(Baothanhhoa.vn) - Gần 40 năm gắn bó, nghệ nhân Bùi Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường (Thọ Xuân) đã coi trò Xuân Phả như cái nghiệp của mình, để từ đó tận tâm, tận lực, đau đáu nỗi niềm phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa quý báu của cha ông.

Người một đời tâm huyết với Xuân Phả

Gần 40 năm gắn bó, nghệ nhân Bùi Văn Hùng, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Trường (Thọ Xuân) đã coi trò Xuân Phả như cái nghiệp của mình, để từ đó tận tâm, tận lực, đau đáu nỗi niềm phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa quý báu của cha ông.

Người một đời tâm huyết với Xuân PhảNghệ nhân Bùi Xuân Hùng tập luyện cùng đội múa Xuân Phả. Ảnh: Vân Anh

Hành trình khôi phục trò xưa

Tháng 9-2016, trò Xuân Phả được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trò này bao gồm 5 điệu trò: Hoa Lang, Tú Huần, Ai Lao, Ngô Quốc, Chiêm Thành (còn gọi là Ngũ quốc lân bang đồ tiến cống), mô tả cảnh các quốc gia đến chầu, đem những tiết mục múa hát đặc sắc chúc mừng vua nước Việt. Đây không chỉ là trò diễn dân gian đặc sắc của xứ Thanh mà còn là nét văn hóa độc đáo trong kho tàng di sản văn hóa dân tộc. Trước những năm 90 của thế kỷ trước, vì nhiều nguyên nhân khác nhau trò diễn đã bị mai một, các điệu múa bị thất truyền.

Năm 1990, Nhà nước có chính sách phục hưng văn hóa dân tộc, xã Xuân Trường cũng tiến hành khôi phục trò diễn Xuân Phả. Lúc đó, ông Bùi Văn Hùng đang làm bí thư đoàn xã, được chọn làm thành viên cốt cán để khôi phục lại trò diễn dân gian đặc trưng của quê hương. Ông Hùng kể lại: “Việc phục dựng lại trò Xuân Phả là vô cùng khó. Lớp thanh niên chúng tôi khi ấy chỉ biết đến trò diễn qua lời kể và ký ức về những lần đi xem tại sân HTX. Trong làng cũng chỉ còn 4 - 5 cụ có đủ sức khỏe để truyền dạy, nhưng cũng không thể nhớ trọn vẹn tất cả các điệu múa. Chưa nói đến chi phí cho trang phục, dụng cụ... gặp khó khăn”.

Nhiệt huyết tuổi trẻ và lòng tự hào quê hương đã thôi thúc chàng trai trẻ Bùi Văn Hùng nhận trách nhiệm chính là người phục dựng lại trò diễn. Cũng từ đó, ông Hùng mò mẫm tìm hiểu thông tin, rồi đi gặp từng cụ cao niên trong làng để nghe kể và ghi chép tỉ mỉ từng nhịp gõ, nhịp trống, điệu múa, để tìm lại đúng nguyên bản của trò. “Khi hoàn thiện mỗi điệu múa tôi mời các cụ đến xem lại, nếu chưa đúng thì tiếp tục chỉnh sửa. Việc làm này cứ diễn ra cho đến khi cả thần thái và tinh thần của con trò đã quện vào điệu múa. Để tránh việc tam sao thất bản, tôi luôn có sự đối chiếu, so sánh giữa lời kể của các cụ, cùng với việc tự nghiên cứu qua sách vở để tìm ra điệu múa gần với nguyên bản nhất”, ông Hùng chia sẻ thêm.

Giữ hồn trò

Năm 1993, ông Hùng cùng nhóm của mình đã cơ bản phục dựng thành công trò diễn Xuân Phả. Trong năm này, lần đầu tiên đội trò Xuân Phả được đi biểu diễn tại Vân Hồ (Hà Nội). “Tôi còn nhớ như in cảm giác lúc đó. Lần đầu tiên được biểu diễn trên sân khấu lớn trước hàng trăm khán giả, trong đó có rất nhiều du khách nước ngoài, nên chúng tôi tự hào lắm. Khi điệu múa kết thúc, tiếng vỗ tay vang lên rào rào. Sau đó đội được yêu cầu đi biểu diễn liên tục. Chúng tôi càng múa càng thấy thích thú, càng thấy tinh thần dân tộc dâng cao trong lòng, dù có diễn cả ngày nhưng không ai kêu mệt”, ông Hùng vui vẻ kể lại.

Nhận thức được điều cốt lõi để giữ gìn trò Xuân Phả, ông Hùng thường xuyên “thổi” vào đội tinh thần tự hào quê hương, lòng tự tôn dân tộc. Vì vậy, dù khó khăn về kinh phí hoạt động, cuộc sống của đa phần thành viên trong đội còn gặp nhiều khó khăn nhưng họ sẵn sàng hy sinh thời gian, công sức để giá trị văn hóa của cha ông được gìn giữ, phát huy.

Hiện tại, đội múa truyền thống Xuân Phả có 22 thành viên, đều là những người có tinh thần và trách nhiệm cao. Với họ, trò diễn này không còn đơn giản chỉ là trò diễn của làng xã, mà còn là nét văn hóa đặc trưng của người xứ Thanh. Chính vì vậy dù biểu diễn ở sự kiện lớn hay nhỏ, họ đều cống hiến hết mình trong từng điệu múa, nhịp gõ. Và để tinh thần này tiếp tục phát huy trong thế hệ trẻ, ông Hùng đã đề xuất với huyện Thọ Xuân đưa trò diễn Xuân Phả vào các trường học. Cùng với công việc làm phó chủ tịch UBND xã, thời gian qua, ông Bùi Văn Hùng đã trực tiếp đi đến các lớp học để truyền thụ kiến thức và tình yêu trò Xuân Phả đến học sinh trong xã, trong huyện.

Hiện tại, điều nghệ nhân Bùi Văn Hùng trăn trở, lo lắng nhất là tìm người kế nghiệp ông, mà yếu tố đầu tiên là biết đánh trống để diễn trò.

Ông Hùng chia sẻ, “Đặc trưng ở trò Xuân Phả là các vũ công nam có những động tác phóng khoáng, tay chân mở rộng, khỏe khoắn, thể hiện “trong nhu có cương, trong cương có nhu” với nhiều động tác múa, đội hình múa, làm tôn nên sắc thái văn hóa lúa nước, vẻ duyên dáng, tinh tế, kín đáo nhưng cũng rất mạnh mẽ. Để diễn được trò thì người đánh trống rất quan trọng, phải nhớ được trò, biết được trò, vì nhạc trống không chỉ cất cánh cho múa mà còn điều khiển điệu múa. Nhịp trống lỗi thì điệu múa lỗi”.

Hiện trong làng Xuân Phả chỉ còn ông và cụ Đỗ Đình Tạ, nay đã 85 tuổi là biết đánh trống trò. Do tuổi cao, cụ Tạ đã không còn tham gia vào trò diễn, vì vậy ông Hùng phải đau đáu tìm “hậu nhân”. Và “hậu nhân” đó cũng phải như ông “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”, chấp nhận hy sinh về thời gian, công sức... hiểu và xem trò Xuân Phả như máu thịt của mình.

Vân Anh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]