(Baothanhhoa.vn) - Trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số là di sản văn hóa tồn tại từ ngàn đời thông qua quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt văn hóa, chứa đựng những giá trị nghệ thuật, lịch sử của các dân tộc. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại như ngày nay có không ít người trẻ lại đang dần thờ ơ, lãng quên nét văn hóa này. Do đó, để giữ gìn và phát huy trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều địa phương xác định phải bắt đầu từ thế hệ trẻ.

Người trẻ và việc giữ gìn, phát huy trang phục truyền thống

Trang phục truyền thống của các dân tộc thiểu số là di sản văn hóa tồn tại từ ngàn đời thông qua quá trình lao động sản xuất và sinh hoạt văn hóa, chứa đựng những giá trị nghệ thuật, lịch sử của các dân tộc. Tuy nhiên, trong xã hội hiện đại như ngày nay có không ít người trẻ lại đang dần thờ ơ, lãng quên nét văn hóa này. Do đó, để giữ gìn và phát huy trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số, nhiều địa phương xác định phải bắt đầu từ thế hệ trẻ.

Người trẻ và việc giữ gìn, phát huy trang phục truyền thốngTrường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn luôn chú trọng đến việc mặc trang phục truyền thống của học sinh dân tộc thiểu số.

Khi người trẻ không mặn mà

Có dịp về huyện vùng cao Quan Sơn, đi dọc theo những con đường vào các bản của làng đồng bào dân tộc Mông (xã Sơn Thủy), nếu không vào những ngày mùa bận rộn, sẽ dễ dàng bắt gặp hình ảnh các bà, các mẹ người Mông ngồi tỉ mẩn với từng đường kim, mũi chỉ say sưa thêu thùa, may vá bên vệ đường. Họ duy trì việc làm ấy như một thói quen và vô tình, thói quen thường ngày ấy đã trở thành “công cụ” hữu ích để gìn giữ các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình cho tới ngày nay. Tuy nhiên, đáng chú ý là việc thêu thùa, may vá và sử dụng trang phục truyền thống hằng ngày lại chủ yếu là thế hệ những người đã có tuổi. Còn với những người trẻ tuổi dường như lại không mấy mặn mà với công việc này. Chia sẻ về vấn đề này, ông Hà Văn Diệp, công chức văn hóa - xã hội xã Sơn Thủy, cho biết: Nếu như trước đây, những bộ trang phục truyền thống bao đời cố hữu vẫn là “vật bất ly thân” với đồng bào dân tộc thiểu số trong những dịp lễ, tết, hội hè, cưới hỏi và các chương trình văn hóa - văn nghệ... Thì, hiện nay do xã hội ngày càng phát triển, sự giao thoa văn hóa đã ít nhiều ảnh hưởng đến đời sống của bà con, đặc biệt là giới trẻ. Nhiều người trẻ đã không còn dùng trang phục dân tộc trong sinh hoạt ngày thường, kể cả trong ngày lễ, tết; hội hè... Vì vậy, nguy cơ mai một trang phục truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số là điều không tránh khỏi.

Nói về nguy cơ mai một của trang phục truyền thống cũng chính là nói về sự thăng - trầm của nghề thêu dệt, bởi trang phục của đồng bào được làm ra từ đó. Là một trong những thôn đang xây dựng làng nghề dệt truyền thống thổ cẩm kết hợp du lịch sinh thái; thế nhưng, phụ nữ ở thôn Lặn Ngoài, xã Lũng Niêm (Bá Thước) vẫn không khỏi lo lắng vì thế hệ trẻ hiện nay không mấy mặn mà với nghề thêu trang phục truyền thống. Chị Lò Thị Minh, người nặng lòng với trang phục truyền thống trong thôn chia sẻ: Giới trẻ hiện nay không mấy mặn mà với việc mặc đồ truyền thống của dân tộc mình, hầu hết đều lựa chọn những bộ đồ phổ thông. Do đó, nghề thêu dệt thổ cẩm ở đây cũng thiếu vắng người học và làm.

Khi được hỏi về việc mặc trang phục truyền thống của dân tộc hiện nay, không ít bạn trẻ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đều cho rằng, so với việc mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình, thì mặc những bộ đồ phổ thông vừa tiện lợi vừa giúp “hòa nhập” nhanh hơn với bạn bè ở những nơi khác khi bước chân ra khỏi giới hạn của bản, làng vì không có sự so sánh, phân biệt về thành phần dân tộc...

Trang phục truyền thống của các dân tộc là di sản văn hóa, là thông điệp quá khứ để lại. Nếu trang phục truyền thống bị mai một, không còn tồn tại sẽ ít nhiều làm mất đi bản sắc của mỗi dân tộc. Bởi vậy, dù trong thời đại nào, xã hội nào cũng rất cần được bảo tồn, phát huy giá trị.

Nỗ lực đưa trang phục vào trường học

Xác định giữ gìn bản sắc văn hóa, nhất là trang phục truyền thống phải bắt đầu từ thế hệ trẻ, thời gian qua, nhiều trường học trên địa bàn tỉnh đã khuyến khích học sinh mặc trang phục của dân tộc mình. Trong đó quy định việc mặc trang phục truyền thống vào một số ngày trong tuần, đồng thời tổ chức nhiều hoạt động ngoại khóa, tìm hiểu về văn hóa, trang phục của từng dân tộc. Qua đó, góp phần giáo dục học sinh niềm tự hào và ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Hầu hết các em đều cảm thấy hào hứng, tự tin, có thêm động lực đến trường khi khoác trên mình những bộ áo váy với hoa văn, màu sắc đặc trưng riêng biệt.

Trong các buổi ngoại khóa giữa sân trường, các em học sinh Trường THCS Dân tộc nội trú Thường Xuân (huyện Thường Xuân), trở nên rực rỡ, nổi bật hơn khi khoác lên mình bộ trang phục truyền thống của dân tộc. Là trường có học sinh chủ yếu là con em dân tộc Thái học tập và sinh hoạt nội trú nên việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được nhà trường đặc biệt chú trọng. Đặc biệt, trang phục truyền thống của dân tộc đã chính thức trở thành đồng phục của nhà trường vào thứ hai hằng tuần từ nhiều năm nay. Cùng với đó, nhà trường thường xuyên tổ chức các trò chơi dân gian như: ném còn, nhảy sạp, bắn nỏ, dệt thổ cẩm, trình diễn trang phục dân tộc Thái, đánh cồng chiêng... Nói về việc mặc trang phục truyền thống, em Vi Thị Hương, học sinh nhà trường cho biết: bộ trang phục dân tộc Thái mà em mặc được mẹ em khéo léo cắt may, chăm chút từng đường kim, mũi chỉ. Em rất tự hào khi trang phục này được coi là đồng phục của trường và trong những ngày hội lớn do trường tổ chức. Được mặc trang phục của dân tộc mình, tham gia các hoạt động do trường tổ chức, giúp chúng em thêm hiểu biết, trân trọng, giữ gìn và phát huy những nét đẹp truyền thống của dân tộc...

Từ những bản làng xa xôi, khi về Trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn (TP Sầm Sơn) học tập, các em đã mang theo cả những nét văn hóa riêng, trong đó có những bộ trang phục truyền thống độc đáo. Với mong muốn giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc thiểu số, bồi đắp cho các em lòng tự hào, tự tôn dân tộc, Trường Dự bị Đại học Dân tộc Sầm Sơn đã xây dựng và tổ chức nhiều hoạt động giáo dục như quy định việc mặc trang phục dân tộc vào các ngày thứ 2, các ngày lễ lớn trong năm, các hoạt động ngoại khóa, lồng ghép ý thức bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc thông qua các môn học... Với những cách làm hiệu quả, đến nay, việc sử dụng trang phục truyền thống đã trở thành thói quen của các em học sinh trong trường. Qua đó, không chỉ giúp các em thêm yêu nét văn hóa của dân tộc mình, mà còn góp phần gìn giữ, phát huy những giá trị văn hóa kết tinh trong trang phục truyền thống; đồng thời quảng bá nét đẹp, nét văn hóa của các dân tộc.

Trang phục truyền thống luôn gắn chặt với đời sống vật chất và tinh thần của mỗi dân tộc. Bởi vậy, khi cả cộng đồng xã hội, đặc biệt là giới trẻ nhận thức đúng đắn thì trang phục truyền thống mới ngày càng được tôn vinh và có vị trí xứng đáng trong đời sống văn hóa đương đại.

Bài và ảnh: Nguyễn Đạt



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]