đúng mực, thân thiện, trách nhiệm và tôn trọng khách du lịch. Tuân thủ pháp luật, chú trọng các yếu tố chuyên nghiệp, thương hiệu và chất lượng trong kinh doanh, nhằm cung cấp các hàng hóa, dịch vụ uy tín, bảo đảm đúng số lượng và chất lượng cho du khách. Đề cao du lịch có trách nhiệm, bảo vệ môi trường tự nhiên và văn hóa cho du lịch bền vững. Cầu thị, lắng nghe góp ý từ khách hàng và chân thành trong phục vụ khách. Có trách nhiệm với du khách, không để khách chờ đợi quá lâu khi xảy ra sự cố và nếu có sự cố phải “giải thích”, “xin lỗi” và mong được sự “thông cảm” từ phía du khách...

Quy tắc ứng xử văn minh trong du lịch là đặc biệt cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Vấn đề còn lại là làm thế nào để hiện thực hóa các quy định ấy vào thực tiễn và biến các quy định trở thành lối ứng xử, hành xử vừa chuẩn mực, vừa tự nhiên. Có như vậy, cái nan đề “văn hóa du lịch” mới mong có được bước chuyển căn bản.


Bài và ảnh: Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]