(Baothanhhoa.vn) - Đã một lần về với vùng đất Kẻ Nưa (nay là xã Tân Ninh, Triệu Sơn) mà không dạo bước ghé thăm một vài ngôi nhà cổ có lịch sử tồn tại trên dưới trăm năm trong làng thì quả là một điều đáng tiếc.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nét đẹp của những ngôi nhà cổ trên vùng đất Kẻ Nưa

Nét đẹp của những ngôi nhà cổ trên vùng đất Kẻ Nưa

Nét cổ kính của những ngôi nhà cổ trên đất Kẻ Nưa.

Đã một lần về với vùng đất Kẻ Nưa (nay là xã Tân Ninh, Triệu Sơn) mà không dạo bước ghé thăm một vài ngôi nhà cổ có lịch sử tồn tại trên dưới trăm năm trong làng thì quả là một điều đáng tiếc.

Đối với Kẻ Nưa, những ngôi nhà cổ ấy không đơn thuần là địa chỉ sinh hoạt của một gia đình, hộ dân cư nào đó. Trải qua bao sự biến thiên của thời gian, ẩn hiện trong từng nếp nhà xưa cũ là những giá trị văn hóa – lịch sử quý báu, là linh hồn của làng, xã.

Cùng với lịch sử hình thành và phát triển lâu đời của vùng đất Kẻ Nưa, lợi thế nơi cửa rừng và tâm lý ganh đua, chăm chỉ làm lụng, tích cóp của người dân nơi đây tự bao đời chính là những thành tố quan trọng góp phần tạo nên hệ thống nhà cổ vừa nhiều về số lượng lại mang đậm yếu tố nghệ thuật kiến trúc truyền thống dân gian. Anh Lê Thanh Sơn, cán bộ văn hóa xã Tân Ninh cho biết: “Trên phạm vi toàn xã hiện còn lưu giữ được khoảng 40 ngôi nhà cổ với tuổi đời trung bình trên 80 năm. Một số ngôi nhà cổ có tuổi thọ trên 100 năm. Hầu hết các ngôi nhà cổ đều được dựng nên từ nhiều loại gỗ quý như: Lim, táu...”. Không chỉ có ý nghĩa như vốn tài sản mà cha ông lam lũ, nhọc nhằn gây dựng được truyền lại cho con cháu, những ngôi nhà cổ này như những hiện vật biết kể chuyện: Chuyện về truyền thống gia đình, dòng họ; chuyện về đất và người quê hương...

Nét đẹp của những ngôi nhà cổ trên vùng đất Kẻ NưaNgôi nhà cổ được xây dựng từ năm 1912 của gia đình ông Lê Bật Cầu.

Với mong mỏi được tìm hiểu sâu hơn về các giá trị văn hóa – lịch sử của vùng đất cổ dưới chân dãy núi Ngàn Nưa; mang theo tâm trạng háo hức được ngắm nhìn những ngôi nhà cổ đã “sống” nhiều hơn tuổi đời của mình ngót cả mấy chục năm, chúng tôi tìm đến tư gia của gia đình ông Lê Văn Đôn. Đó là một ngôi nhà cổ dân gian truyền thống được xây dựng dưới thời Nguyễn, có cấu trúc 3 gian. Đặc biệt, ngôi nhà được bảo tồn khá nguyên vẹn cả về kiểu dáng kiến trúc cũng như vật liệu xây dựng. Tường vỉ và tường hậu xây bằng gạch; vì nóc cấu trúc giá chiêng kẻ chuyền; vì hiên cấu trúc kiểu chồng rường con nhị và được chạm khắc hoa văn. Bờ dải, bờ nóc đắp vuông, có đấu nắm cơm ở đầu nóc và kìm nóc hình rồng cách điệu.

Được xây dựng vào năm 1918, ngôi nhà của gia đình bà Mai Thị Dậu được cấu trúc gồm 3 gian, 2 chái với hệ thống vì, kèo theo thức giá chiêng kẻ chuyền ở bộ vì nóc. Ở hiên hai vì thuận cấu trúc chồng rường con nhị được trang trí hoa văn trên các ô hộc, các vì giữa là kẻ bẩy. Tường long cốt ở phía trên có hệ thống xuân hoa bao gồm các con tiện và mắt cửa...

Ngôi nhà của gia đình ông Lê Bật Cầu có lịch sử lâu đời hơn ngôi nhà của gia đình bà Mai Thị Dậu khi xây dựng từ năm 1912, đến năm Bảo Đại thứ 6 (1931) thì được trùng tu, tôn tạo lại gồm 5 gian, 2 chái. Bộ khung gỗ được cấu trúc theo kiểu giá chiêng chồng tầng kẻ bẩy. Phía ngoài, cánh phong làm theo kiểu tam sơn; đỉnh mái đắp đấu nắm cơm có kìm nóc hình rồng cách điệu. Trước hiên nhà có bình phong cổ trang trí chữ Thọ tròn. Cổng nhà có mái che, đỉnh cổng trang trí đắp phù điêu cây hoa cúc. Nhớ về những năm tháng gia đình sum vầy đầm ấm trong ngôi nhà cổ, ông Cầu không giấu nổi cảm xúc nghẹn ngào, trân quý. Có lẽ bởi sự gắn bó máu thịt sâu sắc ấy đã níu giữ bước chân ông, giục lòng ông vội vã quay về mảnh đất quê hương, về với người mẹ già hằng ngày vẫn lặng lẽ ngồi trước hiên nhà ngóng ra cửa ngõ đợi con cháu về thăm.

Cùng chung cảm xúc với ông Lê Bật Cầu, ông Hứa Như Long trân trọng những kỷ niệm mà ông và gia đình mình đã có trong ngôi nhà cổ với tuổi đời trên 130 năm. Trải qua 6 thế hệ sinh sống, từ ngôi nhà ngói với kiến trúc 7 gian, 2 chái bắt vần, đến nay, chỉ còn 3 gian, 2 chái đủ nói lên biết bao điều đã đổi thay trong cuộc sống. Được biết, trong kháng chiến chống Mỹ, ngôi nhà gỗ của gia đình đã có một thời gian dài được Nhà nước trưng dụng làm kho chứa quân lương phục vụ kháng chiến.

Quả thực, giữa những áp lực của bộn bề cuộc sống và đầy rẫy những điểm nhìn, lối suy nghĩ thực dụng, việc có thể lưu giữ lại được những ngôi nhà cổ với sức sống hơn một thế kỷ như ở làng Kẻ Nưa là một điều không hề dễ dàng. Đó là minh chứng rõ ràng nhất cho tâm huyết, nỗ lực của biết bao thế hệ con người đã sinh ra và lớn lên, sống và chết cùng với ngôi nhà thân yêu của mình. Hơn tất thảy, sự tồn tại vững bền của những ngôi nhà cổ ấy đã thể hiện được tấm lòng biết ơn, quý trọng mà thế hệ cháu con của làng Kẻ Nưa hôm nay dành cho di sản mà cha ông tự ngàn xưa đã dày công dựng xây, trao truyền lại.

Đánh giá về giá trị của những ngôi nhà cổ, ông Nguyễn Hữu Ngôn – người am hiểu và có nhiều bài viết, công trình nghiên cứu về văn hóa nói chung và văn hóa xứ Thanh nói riêng nhận định: “Việc gìn giữ, bảo tồn được những ngôi nhà cổ có tuổi đời trên dưới trăm năm là việc làm có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Bởi, sự tồn tại của những ngôi nhà cổ ấy là sự hiện diện sống động của cả một giai đoạn lịch sử. Nó là biểu tượng đẹp của văn hóa làng xã và sự tài hoa trong bàn tay, khối óc của con người. Vì thế, nhà cổ vẫn luôn có sức sống lâu bền trong đời sống xã hội hôm nay. Giá trị của thời gian đủ sức làm nên giá trị kinh tế nếu chúng ta biết cách khai thác nó như một sản phẩm du lịch có chiều sâu văn hóa - lịch sử”.

Nguyên Linh


Nguyên Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]