(Baothanhhoa.vn) - Xứ Thanh – một miền di sản! Dường như mỗi ngọn núi, dòng sông, ẩn hiện trong bóng dáng làng, bản đều lắng đọng trầm tích lịch sử - văn hóa. Theo thời gian, những khối trầm tích ấy góp phần dệt nên độc đáo di tích, rộn ràng lễ hội...

Rộn ràng lễ hội...

Xứ Thanh – một miền di sản! Dường như mỗi ngọn núi, dòng sông, ẩn hiện trong bóng dáng làng, bản đều lắng đọng trầm tích lịch sử - văn hóa. Theo thời gian, những khối trầm tích ấy góp phần dệt nên độc đáo di tích, rộn ràng lễ hội...

Rộn ràng lễ hội...Người dân rước lễ lên đền thờ tướng quân Tư Mã Hai Đào trong ngày diễn ra Lễ hội Mường Xia (Quan Sơn).

Đầu xuân năm mới bước sang giêng, hai có lẽ là khoảng thời gian xứ Thanh nói riêng, cả nước nói chung rộn ràng không khí lễ hội nhất. Mùa xuân - mùa của sinh sôi và phát triển, là điểm khởi đầu của một năm, vì lẽ đó, lòng người bao giờ cũng chộn rộn, xốn xang với các hoạt động du xuân, trẩy hội. Vọng từ miền non cao đến vùng đồng bằng, ven biển, đâu đâu cũng thành kính dâng lên các đấng thần linh ước vọng mùa xuân...

Nơi đại ngàn bao la, ghé thăm những bản, làng đều đều nhịp sống, nếp nhà sàn ẩn mình trong sương sớm, hạt lúa nương vươn mình góp mùa vui để cùng hòa vào rộn ràng lễ hội: Lễ hội Gầu Tào (Mường Lát) của đồng bào Mông, Lễ hội nàng Han (Thường Xuân), lễ hội Mường Xia (Quan Sơn) của đồng bào Thái, Lễ khai hạ của đồng bào Mường (Cẩm Thủy), vui hội Pồn Pôông... Ngược miền non cao, trong không gian lễ hội, du khách say men rượu cần, ấm lòng cơm lam thơm dẻo, thích thú rau đắng, măng rừng, mới lạ sản vật địa phương...

Tìm về vùng đất Châu Thường những ngày xuân nồng, du khách vui trẩy hội nàng Han. Nàng Han là người con gái Thái xinh đẹp, thông minh, tài nghệ hơn người của mường Trịnh Vạn (nay là xã Vạn Xuân). Ngày bản mường bị giặc đến càn phá, nàng Han không quản hiểm nguy, quyết giả trai, gia nhập đội quân đánh giặc, lập nhiều công trạng nên được tin tưởng giao phó nhiệm vụ trấn ải nơi này. Trong một lần đến tắm bên suối, nàng Han bất ngờ gặp tàn binh của giặc. Khi phát hiện ra vị tướng oai phong trên chiến trường lại là một người con gái, lũ giặc giở trò trêu ghẹo. Phần vì căm phẫn, phần vì hổ thẹn, nàng Han vung gươm tiêu diệt hết lũ giặc rồi cùng ngựa chiến thác hóa về trời. Bao đời nay, con sông Nhồng vẫn chảy trôi một dòng thủy chung bên hang Mường; phía trong hang Mường có nhũ đá hình thiếu nữ đang ngồi nghỉ sức, kế bên là voi, ngựa đá đang chầu. Người dân nơi đây tin rằng, đó là nàng Han thác hóa mà thành. Cảm phục trước tài năng, khí phách cùng công lao to lớn của nàng Han đối với bản mường, vào dịp mùng 5 tháng Giêng âm lịch, người dân Lùm Nưa, Vạn Xuân lại tưng bừng tổ chức lễ hội nàng Han. Lễ hội là kết tinh nét đẹp truyền thống văn hóa Thái trên đất Vạn Xuân, phần lễ được tổ chức trong hang Mường với các nghi thức độc đáo; phần hội diễn ra với các trò chơi, trò diễn dân gian như: ném còn, nhảy sạp, hát múa quanh cây hoa...

Mã giang xuôi dòng, tự lúc là “con ngựa bất kham” nơi thượng nguồn đến khi êm đềm qua TP Thanh Hóa mang theo phù sa màu mỡ mà vun xanh bờ bãi, bồi đắp nên xóm làng, lắng đọng những vỉa tầng lịch sử - văn hóa. Trên hành trình ấy, Nguyệt Viên (xã Hoằng Quang, TP Thanh Hóa) nổi danh làng khoa bảng, nơi có 18 vị đại khoa được đời đời cháu con chăm chút khói hương trong nghè, dân gian ca tụng: “Nguyệt Viên mười tám ông nghè/ Ông cưỡi ngựa tía, ông che tán vàng”. Nghè Nguyệt Viên cũng là nơi thờ phụng nữ Thành hoàng của làng. Cho đến nay, không ai còn nhớ húy danh của vị Thành hoàng làng này là gì nhưng bài vị thì ghi rõ: Chương vĩ dực bảo trung hưng thượng đẳng thần. Tuy nhiên, người dân làng Nguyệt Viên đều tin rằng: Thành hoàng làng Nguyệt Viên là công chúa Mai Hoa - con gái vua, bởi báo đáp ân tình mà phù hộ cho dân làng học hành tiến bộ, làm ăn phát đạt.

Rộn ràng lễ hội...Lễ hội nghè Nguyệt Viên thu hút đông đảo người dân tham gia. Ảnh: Thảo Linh

Nghè Nguyệt Viên tọa lạc trên khu đất rộng, bằng phẳng, thoáng đãng. Sách Địa chí Văn hóa Hoằng Hóa miêu tả chi tiết: Nghè có kiến trúc 1 gian 2 chái, cấu trúc vì kèo khá đặc biệt. Những người xây dựng đã nâng cao và mở rộng giá chiêng ở trên câu đầu thành một hệ thống gần như một tầng thứ 2 nhưng không có sàn mà tạo cho không gian thêm phần rộng rãi, thoáng đãng. Phía ngoài mái cũng tạo thành 2 lớp, giữa hai lớp có thêm cổ diêm cao với nhiều cửa sổ con. Loại kiến trúc hai lớp mái này gọi là “trùng diêm”, được xuất hiện từ cuối thế kỷ XVIII và đến công trình này hoàn chỉnh hơn. Đó là những giá trị mà nghè Nguyệt Viên đóng góp vào lịch sử kiến trúc. Dẫu trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, dưới tác động thời gian, nghè vẫn giữ được nhiều nét kiến trúc cổ, hiện vật cổ. Các hoa văn, họa tiết trang trí đẹp mắt, chủ đề xoay quanh tứ linh quen thuộc. Không quy mô, bề thế nhưng nghè Nguyệt Viên vẫn được đánh giá cao cả về kiến trúc, mạch nguồn lịch sử - văn hóa thẳm sâu. Nghè Nguyệt Viên “có những sáng tạo trong việc xây dựng lối nhà “trùng diêm” để làm cho không gian được rộng rãi, thoáng đãng. Về trang trí ở đây có những tác phẩm xứng đáng được lựa chọn đưa vào lịch sử nghệ thuật vì tiêu biểu cho nghệ thuật đầu thế kỷ XIX”.

Tại nghè Nguyệt Viên, hằng năm, vào ngày 10-2 âm lịch, đông đảo người dân tựu về tham dự lễ hội truyền thống. Sau phần rước kiệu là nghi thức tế lễ nữ quan được diễn ra trang trọng, uy linh. Phần hội sôi nổi với các trò chơi, trò diễn dân gian như: Tú Huần, kéo co... Nhiều nơi ở xứ Thanh có trò Tú Huần, theo sách “Lễ tục, lễ hội truyền thống xứ Thanh” của nhóm tác giả Lê Huy Trâm, Hoàng Anh Nhân (2001) thì có tới 17 xã còn bảo lưu trò diễn này, chưa kể trong mỗi xã còn có nhiều làng, nhiều thôn cũng diễn trò Tú Huần. Về với làng Nguyệt Viên, đắm mình trong không gian lễ hội nơi đây, người xem vẫn không khỏi háo hức, say mê bởi từng động tác múa khéo léo, uyển chuyển hòa trong tiếng trống, tiếng sênh, mõ rộn ràng. Những “linh hồn” của điệu múa Tú Huần ấy không phải là những nghệ sĩ chuyên nghiệp. Họ là những hạt nhân văn nghệ quần chúng được tuyển chọn từ làng, đôi bàn tay thạo việc đồng áng, đôi chân quen chạy chợ nay tạm gác lại mọi bộn bề, lo toan để vui hội.

Dọc dài đất biển quê Thanh, lễ hội là một phần không thể thiếu. Nghề ngư lắm gian truân, nhiều bất trắc nên một phần ước vọng, mong cầu, bao thế hệ người dân nơi đây gửi gắm vào đấng thần linh. Với quy mô và những nét văn hóa đặc sắc, ý nghĩa, Lễ hội Cầu ngư (xã Ngư Lộc, Hậu Lộc) đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc sắc nhất trong chuỗi các hoạt động diễn ra trong Lễ hội Cầu ngư trên đất biển Ngư Lộc là rước Long Châu. Được tạo hình như chiếc thuyền rồng lộng lẫy, Long Châu mang theo lễ vật – tấm lòng thành của Nhân dân trong vùng gửi tới thần linh cùng những ước vọng về một năm thuận hòa mưa gió, ra khơi vào lộng bình an, tôm cá đầy khoang... Đoàn rước Long Châu càng đi càng thu hút đông đảo người dân tham gia, trải dài bên cánh sóng. Lễ rước Long Châu nhuốm một vùng biển trời trong sắc màu tâm linh, khi Long Châu được hóa trước biển cũng là lúc lễ hội kết thúc.

Lễ hội quê Thanh, điểm mặt gọi tên cho đủ đã thấy rộn ràng thanh âm, rực rỡ sắc màu, thăm thẳm chiều sâu lịch sử - văn hóa, lắng đọng hồn cốt quê hương... Ở đó, các thế hệ cháu con của bản, làng vừa là chủ nhân, “linh hồn” vừa là những người đóng góp quan trọng trong việc bảo tồn, phát huy giá trị lễ hội.

Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]