(Baothanhhoa.vn) - Việt Nam có nền văn hiến lâu đời và giàu giá trị. Nền văn hiến - văn hóa ấy được hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm. Đồng thời, được chắt lọc qua quá trình lao động, sáng tạo lâu dài của con người mà hình thành nên những truyền thống, chuẩn mực, tính cách tâm lý, nếp sống, nếp nghĩ và chiều sâu tâm hồn, cách tư duy. Đó cũng chính là bản sắc văn hóa dân tộc vốn được các nhà nghiên cứu văn hóa xem là cốt cách, là “khí thiêng sông núi”, góp phần định hình tinh thần dân tộc, bản sắc dân tộc Việt Nam.

Tin liên quan

Đọc nhiều

“Giữ lửa” văn hóa truyền thống để thổi “hơi ấm” vào mùa xuân đương đại

Việt Nam có nền văn hiến lâu đời và giàu giá trị. Nền văn hiến - văn hóa ấy được hun đúc trong suốt chiều dài lịch sử đấu tranh dựng nước và giữ nước hàng nghìn năm. Đồng thời, được chắt lọc qua quá trình lao động, sáng tạo lâu dài của con người mà hình thành nên những truyền thống, chuẩn mực, tính cách tâm lý, nếp sống, nếp nghĩ và chiều sâu tâm hồn, cách tư duy. Đó cũng chính là bản sắc văn hóa dân tộc vốn được các nhà nghiên cứu văn hóa xem là cốt cách, là “khí thiêng sông núi”, góp phần định hình tinh thần dân tộc, bản sắc dân tộc Việt Nam.

“Giữ lửa” văn hóa truyền thống để thổi “hơi ấm” vào mùa xuân đương đại

Lễ hội Lam Kinh.

Trong một hệ thống các giá trị nổi bật làm nên bản sắc văn hóa, bản sắc dân tộc, thì giá trị cốt lõi nhất là chủ nghĩa yêu nước, tinh thần đại đoàn kết, tinh thần độc lập dân tộc, ý chí tự lực, tự cường. Là người hiểu hơn ai hết cái giá trị cốt lõi ấy, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra nhận định mang tính đúc kết: “Dân ta có một lòng nồng nàn yêu nước. Đó là một truyền thống quý báu của ta. Từ xưa đến nay, mỗi khi Tổ quốc bị xâm lăng, thì tinh thần ấy lại sôi nổi, nó kết thành một làn sóng vô cùng mạnh mẽ, to lớn, nó lướt đua mọi sự nguy hiểm, khó khăn, nó nhấn chìm tất cả lũ bán nước và lũ cướp nước”. Mang trong mình trái tim lớn của người yêu nước nhất, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nâng tầm tinh thần yêu nước, chủ nghĩa yêu nước ấy trở thành nguồn sức mạnh vĩ đại thôi thúc Việt Nam từ một dân tộc nhỏ bé từng không được định danh trên bản đồ nhân loại, lại “gánh trên vai hành trang nặng nề của thế kỷ”, đã chiến thắng hai kẻ thù sừng sỏ hàng đầu thế kỷ XX là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ. Để cái tên Việt Nam “Nằm trong lòng thế giới/ Nằm trong tim nhân loại/ Nằm trên con đường dẫn ta tới giá trị Con Người” (Nguyễn Khoa Điềm).

Người căn dặn: “Các vua Hùng đã có công dựng nước, Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”; và “Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Vì vậy mà nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nhấn mạnh: “Sự nghiệp văn hóa lớn lao nhất, quan trọng nhất của Hồ Chí Minh là đã huy động sức mạnh của 4.000 năm văn hiến của dân tộc, kết hợp với tinh hoa văn hóa của thời đại, lãnh đạo thành công sự nghiệp giải phóng dân tộc, giành lại cho Nhân dân ta quyền làm người, quyền được sống một cuộc sống xứng đáng với con người. Sự nghiệp đó trả lại địa vị xứng đáng cho nền văn hóa Việt Nam cũng là một sự nghiệp to lớn đối với nền văn hóa thế giới, góp phần vào cuộc đấu tranh của Nhân dân các nước thuộc địa. Từng bước tiến lên thanh toán chủ nghĩa thực dân, xóa đi một vết nhơ trong lịch sử và trong nền văn hóa của loài người”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt đề cao vai trò của văn hóa trong sự phát triển nói chung. Người khẳng định: “Văn hóa là sự tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra, nhằm thích ứng những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn... Vì lẽ sinh tồn cũng như mục đích cuộc sống loài người mới sáng tạo và phát sinh ra ngôn ngữ, chữ viết, đạo đức, pháp luật, khoa học, tôn giáo, văn học, nghệ thuật, những công cụ cho sinh hoạt hàng ngày về mặc, ăn, ở và các phương thức sử dụng. Toàn bộ những sáng tạo và phát minh đó tức là văn hóa”. Nhiều nhà nghiên cứu đã nhấn mạnh, ở Hồ Chí Minh, văn hóa là quá trình kế thừa, chắt lọc và tiếp biến những giá trị văn hóa của dân tộc và thời đại. Văn hóa Hồ Chí Minh là văn hóa của con người, do con người, vì con người, lấy con người làm hạt nhân xâu chuỗi giá trị phát triển. Những giá trị tư tưởng của Hồ Chí Minh về văn hóa đã được thời gian thẩm định, không chỉ là tài sản riêng của dân tộc Việt Nam mà đã trở thành tài sản chung của toàn nhân loại.

Là người đề cao, coi trọng văn hóa truyền thống, song Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng chỉ ra rằng, trong đời sống văn hóa mới không phải cái gì cũ cũng bỏ đi, không phải cái gì cũng làm mới. Cái gì cũ mà xấu, thì phải bỏ. Cái gì cũ mà không xấu, nhưng phiền phức thì phải sửa đổi lại cho hợp lý. Cái gì cũ mà tốt thì phải phát triển thêm. Chính vì vậy, Người luôn chú trọng ngăn ngừa cả hai xu hướng thái quá trong phát huy vốn cũ: xu hướng phủ nhận sạch trơn, cho rằng quá khứ là lạc hậu, lỗi thời cần phải xóa bỏ; và ngược lại, là nệ cổ, phụ cổ. Bên cạnh đó, Bác cũng đề cao việc tiếp thu có chọn lọc nền văn hóa nhân loại để xây dựng nền văn hóa cách mạng. Vì vậy, ngay Hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ nhất (năm 1946), Người đã chỉ rõ “có cái gì tốt của Đông phương hay Tây phương ta phải học lấy để tạo nên một nền văn hóa Việt Nam”. Đặc biệt, khi bàn về công cuộc xây dựng nền văn hóa mới, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhấn mạnh: “Xúc tiến công tác văn hóa để đào tạo con người mới và cán bộ mới cho công cuộc kháng chiến kiến quốc. Phải triệt để tẩy trừ mọi di tích thuộc địa và ảnh hưởng nô dịch của văn hóa đế quốc. Đồng thời phát triển những truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc và hấp thụ những cái mới của văn hóa tiến bộ thế giới, để xây dựng một nền văn hóa Việt Nam có tính chất dân tộc, khoa học và đại chúng”.

Với tầm nhìn sâu rộng và bằng những hành động cụ thể đã tạo ra nhiều thành tựu lớn lao, nên khi bàn về những cống hiến xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc, Danh nhân văn hóa thế giới - cho sự phát triển văn hóa nói chung, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO), đã khẳng định: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu hiện kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của Nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội. Sự đóng góp quan trọng về nhiều mặt của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong các lĩnh vực văn hóa, giáo dục và nghệ thuật là kết tinh của truyền thống văn hóa hàng ngàn năm của Nhân dân Việt Nam và những tư tưởng của Người là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiêu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau”.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Trong công cuộc kiến thiết nước nhà có bốn vấn đề cùng phải chú ý đến và phải coi là quan trọng ngang nhau: chính trị, kinh tế - xã hội, văn hóa”. Kế thừa và phát huy quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về văn hóa, ngày nay, nền văn hóa Việt Nam mà Đảng ta đang định hướng xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Trong đó, trọng tâm là “phát huy chủ nghĩa yêu nước và truyền thống đại đoàn kết dân tộc, ý thức độc lập tự chủ, tự cường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa, xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, tiếp thụ tinh hoa văn hóa nhân loại, làm cho văn hóa thấm sâu vào toàn bộ đời sống và hoạt động xã hội, vào từng người, từng gia đình, từng tập thể và cộng đồng, từng địa bàn dân cư, vào mọi lĩnh vực sinh hoạt và quan hệ con người, tạo ra trên đất nước ta đời sống tinh thần cao đẹp, trình độ dân trí cao, khoa học phát triển, phục vụ đắc lực sự nghiệp CNH, HĐH vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh, tiến bước vững chắc lên chủ nghĩa xã hội”.

Nói đến văn hóa là nói đến cái phần tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ. Đó là nền văn hóa của những sản phẩm vật chất - tinh thần giàu giá trị, có khả năng phản chiếu bề dày và chiều sâu truyền thống lịch sử - văn hóa dân tộc. Những di sản được “ngưng kết” qua hàng vạn năm, bắt đầu từ cuộc trường chinh chống chọi với thiên tai để mở mang không gian sinh tồn khắp non cao đến biển cả của tổ tiên ta. Đó cũng là thành quả của ngàn năm tranh đấu không ngưng nghỉ cho độc lập dân tộc. Song, văn hóa cũng là sản phẩm của sự thăng hoa sáng tạo. Trong đó con người vừa là chủ thể của quá trình sáng tạo văn hóa, vừa là sản phẩm văn hóa. Chính vì vậy, phát triển văn hóa gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng con người trở thành xu thế tất yếu hiện nay. Và, có như vậy thì việc bảo vệ và phát huy giá trị các văn hóa mới trở thành quá trình “giữ lửa” truyền thống, để những giá trị cổ truyền có được vị thế xứng đáng và luôn thổi “hơi ấm” vào mùa xuân đương đại.

Hoàng Xuân


Hoàng Xuân

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]