(Baothanhhoa.vn) - Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội. Đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Khơi nguồn lực văn hóa cho phát triển

Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, để văn hóa trở thành nền tảng tinh thần của xã hội. Đây vừa là mục tiêu, vừa là động lực góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Khơi nguồn lực văn hóa cho phát triểnChùa Vĩnh Thái, xã Hoàng Giang (Nông Cống).

Theo quan niệm của UNESCO, nền văn hóa của một dân tộc, một quốc gia được hình thành trong lịch sử và được tích lũy qua nhiều thế hệ tạo ra một bề dày, một chiều sâu trong đời sống của một cộng đồng. Nó được duy trì bằng truyền thống hay được trao truyền trong cộng đồng qua thời gian và không gian. Nó là những giá trị tương đối ổn định (tri thức, kinh nghiệm, đạo lý) được cố định bằng các chuẩn mực, khuôn mẫu, phong tục, tập quán, luật tục và cả luật pháp - cái định hướng, quy định phương thức ứng xử của các cá nhân và cả cộng đồng. Các giá trị văn hóa dân tộc có vai trò liên kết cộng đồng, gắn kết cá nhân với cộng đồng, quá khứ với hiện tại và tương lai.

Văn hóa ở đây được hiểu với nội hàm rộng, như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đúc kết: “Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích của cuộc sống, loài người mới sáng tạo và phát minh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hằng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa. Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”. Như vậy, với tư cách là động lực của sự phát triển, văn hóa hiện diện trên hầu hết các lĩnh vực. Văn hóa vừa điều tiết, định hướng, vừa là mục tiêu, động lực của sự phát triển. Văn hóa phát triển góp phần xây dựng môi trường tinh thần lành mạnh cho kinh tế - xã hội phát triển, chống lại những mặt trái, tiêu cực do kinh tế thị trường tạo ra.

Thanh Hóa là vùng đất có bề dày văn hóa, với “phần nổi” là kho tàng văn hóa vật thể và phi vật thể hết sức đa dạng, giàu giá trị. Với khoảng 1.535 di tích các loại; nổi bật là 631 di tích lịch sử; 10 di tích khảo cổ; 123 di tích kiến trúc nghệ thuật; 45 di tích danh lam thắng cảnh. Đồng thời, Thanh Hóa hiện có 14 di sản đã được cấp có thẩm quyền đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, bao gồm: trò Xuân Phả (xã Xuân Trường, huyện Thọ Xuân); trò diễn Pôồn Pôông (xã Cao Ngọc, huyện Ngọc Lặc); lễ hội Trò Chiềng (xã Yên Ninh, huyện Yên Định); lễ tục Kin chiêng boọc mạy (xã Xuân Phúc, huyện Như Thanh); trò diễn dân gian Ngũ trò Viên Khê (xã Đông Khê, huyện Đông Sơn); lễ hội Cầu ngư (xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc); nghề đúc đồng làng Chè (Trà Đông, xã Thiệu Trung, huyện Thiệu Hóa); lễ hội đền Độc Cước (TP Sầm Sơn); lễ hội Mường Ca Da (huyện Quan Hóa); lễ hội đền Mưng (xã Trung Thành, huyện Nông Cống); xường giao duyên (huyện Ngọc Lặc); hát sắc bùa của người Mường (huyện Ngọc Lặc); lễ hội Mường Xia (xã Sơn Thủy, huyện Quan Sơn); lễ hội đền Bà Triệu, xã Triệu Lộc, huyện Hậu Lộc).

Để khai thác nguồn lực văn hóa phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, nhất là du lịch, những năm qua Thanh Hóa đã xây dựng và triển khai hàng loạt cơ chế chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa dân tộc Việt Nam, cũng như sắc thái văn hóa xứ Thanh và đạt được nhiều kết quả rất quan trọng. Điển hình là đã hoàn thành việc kiểm kê thực địa đối với di sản văn hóa vật thể tại 27 huyện, thị xã, thành phố, làm căn cứ cho việc xây dựng các phương án bảo tồn. Đồng thời, tiến hành phục dựng các lễ hội truyền thống, các trò chơi, trò diễn dân gian, dân ca, dân vũ của các dân tộc ở các vùng miền trong tỉnh, nhất là các lễ hội và trò diễn đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; trò chơi dân gian của người Kinh, Thái, Mường, Mông, Dao... Cùng với đó, ngành chức năng và các địa phương đang tiến hành rà soát lại hiện trạng của các di tích được kiểm kê để trình cấp có thẩm quyền công bố danh mục kiểm kê. Các di tích lịch sử, văn hóa đã được xếp hạng đều được phân loại cụ thể theo đúng quy định.

Khơi nguồn lực văn hóa cho phát triểnBảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống phục vụ du lịch là nhiệm vụ đang được huyện Bá Thước chú trọng triển khai thực hiện.

Văn hóa xứ Thanh còn ghi dấu ấn là vùng đất giàu tính lịch sử, con người xứ Thanh anh dũng, kiên cường, sẵn sàng cống hiến và hy sinh cho những mục đích lớn lao, cao cả là dựng xây và bảo vệ Tổ quốc. Ngày nay, trên tiến trình phát triển và dựng xây một Thanh Hóa giàu đẹp, văn minh thì việc khơi nguồn lực văn hóa này đang được đặt ra cấp thiết hơn bao giờ hết. Bước khởi động cho nhiệm vụ này là việc tập trung nghiên cứu để làm rõ các mặt mạnh - mặt yếu của con người Thanh Hóa, nhằm “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”. Từ đó, góp phần phát triển con người văn hóa để khơi dậy mọi tiềm năng sáng tạo của con người - với trí tuệ, đạo đức, tâm hồn, nhân cách, ý chí, nghị lực, tài năng, kỹ năng của cá nhân và cộng đồng - nhằm huy động sức mạnh nội sinh to lớn trong con người đóng góp vào sự phát triển xã hội.

Cùng với đó, tỉnh ta cũng đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá hình ảnh đẹp về đất và người xứ Thanh đến đông đảo bạn bè trong nước, quốc tế. Hoạt động này đã và đang được các ngành, địa phương quan tâm thực hiện thông qua các phương tiện thông tin đại chúng; các hội thảo, hội nghị trong và ngoài tỉnh; các cuộc liên hoan nghệ thuật chuyên nghiệp và nghệ thuật quần chúng toàn quốc; hoạt động lễ hội truyền thống; hoạt động giao lưu, kết nghĩa của các địa phương, các ngành với các địa phương, các ngành trong cả nước; hoạt động tham quan du lịch... Cùng với đó, hoạt động ngoại giao văn hóa cũng được tỉnh quan tâm, chú trọng thông qua hoạt động ngoại giao Nhân dân của các ban, ngành, MTTQ và các đoàn thể chính trị các địa phương, giữa tỉnh Thanh Hóa với các tỉnh kết nghĩa của các nước trong khu vực và trên thế giới, nhất là với tỉnh Hủa Phăn nước bạn Lào...

Có thể khẳng định, văn hóa đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, phát triển nếu gắn với văn hóa “sẽ được khởi đầu và truyền bá bởi văn hóa”, bởi văn hóa trước hết thể hiện ở giá trị con người - chủ thể sáng tạo văn hóa. Vấn đề là làm thế nào để khơi được nguồn lực to lớn này lại nằm ở nhận thức và tầm nhìn của các cơ quan quản lý, các địa phương trong việc hoạch định chính sách và triển khai thực hiện các chính sách phát triển văn hóa trong thực tiễn.

Bài và ảnh: Khôi Nguyên



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]