(Baothanhhoa.vn) - Lâu nay, khi nói đến Thành Nhà Hồ, người ta thường quan tâm nhiều hơn đến khối kiến trúc bằng đá kỳ vĩ, với nhiều giá trị nổi bật toàn cầu của nó.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Hệ thủy cổ trong Di sản Thành Nhà Hồ

Hệ thủy cổ trong Di sản Thành Nhà Hồ

Nhiều đoạn hào thành phía Nam đang vùi dưới các chân ruộng và khu dân cư.

Lâu nay, khi nói đến Thành Nhà Hồ, người ta thường quan tâm nhiều hơn đến khối kiến trúc bằng đá kỳ vĩ, với nhiều giá trị nổi bật toàn cầu của nó.

Song, ngoài khối di sản đồ sộ ấy, Thành Nhà Hồ - với tư cách là một kinh đô – vẫn còn vô số dấu tích khẳng định sứ mệnh lịch sử của nó, trong suốt hơn 600 năm tồn tại. Để rồi, khi tìm hiểu về tòa thành đá có kỹ thuật xây dựng “vô tiền khoáng hậu” này, sẽ thật thiếu sót nếu bỏ quên mất nhiều yếu tố đặc sắc về cảnh quan, văn hóa, tâm linh, phong thủy và đặc biệt là một hệ thủy cổ đã gắn liền với sự ra đời và tồn tại của tòa thành.

Theo nhiều nghiên cứu đã chỉ ra, Thành Nhà Hồ lấy kiến trúc thể hiện tư tưởng vương quyền kiểu Đông Á và ý chí cải cách xã hội theo xu thế thời đại. Đồng thời, khai thác triệt để các yếu tố cảnh quan và tiếp thu, sáng tạo một cách tài tình tri thức xây dựng truyền thống Đông Á, Đông Nam Á và của dân tộc Việt Nam, trong quy hoạch không gian đô thị và thiết kế các yếu tố kiến trúc của một kinh thành quân chủ tập quyền, cuối thế kỷ XIV- đầu thế kỷ XV. Trong một bài viết khẳng định giá trị của di sản, GS Phan Huy Lê đã chỉ rõ yếu tố “thủy” độc đáo: Thành Nhà Hồ lại được xây dựng trên vị trí đầu mối giao thông thủy - bộ. Nó vừa nằm trên con đường bộ “thượng đạo” chạy từ thành Thăng Long vào đến biên giới phía Nam lúc đó giáp Champa; vừa bên hai dòng sông lớn là sông Mã và sông Chu, nối miền đồng bằng ven biển với miền núi rừng phía Tây và hệ thống sông đào được khai mở từ thời tiền Lê, tiếp tục qua thời Lý, Trần đến Hồ theo hướng Bắc - Nam. Chính sự kiên cố của tòa thành, cùng với các điều kiện giao thông thủy – bộ và địa thế tự nhiên, đã tạo nên sức sống và sự trường tồn của kiến trúc Thành Nhà Hồ.

Thành Nhà Hồ được xây dựng giữa một dải đồng bằng, bao bọc bởi nhiều dãy núi đá và sông Mã, sông Bưởi xung quanh. Nói cách khác, vị trí xây dựng Thành Nhà Hồ được lựa chọn theo những nguyên tắc phong thủy, dựa trên cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp và hài hòa. Từ trên cao nhìn về bốn phía, tòa thành như nằm giữa một thung lũng. Phía Bắc được ngọn núi Thổ Tượng che chắn, tạo thành một vùng đệm, cũng là một yếu tố quan trọng trong thuật phong thủy. Phía Đông Bắc và Tây Bắc đều có những khoảng cách nhất định của khu vực đệm, giúp cho việc bảo vệ các dấu tích có liên quan đến đoạn La Thành, nối giữa núi Thổ Tượng với sông Mã và sông Bưởi. Phía Nam, bên ngoài các khu vực có dấu tích La Thành, là một vùng bảo vệ rất rộng trong khu vực ngã ba sông – nơi hợp lưu của sông Mã và sông Bưởi. Phía Đông và phía Tây, hai con sông Mã và sông Bưởi là vành đai tự nhiên lý tưởng, hay một “ranh giới mềm”, góp phần bảo vệ toàn bộ khu vực La Thành, hệ cảnh quan và cái lõi Di sản Thành Nhà Hồ.

Việc lựa chọn vị trí đặt kinh đô đã phản ánh tư tưởng, quan niệm, tư duy và kiến thức của người xưa về “mảnh đất được chọn”. Đồng thời, vận dụng khéo léo các yếu tố cảnh quan thiên nhiên theo quan niệm của dịch lý và phong thủy phương Đông. Cảnh quan núi non, sông nước, ao hồ... đều nhằm bảo đảm rằng, các hiện tượng thiên nhiên – núi, gió, nước – phải có liên quan lẫn nhau, một cách hài hòa tại một địa điểm, để bảo đảm cho sự tồn tại tốt đẹp của con người. Như vậy, bên cạnh phần kiến trúc bằng đá nổi bật, thì sự tồn tại của một hệ thủy cổ đa dạng - với hệ thống sông, hồ cả tự nhiên lẫn nhân tạo - là yếu tố hết sức quan trọng, tạo nên sự hài hòa cho cảnh quan không gian, cũng như ẩn chứa quan niệm của người xưa về nhân sinh và thế giới.

Khu vực Thành Nội – trái tim của di sản – hiện vẫn còn vết tích của nhiều hồ cổ. Các hồ nước này không chỉ có tác dụng điều hòa không khí, tạo dựng cảnh quan Thành Nội, mà sự mềm mại của nước có thể tạo nên sự cân đối với những khối tường thành bằng đá cứng rắn. Ở góc Tây Bắc là hồ Dục Thúy, được cho là nằm gần Đông Cung và Tây Cung. Vào mùa hè, hồ Dục Thúy sẽ biến thành hồ sen lớn, sen nở hồng cả một góc thành và tạo cho khung cảnh Thành Nội thêm chút màu sắc và hương vị tươi mới. Ở góc Tây Nam, hồ Bơi Chải là hồ dài nhất, có diện tích mặt hồ lên đến 15.000m2. Theo dân gian truyền miệng, dịp đầu xuân khi hoa sen, hoa súng trong hồ chưa mọc, triều đình sẽ cho mở hội bơi chải trên hồ. Ở góc Đông Bắc là hồ Bán Nguyệt. Hồ này được cho là nằm ngay cạnh chính điện Hoàng Nguyên – nơi vua và quần thần bàn quốc sự. Hồ rộng khoảng 3.000m2, sâu chừng 2m. Do nhiều yếu tố tác động mà ngày nay, hình bán nguyệt của hồ đã bị biến dạng, song dấu tích còn lại đã giúp định vị vị trí điện Hoàng Nguyên trong lòng di sản. Ở góc Đông Nam là hồ Dục Tượng. Đây là một hồ lớn, nằm gần trục đường về phía cửa Đông, quanh năm bùn nước lầy lội. Nhân dân trong vùng kể lại, nước trong hồ chủ yếu dùng chăn nuôi súc vật như voi, ngựa chiến, ngựa kéo, trâu, bò.

Bao quanh các bức tường thành đồ sộ là hệ thống hào thành. Hào thành có vai trò quan trọng trong việc phòng thủ, bảo vệ Thành Nội. Đồng thời, hào còn được biết đến như một công xưởng chế tác đá, phục vụ công cuộc xây dựng Thành Nhà Hồ. Hiện nay, nhiều đoạn hào thành đã bị lấp cạn hoặc nằm sâu dưới các ruộng lúa và dưới nền các khu dân cư. Trong đó, hào phía Tây nằm cách tường thành chừng 120m, vết tích của hào nằm trong ruộng lúa lún sâu khoảng 0,8m; hào phía Nam không còn rõ hình dạng và được cho là đang nằm dưới các thửa ruộng, bên cạnh là đất thổ cư của làng Xuân Giai. Tuy vậy, dấu tích của hào thành phía Bắc, phía Đông và một nửa phía Nam, thì vẫn còn khá rõ. Cụ thể, hào phía Đông cách tường thành chừng 100m, hai bờ hào trồng nhiều tre và khoảnh đất từ hào đến chân thành hiện là nơi sinh sống của dân làng Đông Môn. Hào phía Bắc cách tường thành chừng 70m và khoảnh đất từ hào đến chân thành là ruộng lúa. Vài năm trở lại đây, việc mở rộng diện tích khai quật đã giúp các nhà khoa học xác định được quy mô, cấu trúc và chức năng của hào thành; cũng như đề xuất các giải pháp bảo tồn phần di sản quan trọng này.

Vốn dĩ, nước được xem là khởi nguồn của sự sống. Chính vì lẽ đó, sự tồn tại của một hệ thủy cổ bên trong và bên ngoài Thành Nhà Hồ, hẳn phải chứa đựng trong nó nhiều giá trị to lớn hơn, sâu xa hơn, mà nhờ đó tòa thành đá trụ vững với thời gian?!

Khôi Nguyên


Khôi Nguyên

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]