(Baothanhhoa.vn) - Trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân huyện Mường Lát luôn quan tâm đến hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn. 

Huyện Mường Lát bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

Trong những năm qua, các cấp ủy, chính quyền và Nhân dân huyện Mường Lát luôn quan tâm đến hoạt động bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa trên địa bàn.

Huyện Mường Lát bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

Ở một số khu, bản trên địa bàn huyện Mường Lát đã thành lập các đội văn nghệ truyền thống. Trong ảnh: Đội văn nghệ khu dân cư Lốc Há, xã Nhi Sơn biểu diễn trong ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc.

Mường Lát là huyện vùng cao biên giới nằm ở phía tây của tỉnh Thanh Hóa, có diện tích tự nhiên là 81.240,8 ha, địa hình đồi núi hiểm trở, giao thông đi lại còn nhiều khó khăn. Dân số hiện nay 40.684 người, bao gồm các thành phần dân tộc: Dân tộc Thái chiếm 44,05% tổng dân số, dân tộc Mông chiếm 43%, dân tộc Dao chiếm 2,11%, dân tộc Khơ mú chiếm 2,49%, dân tộc Mường chiếm 3,41%, các dân tộc khác chiếm 4,94%. Đa số Nhân dân trong huyện có tín ngưỡng dân gian là thờ cúng ông bà, tổ tiên và người có công với nước; sinh hoạt nghi lễ tương đối đơn giản, mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Mỗi dân tộc tuy không hình thành nên những địa bàn định cư riêng biệt nhưng có sự tập trung ở một số vùng nhất định, với những bản sắc văn hóa riêng. Bên cạnh đó, nhìn chung đại bộ phận các dân tộc trên địa bàn sinh sống hòa thuận, quây quần bên nhau tạo nên sự giao thoa văn hóa hết sức đa dạng.

Huyện Mường Lát bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

Đền thờ Tướng quân Tư Mã Hai Đào tại thị trấn Mường Lát.

Huyện Mường Lát bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

Chùa Thiền viện Đại Hóa (hay còn gọi chùa Tén Tằn), khu phố Tén Tằn, thị trấn Mường Lát.

Về thị trấn Mường Lát, có dịp đến thăm Đền thờ Tướng quân Tư Mã Hai Đào và chùa Thiền viện Đại Hóa (hay còn gọi chùa Tén Tằn), khu phố Tén Tằn. Đây là ngôi thiền viện đầu tiên và duy nhất được xây dựng tại huyện vùng cao Mường Lát. Thiền viện Đại Hóa nằm trên một mỏm núi cao, từ thiền viện nhìn xuống có thể bao quát cả một vùng rộng lớn, chùa xây dựng đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh, sinh hoạt tín ngưỡng của Nhân dân, du khách. Xuôi về xã Tam Chung, hang Da Báo thuộc địa bàn bản Pọong, xã Tam Chung, từ lâu đã được truyền tụng về những điều kỳ bí và vẻ đẹp đặc trưng của một hang động “độc nhất vô nhị”. Hang động có hình hài giống với da con báo, cùng với nhiều nhũ thạch kỳ dị... làm say đắm lòng người. Cùng với hang Da Báo mang vẻ đẹp độc đáo, tại xã Tam Chung, du khách không khỏi trầm trồ trước vẻ đẹp lung linh, huyền ảo của hang Thắm Táu.

Huyện Mường Lát bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

Đồng bào dân tộc Dao ở xã Quang Chiểu giữ gìn trang phục truyền thống của dân tộc.

Trong những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Mường Lát đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức các hoạt động bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa trên địa bàn huyện. Đặc biệt, thực hiện Kết luận số 82-KL/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo của cấp ủy về công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa tỉnh giai đoạn 2017-2025; Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước… đã góp phần khơi dậy niềm tự hào dân tộc, củng cố niềm tin, phấn khởi trong Nhân dân, tạo dựng cơ sở vững chắc xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, làm nền tảng tinh thần, là động lực, nhân tố thúc đẩy huyện phát triển văn minh, hiện đại và giàu bản sắc văn hóa.

Nhằm phát huy giá trị di sản, huyện Mường Lát đã phối hợp các ngành chức năng của tỉnh tổ chức kiểm kê di tích và di sản văn hóa phi vật thể; lập quy hoạch khoanh vùng, cắm mốc và huy động các nguồn lực để thực hiện bảo tồn các di sản văn hóa. Qua kiểm kê trên địa bàn 8/8 xã, thị trấn trên toàn huyện có 8 di sản văn hóa vật thể. Trong đó, 4 di tích thắng cảnh (hang Chùng - hang Cú, xã Tam Chung; hang Thắm Khoang, xã Mường Chanh; thác Pù Toong, xã Pù Nhi), 2 di tích lịch sử (đền thờ Tư Mã Hai Đào, chùa Thiền viện Đại Hóa, thị trấn Mường Lát), 1 khu tưởng niệm (khu tưởng niệm Đoàn quân Tây Tiến, thị trấn Mường Lát), 1 địa điểm dựng bia tưởng niệm Đoàn quân Tây Tiến, xã Mường Lý; 53 di sản văn hóa phi vật thể như: Lễ đón mẹ lúa (lễ cầu mùa); lễ hội tết, lễ cưới (dân tộc Mông); lễ hội Tén Tằn (dân tộc Thái, xã Tén Tằn); lễ cấp sắc (dân tộc Dao); lễ Xên Mường (dân tộc Thái), nghi lễ trong đám cưới (dân tộc Dao), khặp, khèn, mo, bốc thuốc nam, đan lát, nghề thêu, dệt,…

Huyện Mường Lát đã tổ chức triển khai xây dựng đền thờ Tướng quân Tư Mã Hai Đào; tạo điều kiện cho việc xây dựng chùa Thiền viện Đại Hóa, khu phố Tén Tằn, thị trấn Mường Lát; dựng phù điêu hình tượng Đoàn quân Tây Tiến ở bản Sài Khao, xã Mường Lý. Phát động trong Nhân dân nhằm phát hiện, sưu tầm và hiến tặng các hiện vật có liên quan đến đền thờ Tư Mã Hai Đào. Kết quả đã phát hiện 1 cồng, 1 thanh kiếm, 1 bát lư hương liên quan đến Tướng quân Tư Mã Hai Đào (bát lư hương đã được hiến tặng để đưa vào bảo tồn, thờ phụng tại đền; còn thanh kiếm và cồng đang còn lưu giữ trong nhà dân).

Huyện Mường Lát bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa

Phụ nữ dân tộc Mông bản Cá Giáng, xã Trung Lý duy trì thêu thùa, may trang phục truyền thống của dân tộc.

Cùng với công tác bảo tồn các giá trị di sản văn hóa vật thể, huyện Mường Lát cũng quan tâm chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các di sản văn hóa phi vật thể. Trong đó, ở các khu, bản đã thành lập các đội văn nghệ truyền thống, hiện nay có 50/88 bản, khu có đội văn nghệ tham gia các hoạt động do bản, khu tổ chức và tham gia cuộc thi do xã, thị trấn tổ chức. Các tiết mục văn nghệ mang đậm bản sắc dân tộc của địa phương như: Khặp, hát giao duyên, hát về Đảng, Bác Hồ có phần lời bằng tiếng dân tộc; múa xòe, múa sạp, múa khèn, múa ô, múa sanh tiền, khua luống… Hàng năm tổ chức các hội thi nhằm duy trì một số lễ hội, trò chơi, trò diễn dân gian, các loại đạo cụ dân tộc, ẩm thực… Huyện Mường Lát phối hợp với Trường Đại học Hồng Đức, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức được các lớp dạy chữ Thái, chữ Mông. Đồng thời, chỉ đạo các đơn vị trường học trên địa bàn huyện tổ chức tuyên truyền, phổ biến sâu rộng về hệ thống di sản văn hóa của huyện Mường Lát đến toàn thể học sinh, thông qua chương trình học tập chính khóa và ngoại khóa trong các trường học.

Trong thời gian tới, huyện Mường Lát tiếp tục tăng cường và nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động Nhân dân tham gia giữ gìn và bảo vệ các giá trị văn hóa truyền thống gắn với hoạt động văn hóa dân tộc trong công tác xây dựng đời sống văn hóa. Trong đó chú trọng đến nguyên tắc “bảo tồn sống”, tức là bảo tồn các loại hình văn hóa phi vật thể ngay chính trong đời sống cộng đồng; mở các chuyên trang, chuyên mục thường xuyên tuyên truyền về các di sản văn hóa và công tác bảo tồn, phát huy các di sản văn hóa; quảng bá tiềm năng phát triển du lịch từ giá trị của các di sản văn hóa, góp phần thúc đẩy sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh; xây dựng hình ảnh tốt đẹp về vùng đất và con người Mường Lát.

Ngọc Huấn


Ngọc Huấn

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]