(Baothanhhoa.vn) - Trong bất kỳ một chia sẻ nào về cổ phục, ông Lê Việt Dũng (Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa) cũng nhắc đi nhắc lại câu nói: “Mình không phải là nhà nghiên cứu, nhà văn hóa hay bất kỳ “nhà” nào khác, mình chỉ là người vì yêu mà đến, vì say mê cổ phục mà tự vẽ nên niềm vui cho chính mình”.

Nghe cổ phục kể chuyện...

Trong bất kỳ một chia sẻ nào về cổ phục, ông Lê Việt Dũng (Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa) cũng nhắc đi nhắc lại câu nói: “Mình không phải là nhà nghiên cứu, nhà văn hóa hay bất kỳ “nhà” nào khác, mình chỉ là người vì yêu mà đến, vì say mê cổ phục mà tự vẽ nên niềm vui cho chính mình”.

Nghe cổ phục kể chuyện...Ông Lê Việt Dũng - người say mê, tâm huyết bảo tồn và phát huy giá trị cổ phục Việt.

Là người con của quê hương xứ Thanh, tắm mát trong mạch nguồn văn hóa xứ sở, lại có nhiều năm công tác tại Ban Dân tộc tỉnh Thanh Hóa nên Lê Việt Dũng luôn trăn trở với việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống. Ông Lê Việt Dũng tâm sự: Nhiều lúc xem phim, sân khấu về đề tài lịch sử, mình vẫn thường nghĩ: Liệu trang phục ấy đạt tỷ lệ bao nhiêu phần trăm so với nguyên mẫu? Có thực sự phản ánh đúng về giai đoạn lịch sử, triều đại ấy hay không?”. Vì sao các bạn trẻ hào hứng tìm hiểu, thích thú mặc trang mục truyền thống của các nước khác như: Hanbok của Hàn Quốc, Kimono của Nhật Bản, sườn xám của Trung Quốc mà lại chưa có sự quan tâm, yêu thích đối với cổ phục Việt Nam? Trang phục truyền thống dân tộc đâu chỉ xoay quanh câu chuyện về áo dài, áo bà ba, áo yếm hay áo the khăn xếp... Niềm tự hào về cội nguồn lịch sử - văn hóa của quê hương cùng những trăn trở ấy đã thôi thúc Lê Việt Dũng dành nhiều tâm sức để đi sâu tìm tòi, lan tỏa, quảng bá nét đẹp, giá trị của cổ phục trong đời sống đương đại.

Chính sự hoài cổ ấy đã “bắc nhịp cầu”, đưa ông đến với câu lạc bộ (CLB) Đình làng Việt – nhóm hoạt động tự nguyện dành cho những người yêu di sản, yêu văn hóa truyền thống của người Việt. Hạt nhân của CLB là các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ nhân, họa sĩ, kiến trúc sư... Từ việc tham gia CLB Đình làng Việt, có cơ hội gặp gỡ, giao lưu với các nhà nghiên cứu văn hóa, nghệ nhân, những người có chung niềm đam mê, Lê Việt Dũng ngày càng học hỏi, tích lũy được nhiều kiến thức, hiểu biết sâu rộng hơn về văn hóa truyền thống nói chung, cổ phục nói riêng. Tình yêu, niềm đam mê với cổ phục Việt của Lê Việt Dũng vì thế mà càng được dung dưỡng, phát triển.

“Nói đến cổ phục là nói đến một lĩnh vực rộng lớn mà tôi tin chắc, ít ai đủ tự tin nói rằng mình am hiểu, tường tận được tất cả”, ông Lê Việt Dũng chia sẻ. Chính vì vậy, từ sự yêu thích cá nhân và “giới hạn” hiểu biết của mình, ông Lê Việt Dũng đặt nhiều tâm huyết vào việc tìm hiểu cổ phục của vương triều Nguyễn và triều hậu Lê, đặc biệt là áo ngũ thân triều Nguyễn. Ông Lê Việt Dũng cho biết: “Vương triều Nguyễn và hậu Lê đều phát tích trên mảnh đất xứ Thanh, đó là niềm tự hào đồng thời cũng đặt ra trăn trở cho mỗi người con nơi đây ý thức bảo tồn, phát huy giá trị lịch sử - văn hóa”.

Vì yêu mà đến, vì yêu mà trăn trở, đó là hành trình mà Lê Việt Dũng đến với cổ phục Việt. Ngoài việc tích cực tham gia hoạt động, giao lưu, gặp gỡ các nhà nghiên cứu, nghệ nhân của CLB Đình làng Việt, Lê Việt Dũng trau dồi kiến thức về cổ phục bằng cách sưu tầm, đọc nhiều sách, tư liệu, tham gia các hội thảo, tọa đàm về cổ phục. Năm 2020, Lê Việt Dũng cùng một số thành viên của CLB Đình làng Việt tham gia tọa đàm “Phục hưng quốc phục Việt và đưa áo dài truyền thống vào cuộc sống đương đại” trong khuôn khổ sự kiện Ngày hội áo dài và Lễ hội ẩm thực Huế. Tại đây, ông đã được tiếp cận, mở mang thêm nhiều kiến thức và gặp gỡ, kết nối được nhiều nhà nghiên cứu, nghệ nhân may áo dài ở Huế. Ông đặt may nhiều cổ phục của các nghệ nhân với mong muốn sưu tầm, quảng bá, lan tỏa nét đẹp, ý nghĩa trang phục này đến đông đảo mọi người hơn.

Nghe cổ phục kể chuyện...Nhiều người yêu thích tìm hiểu, chụp ảnh lưu niệm tại không gian “Việt cổ phục” của Lê Việt Dũng trong dịp Tết Nguyên đán Quý Mão 2023.

Hiện nay, bộ sưu tập cổ phục Việt của ông Lê Việt Dũng có chủ yếu là trang phục của người Việt thời hậu Lê và thời Nguyễn. Cổ phục thời hậu Lê có hai loại áo: giao lĩnh (cổ vạt chéo) và viên lĩnh (cổ tròn); thời Nguyễn có áo ngũ thân tay thụng, áo ngũ thân tay chẽn. Đây là các loại thường phục, riêng có áo Nhật bình vốn là loại triều phục dành cho bậc hậu, phi, cung tần và công chúa thời Nguyễn. Các kiểu áo này chỉ là bộ phận rất nhỏ trong hệ thống đa dạng, phong phú cổ phục Việt. "Nghề chơi cũng lắm công phu” – ông Lê Việt Dũng bộc bạch. Dịp Tết Nguyên đán Qúy Mão 2023, ông Lê Việt Dũng lần đầu tổ chức trưng bày, giới thiệu các loại trang phục truyền thống thời hậu Lê, thời Nguyễn tại Công viên Hội An, TP Thanh Hóa. Không gian “Việt cổ phục” của ông Lê Việt Dũng là điểm nhấn ấn tượng, thu hút đông đảo du khách.

Lê Việt Dũng đặc biệt hào hứng, say mê khi nói về kiểu áo ngũ thân triều Nguyễn. Ông Dũng cho biết: Thiết kế của áo ngũ thân rất phù hợp với phong thái, cốt cách của người Việt, giúp người mặc che được khiếm khuyết hình thể, hướng đến sự cân đối, hài hòa, thoải mái. Từng chi tiết trong thiết kế kiểu áo ngũ thân này không chỉ đáp ứng yếu tố thẩm mỹ mà còn có ý nghĩa sâu sắc, răn dạy đạo lý ở đời. Theo tài liệu mà Lê Việt Dũng đọc, tìm hiểu: Trong 5 thân áo của kiểu áo ngũ thân, bốn thân áo của vạt trước, vạt sau tượng trưng cho “tứ thân phụ mẫu”; thân trong tượng trưng cho bản thân người mặc. Áo ngũ thân cũng có năm nút, tượng trưng cho ngũ thường (nhân – lễ – nghĩa – trí – tín), ngũ luân (quân thần, phụ tử, phu phụ, huynh đệ, bằng hữu). Do đó, mỗi người khi khoác lên mình áo ngũ thân sẽ luôn nhớ đến những đạo nghĩa, cách cư xử trong các mối quan hệ, nhắc nhở bản thân cẩn trọng lời ăn tiếng nói, tu dưỡng, rèn luyện bản thân.

Làm thế nào để bảo tồn, phát huy giá trị cổ phục Việt tốt hơn nữa trên mảnh đất xứ Thanh ngàn năm tinh hoa hội tụ này? Câu hỏi luôn trở đi trở lại trong lòng ông Lê Việt Dũng. Từ những trăn trở ấy, tại xứ Thanh, ông Lê Việt Dũng đã kết nối, thành lập một nhóm khoảng hơn 20 người thuộc nhiều tầng lớp, công việc khác nhau nhưng có chung niềm đam mê với văn hóa truyền thống, cổ phục. Tại các lễ hội, sự kiện văn hóa diễn ra trong tỉnh, khi có điều kiện tham gia, ông Dũng cùng các thành viên trong nhóm đều diện áo ngũ thân như một cách quảng bá, lan tỏa. Không dừng lại ở đó, với mong muốn cổ phục được ứng dụng nhiều hơn trong đời sống, ông Dũng đã học cách lấy số đo cho khách có nhu cầu may áo ngũ thân, sau đó gửi cho các nghệ nhân may thành phẩm. “Lượng khách không đông nhưng nó mang lại niềm vui cho bản thân mình. Qua sự giới thiệu của bạn bè, khách hàng đã từng may áo mà tình yêu với cổ phục của mình được lan tỏa. Có khách hàng ở Hòa Bình cũng liên hệ, đặt may áo, có khách đặt may mang đi nước ngoài và khách nước ngoài sinh sống, làm việc tại Thanh Hóa cũng kết nối”. Ngay tại nhà mình, ông Dũng cũng dành riêng một không gian để trưng bày cổ phục Việt, trang trí như một điểm check-in cho khách khi muốn đến thuê trang phục hay đơn giản chỉ là ghé chơi, tham quan, tìm hiểu về cổ phục.

“Tôi luôn nghĩ, trong việc bảo tồn có phát huy, nghĩa là không phải là sự thay thế các giá trị mà cùng đồng hiện”, ông Lê Việt Dũng bộc bạch. Ông Dũng mong muốn cổ phục Việt sẽ nhận được nhiều sự quan tâm, đầu tư hơn nữa, sẽ được ứng dụng nhiều hơn vào cuộc sống, trong những bối cảnh, sự kiện văn hóa phù hợp. Thiết nghĩ, trên hành trình kết nối các điểm di tích xứ Thanh có sự xuất hiện rộng rãi của cổ phục; trong không gian Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Lam Kinh, Thái miếu nhà hậu Lê, đình Gia Miêu, Khu Di tích lăng miếu Triệu Tường... có một gian trưng bày, giới thiệu cổ phục gắn với lịch sử vương triều thì sẽ càng thêm phần độc đáo, hấp dẫn, ý nghĩa...

Thảo Linh



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]