(Baothanhhoa.vn) - Mỗi người đều “mang lấy nghiệp vào thân”, cái nghiệp của tôi là nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Để làm trọn cái nghiệp ấy, hay nói cách khác, để thực hiện cái mệnh ấy, tôi đã phải lần mò khá lâu và nhiều khi đã phải đi vào những chặng đường ngoắt ngoéo. Ngày nay, đến buổi chiều tà của cuộc đời, nhìn lại chặng đường mình đã qua trong nửa thế kỷ này, từ khi mới bước chân vào đời, tôi nhận thấy đúng rằng người ta “có biết tôi cũng chỉ nhờ lịch sử dân tộc mà có buộc tội tôi cũng chỉ ở lịch sử dân tộc”. Lời bộc bạch ấy như cánh cửa đã hé mở con đường thăm thẳm để bạn đọc nhiều thế hệ đi sâu tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của học giả Đào Duy Anh.

Như chim Tinh Vệ giữa địa hạt lịch sử - văn hóa

Mỗi người đều “mang lấy nghiệp vào thân”, cái nghiệp của tôi là nghiên cứu lịch sử Việt Nam. Để làm trọn cái nghiệp ấy, hay nói cách khác, để thực hiện cái mệnh ấy, tôi đã phải lần mò khá lâu và nhiều khi đã phải đi vào những chặng đường ngoắt ngoéo. Ngày nay, đến buổi chiều tà của cuộc đời, nhìn lại chặng đường mình đã qua trong nửa thế kỷ này, từ khi mới bước chân vào đời, tôi nhận thấy đúng rằng người ta “có biết tôi cũng chỉ nhờ lịch sử dân tộc mà có buộc tội tôi cũng chỉ ở lịch sử dân tộc”. Lời bộc bạch ấy như cánh cửa đã hé mở con đường thăm thẳm để bạn đọc nhiều thế hệ đi sâu tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp của học giả Đào Duy Anh.

Như chim Tinh Vệ giữa địa hạt lịch sử - văn hóa

Cuốn sách “Việt Nam văn hóa sử cương” của học giả Đào Duy Anh do Công ty CP Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam, NXB Thế giới ấn hành năm 2014.

Khi đã “mang lấy nghiệp vào thân”

Học giả Đào Duy Anh sinh ra tại vùng đất học xứ Thanh, là con đầu trong một gia đình nghèo đông anh em. Ông có nhiều năm dạy học, tham gia làm báo “Tiếng dân”, chủ trương Quan Hải tùng thư, làm công việc văn hóa và nghiên cứu lịch sử, tổ chức trường Đại học Hà Nội, công tác tại Viện Sử học.. Ông từng có khoảng thời gian tản cư về Thanh Hóa, tham gia Hội văn hóa kháng chiến, được bầu làm Chi hội trưởng Chi hội Thanh Hóa, giảng dạy các lớp văn hóa kháng chiến của khu IV, từng giảng dạy môn Lịch sử ở Trường Dự bị đại học...

Trước khi là một nhà trí thức, khoa học, ông từng hăng hái tham gia cách mạng. Sự kiện đón tiếp cụ Phan Bội Châu ở Đồng Hới một buổi trưa 1925 đã “định hướng cho cả cuộc đời” ông. Sau nhiều biến động, học giả Đào Duy Anh đã dành trọn cuộc đời mình cho hoạt động văn hóa, nghiên cứu lịch sử mà “di cảo” để lại cho hậu thế là minh chứng sinh động, thuyết phục. “Việt Nam lịch sử giáo trình”, “Hán - Việt từ điển”, “Pháp - Việt từ điển”, “Việt Nam văn hóa sử cương”, “Khảo luận về Kim Vân Kiều”, “Cổ sử Việt Nam”, “Lịch sử Việt Nam”, “Đất nước Việt Nam qua các đời”... chỉ là một “góc nhỏ” trong số di cảo đáng ngưỡng mộ ấy. Ông lựa chọn con đường hoạt động văn hóa nhằm góp phần “phục hồi cái sinh khí của dân tộc đang bị lu mờ dưới chế độ thống trị thực dân”; “phải cố gắng làm sao đem cái ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin để khai thác vốn văn hóa của dân tộc và chọn lấy những cái tốt mà góp phần vào cuộc cải tạo văn hóa nước nhà”. Theo ông, muốn đạt được mục tiêu ấy thì “phải chuyên tâm nghiên cứu lịch sử vì chỉ có hiểu biết đầy đủ lịch sử dân tộc thì mới có thể chắt lọc ra đâu là những yếu tố truyền thống, đâu là những yếu tố ngoại lai”.

Có lẽ bởi cái trăn trở, khao khát mãnh liệt ấy mà học giả Đào Duy Anh thường nhận lấy cho mình vị trí của người tiên phong. Dẫu ông hiểu hơn ai hết, người đi tiên phong bao giờ cũng phải đương đầu với muôn vàn khó khăn, thử thách. Khi chủ trương làm Quan Hải tùng thư, các bộ từ điển, học giả Đào Duy Anh muốn “nhân việc giải thích từ, mà phổ biến trong Nhân dân một số khái niệm chính trị theo hướng chủ nghĩa Mác”... Năm 1932, học giả Đào Duy Anh ra mắt bộ “Hán - Việt từ điển” - bộ từ điển đầu tiên ở thể loại này. Cùng với “Hán - Việt từ điển”, bộ “Pháp - Việt từ điển” (1936) rất có giá trị, được giới chuyên môn đánh giá cao. Chỉ tính riêng hai bộ từ điển này cũng đủ cho thấy tài năng, tâm huyết, lao động khoa học bền bỉ của học giả Đào Duy Anh. Cách làm từ điển của học giả Đào Duy Anh cũng mang nhiều khác biệt: “Tôi cố giải thích những thuật ngữ này theo sự hiểu biết của mình do nghiên cứu những sách nghiên cứu về chủ nghĩa Mác trước đây, chứ không theo hẳn cách giải thích của các từ thư thông thường, và đôi chỗ nó vượt ra ngoài cách giải thích thường có ở một cuốn từ điển”. Chỉ riêng ở lĩnh vực từ điển, học giả Đào Duy Anh đã thiết lập những dấu mốc quan trọng, đáng ngưỡng mộ.

“Việt Nam văn hóa sử cương” - Cuốn lịch sử văn hóa đầu tiên

Nhà phê bình Đỗ Lai Thúy khi viết “Đào Duy Anh, ngậm đá lấp biển” (Chân trời có người bay, NXB Văn hóa Thông tin) đã đưa ra nhận định: “Về văn hóa Việt Nam, Đào Duy Anh cũng là người viết đầu tiên. Bấy giờ, năm 1936, trong chương trình trung học mới có môn văn hóa Việt Nam. Chưa có tài liệu để giảng dạy, ông bèn viết “Việt Nam văn hóa sử cương”... Văn hóa Việt Nam ở đây được trình bày kết hợp giữa hai trục đồng đại và lịch đại, bởi vậy nó vừa sống động, hấp dẫn, vừa có chiều sâu. Ngoài ra, Đào Duy Anh còn rất chú trọng đến kinh tế - xã hội, đặc biệt là yếu tố địa lý: Đó vừa là văn hóa vừa là sự lý giải đặc điểm của văn hóa. Việt Nam văn hóa sử cương là cuốn lịch sử văn hóa đầu tiên”.

Với hơn 300 trang sách, chia thành 3 thiên trọng yếu: Kinh tế sinh hoạt, Xã hội và chính trị sinh hoạt, Trí thức sinh hoạt cùng thiên tự luận, tổng kết. Cuốn sách “Việt Nam văn hóa sử cương” đã tái hiện lại một cách tổng quát, sinh động, hấp dẫn, chân thực về lịch sử văn hóa Việt Nam. Trên quan điểm thống nhất “văn hóa tức là sinh hoạt”, kết cấu các thiên trong cuốn sách được dựa theo giới thuyết của Félix Sartiaux: “Văn hóa, về phương diện động, là cuộc phát triển tiến bộ mà không ngừng của những tác dụng xã hội về kỹ thuật, kinh tế, tư tưởng, nghệ thuật, xã hội tổ chức, những tác dụng ấy tuy liên lạc mà vẫn riêng nhau. Về phương diện tĩnh thì văn hóa là trạng thái tiến bộ của những tác dụng ấy ở một thời gian nhất định, và tất cả những tính chất mà những tác dụng ấy bày ra ở xã hội loài người”. Vì lẽ đó mà mọi quan sát, nhận định của học giả Đào Duy Anh trong cuốn “Việt Nam văn hóa sử cương” đều bám sát các yếu tố sinh hoạt, lấy sinh hoạt để biểu lộ văn hóa.

Sức hấp dẫn của cuốn sách nằm ở chỗ kết hợp hài hòa nhiều giá trị, phẩm chất: “Việt Nam văn hóa sử cương thoáng có nét nghiêm cẩn của một khảo cứu sâu, trình bày được cái di sản văn hóa trong dòng chảy lịch sử, đồng thời vẫn giữ được nét hồn nhiên, thoải mái, phóng khoáng của một học giả lần đầu tiên tự mình vạch đường, dẫn lối, giống một nhà dân tộc học điền dã”. Độc giả cũng có thể dễ dàng tìm thấy những nhận định khách quan, thẳng thắn của học giả Đào Duy Anh trong cuốn sách này, như cách ông đánh giá về tính chất tinh thần người Việt Nam: “Đại khái thông minh, nhưng xưa nay thấy ít người có trí tuệ lỗi lạc phi thường. Sức ký ức thì phát đạt lắm, mà giàu trí nghệ thuật hơn trí khoa học, giàu trực giác hơn luận lý. Phần nhiều có tính ham học, song thích văn chương phù hoa hơn là thực học, thích thành sáo và hình thức hơn là tư tưởng hoạt động... Thường thì nhút nhát và chuộng hòa bình, song ngộ sự thì cũng biết hy sinh vì đại nghĩa”...

Dẫu rằng, học giả Đào Duy Anh viết ngay từ những trang đầu của cuốn sách rằng: "Mục đích không phải là “soạn một bộ tổng hợp văn hóa sử, mà chỉ cốt thu thập những tài liệu hiện có, sắp đặt lại thành hệ thống, để giúp cho những nhà nghiên cứu văn hóa sử đỡ công tìm kiếm mà thôi”. Tuy nhiên, chỉ tính riêng cái mục đích cao cả ấy, những tư liệu, kiến giải cùng hệ thống tư liệu tham khảo được trình bày công phu, tỉ mỉ đã đủ dựng lên một chân dung học giả lớn, có tầm ảnh hưởng lớn trên địa hạt lịch sử - văn hóa Việt.

Với “Việt Nam văn hóa sử cương”, học giả Đào Duy Anh đã “tóm tắt, phác họa và minh định được ở chừng mực nào đó lược sử văn hóa của người Việt như một dân tộc, một văn hóa”. Hơn hết, cuốn sách như là một nỗ lực chỉ ra những biến đổi của văn hóa Việt Nam dưới tác động của quá trình Âu hóa: “Cái bi kịch hiện thời của dân tộc ta là sự xung đột của những giá trị cổ truyền của văn hóa cũ ấy với những điều mới lạ của văn hóa Tây phương. Cuộc xung đột sẽ giải quyết thế nào, đó là một vấn đề quan hệ đến cuộc sinh tử tồn vong của dân tộc ta vậy. Nhưng muốn giải quyết thì phải nhận rõ chân tướng của bi kịch ấy, tức một mặt phải xét lại cho biết nội dung của văn hóa xưa là thế nào, một mặt phải nghiên cứu cho biết chân giá trị của văn hóa mới”. Và rồi, chính ông đã lặng lẽ bước đi trên con đường nhọc nhằn ấy.

Suốt cuộc đời mình, học giả Đào Duy Anh luôn xem “cái biển học mênh mông bát ngát mà nguyện làm con chim Tinh Vệ suốt đời ngậm đá lấp biển Đông, sẽ cố gắng cắp từng hòn sỏi mà mong góp phần vào công việc lấp bể học mênh mông bát ngát ấy”. “Việt Nam văn hóa sử cương” là một trong những viên sỏi sáng lấp lánh mà Vệ thạch Đào Duy Anh gửi tặng lại cho đời.

Hoàng Linh


Hoàng Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]