(Baothanhhoa.vn) - Nếu lịch sử dân tộc ta gắn liền với vô vàn cuộc đấu tranh chống ngoại bang xâm lược, thì Cuộc khởi nghĩa do nữ anh hùng Triệu Thị Trinh lãnh đạo, là một dấu mốc đặc biệt, góp phần làm rạng rỡ thêm trang vàng lịch sử đấu tranh và dựng xây nền độc lập dân tộc.

Lễ hội Đền Bà Triệu: Khơi dậy truyền thống yêu nước, nhân lên khát vọng tự cường

Nếu lịch sử dân tộc ta gắn liền với vô vàn cuộc đấu tranh chống ngoại bang xâm lược, thì Cuộc khởi nghĩa do nữ anh hùng Triệu Thị Trinh lãnh đạo, là một dấu mốc đặc biệt, góp phần làm rạng rỡ thêm trang vàng lịch sử đấu tranh và dựng xây nền độc lập dân tộc.

Lễ hội Đền Bà Triệu: Khơi dậy truyền thống yêu nước, nhân lên khát vọng tự cường

Lễ hội Đền Bà Triệu. (Ảnh tư liệu Báo Thanh Hóa)

Đất nước ta dưới ách đô hộ của nhà Ngô chìm trong khốn cảnh lầm than, do các chính sách bóc lột tàn bạo của kẻ thù. Không dừng lại ở việc vơ vét sản vật, lương thực, của cải… chúng còn bắt hàng vạn trai tráng đưa sang Đông Ngô và bị ném vào các cuộc hỗn chiến Nguỵ - Thục - Ngô; rồi hàng ngàn thợ thủ công bị đưa lên phương Bắc để xây dựng kinh đô cho triều đình thống trị.

Trong bối cảnh tưởng chừng bế tắc không lối thoát ấy, cuộc khởi nghĩa Bà Triệu năm 248 ví như cơn sóng mạnh mẽ, sẵn sàng phá tan mọi thành quách áp bức của giặc Ngô. Từ căn cứ Ngàn Nưa (Triệu Sơn), nghĩa quân Bà Triệu tràn xuống tấn công thành Tư Phố - nơi đặt cơ quan đầu não của chính quyền đô hộ. Cuộc tấn công khiến chính quyền đô hộ nhà Ngô không kịp trở tay.

Sau khi hạ thành Tư Phố, Bà Triệu đưa quân vượt sông Mã về Bồ Điền (làng Phú Điền, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc ngày nay) - nơi có địa hình hiểm trở, thuận công dễ thủ, để xây dựng căn cứ làm bàn đạp tiến đánh Giao Chỉ.

Khởi nghĩa Bà Triệu bắt đầu từ Quận Cửu Chân đã nhanh chóng lan ra rộng, khiến toàn Giao Châu chấn động và buộc bè lũ xâm lược phải dồn sức đàn áp. Trong trận huyết chiến cuối cùng với kẻ thù, Bà Triệu đã tuẫn tiết trên núi Tùng.

Mặc dù khởi nghĩa thất bại, song đó đó vẫn xứng là một trong những giai đoạn lịch sử vẻ vang. Bởi, cuộc khởi nghĩa là sự khẳng định cho tinh thần yêu nước, khát vọng độc lập và khí phách dân tộc trước các thế lực ngoại bang. Đồng thời, hình tượng anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh cũng chính là biểu tượng ngời sáng về sự kiên cường, bất khuất gắn với “lời hịch” bất hủ: “Tôi muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi giặc Ngô, giành lại giang sơn, cởi ách nô lệ chứ không chịu khom lưng làm tỳ thiếp cho người” của bậc nữ trung hào kiệt sẽ mãi lưu danh sử sách để hậu thế ngưỡng vọng, tự hào.

Lễ hội Đền Bà Triệu: Khơi dậy truyền thống yêu nước, nhân lên khát vọng tự cường

Đền Bà Triệu. (Ảnh tư liệu Báo Thanh Hóa)

Tưởng nhớ công ơn của Bà Triệu và các anh hùng hào kiệt, người làng Bồ Điền đã tôn Bà là Thành hoàng làng, lập đền thờ dưới chân núi Gai, xây lăng mộ trên đỉnh Na Lĩnh (thuộc núi Tùng) và tổ chức lễ hội tưởng nhớ công đức Lệ Hải Bà Vương, chính hội nhằm ngày mất của bà (22-2 âm lịch). Bởi sức ảnh hưởng của nhân vật lịch sử nên lễ hội Bà Triệu từ lâu đã có sức lan tỏa và thu hút đông đảo Nhân dân trong vùng và khách thập phương. Đặc biệt, vào những năm chẵn, lễ hội được tổ chức long trọng, với nghi thức rước bóng và đại tế. Tuy nhiên, trong hơn 2 năm đại dịch COVID-19 hoành hành, lễ hội Đền Bà Triệu phải thu hẹp quy mô tổ chức, lấy phần lễ làm trọng, phần hội phải tạm gác lại. Song, niềm tự hào, ngưỡng vọng mà Nhân dân ta hướng về Bà Triệu vẫn mãi là mạch nguồn mát lành, chảy trong đời sống tinh thần - tâm linh dân tộc.

Tự hào về truyền thống yêu nước và tinh thần tự cường dân tộc để thấy trách nhiệm của hậu thế trong việc kế thừa di sản và hiện thực hóa khát vọng của tiền nhân, tiên tổ. Đó là sự nhận thức tất yếu, bởi không một quốc gia, dân tộc hay một vùng đất nào có thể phát triển bền vững nếu không dựa trên nền tảng truyền thống. Trong đó, di sản văn hóa được các nhà nghiên cứu văn hóa ví như “cuốn sử” ghi lại những bằng chứng vật chất quan trọng, minh chứng về lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước của dân tộc, cũng như giúp con người hiểu biết cội nguồn, truyền thống lịch sử, đặc trưng văn hoá dân tộc.

Xuất phát từ ý nghĩa ấy, Quần thể di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền Bà Triệu gắn liền với nhân vật lịch sử - anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh có ý nghĩa to lớn cả về mặt lịch sử và văn hóa, không chỉ đối với Thanh Hóa mà còn của cả dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh tầm ảnh hưởng của nhân vật được thờ phụng, giá trị của di tích Đền Bà Triệu được thể hiện qua hệ thống kiến trúc nghệ thuật được quy hoạch độc đáo, kết hợp hài hòa với cảnh quan thiên nhiên.

Lễ hội Đền Bà Triệu: Khơi dậy truyền thống yêu nước, nhân lên khát vọng tự cường

Đền Bà Triệu. (Ảnh tư liệu Báo Thanh Hóa)

Trải qua nhiều thế kỷ tồn tại và nhiều lần trùng tu, tôn tạo diện mạo di tích đã dần được hoàn thiện. Tổng quan khu di tích Đền Bà Triệu rộng 3,83ha, gồm 11 hạng mục chính là cổng ngoại, hồ nuớc, bình phong, miếu thờ, cổng nội (tam quan), sân tiền đình (sân Thiên tĩnh), tả hữu mạc (nhà 5 gian), tiền đường (bái đường), trang đường (cung giũa), hậu cung (cung cấm) và khu lăng tháp.

Xác định, di sản văn hóa là tài sản vô giá, giúp gắn kết cộng đồng và là cốt lõi của bản sắc dân tộc; do vậy, coi trọng bảo tồn, kế thừa, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống, văn hóa cách mạng gắn việc bảo tồn di tích Đền Bà Triệu với quảng bá và phát triển du lịch là nhiệm vụ đang đặt ra cho các cấp, các ngành, địa phương trong tỉnh.

Được biết, hiện tỉnh Thanh Hoá đang lập dự án đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 461 tỷ đồng, trong đó nguồn kinh phí từ Hội liên Hiệp Phụ nữ Việt Nam đăng ký tài trợ khoảng 20 tỷ đồng.

Tuy nhiên, đây là dự án có ý nghĩa quan trọng và kinh phí lớn, trong khi nguồn lực của địa phương còn hạn hẹp. Do đó, tỉnh Thanh Hóa đang đề nghị Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề xuất lên Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan hỗ trợ kinh phí đầu tư công từ nguồn vốn Trung ương giai đoạn 2015-2025, với số tiền từ 75 đến 100 tỷ đồng, để tỉnh triển khai thực hiện dự án trùng tu, tôn tạo di tích Đền Bà Triệu.

...

Lễ hội Bà Triệu năm 2022 kỷ niệm 1774 năm ngày mất Anh hùng dân tộc Triệu Thị Trinh (22-2-248 - 22-2-2022 âm lịch) diễn ra trong không khí trang nghiêm và thành kính. Để rồi, thêm một lần mở hội là một lần hậu thế hướng về nguồn cội, để càng thêm tự hào về truyền thống yêu nước và để nhân lên khát vọng tự cường cho quê hương, đất nước.

Khôi Nguyên


Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]