(Baothanhhoa.vn) - Chiến tranh đã đi qua nhưng ký ức về một thời hào hùng vẫn luôn khắc sâu trong tâm khảm những cựu thanh niên xung phong (TNXP), để rồi sau năm tháng hòa bình lập lại, các cô, các chú đã “hợp xướng” sống dậy một thời “Tiếng hát át tiếng bom”. Đó là Đội Văn nghệ Cựu TNXP TP Thanh Hóa.

Nhớ về một thời “tiếng hát át tiếng bom”

Chiến tranh đã đi qua nhưng ký ức về một thời hào hùng vẫn luôn khắc sâu trong tâm khảm những cựu thanh niên xung phong (TNXP), để rồi sau năm tháng hòa bình lập lại, các cô, các chú đã “hợp xướng” sống dậy một thời “Tiếng hát át tiếng bom”. Đó là Đội Văn nghệ Cựu TNXP TP Thanh Hóa.

Nhớ về một thời “tiếng hát át tiếng bom”Một tiết mục kịch “Một thời để nhớ” đoạt giải nhất giao lưu “Tiếng hát át tiếng bom” do Hội Cựu TNXP tỉnh tổ chức.

Được thành lập năm 2010, với 17 thành viên đều sinh sống trên địa bàn TP Thanh Hóa, Đội Văn nghệ Cựu TNXP TP Thanh Hóa đã kết nối, duy trì cùng nhau luyện tập, một phần vì “máu văn nghệ” trỗi dậy, một phần vì muốn đem lời ca tiếng hát để tiếp tục tuyên truyền, giáo dục cho các thế hệ hiểu và trân quý, biết ơn những cống hiến, hy sinh của thế hệ cha anh đi trước. Vượt qua tuổi tác, sức khỏe vào những ngày hè nắng nóng hay mùa đông mưa thâm, gió bấc, các thành viên Đội Văn nghệ Cựu TNXP TP Thanh Hóa vẫn say sưa luyện tập. Những ca khúc: Cỏ non Thành cổ, Tình em gửi trọn con đường, Đường Trường Sơn xe anh qua, Một thời để nhớ, Cúc ơi em ở nơi mô, Về với xứ Thanh... lại vang lên hào sảng. Âm nhạc và giọng hát của các nghệ sĩ không chuyên của đội văn nghệ đã gợi lên ký ức một thời nhiệt huyết của tuổi trẻ gian khổ, hy sinh nhưng cũng đầy ắp tình người, tình đồng đội. Đó là những nam nữ thanh niên tuổi mười tám, đôi mươi ngày ấy đã sẵn sàng lên đường, cống hiến tuổi thanh xuân cho công cuộc đấu tranh giành độc lập của dân tộc.

Sau giờ luyện tập, cô Lê Thị Bích Hảo, Đội trưởng Đội Văn nghệ Cựu TNXP TP Thanh Hóa chia sẻ với chúng tôi: “Tinh thần “Tiếng hát át tiếng bom” đã ngấm vào da thịt và tâm trí mỗi chúng tôi. Chỉ cần âm nhạc hay một câu hát về TNXP cất lên thôi, chúng tôi lại được quay về sống với anh chị em đồng đội”.

Những diễn viên không chuyên cựu TNXP thời kỳ chống Mỹ, gồm các cô, các chú: Quỳnh Nga, Thu Hòa, Bích Thủy, Thanh Liêm, Trường Giang, Quang Sáng, Minh Tôn... đã gắn bó với nhau bằng lời ca, tiếng hát; tình đồng đội và cùng nhau xây dựng nên đội văn nghệ lớn mạnh. Mỗi cô chú góp một phần công sức, tình yêu, trách nhiệm với đội và tự nguyện đóng góp kinh phí để tổ chức hoạt động. Đặc biệt, cô Lê Thị Bích Hảo với vai trò là đội trưởng còn là “tổng đạo diễn”, “nhà biên kịch” của nhiều tiết mục, chương trình văn nghệ. Cô đã cùng đội luyện tập và trăn trở viết kịch bản bằng chính ký ức của mình, của đồng đội rất thực tế và giàu cảm xúc. Trong đó có kịch tiểu phẩm “Một thời để nhớ” nói về một đơn vị nữ cựu TNXP ngày đêm thực hiện nhiệm vụ với tinh thần hăng say. Diễn biến của tiểu phẩm là trong một lần được thủ trưởng đến thăm, động viên và hứa lần sau đến sẽ có quà tặng. Nhưng lần sau đến, thủ trưởng chứng kiến cảnh đau thương. Rất nhiều nữ đồng đội mà thủ trưởng thương yêu như em gái đã bị bom đạn vùi lấp ngay trước mắt. Cầm trên tay những món quà hứa tặng các em mà lòng quặn thắt...”. Từ chất liệu những năm tháng trong đơn vị nơi tuyến lửa Quảng Bình, Quảng Trị..., cô Hảo đã viết kịch bản và có sự góp ý của một số thành viên đội văn nghệ, lãnh đạo hội cấp trên để tác phẩm thực sự “sống” trong lòng TNXP và những khán giả mà đội văn nghệ biểu diễn. Tác phẩm đã được Hội Cựu TNXP tỉnh, TP Thanh Hóa mời diễn nhân các sự kiện truyền thống của hội và nhiều đơn vị mời diễn giao lưu văn nghệ đã để lại ấn tượng sâu sắc cho người xem.

Nhớ về một thời “tiếng hát át tiếng bom”Đội văn nghệ Cựu TNXP TP Thanh Hóa luyện tập tiết mục văn nghệ trước khi biểu diễn.

Cô Minh Tôn, thành viên đội văn nghệ chia sẻ thêm: “Tôi sinh hoạt trong đội văn nghệ Trung đoàn 67 (Đường 20 Quyết Thắng). Nhớ những thời điểm thời tiết khắc nghiệt, núi rừng hiểm trở, nhưng mọi người đều động viên nhau hăng say luyện tập và dàn dựng các tiết mục mới để phục vụ các chiến sĩ. Tôi hiểu rằng, những lời ca, tiếng hát đã làm nên một tinh thần “thép” cho toàn dân tộc Việt Nam. Ngày nay, cùng với đồng đội hát về chính mình ôn lại những kỷ niệm hào hùng và được nhìn thấy khán giả say mê, vỗ tay hòa nhịp, rơi những giọt nước mắt vì xúc động... càng tạo thêm động lực cho tôi và các thành viên của đội sống hết mình, cống hiến hết mình để tri ân đồng đội”.

Những con người ấy trong Đội Văn nghệ cựu TNXP TP Thanh Hóa đã và đang hát lại những ca khúc về Đảng, Bác Hồ, người lính, lực lượng TNXP, về Trường Sơn... nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc và xây dựng đời sống tinh thần cao quý. Năm 2018, trong chuyến về nguồn thăm lại chiến trường xưa, đội đã giao lưu văn nghệ cồng chiêng Tây Nguyên tại Đà Lạt với 24 tỉnh, thành trong cả nước và đoạt giải nhất tiết mục “Đêm nghe hát đò đưa nhớ Bác”. Năm 2022 và 2023, đội hai lần đoạt giải Nhất với hai tiểu phẩm “Một thời để nhớ” và “Một thời khói lửa” tham gia giao lưu văn nghệ “Tiếng hát át tiếng bom” do Hội Cựu TNXP tỉnh tổ chức.

Ngoài mang lời ca tiếng hát, Đội Văn nghệ Cựu TNXP TP Thanh Hóa còn tham gia thực hành tiết kiệm nuôi lợn đất; tham gia XDNTM, đô thị văn minh; thăm hỏi, tặng quà đồng đội khó khăn... Chiến tranh đã lùi xa nhưng ký ức về một thời “Tiếng hát át tiếng bom” vẫn còn vang vọng mãi.

Bài và ảnh: Lê Hà



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]