(Baothanhhoa.vn) - Vừa tròn 20 năm kể từ ngày xuất bản tập thơ đầu tay: “Cánh thơ nâu”- NXB Thanh niên, 1999; nhà thơ Phạm Văn Dũng tiếp tục xuất bản tập thơ thứ hai với tên gọi “Mình khuất bóng mình”, Nhà Xuất bản Thanh Hóa, 2019. Sự gián đoạn dài lâu ấy, vì nhiều nguyên cớ. Trong một hoàn cảnh cụ thể, nó thể hiện sự thận trọng cần thiết và cần có của một người sáng tác. Những thành tích về mặt số lượng, nhiều khi, không song hành cùng chất lượng về mặt nội dung và ngược lại. Điều này hoàn toàn đúng với hành trình sáng tác của nhà thơ Phạm Văn Dũng. 20 năm – ngày trở lại, thơ anh vẫn đủ sức lôi cuốn, hấp dẫn bạn đọc bởi sự sâu sắc trong tâm hồn, mới mẻ, hiện đại trong hình thức.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Đọc tập thơ “Mình khuất bóng mình” – Phạm Văn Dũng: “Hơn bốn chục năm qua ngấm yêu mến đời này”

Vừa tròn 20 năm kể từ ngày xuất bản tập thơ đầu tay: “Cánh thơ nâu”- NXB Thanh niên, 1999; nhà thơ Phạm Văn Dũng tiếp tục xuất bản tập thơ thứ hai với tên gọi “Mình khuất bóng mình”, Nhà Xuất bản Thanh Hóa, 2019. Sự gián đoạn dài lâu ấy, vì nhiều nguyên cớ. Trong một hoàn cảnh cụ thể, nó thể hiện sự thận trọng cần thiết và cần có của một người sáng tác. Những thành tích về mặt số lượng, nhiều khi, không song hành cùng chất lượng về mặt nội dung và ngược lại. Điều này hoàn toàn đúng với hành trình sáng tác của nhà thơ Phạm Văn Dũng. 20 năm – ngày trở lại, thơ anh vẫn đủ sức lôi cuốn, hấp dẫn bạn đọc bởi sự sâu sắc trong tâm hồn, mới mẻ, hiện đại trong hình thức.

Đọc tập thơ “Mình khuất bóng mình” – Phạm Văn Dũng: “Hơn bốn chục năm qua ngấm yêu mến đời này”

“Mình khuất bóng mình” - ngay từ nhan đề tập thơ đã dẫn dắt người đọc đến sự suy tư, chiêm nghiệm. Nó gần gũi với nội dung, ý nghĩa câu chuyện “soi gương không thấy bóng mình” trong Đạo Phật. Nội dung câu chuyện ấy, đại ý: Có người hành giả ngồi thiền rất lâu nhưng vẫn không thể đạt đến cảnh giới. Vì tâm bất an nên cho dù đã “tịnh tọa”, người hành giả ấy vẫn thấy “nước mắt âm thầm chảy”. Trong bóng đêm, ánh trăng và hương lan chẳng đủ sức an ủi nỗi tuyệt vọng của kẻ soi gương chỉ thấy những bóng hình dị dạng. Đó là những gương mặt kẻ lạ, khi giận dữ, lúc nhẫn nhục, khi cho không, lúc đòi trả, khi tha thứ, lúc uất hờn, khi Bồ Tát, lúc phàm phu... Thông qua đó, câu chuyện gửi gắm nỗi niềm trăn trở: “Phải gạn lọc thâm, tâm, ý như thế nào để khi soi gương thấy được bóng mình?”.

Quay trở lại với tập thơ của Phạm Văn Dũng, “Mình khuất bóng mình” có thể được hiểu là trạng thái xáo động về mặt tâm hồn. Khi tâm hồn ta tĩnh lặng, ta có thể soi rọi được chính mình. Nhưng khi phải đối mặt với nhiều nỗi lo, đứng trước sóng gió cuộc đời khiến tâm lay động, con người lại dễ đánh mất đi khả năng “nhìn thấy bóng mình”. Hay nói một cách khác, khi con người nhận thấy “mình khuất bóng mình” tức là họ đang mang nặng những suy tư, chấp chới trong lòng, không cách nào tìm được cho mình sự “tịnh tọa” về mặt tâm hồn.

Những suy tư, chấp chới ấy là điều dễ dàng có thể nhận thấy trong tập thơ “Mình khuất bóng mình” của Phạm Văn Dũng. Ở đó, dẫu anh có đưa người đọc qua bao nhiêu cung bậc cảm xúc, đề tài, thơ anh vẫn luôn mang nặng những chiêm nghiệm, suy tư về con người và cuộc đời. Ngay cả một chuyển động rất khẽ của màn đêm cũng đủ đưa tâm hồn thơ vào trạng thái suy tư: “Đêm/ Nén vào lòng mình niềm u uẩn từ thiên cổ/ Trái tim nhàu nát/ Tua tủa những nỗi đau/ Về cuộc tình tan vỡ” (Đêm linh diệu). Sự tĩnh lặng của màn đêm thường trở thành duyên cớ làm trỗi dậy những chất chứa mà nhịp sống hối hả, bộn bề của ban ngày không thể sẻ chia, đồng cảm: “Biết về đâu hỡi đêm/ Anh lính gác rót đầy ngọn sáng/ Còn bao bàn chân đang bước đi trong nhập nhoạng/ Kẻ khát tình yêu/ Kẻ khát cuộc sống sang giàu”. Và như thế, “đêm cứ dày thêm mãi”... Đâu chỉ có đêm, tâm hồn người thi sĩ nhạy cảm với cả “bóng thời gian”: “Bóng thời gian theo trăng/ Ta lại muốn quá rằm đổ về núi/ Bóng thời gian theo mặt trời/ Ta lại ước quá ngày đổ về biển/ Bóng thời gian dịch chuyển/ Ta đổ vào ta tròn trĩnh một vòng đời”. Ngay cả trong cái vô hình, tác giả vẫn tìm thấy nhiều điều cần chiêm nghiệm. Cuộc đời và thời gian vốn là “cặp phạm trù” luôn song hành, bất biến. Vì “thời gian như bóng câu qua cửa sổ” nên khi “thời gian dịch chuyển” có nghĩa là đang thực hiện những bước đi của vòng đời. Hiểu theo ý nghĩa đó, câu thơ “ta đổ vào ta tròn trĩnh một vòng đời” của tác giả Phạm Văn Dũng không chỉ đẹp về mặt câu chữ, ý tưởng mà nó cho thấy trải nghiệm sâu sắc, mang tính triết luận. Thời gian tựa hồ như nỗi ám ảnh thường trực, trở thành mạch nguồn cảm xúc, chủ thể trong nhiều sáng tác của anh: “Những nỗi buồn xếp rối/ Những niềm vui phẳng lỳ/ Ngày mai chắc sẽ ngăn nắp/ Mũi thời gian nhọn sắc tựa như người/ Vụt trong khoảng mênh mông thoảng chốc tới đích” (Thời gian). Thời gian trong thơ Phạm Văn Dũng bao giờ cũng hàm chứa ý nghĩa về sự chảy trôi của một kiếp con người mà trên chặng hành trình ấy sẽ bắt gặp cả những điều tốt đẹp lẫn chông chênh, thấy cả sự bế tắc và những chân trời rộng mở phía trước: “Và thế đấy/ Thể nào cũng hai phía/ Có bình yên/ Và cũng có phong ba/ Có bên bão/ Và có bên lặng gió/ Khiến khi nào cũng hiện hữu trong ta” (Triết lý nhân sinh).

Bên cạnh cảm hứng thế sự, “Mình khuất bóng mình” có sự đan cài của cảm hứng đời tư. Điều đó thể hiện rất rõ trong những vần thơ viết về trăn trở, suy tư của người nghệ sĩ như chính anh đang thổ lộ, giãi bày nỗi niềm chất chứa trong lòng với bạn đọc. Trong cuộc trò chuyện “tưởng tượng” với người nghệ sĩ “sinh ra từ thế kỷ trước”, tác giả nhận thức về vai trò của mình trước “một thế kỷ có nhiều biến đổi”: “Tôi sẽ viết những bài ca/ Dạy những chú chim tiếp tục hót những lời trong trẻo/ Còn chị/ Tiếp tục làm đẹp cho mình mỗi khi lên sân khấu” (Với người nghệ sĩ). Muôn đời là thế, người nghệ sĩ phụng sự cái đẹp, sáng tạo về cái đẹp và vì cái đẹp mà thăng hoa. Và chính giá trị tư tưởng, thẩm mỹ ấy sẽ còn lại mãi “cho đến ngày sau”, dẫu rằng “khán giả” có thể “bỏ mặc những bài ca của tôi” hay “bỏ mặc sự trang điểm của chị”. Với người thi sĩ ấy, sáng tạo nghệ thuật cũng tựa hồ như công việc “cấy trồng niềm yêu thương” và khai phóng bản ngã, phô diễn “cái tôi” của mình, chẳng màng đến những điều được và mất: “Anh lấy cắp nỗi buồn trong thiên hạ/ Tích tụ bao năm thành những hạt phù sa/ Để cấy trồng niềm yêu thương/ Và tự sáng/ Phút chót của đời anh/ Được những gì/ Chỉ hoa hồng biết rõ” (Thi sĩ).

Quả thực, nếu không có những nhạy cảm, run rẩy giác quan trước đa đoan thế sự thì sáng tạo nghệ thuật chỉ như “ánh trăng lừa dối”. Và nếu sáng tạo nghệ thuật không bật mầm từ chất chứa, chiêm nghiệm trong lòng thì tiếng thơ chỉ là tiếng kêu sáo rỗng, xa lạ. Nhưng dù có thế nào đi chăng nữa, cái cốt lõi của nghệ thuật vẫn là nhịp cầu dẫn dắt bạn đọc đến miền yêu thương. Tiếng thơ của Phạm Văn Dũng không phải là ngoại lệ. Dẫu trăn trở, suy tư; có lúc nhọc nhằn, cay đắng, trái tim yêu vẫn cứ dạt dào, căng tràn nhựa sống. Ví như cái cách mà anh viết nên những bài thơ về mùa xuân: “Gót xuân”, “Men xuân”, “Lá xuân”, “Tình xuân”, “Ký họa xuân xưa”... Phạm Văn Dũng như “kẻ khát tình yêu” lang thang kiếm tìm qua dấu vết thời gian để chưng cất thành “nguyên liệu” cho sự sáng tạo. Bởi vậy khi đọc “Mình khuất bóng mình”, độc giả sẽ bắt gặp hồn thơ dạt dào tình yêu thương được gửi gắm thông qua các tác phẩm. Từ tình cảm rất chung như tình yêu quê hương, đất nước: “Sóng dậy lòng ta”, “Đêm nghe chuyện kể về Người”, “Anh có về lễ hội”, “Ngư dân - người lính biển”... Đến những cảm xúc riêng tư trong tình yêu đôi lứa: “Tình yêu gã lực điền”, “Lưu giữ một tình yêu”... Tình yêu anh dành cho “pho sử sống của làng”, “cho người nghệ sĩ tài danh – “Vũ Trọng Phụng”... Và làm sao thiếu được, tình yêu vô hạn đối với người mẹ tảo tần khuya sớm, ôm ấp, dịu dàng vun đắp giấc mơ con: “Mẹ của chúng con”, “Mẹ”, “Căn nhà của mẹ”... Đi qua những chiêm nghiệm, suy tư mang đậm tính triết lý để khi trở về với tình yêu, tiếng thơ Phạm Văn Dũng chân thành, lắng đọng, pha chút hoài niệm: “Không giấu nổi bàn tay vẹt mòn thời gian của mẹ/ Đánh lừa những ngôi sao bằng thổn thức thâu đêm/ Chải mái tóc pha sương rụng nơi thềm nhà/ Loang màu rêu ẩm ướt/ Gom buồn vui cuộc đời mẹ đánh cược/ Với trái tim chậm nhịp đã bao ngày” (Mẹ của chúng con).

Với cảm hứng thế sự, đời tư kết hợp hình thức thơ tự do, tập thơ “Mình khuất bóng mình” đã phần nào bộc lộ được cá tính, sự mới mẻ, khác biệt, hiện đại của hồn thơ Phạm Văn Dũng giữa vườn hương sắc thi ca xứ Thanh. Khác biệt nhưng không hề dị biệt, dù thế nào đi chăng nữa, cái đích cuối cùng mà thơ anh hướng đến vẫn là tôn vinh những giá trị chân – thiện – mỹ giữa tình người, tình đời thông qua cái nhìn đa chiều, sắc cạnh.

Nguyên Linh


Nguyên Linh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

4 bình luận

 Phạm Tiến Triều - 06:18 05/04/20

 Trả lời

Chúc mừng Phạm Văn Dũng với một sự trở lại tuyệt vời

 Phạm Văn Dũng - 07:40 30/03/20

 Trả lời

Trân trọng cảm ơn nhà báo, nhà LLPBVH Nguyên Linh đã thấu cảm và làm rõ được hồn cốt của tập thơ. Riêng mảng thơ về nhà trường, về khoảnh khắc thời SV rất mong được các nhà nghiên cứu phê bình tiếp tục khai thác. Vì khuôn khổ của trang báo in nên tôi tin tác giả Nguyên Linh đã phải cắt gọt đi nhiều.

 HTT - 01:22 23/03/20

 Trả lời

Thật tuyệt vời khi 20 năm trước được cầm trên tay "Cánh Thơ Nâu" của nhà thơ Phạm Văn Dũng. Nhớ nhất câu thơ: "Anh vẫn đi về khuya khoắt / Vợ con ngủ tự bao giờ" (Tặng anh N) Giờ lại hóng tiếp tập thơ mới thôi.

 Đào Thanh Hương - 10:50 22/03/20

 Trả lời

Tôi cũng đọc "Cánh thơ nâu" và bây giờ là " Mình khuất bóng mình". Đồng điệu một ít chút, vì mình thẩm thấu không trọn: "...Bóng tròn...mình khuất bóng mình Tự an, tự vấn, tự tình, tự soi.. Khuất bóng, để hiểu lẽ đời Mênh mang dâng hiến cho người, cho ta"

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]