(Baothanhhoa.vn) - Di sản văn hóa nói chung và các di sản văn hóa phi vật thể nói riêng - với vị thế và giá trị bất biến của nó - được xem là yếu tố cơ bản tạo nên truyền thống văn hóa và là cơ sở cho mọi sự sáng tạo văn hóa trong một cộng đồng, một dân tộc. Song, trong bối cảnh hiện nay, để di sản có thể nắm lấy vai trò ấy, vấn đề đặt ra là phải hài hòa được mối quan hệ giữa bảo tồn với phát huy giá trị di sản. Nói cách khác là phải thế nào để các giá trị và nét cổ xưa “sống” cùng đời sống đương đại.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Nét cổ xưa trong đời sống đương đại

Di sản văn hóa nói chung và các di sản văn hóa phi vật thể nói riêng - với vị thế và giá trị bất biến của nó - được xem là yếu tố cơ bản tạo nên truyền thống văn hóa và là cơ sở cho mọi sự sáng tạo văn hóa trong một cộng đồng, một dân tộc. Song, trong bối cảnh hiện nay, để di sản có thể nắm lấy vai trò ấy, vấn đề đặt ra là phải hài hòa được mối quan hệ giữa bảo tồn với phát huy giá trị di sản. Nói cách khác là phải thế nào để các giá trị và nét cổ xưa “sống” cùng đời sống đương đại.

Các nghệ nhân đúc đồng làng Trà Đông, xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa) rót nguyên liệu đã được nung chảy vào khuôn đúc. Ảnh: Khôi Nguyên

Ngoài 1.535 di tích, danh thắng các loại, xứ Thanh còn là quê hương của hàng chục loại hình di sản văn hóa phi vật thể, vừa mang đặc trưng riêng của vùng đất, vừa có tính tiêu biểu cho văn hóa dân tộc. Đặc biệt, Thanh Hóa hiện có 7 di sản được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bao gồm Trò diễn Xuân Phả, xã Xuân Trường (Thọ Xuân); trò diễn Pồn Pôông của người Mường, xã Cao Ngọc (Ngọc Lặc); lễ hội Trò Chiềng, xã Yên Ninh (Yên Định); lễ tục Kin Chiêng Boọc Mạy của người Thái, xã Xuân Phúc (Như Thanh); dân ca dân vũ Đông Anh, xã Đông Anh (Đông Sơn); lễ hội Cầu Ngư, xã Ngư Lộc (Hậu Lộc) và nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè (Trà Đông) xã Thiệu Trung (Thiệu Hóa).

Mỗi di sản văn hóa phi vật thể được vinh danh đều truyền tải một bức thông điệp từ quá khứ, hay là sự phản ánh một cách sinh động và hài hòa những phong tục, tập quán sinh hoạt, những lễ nghi, tín ngưỡng, những tri thức, kinh nghiệm dân gian và cả những quan niệm về nhân sinh, về thế giới của các cộng đồng dân cư, các tộc người, đã sinh sống trên mảnh đất này từ xa xưa. Trò diễn Xuân Phả là kết quả từ sự sáng tạo tuyệt vời của những “nghệ sĩ chân quê” vùng ven bờ sông Chu, khi di sản có sự hòa quyện thú vị giữa nghệ thuật trình diễn dân gian với các yếu tố nghệ thuật cung đình. Với hệ thống 5 trò diễn là Hoa Lang, Chiêm Thành, Ai Lao, Ngô Quốc và Lục Hồn Nhung, tập trung phản ánh việc sứ thần các nước lân bang đến tiến cống vua Nam Việt và nghinh bái Thành hoàng nước Nam; trò diễn Xuân Phả với các tích trò, cách thức diễn xướng, điệu múa, lời hát, trang phục, đạo cụ... đã được người dân làng Xuân Phả chắt lọc, nâng cao và kết tinh thành di sản văn hóa đặc sắc và “vô tiền khoáng hậu”.

Nếu trò diễn Xuân Phả có các yêu cầu khá khắt khe về cách thức trình diễn và số lượng người tham gia; thì lễ hội Cầu Ngư làng Diêm Phố lại có “độ mở” khá lớn và tầm ảnh hưởng rộng. Khởi phát là lễ hội của cư dân ngư nghiệp, cầu cho mưa thuận gió hòa, tôm cá đầy thuyền, cuộc sống no đủ; đồng thời, thể hiện niềm tin, sự ngưỡng vọng và thành kính của con người đối với các đấng siêu nhiên, các bậc thánh thần bảo trợ cho nghề. Trải qua hàng trăm năm tồn tại, với vô vàn đổi thay từ cuộc sống và trong nhận thức lẫn quan niệm của con người, lễ hội Cầu Ngư ngày nay đã trở thành sinh hoạt văn hóa chung của một vùng rộng lớn. Bất kể cư dân ngư nghiệp, thương nghiệp, tiểu thủ công nghiệp hay nông nghiệp, cứ đến các ngày 22, 23, 24-2 âm lịch hằng năm, đều cùng hướng về lễ hội để bày tỏ những khát vọng và gửi gắm niềm tin. Lễ hội truyền thống mang tính đặc trưng cho văn hóa vùng biển này là một minh chứng sinh động cho sự đa dạng của văn hóa xứ Thanh.

Là di sản đầu tiên của Thanh Hóa thuộc loại hình nghề thủ công truyền thống được vinh danh ở hạng mục di sản phi vật thể quốc gia, nghề đúc đồng cổ truyền làng Chè (Trà Đông), xã Thiệu Trung là một di sản đặc biệt. Sự đặc biệt của nó nằm ở sự kết tinh giữa hai giá trị vật chất và tinh thần, vật thể và phi vật thể trong một sản phẩm đồ đồng – một sản phẩm văn hóa. Đây là một kho tàng tri thức dân gian vô cùng quý giá về các bí quyết và kinh nghiệm làm nghề, được trao truyền trong gia đình, dòng họ. Đồng thời, sự tồn tại của làng nghề có lịch sử cả nghìn năm này, cũng chính là sự tồn tại của các tập tục sinh hoạt, tập quán sản xuất; của các lễ nghi, phong tục trong thờ phụng tổ nghề; của các mối quan hệ gắn bó, ràng rịt giữa các nghệ nhân, các lò đúc đồng, giữa làng nghề với các làng lân cận... Các yếu tố ấy được gọi tên là “truyền thống” – riêng có và độc đáo của làng Chè.

Mỗi di sản có một lịch sử hình thành, tồn tại và phát triển khác nhau; có cách thức trình diễn và các lễ nghi khác biệt. Song, chúng có điểm chung là sức sống mãnh liệt và các giá trị bất biến đã giúp các di sản ấy vượt qua sự sàng lọc của thời gian, để tồn tại như một kỳ tích. Đồng thời, các di sản đã được vinh danh, được xếp hạng và cả những di sản còn ngủ vùi trong tâm thức hay đời sống cộng đồng, đã và đang là thành tố cơ bản tạo nên truyền thống văn hóa và là cơ sở cho mọi sự sáng tạo văn hóa trong một cộng đồng, một dân tộc. Song, trong bối cảnh hiện nay, để di sản có thể nắm lấy “cây gậy quyền lực” ấy, vấn đề đặt ra là phải hài hòa được mối quan hệ giữa bảo tồn với phát huy giá trị di sản. Nói cách khác là phải thế nào để các giá trị cổ xưa “sống” – sống tích cực, sống ý nghĩa cùng đời sống đương đại.

Người ta đã và đang bàn nhiều đến vấn đề giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa bảo tồn với khai thác và phát huy giá trị di sản, trong đó có di sản phi vật thể. Bởi, thực tế đang tồn tại 2 xu hướng: Hoặc là nặng về bảo tồn, phục cổ mà coi nhẹ phát huy giá trị di sản; hoặc việc khai thác, phát huy giá trị di sản chưa đúng, chưa tương xứng, thậm chí là làm mất đi ý nghĩa, giá trị của di sản. Đó là chưa kể hoạt động bảo tồn các di sản văn hóa phi vật thể hiện đang gặp rất nhiều khó khăn cả về nguồn lực và con người; hoặc được thực hiện một cách thiếu nghiêm túc, thiếu hiệu quả và chưa khoa học. Các di sản văn hóa được mặc nhiên thừa nhận là sản phẩm sáng tạo của một cộng đồng người. Tuy nhiên, có lúc, có nơi, vai trò và sự tham gia của cộng đồng vào quá trình bảo tồn và phát huy giá trị di sản còn bị xem nhẹ hoặc không vững chắc...

Để các giá trị văn hóa cổ xưa ấy có thể “sống” cùng đời sống đương đại, nhiều giải pháp đã được tỉnh Thanh Hóa, ngành chức năng và chính quyền một số địa phương đề ra. Trong đó có chú trọng đúng mức đến công tác quản lý Nhà nước về bảo tồn, phát huy di sản văn hóa, nhất là việc thống kê, lập hồ sơ di sản; thúc đẩy việc nghiên cứu, bảo tồn, truyền dạy di sản cho thế hệ trẻ. Cùng với đó là bước đầu nghiên cứu để có cơ sở đầu tư chiều sâu cho một số lễ hội tiêu biểu, đặc sắc; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, tôn vinh những nghệ nhân tiêu biểu và có nhiều đóng góp cho việc bảo tồn di sản. Bên cạnh việc dành nguồn lực cho công tác bảo tồn di sản, việc khai thác di sản gắn với phát triển du lịch đang được xem là một giải pháp tối ưu, nhằm hài hòa 2 mệnh đề “bảo tồn” và “phát huy” giá trị di sản. Du lịch di sản hiện được xác định là một sản phẩm có thế mạnh của du lịch Thanh Hóa. Song, phát triển du lịch phải trên cơ sở tôn trọng di sản gốc, cũng như bảo vệ môi trường văn hóa nơi di sản hình thành và tồn tại. Đối với các di sản văn hóa phi vật thể, đó là sự đề cao yếu tố cộng đồng – những người nắm giữ di sản; đồng thời, kêu gọi sự tham gia tối đa của cộng đồng trong hoạt động bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Từ đó, khơi dậy trong họ “một ý thức về bản sắc và sự kế tục”, để tiếp tục là cầu nối trao truyền di sản cho thế hệ sau.


Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]