(Baothanhhoa.vn) - Phạm Thị Kim Khánh (sau đây xin được thân mật gọi là Kim Khánh) là một trong những nữ nhà thơ tiêu biểu của đất Mường nói riêng, xứ Thanh nói chung. Từ “Vườn tháng Giêng”, “Hai ngọn gió” đến “Cõi vọng”, chị vẫn cho người đọc cảm giác quen thuộc mà không hề nhàm chán, tẻ nhạt. Quen bởi lẽ, thơ chị vẫn kiên trì bám rễ với cảm thức mùa, sắc thái văn hóa quê hương, chiêm nghiệm cuộc đời. Tuy nhiên, qua từng giai đoạn sáng tác gắn với sự ra đời của từng tập thơ, Kim Khánh ngày càng độc đáo, mới mẻ trong hình thức, sâu sắc trong nội dung, tư tưởng.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đọc Cõi vọng của nhà thơ Phạm Thị Kim Khánh:

Khúc đau đời ấy thắp thành khói thơm!

Khúc đau đời ấy thắp thành khói thơm!

Tập thơ cõi vọng của nhà thơ Phạm Thị Kim Khánh.

Phạm Thị Kim Khánh (sau đây xin được thân mật gọi là Kim Khánh) là một trong những nữ nhà thơ tiêu biểu của đất Mường nói riêng, xứ Thanh nói chung. Từ “Vườn tháng Giêng”, “Hai ngọn gió” đến “Cõi vọng”, chị vẫn cho người đọc cảm giác quen thuộc mà không hề nhàm chán, tẻ nhạt. Quen bởi lẽ, thơ chị vẫn kiên trì bám rễ với cảm thức mùa, sắc thái văn hóa quê hương, chiêm nghiệm cuộc đời. Tuy nhiên, qua từng giai đoạn sáng tác gắn với sự ra đời của từng tập thơ, Kim Khánh ngày càng độc đáo, mới mẻ trong hình thức, sâu sắc trong nội dung, tư tưởng.

Đọc “Cõi vọng”, người đọc có thể nhận thấy được cảm xúc thơ của Kim Khánh rất tinh tế, trường liên tưởng phong phú. Những sự vật, hiện tượng tưởng như vô tri vô giác trong thế giới tự nhiên; qua xúc cảm thơ Kim Khánh bỗng thấy có hồn cốt, cội nguồn, vui - buồn đan xen. Đó là “Mùa hoa rừng”: “Giục trai bản khiêng bọng ong lên rừng/ Lấy mật/ Mùa gái làng vấn hương vào khăn áo/ Thả xuống suối một dòng hương”. Đó là “Lời của cây” với những liên tưởng độc đáo, táo bạo: “Bàn tay xuân dịu dàng/ Băng bó vết thương mùa đời cào xước/ Làn môi xuân dịu dàng/ Hôn lên vết đau thời gian làm sẹo”. Cảm thức mùa, cảm thức thời gian hiện hữu rất đậm nét qua các bài thơ: “Mùa hoa rừng”, “Tháng Giêng”, “Tháng Hai”, “Đi qua mùa hoa sậy”, “Tháng Giêng bỏ quên”, “Thay mùa”, “Tháng Chạp”, “Thu đi”... Khoảnh khắc “thay mùa” được diễn tả một cách tinh tế: “Cơn gió gãy héo tàn tháng Chạp/ Ta vịn ta kế bước Giêng – Hai”. Nỗi buồn vương ấy bước từ tháng Chạp sang tới Giêng - Hai, đọng lại trong những vần thơ đượm buồn: “Người đi về phía mặt trời/ Bỏ tháng Giêng sau lưng núi lạnh/ Gập ghềnh dốc, màn mưa phơ phất/ Cánh đào rơi lã chã lèn mây” (Tháng Giêng bỏ quên). Dường như, đối với Kim Khánh, cảm thức mùa thường gắn với nỗi lo âu thường trực về sự chảy trôi của thời gian và những mất mát, vô tình trượt dài theo. Vì lẽ đó, mỗi mùa đi qua, mỗi tháng trở lại trong thơ Kim Khánh đều gợi lên trong lòng độc giả chút buồn vương.

Nhà thơ Kim Khánh có cá tính thơ rất mạnh, phản ánh cái “chất”, đặc tính không thể lẫn vào đâu của một người con miền rừng. Cá tính ấy thể hiện trên tất cả các phương diện: Đề tài, ngôn ngữ, hình ảnh, giọng điệu thơ...

Xuyên suốt 61 bài thơ trong tập thơ “Cõi vọng”, Kim Khánh dành nhiều trang viết về các sự vật, hiện tượng, phong tục tập quán của vùng đất Mường (Cẩm Thủy) - quê hương chị. Dẫu ai chưa một lần về với bản Mường, chưa một lần biết về tục “gọi vía” của bà con dân bản nhưng qua lời thơ của chị cũng thấy gợi lên nét độc đáo, chiều sâu văn hóa: “Vía ơi! Về nhà ta/ Đường vào có hoa bông páo/ Lối ra có hoa bông trăng/ Có rau sắng tháng Ba/ Măng đắng, măng ngọt tháng Sáu/ Quả trám chín rụng trên rẫy tháng Bảy/ Hoa trảy nở phau phau đồi tháng Tám ngày ngâu/ Những đau những sầu tận đâu/ Suối ta, nhà ta làm lành lại...”. Với người con xa quê, giữa phố thị xô bồ, ồn ã, bất giác gặp lại loài hoa bông trăng thân thuộc sao không khỏi bồi hồi, xúc động mà viết nên những dòng tâm sự: “Hương ngọt quấn quýt ta/ Mùi đồi xưa quê nhà/ Ngẩng lên gặp bông trăng/ Từng chùm giăng lộng lẫy/ Giữa phố người xa ngái/ Hoa vẫn hương vị đồi/ Sao hoa lại nở đây/ Sao lại gặp chốn này?/ Tri âm ngày gặp lại/ Ngỡ ngàng rưng rưng say”. Chẳng to tát lắm đâu nếu đủ yêu, đủ nhớ, một ánh “trăng rừng” cũng đủ soi sáng bước chân kẻ xa quê: “Ta đi qua bao bến mặn bãi bồi/ Thương nhớ mãi ngọn nguồn con suối chảy/ Soi sáng mãi vành trăng còn khuyết ấy/ Dẫu đường đời chưa đếm hết mùa trăng”. Cá tính sáng tạo của người nghệ sĩ đã phác họa nên “Sông Mã khúc thượng nguồn” vừa hùng vĩ, tráng lệ lại cũng rất đỗi nên thơ, thấm đượm sắc thái dân tộc dọc đôi bờ sông: “Sông Mã/ Đá lên mặt chia dòng Mường Luân, Tuần Giáo/ Sông len núi mà đi/ Sông lách đá mà về/ Sông trườn về nô nức chợ phiên/ Cô gái Thái, Mường khăn thùa, áo khóm/ Thổ cẩm tươi màu ngũ sắc làm duyên/ Chợ chưa tan, hội còn bịn rịn/ Váy Hmông xòe quạt điệu múa khèn”.

Tuy nhiên, cá tính thơ, cốt cách Mường của Kim Khánh được thể hiện rõ rệt nhất ở nhịp điệu thơ. Ví như cái trúc trắc lên xuống, dài ngắn; một loạt các động từ mạnh được sử dụng để miêu tả sức mạnh của cơn lũ - nỗi ám ảnh kinh hoàng đối với cuộc sống người dân vùng cao: “Nước trút từ dốc núi/ Nước dồn từ khe đá/ Nước xối từ trên trời/ ập vào khe/ xiết trôi đá/ xoáy trôi nhà”. Và khi viết về “Đá”, nhịp điệu thơ cũng gập gềnh, ngắt quãng theo bước chân người: “Ta đi/ Đá ngăn chân vấp/ Ta nhìn/ Đá giăng chắn mặt/ Ra phố/ Không vấp đá/ Không núi chắn/ Ta lại nhìn về phía đá/ Mà trông” (Đá). Cũng nói về nỗi nhớ tha thiết mảnh đất quê nhà, nơi chôn nhau cắt rốn đấy nhưng ngôn ngữ, nhịp điệu thơ không đưa đến cho người đọc cảm giác yếu mềm, sướt mướt. Đọc thơ mà như hình dung được âm hưởng núi rừng vang vọng, mênh mang, phóng khoáng. Có bao giờ, người nghệ sĩ hoàn toàn tách biệt được với hồn cốt quê hương. Cái âm hưởng ấy tự nhiên như hơi thở, kết thành lời ăn, tiếng nói hằng ngày rồi cứ thế lẳng lặng đi vào tác phẩm. Nhiều khi, mạch nguồn liên kết ấy nó tự nhiên đến nỗi chính người nghệ sĩ họ cũng chẳng nhận ra được sự gắn bó máu thịt, thiêng liêng ấy.

Thơ của Kim Khánh có sự mạnh mẽ, lý trí đan xen tính triết luận sâu sắc. Tính triết luận trong thơ không phải ngày một ngày hai mà có, cũng không thể là cái tài hoa thuộc về bản mệnh. Nó là thành quả của một chặng đường dài sống và chiêm nghiệm, là kết tinh từ sự nhạy cảm của tâm hồn và sâu sắc trong trí tuệ. Nếu thiếu đi một trong hai thứ ấy, chị không thể viết nên bài thơ về “viên phấn” sâu sắc, lay động tâm trí người đọc đến vậy: “Lời đau trắng/ Mài ruột gan mà khắc/ Niềm vui trắng/ Mài thân tròn mà chép/ Vẹt kiệt cùng/ Thành mẩu/ Thành bụi/ Thân trắng thành bụi trắng/ Vui/ Đau”. Không chỉ riêng với “Viên phấn” – hình ảnh thân thuộc gắn bó với chị suốt bao nhiêu năm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”; đọc tập thơ “Cõi vọng”, người đọc có thể dễ dàng nhận thấy tính triết luận ấy chính là một trong những đặc trưng, tiêu biểu làm nên cá tính thơ Kim Khánh. “Trầm hương” là một bài thơ như vậy: “Kiến đục/ sấm sét/ đạn cắt/ thuốc độc/ cây dó bầu đau”. Có hương thơm, vị ngọt nào ở trên đời mà không phải trải qua quá trình thai nghén, kiến tạo, ấp ủ nhọc nhằn, gian khó. Cũng giống cái cách cây dó bầu kết thành trầm hương: “Máu rỉ lệ nhỏ/ Dồn cục, thành u/ Ủ thành kiếp trầm/ Trầm hương, ơi à/ Vết thương rỗng ruột/ Thành hương trầm kỳ/ Thành hương trầm tốc/ Nỗi đau kết đọng/ Trầm mặc muôn màu/ Đốt đau thành khói/ Ngát lời ấm thơm”. Khi viết “Trầm hương”, Kim Khánh đang cố gắng truyền tải thông điệp sống tích cực: Mỗi con người hãy biết sống cuộc đời của cây dó bầu. Dù cho có bất kỳ khó khăn gì ở phía trước; bằng trí tuệ, bản lĩnh, chúng ta hãy nỗ lực, cố gắng vượt qua, tận hiến cho đời những gì nhân văn, tốt đẹp nhất.

Tập thơ “Cõi vọng” hàm chứa những nỗi niềm chất chứa của Kim Khánh về: Quê hương, đất nước, tình yêu đôi lứa và rộng hơn nữa là cuộc đời mà mỗi người chúng ta đang sống hoặc tồn tại. Với cá tính thơ độc đáo, xúc cảm thơ tinh tế, dạt dào; Kim Khánh tựa như cây dó bầu đã trải qua quá trình thai nghén đầy đau đớn, nhọc nhằn để “hạ sinh” cho đời những “mẩu trầm thơm”, góp vào vườn hoa thi ca xứ Mường - Thanh Hóa một sắc màu rất riêng.

Nguyên Linh


Nguyên Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

1 bình luận

 Phạm Thị Kim Khánh - 22:42 06/06/20

 Trả lời

Bài viết của Nguyên Linh về tập thơ Cõi vọng thể hiện cảm nhận tinh tế, nhận xét xác đáng và tôn vinh thơ. Bài viết đi sâu những biểu hiện cá tính thơ, giá trị văn hoá, ngôn từ, nhịp điệu thơ và những lắng nghe tinh tường. Rất cảm phục cây bút trẻ mà có tâm có tài như vậy!

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]