(Baothanhhoa.vn) - Đã là người nghệ sĩ thì cho dù là vai diễn nào cũng phải làm tròn vai của mình” - đó là lời tâm sự của Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Kim Cúc, diễn viên đoàn kịch - Nhà hát Ca Múa Kịch Lam Sơn. Hóa thân vào rất nhiều vai diễn, như: cô gái thanh niên xung phong, nữ chiến sĩ công an, cô kỹ sư trẻ, người vợ, người mẹ..., NSƯT Kim Cúc luôn “cháy hết mình” trên sân khấu, để làm tròn sứ mệnh của người nghệ sĩ là “đưa ánh sáng vào trái tim con người”.

Tin liên quan

Đọc nhiều

NSƯT Kim Cúc: Sứ mệnh của người nghệ sĩ là “đưa ánh sáng vào trái tim con người”

Đã là người nghệ sĩ thì cho dù là vai diễn nào cũng phải làm tròn vai của mình” - đó là lời tâm sự của Nghệ sĩ Ưu tú (NSƯT) Kim Cúc, diễn viên đoàn kịch - Nhà hát Ca Múa Kịch Lam Sơn. Hóa thân vào rất nhiều vai diễn, như: cô gái thanh niên xung phong, nữ chiến sĩ công an, cô kỹ sư trẻ, người vợ, người mẹ..., NSƯT Kim Cúc luôn “cháy hết mình” trên sân khấu, để làm tròn sứ mệnh của người nghệ sĩ là “đưa ánh sáng vào trái tim con người”.

NSƯT Kim Cúc: Sứ mệnh của người nghệ sĩ là “đưa ánh sáng vào trái tim con người”

Nghệ sĩ Ưu tú Kim Cúc đóng vai Liên trong vở “Những thiên thần ra trận”.

NSƯT Kim Cúc đến với sân khấu kịch cũng là cơ duyên, theo lẽ tự nhiên như hoa hướng dương hướng về mặt trời. Một lần, chị chỉ đi cùng để động viên người bạn gái thi tuyển vào đoàn kịch. Lúc đầu ngồi xem, chị thấy kịch rất hay và nghĩ mình cũng có thể diễn được. Vậy là chị đăng ký diễn thử, không ngờ sau buổi thi đầu tiên ấy, chị vui mừng nhận được giấy báo đã được lọt vào vòng sơ tuyển. Lúc ấy, chị mới khoảng 16 tuổi, đang là học sinh lớp 10, cái tuổi ấp ủ bao nhiêu ước mơ, dự định. Đến vòng chung khảo, chị không may bị đau chân nên không thể đi thi được. Tuy nhiên, trước đó chị lại rất thích múa và xiếc, không nghĩ mình lại có thể diễn kịch. Thêm một chút phân vân, cộng với đau chân không đi lại được, vì thế phải mất một năm sau đó khi có đợt thi tuyển tiếp theo, chị mới tham gia. Được gia đình và các cô chú nghệ sĩ đi trước động viên, khích lệ, năm 1991 chị đã trúng tuyển vào Khoa Kịch nói (lớp K5) Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Thanh Hóa và giành được học bổng. Năm 1992-1993, do học tập tốt nên chị được nhà trường rút lên học và ra trường cùng lớp K4. Đáng ra phải học 3 năm, nhưng chị chỉ hoàn thành khóa học có 2 năm. Năm 1994 chị ra trường, về công tác tại Nhà hát Ca Múa Kịch Lam Sơn cho đến nay.

Các vai diễn đầu tiên và cũng là vai nữ chính mà chị đảm nhận là vai Mari trong vở “Người đàn bà trả hận”, vai Thủy trong vở “Hai nửa chuyện tình”. Tiếp đó, chị đóng vai Liên trong vở “Những thiên thần ra trận”. Với vai diễn này, chị đã giành Huy chương Vàng tại hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc tại Hà Nội, năm 1995. Có thể nói, đây là vai diễn đã để lại dấu ấn sâu đậm đối với cuộc đời người nghệ sĩ trẻ như chị khi mới bước chân vào nghề. Trong vở “Những thiên thần ra trận”, chị hóa thân vào nhân vật Liên với hai lớp diễn: Khi còn là cô thanh niên độ tuổi mười tám, đôi mươi hừng hực khí thế xung phong ra trận và khi đã là một cựu thanh niên xung phong cao tuổi bị thương tật hồi ức về những năm tháng chiến đấu đã qua. Vai diễn này cũng làm cho chị nhớ nhất, bởi khi mới về đoàn kịch, được giao vai diễn chính, chị đã cố gắng hết sức để làm tròn vai diễn của mình. Tuy còn những khó khăn, rào cản như: về tuổi đời còn trẻ nên chưa nếm trải nhiều, chưa có nhiều kinh nghiệm diễn xuất, phải mất thời gian nghiên cứu, phân tích nội tâm, tính cách, tâm lý nhân vật..., cùng với sự tận tình giúp đỡ của các thế hệ đi trước, của đồng nghiệp, gia đình, chị đã vượt qua tất cả để hóa thân vào vai diễn. Sau hội diễn, chị không ngờ mình lại giành được Huy chương Vàng. Chính điều này đã chứng tỏ, chị sinh ra để dành cho kịch và kịch cần có những lớp diễn viên trẻ tâm huyết như chị.

Nhưng, sau ánh hào quang chói lòa ấy, chị không tự bằng lòng với chính bản thân mình, mà luôn cố gắng để phát huy tài năng hơn nữa. Năm 2001, chị giành Huy chương Bạc tại hội diễn sân khấu miền duyên hải ở Nam Định, với vai Phương trong vở “Những mảnh đời run rẩy”. Năm 2003, tại hội diễn sân khấu khu vực Bắc Trung bộ tại Đà Nẵng, chị đã giành Huy chương Vàng vai Liên trong vở “Người trong cát”. Ở vai diễn này, chị đóng cô kỹ sư trẻ với đầy tình yêu, trách nhiệm với quê hương. Quê hương cô là một vùng ven biển chuyên nuôi trồng thủy sản. Nhưng với cách làm của bà con thì hiệu quả kinh tế không cao. Cô đã mang kiến thức, công nghệ mới về áp dụng, hướng dẫn cho bà con. Tuy nhiên, cô đã gặp phải một số đối tượng luôn tìm mọi cách chống phá không cho làm. Nhưng với bản lĩnh, quyết tâm và được sự tin tưởng, ủng hộ của bà con Nhân dân, cuối cùng dự án thủy sản đã được triển khai thực hiện thành công và đem lại hiệu quả kinh tế cho địa phương, làm thay đổi diện mạo của một vùng quê nghèo.

Sau hai “vai diễn vàng”, chị được nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua của ngành, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao tặng giai đoạn 2000-2005. Chị cũng được chọn là 1 trong 15 gương mặt thanh niên tiêu biểu của tỉnh giai đoạn 2001-2006. Đặc biệt, năm 2012, chị vinh dự được nhận danh hiệu NSƯT khi mới 37 tuổi. Có lẽ, trong đội ngũ văn nghệ sĩ tỉnh Thanh, chị là một trong số ít những diễn viên trẻ tuổi sớm được công nhận danh hiệu NSƯT.

Không dừng lại ở thành công ấy, chị tiếp tục tham gia các vai diễn và đều giành được thành tích cao, như: Huy chương Bạc vai đại úy Hoàng Lan trong vở “Những mảnh đời run rẩy” tại hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc do Thanh Hóa đăng cai năm 2015; Huy chương Bạc vai Na - vợ chiến sĩ công an trong vở “Thầm lặng những chiến công” tại hội diễn sân khấu ngành công an năm 2020; Huy chương Bạc vai Thắm - tiểu đội trưởng trong vở “Hồn trinh nữ”... Những vai diễn sau này, chị khiêm tốn không đảm nhận vai chính mà chỉ đóng vai thứ (vai phụ), nhằm tạo điều kiện cho các diễn viên trẻ có cơ hội tham gia diễn xuất vào vai chính và để có được thành tích tốt khi xét danh hiệu. Không chỉ diễn xuất, chị còn tham gia vào ban chuyên môn của đoàn kịch, đào tạo, giúp đỡ nhiều lứa diễn viên trẻ khi mới vào nghề.

Năm 2021, mặc dù ngành văn hóa gặp rất nhiều khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19, song anh chị em nghệ sĩ của Nhà hát Ca Múa Kịch Lam Sơn luôn nỗ lực tìm cách hoạt động. NSƯT Kim Cúc cũng hy vọng, với những nỗ lực của bản thân cũng như của anh chị em trong đoàn, sẽ mang đến thành công lớn cho vở kịch khi tham gia hội diễn sân khấu kịch toàn quốc tại Hải Phòng, vào trung tuần tháng 11 tới.

Không chỉ làm tròn vai diễn của mình trên sân khấu, ở ngoài đời, NSƯT Kim Cúc còn là một người vợ, người mẹ chu toàn công việc gia đình. Bởi như chị chia sẻ: “Khởi đầu con đường nghệ thuật, mình đã hy sinh khá nhiều thời gian cho sự nghiệp. Khi ấy, con cái còn quá nhỏ, hai vợ chồng phải mang con đi diễn cùng, không khác một cái nhà di động. Khi con biết đi, biết chạy, mình lại gửi về quê nhờ người trông nom rồi cả hai vợ chồng lại tiếp tục đi diễn. Có đợt hai vợ chồng đi diễn liên tục 3 tháng, con cái ở nhà đau ốm, chỉ biết gọi điện về động viên con, thương con khóc hết nước mắt nhưng ra sân khấu vẫn phải tươi cười diễn xuất như không có chuyện gì... Thật hạnh phúc, vì song song với thời gian biểu diễn, bây giờ mình đã có nhiều thời gian dành cho gia đình hơn”.

Cuộc đời người nghệ sĩ là vậy, sau ánh hào quang sân khấu có rất nhiều hy sinh, mất mát không nói thành lời. Không chỉ để thỏa niềm đam mê được diễn, mà đối với NSƯT Kim Cúc còn là giữ cho sân khấu luôn sáng đèn và để bộ môn nghệ thuật truyền thống này không có nguy cơ bị mai một.

Bài và ảnh: Ngọc Anh


Bài và ảnh: Ngọc Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]