(Baothanhhoa.vn) - Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), hiện Thanh Hóa có tổng số 285 lễ hội, trong đó có 282 lễ hội truyền thống (chiếm tỷ lệ 98,9%). Sau 3 năm thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19, năm 2023, công tác tổ chức lễ hội được tỉnh Thanh Hóa kiểm soát, quản lý chặt chẽ, không còn tình trạng lộn xộn, chen lấn, bất cập...

Nhiều đổi thay tích cực trong mùa lễ hội

Theo số liệu thống kê của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL), hiện Thanh Hóa có tổng số 285 lễ hội, trong đó có 282 lễ hội truyền thống (chiếm tỷ lệ 98,9%). Sau 3 năm thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19, năm 2023, công tác tổ chức lễ hội được tỉnh Thanh Hóa kiểm soát, quản lý chặt chẽ, không còn tình trạng lộn xộn, chen lấn, bất cập...

Nhiều đổi thay tích cực trong mùa lễ hộiLễ hội Mường Xia (Quan Sơn) thu hút hàng nghìn người tham gia. Ảnh: HUYỀN CHI

Kể từ sau khi có Nghị định số 110/2018/NĐ-CP ngày 29-8-2018 quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của người tham gia lễ hội; trách nhiệm của cơ quan, đơn vị tổ chức lễ hội; trách nhiệm của ban tổ chức lễ hội; cách thức đăng ký lễ hội với Bộ VHTT&DL, UBND cấp tỉnh, UBND cấp huyện... trước khi tổ chức vì thế mà các lễ hội được tổ chức trật tự hơn, nghiêm cẩn hơn phù hợp với quy mô lễ hội.

Là lễ hội mở màn cho mùa lễ hội xuân của tỉnh, lễ dâng hương khai hội xuân Quý Mão tại đền thờ Vua Lê Thái tổ, thị trấn Lam Sơn (Thọ Xuân) diễn ra trong không khí trang nghiêm. Tiết xuân, dâng nén hương thơm tưởng nhớ công đức của vị vua mở đầu vương triều Nhà Lê tồn tại 361 năm và các bậc tiền nhân, cũng là để cầu mong một năm an vui, thịnh vượng. Sau phần lễ, phần hội là các trò diễn dân gian Xuân Phả, du khách tiếp tục hành trình mùa xuân của mình khi vào Khu Di tích lịch sử Lam Kinh để ôn lại lịch sử hào hùng của vương triều tồn tại lâu nhất trong lịch sử Việt Nam.

Cách Lam Kinh hơn 50km, ngày 8 tháng Giêng âm lịch, lễ hội khai hạ suối cá Cẩm Lương hấp dẫn du khách. Lễ hội gắn với suối cá thần và truyền thuyết dựng bản, lập Mường đồng thời nhằm tưởng nhớ vị thần rắn đã cứu dân làng khỏi hiểm họa, ban cho dòng suối mát để sinh hoạt, mùa màng được tươi tốt. Vì thế phần rước thần rắn từ đền thờ Thủy Phủ Long Vương (suối Ngọc nằm dưới chân núi Trường Sinh) về nhà văn hóa thôn Lương Ngọc, xã Cẩm Lương để báo công với Thành hoàng làng, rồi được đưa về đền thờ Thủy Phủ Long Vương để cúng tế có sự tham gia của Nhân dân trong xã và khách thập phương. Tiếng cồng khai hội rộn ràng mời gọi rất đông mọi người tham gia và mong sự chứng giám của thần linh.

Có thể nói, như một thông lệ đầu xuân năm mới, quan niệm lên rừng xuống biển đã quyết định địa điểm du xuân của mọi người. Tuy nhiên, phải chăng bởi từ xa xưa các lễ hội này cũng đã được cha ông ta tổ chức khá gần về mặt không gian và thời gian để mọi người có thể thuận tiện du xuân trong tháng Giêng là tháng ăn chơi? Vì thế năm nào suối cá Cẩm Lương cũng hấp dẫn du khách.

Theo chia sẻ của ông Hoàng Văn Dũng, nhân viên Ban Quản lý Khu Du lịch suối cá Cẩm Lương: “Năm 2023 không còn bị hạn chế vì dịch COVID-19 nên lượng du khách đến suối cá khá lớn. Trong đó, cao điểm nhất là ngày mùng 3 tết có gần 5.000 lượt khách”.

Để đảm bảo an toàn và không làm ảnh hưởng tới đàn cá cũng như giữ gìn vệ sinh môi trường, những ngày lễ tết ban quản lý tăng cường thêm nhân viên để nhắc nhở du khách.

Lễ hội đền Bà Triệu nhằm tưởng nhớ Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh - người đã lãnh đạo Nhân dân đứng lên chống lại ách đô hộ của nhà Ngô vào năm 248. Lễ hội đền Bà Triệu luôn được tổ chức quy mô lớn. Bởi ngoài việc tôn vinh công lao của Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh, đồng thời đây cũng là dịp giới thiệu, quảng bá những giá trị văn hóa, kiến trúc tiêu biểu, độc đáo của Di tích lịch sử đền Bà Triệu được xây dựng cách đây gần 2.000 năm tuổi. Năm nay niềm vui lớn hơn khi Bộ VHTT&DL công nhận Lễ hội đền Bà Triệu là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Sau ba năm bị gián đoạn do đại dịch COVID-19, mùa xuân năm 2023, các lễ hội trong tỉnh đã được mở lại tưng bừng. Qua khảo sát thực tế, chúng tôi nhận thấy công tác tổ chức lễ hội và phục vụ du khách ở các điểm di tích trong tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực. Ngoài sự trang nghiêm nơi thờ tự thì không gian bên ngoài khá sạch đẹp, an toàn và bảo đảm các yếu tố truyền thống. Các ban quản lý, ban tổ chức lễ hội đã tăng cường lực lượng phục vụ khách đến lễ hội, làm tốt việc thu gom đồ lễ, vệ sinh di tích; công tác tổ chức bảo đảm trang trọng, tiết kiệm, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, thuần phong mỹ tục. Đặc biệt, các tệ nạn, biến tướng và những hình ảnh phản cảm như trước đây đã giảm mạnh.

Lý giải sự gia tăng đột biến cả về số lượng người tham gia và cả nội dung liên quan tới lễ hội mùa xuân 2023 này, nhiều người cho rằng, hầu hết các lễ hội bị tạm ngừng tổ chức do đại dịch COVID-19, khiến nhu cầu được tham gia các hoạt động văn hóa truyền thống của người dân đã bị kìm nén lâu ngày, nay như chiếc lò xo được “bật tung”. Song, ngoài việc tổ chức của các ban, ngành thì điều ghi nhận là du khách tham gia lễ hội cũng đã ý thức trong thái độ ứng xử với di tích, với lễ hội.

“Chết bỏ con bỏ cháu, sống không ai bỏ mùng 6 chợ Chuộng”. Nếu những năm trước còn có những câu chuyện không hay trong lễ hội thì năm nay, trong không khí vui xuân, hàng nghìn người dân đổ về chợ Chuộng tại xã Đông Hoàng (Đông Sơn) để tham gia ném cà chua lấy may. Tích xưa kể lại, vào thời Lê Lợi, có một vị tướng bị giặc truy đuổi và chạy đến làng Giang (xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn) vào đúng ngày mùng 6 tết.

Để che giấu vị tướng, dân làng đã tổ chức họp chợ. Giặc đến, nghĩ là phiên chợ bình thường nên mất cảnh giác. Chớp thời cơ, vị tướng đã huy động dân làng tấn công khiến giặc bị thiệt hại nặng. Để tưởng nhớ chiến công đó, cứ đến ngày mùng 6 tết, dân trong vùng lại tổ chức họp chợ. Qua thời gian, chợ Chuộng trở thành nơi “mua may bán rủi” đầu năm, người bán là bán đi cái đen đủi, còn người mua là mua cái may mắn.

Từ một phiên chợ mỗi năm họp một lần trở thành một lễ hội, bởi nó đã là một sự kiện văn hóa được tổ chức mang tính cộng đồng. Ngoài việc thể hiện sự tôn kính của con người với thần linh, phản ánh những ước mơ tốt đẹp của con người trước cuộc sống mà bản thân họ chưa có khả năng thực hiện thì còn thể hiện nét sinh hoạt văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật của cộng đồng, xuất phát từ nhu cầu cuộc sống. Nhìn những quả cà chua được bóp dập hoặc bẻ đôi để nước bắn tung tóe để người ném và người bị ném được gặp may mắn trong năm mới. Vì thế, tâm điểm của “cuộc chiến” rượt đuổi, ném cà chua là các cô gái và bất kể ai dù bị ném bẩn hết quần áo nhưng cũng cười tươi vui vẻ.

Lễ hội ngoài ý nghĩa văn hóa tâm linh, phong tục tập quán, thì ở khía cạnh kinh tế là một sản phẩm du lịch mang tính độc đáo. Lễ hội Mường Xia, di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là một ví dụ. Theo ông Lê Văn Thơ, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Quan Sơn cho biết: “Chính việc tổ chức lễ hội đảm bảo đồng bộ các khâu, từ khai thác giá trị nghi thức lễ hội cũng như kịch bản nội dung theo bản sắc văn hóa địa phương, đồng thời gắn kết trong tổng thể công tác quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, dịch vụ, du lịch... là điểm nhấn để huyện tiếp tục quảng bá, giới thiệu các di tích, danh lam thắng cảnh, thế mạnh, tiềm năng về du lịch cộng đồng, du lịch khám phá, gắn với phát triển thương mại. Lễ hội Mường Xia là dịp để huyện Quan Sơn đưa các hoạt động văn hóa trong lễ hội trở thành những sản phẩm đặc sắc, lan tỏa sâu rộng trong đời sống cộng đồng, thu hút khách du lịch đến tham quan, khám phá. Câu hát “...Ai lên Quan Sơn, nhớ về Mường Hạ, ai lên Na Mèo, nhớ về Mường Xia... người Quan Sơn đợi bạn xa gần” có ý nghĩa là vậy”.

HUYỀN CHI



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]