(Baothanhhoa.vn) - Với sự cho phép của Luật Di sản văn hóa ban hành năm 2001, thị trường cổ vật được công khai hoạt động. Cổ vật được chính thức nhìn nhận dưới góc độ một loại tài sản, loại hàng hóa đặc biệt không chỉ có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học mà còn có khả năng đem lại lợi ích kinh tế cho các chủ sở hữu.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Sưu tầm, mua bán cổ vật: Thật – giả khó lường

Với sự cho phép của Luật Di sản văn hóa ban hành năm 2001, thị trường cổ vật được công khai hoạt động. Cổ vật được chính thức nhìn nhận dưới góc độ một loại tài sản, loại hàng hóa đặc biệt không chỉ có giá trị về lịch sử, văn hóa, khoa học mà còn có khả năng đem lại lợi ích kinh tế cho các chủ sở hữu.

Sưu tầm, mua bán cổ vật: Thật – giả khó lường

Ông Bùi Quang Long (TP Sầm Sơn) đang sở hữu nhiều món đồ cổ có giá trị sau gần 15 năm bén duyên với nghề.

Thị trường đồ cổ: Tràn lan cổ vật giả

Trên cơ sở những quy định thông thoáng, cởi mở của pháp luật di sản văn hóa hiện hành, thị trường cổ vật nước ta đã “khởi động”. Song, thực tế cho thấy tính lành mạnh và sự vận hành quy củ, trật tự của nó vẫn chưa được đảm bảo, trong đó có sự đánh tráo giữa đồ giả cổ, đồ nhái với cổ vật thật trên thị trường nhằm mang lại nguồn thu bất chính cho nhiều “con buôn”.

Chúng ta đều biết, đồ cổ được làm ra từ hàng trăm năm về trước, càng lâu đời sẽ càng quý, những món đồ được làm từ chất liệu độc đáo, đơn chiếc sẽ càng quý giá hơn. Do đồ cổ là thứ hàng xưa và có giá trị cao nên nhiều người đã tìm mọi cách để tạo ra những món đồ giả cổ. Theo tìm hiểu, được biết, đồ giả cổ, đồ nhái được sản xuất ở trong nước (Bát Tràng, Hà Nội, Nam Định, Huế, Đà Nẵng...) và nhập về từ nước ngoài (Campuchia, Thái Lan, Trung Quốc...). Bên cạnh việc tranh thủ khai thác kỹ năng tinh xảo của các nghệ nhân trong việc làm đồ nhái cổ “trông như thật”, giới buôn bán cổ vật còn tìm mọi cách để trà trộn cổ vật với đồ mỹ nghệ, “đánh đồng” đồ cổ với đồ giả cổ. Dạng thứ nhất là đồ cổ được làm mới nhằm đánh lừa cơ quan kiểm tra Nhà nước bằng cách đánh bóng, làm vệ sinh sạch sẽ, vá víu những chỗ bể. Dạng thứ hai là đồ mới giả làm đồ cổ để đánh lừa khách hàng thông qua mánh khóa: Ngâm xác trà cho đồ gốm, ngâm axit cho đồ đồng, bôi hắc ín, đất cát cho đồ đá, ngâm nước, bỏ vào tổ mối, phơi nắng mưa hàng tháng trời cho đồ gỗ... Công phu hơn, họ còn lấy mẫu trong catalogue rồi mang sang Trung Quốc, Thái Lan... đặt hàng, khi làm xong lấy bản vẽ mang về, hàng chỉ chọn một đến hai cái đẹp nhất, hủy bỏ tất cả những cái còn lại, tạo thành vật độc nhất vô nhị, kích thích mốt sưu tầm những món độc bản của các nhà sưu tập. Với những mánh khóe này, đồ giả cổ ngày càng xuất hiện nhiều trên thị trường khiến nhiều người đam mê cổ vật và có mong muốn sưu tầm cổ vật chân chính bị “dính bẫy lừa” khi mua phải hàng giả cổ nhưng giống y như thật này.

Một nhà sưu tầm đồ cổ tại xã Thiệu Lý (Thiệu Hóa), cho biết: Cách đây 6 năm, ông từng lặn lội vào đến TP Hồ Chí Minh và mua về một chiếc bình gốm cổ thời Lý với giá 13 triệu đồng vì ông tự tin vào khả năng thẩm định đồ cổ của mình sau gần 20 năm bén duyên với công việc này. Ông đã rất vui mừng vì nghĩ rằng mình đã được sở hữu một món đồ cổ với giá “hời”. Tuy nhiên, sau một lần mang chiếc bình đến “giao lưu” với những người bạn có chung đam mê, ông tá hỏa khi nhiều người sành về cổ vật khẳng định như đinh đóng cột rằng, chiếc bình ông đang sở hữu chỉ là đồ giả cổ. “Khi mua, tôi đã thận trọng tìm đến nơi bán, săm soi thật kỹ từ các nốt gỉ sắt, nước men đến vết tạp chất của chiếc bình mà vẫn mua phải hàng giả. Đến nay, đó vẫn là bài học đắt giá cho tôi trong hành trình tìm kiếm những mặt hàng quý hiếm này”- ông nói.

Cũng giống như nhiều loại hàng hóa khác, hoạt động mua bán đồ cổ có thể được giao dịch trực tiếp hoặc qua mạng internet. Nhiều nhà sưu tầm đồ cổ cho biết, từ khi thị trường hàng hóa trên mạng internet phát triển rầm rộ, họ ít bị mua phải đồ giả cổ, bởi vì khi rao bán công khai, món hàng được nhiều người am hiểu về đồ cổ thẩm định nên người bán khó “nói thách” và dùng các mánh khóe để đánh lừa người mua. Tuy nhiên, việc mua, bán trực tuyến mặt hàng cổ tiềm ẩn nhiều rủi ro nên không nhiều người lựa chọn hình thức giao dịch này.

“Học phí” và những kinh nghiệm xương máu

Bỏ ra hàng chục, hàng trăm triệu đồng để mua một món đồ giả cổ hay sở hữu một cổ vật giả nhiều năm nhưng vẫn đinh ninh là hàng quý hiếm... là “học phí” đắt giá cho những người nhiều tiền lắm của hoặc đam mê cổ vật nhưng lại thiếu kiến thức về thú chơi này.

Ông Bùi Quang Long (TP Sầm Sơn), một người có gần 15 năm kinh nghiệm với cổ vật chia sẻ: “Môn học nào cũng có người giỏi người kém, người có năng khiếu người không. Không thể lấy kinh nghiệm của người này áp dụng cho người khác và riêng đối với thú chơi này, rất khó để “bày vẽ” nhau cách mua. Cốt yếu là mỗi người tự học, tự chơi, tự rút kinh nghiệm cho bản thân mình. Càng chơi lâu năm, người chơi sẽ càng hạn chế rủi ro khi mua bán”. Cũng theo chia sẻ của ông Long, ông cũng từng rất nhiều lần mất “học phí” cho môn học này, nhất là giai đoạn đầu, khi mới “chân ướt chân ráo” bước vào hành trình săn tìm cổ vật.

Hay như trường hợp anh Thịnh, trú tại xã Vạn Thắng (Nông Cống) cũng từng mất rất nhiều “học phí” để đổi lấy kinh nghiệm thẩm định đồ cổ. Là người trẻ tuổi, thời gian tìm hiểu đồ cổ chưa nhiều, anh Thịnh thường lân la mua đồ trên mạng. Một lần, thấy một người ở Phú Thọ rao bán bình gốm Vạn Ninh rất đẹp. Chiếc bình này anh đã tìm từ lâu nên mới gặp là mê ngay, lại thêm người bán mô tả chi tiết về thực trạng khiến anh tin “sái cổ”. Mua về rồi, anh ngắm mãi, ngắm chán chê thì rủ bạn bè đến chiêm ngưỡng. Có lẽ nhờ ngắm kỹ quá mà anh phát hiện ra trên miệng bình hằn mờ mờ một vệt của dấu hiệu bình vỡ đã được trám lại. Lúc anh phát hiện ra thì cũng chỉ biết “ngậm bồ hòn làm ngọt” bởi “tiền trao cháo múc” rồi.

Còn rất nhiều câu chuyện mua phải hàng giả mà nâng niu như hàng thật được truyền tụng trong giới cổ vật. Từ những kinh nghiệm xương máu đó, câu cửa miệng mà người chơi thường tự an ủi nhau, đó là “xem như bỏ tiền ngu để mua kiến thức”. Cũng có những người mua phải đồ giả nhưng vì sĩ diện không chia sẻ với ai. Đây cũng là một trong những nguyên do để cổ vật giả vẫn có đất sống.

Nhiều nhà sưu tầm đồ cổ cho rằng, không một ai trong nghề dám khẳng định rằng, mình chưa từng phải trả một khoản “học phí” trong quá trình mua đi, bán lại. Bởi bây giờ, hàng giả cổ được chế tác tinh vi, nếu vội vàng, thiếu kiến thức và không quan sát kỹ thì người sưu tầm cổ vật rất dễ bị “dính bẫy lừa”. Chưa kể đến việc, đồ cổ là món hàng đặc biệt, đã mua thì không được trả lại, không phiếu bảo hành... Vì vậy, không ít người đã phải mất một khoản tiền kha khá để mang về những món hàng không có giá trị.

Hiện nay, thật khó đoán định chính xác số lượng, chủng loại đồ giả cổ đã và đang lưu hành trên thị trường, khó có thể thống kê số đồ giả cổ được coi như bảo vật đã được sưu tầm trong các gia đình hay đang trôi nổi trên thương trường trong và ngoài nước. Chỉ biết rằng, sản xuất và kinh doanh đồ giả cổ, dù công khai hay ngấm ngầm thì từ lâu đã thành nghề và trở thành nghiệp sống còn của không ít người. Cũng vì thế, đồ cổ giả xuất hiện ngày càng nhiều trên thị trường. Đến với cuộc chơi này, người mua phải luôn trong tâm thế tỉnh táo, thận trọng, đồng thời phải thường xuyên học hỏi kinh nghiệm từ các bạn “đồng môn”, từ sách vở để hạn chế việc mua phải những món đồ không có giá trị.

Bài và ảnh: Lê Tình



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]