(Baothanhhoa.vn) - Mỗi người từ khi sinh ra cho đến khi khép lại vòng đời nơi “cõi tạm”, ai mà chẳng mang nặng trong lòng hai tiếng: Quê hương. Bởi lẽ ấy, tự thuở “bình minh” của văn học nghệ thuật, quê hương đã trở thành cảm hứng sáng tạo dạt dào cho nhiều cây viết. Nhà văn, bác sĩ Nguyễn Huy Súc cũng không nằm ngoài mạch nguồn chảy mãi ấy. Như một cuộc chạy đua cùng thời gian, khi đã ở cái độ tuổi xưa nay hiếm, nhà văn, bác sĩ Nguyễn Huy Súc càng thêm hăng say, tâm huyết với những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của làng, xã.

Nhà văn, bác sĩ Nguyễn Huy Súc - gửi tình yêu quê hương trên từng trang viết

Mỗi người từ khi sinh ra cho đến khi khép lại vòng đời nơi “cõi tạm”, ai mà chẳng mang nặng trong lòng hai tiếng: Quê hương. Bởi lẽ ấy, tự thuở “bình minh” của văn học nghệ thuật, quê hương đã trở thành cảm hứng sáng tạo dạt dào cho nhiều cây viết. Nhà văn, bác sĩ Nguyễn Huy Súc cũng không nằm ngoài mạch nguồn chảy mãi ấy. Như một cuộc chạy đua cùng thời gian, khi đã ở cái độ tuổi xưa nay hiếm, nhà văn, bác sĩ Nguyễn Huy Súc càng thêm hăng say, tâm huyết với những giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống của làng, xã.

Nhà văn, bác sĩ Nguyễn Huy Súc - gửi tình yêu quê hương trên từng trang viết

Những tác phẩm viết về quê hương Hoằng Lộc của nhà văn, bác sĩ Nguyễn Huy Súc.

Nhà văn, bác sĩ Nguyễn Huy Súc sinh ra và lớn lên ở xã Hoằng Lộc - vùng đất học, nơi có Bảng môn đình ví như “Quốc tử giám trong lòng xứ Thanh”, có nhân vật Nguyễn Quỳnh được xem như nguyên mẫu của nhân vật nổi tiếng Trạng Quỳnh lưu truyền trong dân gian, quê hương của người chí sĩ cách mạng kiên trung Lê Mạnh Trinh... và nhiều di tích lịch sử - văn hóa tiêu biểu khác. Tình yêu, niềm tự hào về mảnh đất “chôn nhau cắt rốn” theo ông trên mỗi bước đường đời, là một phần nuôi dưỡng, chắp cánh cho ông đến với con đường văn chương.

Cuộc đời ông đã đi qua nhiều nơi, sống giữa ân tình của biết bao người. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1962, khi vừa tròn 18 tuổi, ông Súc khoác ba lô trên vai lên đường nhập ngũ. Năm 1965, ông Súc về Thanh Hóa, đảm nhận công việc y tá tại Bệnh viện Đa khoa huyện Thạch Thành. Với ý chí ham học hỏi, nỗ lực phấn đấu, năm 1973, ông thi đậu vào Trường Đại học Y Hà Nội, hệ dài hạn (6 năm). Trải qua thời gian học tập, rèn luyện, năm 1980, ông đảm nhận nhiệm vụ làm Trưởng Khoa Huyết học của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa. Năm 2004, ông Súc nghỉ chế độ bảo hiểm xã hội, trở về sống và cống hiến hết mình cho quê hương Hoằng Lộc.

Ở cái tuổi xưa nay hiếm, ông Súc đã có thể nghĩ đến chuyện vui thú điền viên, thảnh thơi hưởng trọn niềm vui bên gia đình. Nhưng ông luôn tâm niệm rằng: Khi mình còn khỏe thì mình vẫn còn có thể cống hiến. Vì lẽ đó, khi trạm y tế đặt vấn đề nhờ ông giúp đỡ một số phần việc chuyên môn, ông Súc đều vui vẻ nhận lời. Người dân xã Hoằng Lộc ai thường hay lui tới trạm y tế hẳn đã quen với hình ảnh người bác sĩ nhiệt tình, thân thiện siêu âm, tư vấn cho bệnh nhân. “Có thể đem kiến thức, kinh nghiệm y khoa của mình để giúp cho bà con quê mình là một điều hạnh phúc” - ông Súc chân thành chia sẻ.

Không chỉ nỗ lực đóng góp cho sự phát triển của y tế xã nhà, góp phần nâng cao sức khỏe, chất lượng sống cho người dân, ông Súc là một cây viết say mê, tâm huyết, cần mẫn “cày xới”, thâm canh con chữ trên mảnh đất làng. Bắt đầu viết từ đầu những năm 1972, 1973, từng có nhiều truyện ngắn, bài viết đăng ở báo, đài, tạp chí địa phương và Trung ương nhưng có lẽ, kể từ sau khi nghỉ hưu là giai đoạn ông Súc hoạt động văn chương sôi nổi, tâm huyết và gặt hái nhiều “trái ngọt” nhất.

Để lý giải cho điều này có thể kể đến nhiều nguyên do. Phần vì đây là giai đoạn mà ông Súc có nhiều thời gian tự do tự tại, toàn tâm toàn ý dành cho văn chương. Nhưng có lẽ, quan trọng hơn tất thảy đó là ông được trở về, đằm mình trong vùng văn hóa - văn học, mạch nguồn cảm hứng của mình. Với người cầm bút, một trong những điều làm nên thành công đó là xác định được cho mình “vùng nguyên liệu” - thế mạnh để làm điểm nhấn, để định hình và định danh. Ví như khi nhắc đến Hoàng Cầm là day dứt nhớ về một vùng Kinh Bắc; đọc những trang ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường ai không say đắm Huế mộng mơ; biết yêu những trang văn của Nguyên Ngọc thì đau đáu cùng ông trong không gian đầy nắng gió Tây Nguyên. Trước những “cây đa”, “cây đề” của nền văn học Việt Nam ấy, nhà văn, bác sĩ Nguyễn Huy Súc thật nhỏ bé, ngưỡng vọng biết bao. Nhưng tình yêu với quê hương, xứ sở cũng chân thành, dạt dào, đậm sâu như thế. Nhà văn, bác sĩ Nguyễn Huy Súc tựa hồ như loài ong cần mẫn, tận tụy chắt lọc tinh hoa, tinh túy từ truyền thống, vỉa tầng lịch sử - văn hóa xã Hoằng Lộc mà kết đọng nên câu chữ dâng đời.

Cho đến ngày hôm nay, chẳng thể nào thống kê hết được bao nhiêu tác giả, bao nhiêu tác phẩm vì yêu mến, trân trọng quê hương Hoằng Lộc mà viết nên thơ, văn, nhạc, họa... Nhưng nếu điểm lại những gương mặt tiêu biểu, ghi đậm dấu ấn trong lòng độc giả, ắt hẳn có tên nhà văn, bác sĩ Nguyễn Huy Súc. Ông Súc cho biết: “Không gì bằng mình được sống và viết trên mảnh đất mình sinh ra và lớn lên. Đó vừa là vinh dự, tự hào, nhưng chính điều đó cũng nhắc nhở mình phải biết nêu cao ý thức, trách nhiệm gìn giữ, phát huy giá trị truyền thống quê hương”.

Đó là lý do vì sao, khi viết về quê hương Hoằng Lộc, bên cạnh nhiều bài bút ký, ghi chép viết về các di tích, con người tiêu biểu của Hoằng Lộc như: “Day dứt cồn Mơn”; “Thiên Vương tự”; “Bà - mẹ của 7 tiến sĩ và 2 thạc sĩ”; “Chợ Quăng - phiên chợ ngàn năm tuổi” (đạt giải ba cuộc thi Ký “Thanh Hóa chung sức xây dựng nông thôn mới” năm 2020 do Tạp chí Văn nghệ xứ Thanh tổ chức)...; bác sĩ, nhà văn Nguyễn Huy Súc dành nhiều tâm huyết, sức sáng tạo ở thể loại truyện lịch sử với hai tác phẩm là “Người Lưỡng Bột” và “Phu nhân quan bố chính sứ”.

Dựa trên tư liệu về giai đoạn lịch sử gắn liền với phong trào Cần Vương diễn ra trên mảnh đất Hoằng Lộc, “Người Lưỡng Bột” và “Phu nhân quan bố chính sứ” của nhà văn, bác sĩ Nguyễn Huy Súc tái hiện lại cuộc dấy nghĩa của các văn thân, nghĩa sĩ Lưỡng Bột (cách gọi của người dân hai làng Bột Thượng và Bột Thái xưa, nay là xã Hoằng Lộc gọi chung tên làng) với mục tiêu đầu tiên là đánh thẳng vào phủ đường huyện Hoằng Hóa, nhằm cầm chân quân Pháp để nghĩa quân Cần vương có thời gian chuẩn bị, xây dựng căn cứ kháng chiến Ba Đình. Mặc dù đấu tranh rất quyết liệt nhưng cuộc dấy nghĩa ở Lưỡng Bột bị thất bại. Ông huyện Kim Anh, ông huyện Bình Lục và hai cậu tú - con trai của hai ông huyện cùng nhiều nghĩa quân khác bị tử thương. Để bày tỏ lòng trân trọng, cảm phục, biết ơn sự hy sinh của họ, dân làng Lưỡng Bột tổ chức đưa tang, lập mộ giả để thi hài người đã khuất được yên nghỉ, tránh sự trả thù của quân giặc.

Ngoài sự công phu trong việc tìm kiếm, tra cứu và khéo léo sắp xếp tư liệu lịch sử; nhà văn đã rất thành công trong việc xây dựng nên hệ thống nhân vật với đặc trưng tính cách của “người Lưỡng Bột”: Thông minh, nhạy bén, anh dũng, kiên cường... Trong đó, “Phu nhân quan bố chính sứ” làm minh chứng sinh động, thuyết phục. Đó là hình ảnh người đàn bà hết mực yêu thương chồng con, tài ba nhưng luôn sâu sắc, hiểu chuyện, bao dung, biết hy sinh mà đề cao đại nghĩa.

Viết truyện lịch sử là thể loại khó, đầy thách thức, đòi hỏi người viết phải nắm vững kiến thức lịch sử, có tính tổng hợp, khái quát cao. Các tác phẩm được viết nên không phải là sự sao chép hoàn toàn lịch sử nhưng nhà văn cũng không được phép “sáng tạo”, “thêu dệt”, xuyên tạc lịch sử. Với thành công của hai tác phẩm: “Người Lưỡng Bột” (trong tập truyện cùng tên, đạt giải A - Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa năm 2018) và “Phu nhân quan bố chính sứ” (nằm trong tập truyện và ký cùng tên, đạt giải B - Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Thanh Hóa năm 2020), nhà văn, bác sĩ Nguyễn Huy Súc đã phần nào khẳng định: “Viết về những điều mình tâm đắc và hiểu biết sâu sắc chính là lợi thế, thế mạnh”. Đất và người đã cùng nhau hòa quyện, thăng hoa, lan tỏa...

Bài và ảnh: Thảo Linh


Bài và ảnh: Thảo Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]