(Baothanhhoa.vn) - Lang Chánh tự hào là nơi in dấu tích vương triều Nhà Lê với các địa danh nổi tiếng như: chùa Mèo, núi Chí Linh, thác Ma Hao, suối Vớ... Trải qua nhiều thế kỷ, các địa danh gắn với dấu ấn của Nhà Lê được cấp ủy, chính quyền địa phương từng bước khôi phục, gìn giữ, phát huy.

Dấu ấn Nhà Lê trên vùng đất Lang Chánh

Lang Chánh tự hào là nơi in dấu tích vương triều Nhà Lê với các địa danh nổi tiếng như: chùa Mèo, núi Chí Linh, thác Ma Hao, suối Vớ... Trải qua nhiều thế kỷ, các địa danh gắn với dấu ấn của Nhà Lê được cấp ủy, chính quyền địa phương từng bước khôi phục, gìn giữ, phát huy.

Dấu ấn Nhà Lê trên vùng đất Lang Chánh

Chùa Mèo được xây dựng khang trang, trở thành điểm du lịch tâm linh của huyện Lang Chánh.

Đại Việt sử ký toàn thư cũng đã ghi khá nhiều về buổi đầu gian nan và chiến công oanh liệt của Lê Lợi đều gắn với miền núi Thanh Hóa, trong đó, nổi bật nhất là vùng Mường Lang Chánh. Năm 1418, Lê Lợi đã cùng các tướng Lê Thạch, Đinh Bồ, Lê Ngân, Lê Lý và nghĩa quân mai phục chiếm được nhiều khí giới, lương thực của quân giặc rồi dời quân đến núi Pù Rinh dựng doanh trại, xây dựng căn cứ tại đây. Tháng 5-1419, Lê Lợi và nghĩa quân lại phục kích quân Minh ở Mường Chánh (thị trấn Lang Chánh hiện nay) ngăn cản được sự tàn phá của quân giặc nhà Minh. Tiếp đó, năm 1420, nghĩa quân Lam Sơn lại phục kích phá trận đánh của giặc tại Mường Nang (nay là xã Giao An) và sau đó nghĩa quân dựng trại nghỉ ngơi tại đây. Trong nhiều năm đóng quân tại huyện Lang Chánh, được Nhân dân đùm bọc, che chở, cùng với sự mưu trí của tướng lĩnh, dũng cảm của quân sĩ, nghĩa quân Lam Sơn đã giành nhiều chiến thắng trong các trận đánh với quân giặc nhà Minh.

Địa danh in đậm dấu ấn của Nhà Lê tại vùng đất Lang Chánh phải kể đến Đỉnh miêu Thiền tự (chùa Mèo). Tương truyền vào mùa xuân năm 1418, Lê Lợi phất cờ khởi nghĩa chống lại quân xâm lược nhà Minh. Hay tin, quân Minh đã tập trung mọi lực lượng đàn áp, hòng tiêu diệt lực lượng nghĩa quân. Dù lực lượng mỏng, nghĩa quân Lam Sơn đã kiên cường chiến đấu, nhưng do tương quan lực lượng không tương xứng, Lê Lợi đã chủ động vừa chiến đấu vừa lui quân về Mường Mọt rừng sâu, địa thế hiểm trở (nay là xã Bát Mọt, huyện Thường Xuân) để bảo toàn lực lượng chiến đấu lâu dài. Giai đoạn này, trước sự truy sát gắt gao của quân giặc, Lê Lợi không ít lần đưa quân về địa bàn rừng núi Lang Chánh. Một lần nghĩa quân Lam Sơn lánh nạn trong chùa Chu trước sự truy lùng của giặc Minh, thấy trong chùa chỉ còn lại con mèo, ông đã sai nghĩa quân đem theo con mèo cùng đi.

Sau khi đánh đuổi quân Minh ra khỏi bờ cõi, Lê Lợi lên ngôi, sau đó cho tu sửa chùa Chu và đổi tên thành chùa Mèo. Năm 2005 chùa Mèo được UBND tỉnh công nhận là Di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh và huyện Lang Chánh lấy ngày mùng 6, 7 tháng Giêng hàng năm làm ngày lễ hội truyền thống chùa Mèo. Từ đó, Nhân dân trong vùng thường đến đây cầu an, cầu phúc; chư tăng, phật tử chung tay, góp sức trùng tu, tôn tạo các công trình thờ tự, trở thành địa điểm sinh hoạt tâm linh của đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện Lang Chánh và du khách thập phương. Từ phế tích hoang tàn, sau 8 năm với nỗ lực chung tay của các cấp, ngành chức năng, phật tử và Nhân dân địa phương, chùa Mèo được phục dựng và xây mới thêm nhiều hạng mục, trở thành quần thể tâm linh có quy mô lớn bậc nhất miền Tây xứ Thanh.

Cùng với chùa Mèo, huyện Lang Chánh còn có nhiều địa danh nổi tiếng gắn liền với cuộc khởi nghĩa của người Anh hùng dân tộc Lê Lợi, như: núi Chí Linh, thuộc dãy núi Pù Rinh - nơi nghĩa quân Lam Sơn năm xưa nương náu, củng cố lực lượng đánh đuổi quân xâm lược nhà Minh; suối Vớ - nơi tướng, quân “hòa nước sông chén rượu ngọt ngào” nguyện đồng lòng, đồng sức vượt qua khó khăn, thử thách chiến đấu bảo vệ từng tấc đất quê hương.

Hơn 600 năm trôi qua, những dấu tích một thời của nghĩa quân Lam Sơn vẫn được Nhân dân huyện Lang Chánh trao truyền qua nhiều thế hệ và trở thành niềm tự hào của người dân nơi đây. Giờ đây các địa điểm, như núi Chí Linh, thác Ma Hao, chùa Mèo, suối Vớ đã và đang được huyện Lang Chánh xây dựng, tôn tạo trở thành điểm đến hấp dẫn khách du lịch trong và ngoài nước.

Trao đổi với chúng tôi, ông Hoàng Văn Hà, Phó trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin huyện Lang Chánh, cho biết: Trải qua nhiều thế kỷ, các di tích lịch sử, văn hóa liên quan đến Nhà Lê trên địa bàn Lang Chánh vẫn được các thế hệ khôi phục, gìn giữ, phát huy. Chùa Mèo được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, trở thành điểm du lịch tâm linh, đáp ứng yêu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của Nhân dân trong và ngoài huyện. Thác Ma Hao trở thành khu du lịch sinh thái và được quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500. Đây là một trong những tiền đề quan trọng để đưa khu du lịch sinh thái bản Năng Cát - thác Ma Hao trở thành điểm đến của đông đảo khách du lịch. Việc phát triển địa danh in đậm dấu ấn của Nhà Lê trở thành các điểm đến du lịch không chỉ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mà còn góp phần quan trọng trong việc giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Trong thời gian tới, huyện Lang Chánh tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển chùa Mèo, thác Ma Hao, suối Vớ, trở thành điểm du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái cộng đồng gắn với gìn giữ và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, bảo vệ môi trường.

Bài và ảnh: Xuân Anh


Bài và ảnh: Xuân Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]