(Baothanhhoa.vn) - Nếu ví Tống Giang xưa (nay là huyện Hà Trung) trên bản đồ tỉnh Thanh “như một lá cờ đang tung bay trong gió lộng, lớp lớp sóng cờ nổi lên nhấp nhô núi đồi giữa miên man xóm làng đồng ruộng” thì khu vực ngã ba Bông (xã Hà Sơn) chính là nét chấm phá đặc sắc góp phần làm nên linh hồn, khí sắc của ngọn cờ ấy.

Ngã ba Bông

Nếu ví Tống Giang xưa (nay là huyện Hà Trung) trên bản đồ tỉnh Thanh “như một lá cờ đang tung bay trong gió lộng, lớp lớp sóng cờ nổi lên nhấp nhô núi đồi giữa miên man xóm làng đồng ruộng” thì khu vực ngã ba Bông (xã Hà Sơn) chính là nét chấm phá đặc sắc góp phần làm nên linh hồn, khí sắc của ngọn cờ ấy.

Ngã ba Bông

Đền Cô Bơ nằm bên vùng ngã ba Bông (xã Hà Sơn, Hà Trung).

Một trung tâm văn hóa tín ngưỡng

Trên hành trình dòng Mã giang xuôi về với biển, ngã ba Bông được ví như nơi linh khí đất trời ngàn năm hội tụ, sơn kỳ thủy tú, thấm đượm huyền tích, truyền thuyết dân gian, mênh mang tình người.

Về với ngã ba Bông - nơi “một tiếng gà gáy 6 huyện cùng nghe”, đừng vội bước vào “cửa cô” - đền Cô Bơ (Ba) Bông hay tìm đến đền Hàn. Hãy một lần đưa mình hòa vào cảnh sắc thiên nhiên nơi đây, đối diện với ngã ba sông mênh mông, cô tịch để tìm lấy những phút giây thanh thản, lặng yên. Thoảng hoặc, ảnh hình của một con thuyền nhỏ mờ ảo hiện hữu trong lớp sương mờ hòa cùng tiếng sóng khiến lòng ta ngỡ như đang chìm vào cõi mơ. Bỗng muốn được thử sức cất giọng gọi đò như xưa nơi đây từng một thời sôi nổi, nhộn nhịp. Sông nước không đáp lời, người lái đò cũng vắng bóng, chỉ thấy vọng lại từ đâu đó câu hò sông Mã: “Trên Ba Bông, dưới Thác, giữa Hàn/ Mình em phận gái biết làm sao đây?”.

Đôi câu hò mộc mạc như thế thôi mà phần nào cho thấy chiều sâu lịch sử - văn hóa, tâm linh của vùng ngã ba sông nước này. Những ngôi chùa, đền thiêng như: đền Cô Bơ, đền Hàn Sơn, chùa Ngọc Sơn,... khảm vào bức tranh những nét vẽ của thời gian, văn hóa - tín ngưỡng.

Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Cô Bơ thoải (mẫu thoải thủy cung) được thờ ở nhiều nơi trong cả nước nhưng địa danh đền Cô Bơ (xã Hà Sơn) là nơi phát tích: “Đệ nhất Thượng Thiên/ Đệ nhị Thượng Ngàn/ Đệ tam Thoải Phủ”. Cô Bơ thoải được miêu tả là người tài sắc vẹn toàn: “Dù ai đi ngược về xuôi/ Sông bao nhiêu nước thương người bấy nhiêu/ Nhớ xưa tích cũ Lê triều/ Có Cô Bơ thoải mỹ miều thanh tân”. Trong dân gian lưu truyền nhiều huyền tích về Cô Bơ Bông. Có tài liệu cho rằng cô là con gái vua Thủy Tề dưới Thủy Cung. Cũng có tài liệu ghi chép rằng, cô là con gái của Long Vương, hầu cận cho Đức Vương Mẫu, giáng sinh xuống trần phổ độ chúng sinh, giúp người giúp đời”. Cô Bơ Bông không chỉ có công phò vua, giúp nước mà còn giúp dân “phong điều vũ thuận”. Công đức của cô được người dân lưu truyền: “Lê triều sắc tặng gia ban/ Anh hùng thục nữ trung can muôn đời”.

Cô Bơ là một trong những vị thánh cô trong hệ thống Tứ phủ thánh cô Việt Nam. Khi cô ngự đồng thường mặc áo trắng, đầu đội khăn đóng, cầm đôi mái chèo, khoác thêm trên mình chiếc áo choàng trắng... Người ta vẫn thường truyền tai nhau rằng: Người có căn Cô Bơ thì đừng mơ hạnh phúc. Có lẽ, vì câu nói ấy mà khi về với đền Cô Bơ, hình ảnh những thanh đồng lộng lẫy trong áo gấm, hài cườm, rộn ràng theo tiếng hát văn vẫn khiến người xem không khỏi động lòng rưng rưng. Một vùng ngã ba Bông do đó mà càng thêm nét u hoài phảng phất.

Cùng với đền Cô Bơ, vùng ngã ba Bông có đền Hàn Sơn linh thiêng nổi tiếng. “Tháng sáu hội Gai, tháng hai hội Mía” (Hội Gai tức là hội đền Hàn) là cách dân gian nhắc nhớ về lễ hội đền Hàn, cũng phần nào cho thấy vị trí của ngôi đền trong đời sống văn hóa – tâm linh người Việt. Lễ hội được tổ chức hằng năm vào tháng 6 (âm lịch); ngày 12 tháng 6 (âm lịch) là chính hội. Cứ đến ngày lễ, dân làng háo hức mua sắm lễ vật cúng tế, tổ chức rước bóng bằng kiệu long đình, kiệu bát cống, kiệu võng từ đền Hàn Sơn đến đền Cô Ba Bông. Đặc biệt, vào những năm thời tiết hạn hán kéo dài, các làng còn tổ chức hội cầu mưa (Đảo vũ). Tiếp nối phần lễ là phần hội được tổ chức nhộn nhịp, sôi nổi, thu hút đông đảo du khách thập phương với nhiều trò chơi, trò diễn dân gian như: đánh cờ người, đánh vật, đu quay, leo dây, múa rồng, kéo co, múa lân, hát tuồng, chèo,... Kết thúc lễ hội là những cuộc đua thuyền (bơi chải) náo nhiệt cả một vùng sông Lèn.

Biến tiềm năng thành lợi thế, động lực phát triển

Nhận thức sâu sắc tài nguyên du lịch nhân văn đa dạng, phong phú, độc đáo, nhiều năm qua, xã Hà Sơn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trùng tu, tôn tạo di tích, kết nối điểm du lịch... nhằm phát huy hiệu quả tiềm năng trở thành thế mạnh, góp phần quan trọng thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương. Năm 2008, đền cô Bơ được khởi công xây dựng, trùng tu, tôn tạo với tổng kinh phí khoảng 15 tỷ đồng, đến năm 2010 tiếp tục xây dựng các công trình bổ trợ. Năm 2011, đền Hàn Sơn được xây dựng, tu bổ, đến năm 2015 cơ bản hoàn thành với tổng kinh phí khoảng 40 tỷ đồng. “Cả hai di tích này đều được bảo tồn, phát huy nhờ nguồn kinh phí xã hội hóa. Mỗi người một tấm lòng, tùy theo điều kiện kinh tế của mình, đóng góp sức người, sức của. Ngoài các yếu tố khách quan thì chính sự đoàn kết, đồng thuận của Nhân dân là nguồn nội lực quan trọng để xã Hà Sơn chuyển mình”, ông Phạm Văn Định, Chủ tịch UBND xã Hà Sơn, cho biết. Đất không phụ lòng người, nhờ phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế về cảnh quan, di tích, giá trị lịch sử - văn hóa mà vùng ngã ba Bông thu hút đông đảo du khách thập phương tìm về vãn cảnh, chiêm bái. Vào mùa lễ hội, du lịch phát triển tạo việc làm cho hàng chục hộ, hàng trăm lao động xung quanh các khu di tích với mức thu nhập khá. Nương theo bóng đền, thu nhập của một bộ phận người dân nơi đây được cải thiện, đời sống được nâng cao.

Song song với phát triển du lịch văn hóa tâm linh, xã Hà Sơn tích cực đẩy mạnh, nhân rộng mô hình phát triển kinh tế, khuyến khích xuất khẩu lao động... Đến nay, sau bao quyết tâm, phấn đấu, trong diện tích khoảng 300 ha đất nông nghiệp của địa phương đã có gần 100 ha diện tích đất sản xuất kém hiệu quả được dồn điền đổi thửa, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, quy hoạch thành 2 vùng tập trung phát triển mô hình kinh tế trang trại tổng hợp, trồng hoa, cây ăn quả, nuôi trồng thủy sản, trồng cây cảnh là: vùng Thống Nhất và vùng Liên Hợp. Đối với các vùng quy hoạch, xã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng (cống thoát nước, đường giao thông, kênh rạch) với tổng kinh phí khoảng 10 tỷ đồng. Nhờ đó, phong trào phát triển kinh tế của xã nở rộ với nhiều mô hình cho hiệu quả kinh tế đáng kỳ vọng, đem lại mức thu nhập từ vài chục đến hàng trăm triệu đồng/năm. Nhiều câu lạc bộ (CLB) giúp đỡ nhau phát triển kinh tế được thành lập như: CLB nuôi ốc nhồi, CLB nuôi ba ba... góp phần thúc đẩy, lan tỏa “khí thế” làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Từng là một trong những địa phương khó khăn nhất huyện, đến nay, sau nhiều nỗ lực, một vùng ngã ba sông nước căng tràn sức sống với nhiều tiềm năng, lợi thế đang được phát huy hiệu quả. Những tháng đầu năm 2022, xã Hà Sơn đang nỗ lực thực hiện nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu. Đến nay, toàn xã có 5/8 thôn đạt thôn nông thôn mới kiểu mẫu. Trong đó, xã hướng tới mục tiêu lâu dài là xây dựng mô hình du lịch nông nghiệp kết hợp du lịch tâm linh. Ông Phạm Văn Định, Chủ tịch UBND xã Hà Sơn chia sẻ: “Để làm được điều đó, xã tiếp tục đầu tư hạ tầng giao thông kết nối các điểm di tích với các khu sản xuất nông nghiệp, trang trại; tạo mọi điều kiện thu hút đầu tư vào khu vực hồ Sun (thôn Chí Phúc) làm du lịch sinh thái, trang trại nông nghiệp, thương mại du lịch...”.

Bài và ảnh: Hương Thảo


Bài và ảnh: Hương Thảo

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]