(Baothanhhoa.vn) - “Làng Giàng trên chợ dưới sông/ Vui người vui cảnh đến không muốn về”, vùng đất ngọt ngào vị cam và thơm mùi thuốc lá này là nơi mà trấn thành của tỉnh Thanh Hóa đã đặt liên tục suốt 4 thế kỷ (từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII) và xa hơn nữa, từ thời Bắc thuộc, vào các thế kỷ đầu Công nguyên, thì thành Tư Phố - lỵ sở của quận Cửu Chân cũng là đây.

Dấu ấn làng Giàng và trấn thành xưa

“Làng Giàng trên chợ dưới sông/ Vui người vui cảnh đến không muốn về”, vùng đất ngọt ngào vị cam và thơm mùi thuốc lá này là nơi mà trấn thành của tỉnh Thanh Hóa đã đặt liên tục suốt 4 thế kỷ (từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII) và xa hơn nữa, từ thời Bắc thuộc, vào các thế kỷ đầu Công nguyên, thì thành Tư Phố - lỵ sở của quận Cửu Chân cũng là đây.

Dấu ấn làng Giàng và trấn thành xưaĐền thờ Dương Đình Nghệ, di sản văn hóa quan trọng nhất của vùng đất Dương Xá được Nhân dân làng Giàng gìn giữ đến ngày nay. Ảnh: Phạm Tấn

Từ năm 1804 trở về trước (tức là trấn thành của tỉnh chưa được nhà Nguyễn quyết định chuyển về Thọ Hạc), thì làng Giàng xưa (nay thuộc phường Thiệu Dương, TP Thanh Hóa) là vùng đất trung tâm đông vui, nhộn nhịp và sầm uất nhất trong tỉnh.

Xưa kia, việc giao thông đi lại vùng này chủ yếu và thuận lợi nhất vẫn là đường sông. Từ Giàng, theo sông Mã, sông Chu và các chi nhánh của nó, chúng ta có thể đi đến được hầu khắp các vùng trong tỉnh. Chính vị trí đó mà đất Giàng mới được chọn làm trung tâm chính trị, kinh tế của Thanh Hóa trong nhiều thế kỷ trước.

Tại đây, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra một di chỉ văn hóa đồng thau và sắt sớm trên một vùng đất rộng 50.000m2 ở đồng Khổ mà lâu nay vẫn thường gọi là di chỉ Thiệu Dương.

Chính cánh đồng Khổ của làng Giàng này là nơi cách đây hơn 2.000 năm, cư dân của các Vua Hùng đã đến đây cư tụ, sinh sống và tạo ra một nền văn minh vật chất vô cùng phong phú và độc đáo.

Trước đó, ngay từ đầu Công nguyên, mảnh đất thiêng liêng này đã từng bị quân xâm lược Hán đến chiếm cứ và gây ra nhiều thảm họa điêu linh. Những chứng cứ về sự tham lam tàn bạo của bọn xâm lược vẫn còn nguyên trong lòng đất Giàng cổ như các loại gương, ấm đèn, bình, chậu, xanh, đỉnh... và hàng loạt đồ trang sức quý hiếm có xuất xứ từ phương Bắc xa xôi.

Đầu thời Bắc thuộc, đô vật họ Dương (mà lịch sử gọi là Đô Dương), đã cùng Nhân dân giáng cho đội quân Mã viện những đòn chí tử khi chúng kéo quân vào đàn áp Cửu Chân. Đến thế kỷ III, đi theo ngọn cờ khởi nghĩa của Bà Triệu chống lại giặc Đông Ngô, chí khí anh hùng của người làng Giàng lại được ghi tiếp trong đợt tập kích vào thành Tư Phố. Từ đó, tinh thần thượng võ của người đất Giàng nổi tiếng khắp nơi.

Đầu thế kỷ X, một danh nhân của đất nước lại nổi lên từ đất Giàng. Đó là Dương Đình Nghệ, người đã dốc lòng dốc sức nuôi 3.000 nghĩa tử ngày đêm luyện tập võ nghệ để theo đuổi sự nghiệp giành độc lập của họ Khúc. Sau đó, anh hùng dân tộc Ngô Quyền và Dương Thị Nga (con rể và con gái ông) lại tiếp tục chiến đấu tiêu diệt bọn xâm lược Nam Hán và làm nên chiến thắng Bạch Đằng hiển hách, mang lại nền độc lập cho dân tộc.

Từ khi Dương Đình Nghệ gióng trống, kéo cờ từ đây ra Bắc để diệt giặc Nam Hán, tính đến nay đã ngàn năm, nhưng công đức của ông vẫn còn sống mãi trong tâm trí của người đất Giàng. Các lớp cháu con bây giờ vẫn còn biết cái đồn đất đồng Khổ kia không chỉ là dấu tích của làng cổ Giàng thời các Vua Hùng mà đó còn là nơi Dương Đình Nghệ lúc sinh thời đã chỉ huy các dũng sĩ luyện tập và thi tài võ nghệ. Nhà cũ của ông chính là nơi Nhân dân lập điện thờ và về phía tay trái sát cạnh đấy là kho lúa, kho tiền, kho bạc mà ông đã sử dụng để nuôi ba ngàn sĩ tử, giúp dân trừ họa xâm lăng. Có lẽ, để giữ mãi truyền thống của dòng họ Dương mà làng Giàng còn có tên là làng Dương Xá (nghĩa là nhà họ Dương).

Xưa kia, trong không khí độc lập thanh bình của đất nước, làng Giàng mà đặc biệt là ở khu vực đền thờ người anh hùng đã trở thành một trong những trung tâm sinh hoạt văn hóa tinh thần thật sôi động.

Làng Giàng mở hội tưng bừng

Chiêng kêu, trống đánh vang lừng đôi bên.

Lò vật làng Giàng đã từng nổi tiếng khắp nước về tài nghệ điêu luyện và sự độc đáo riêng của mình. Còn trên sóng nước sông Lường (tức đoạn sông Mã chảy qua đây), các cuộc đua thuyền vẫn thường xuyên được tổ chức trong tiếng hò reo náo nhiệt của người xem. Ở đây, trong những ngày hội làng, vào lúc lên đèn, các điệu múa dân gian cổ truyền như Tú Huần, chèo chải và hát chèo lại đưa ra trình diễn với sự hâm mộ của người xem trong làng. Còn những đêm thanh vắng, ở ven sông Mã hay ở góc sân đình, đường thôn, ngõ xóm... từng tốp trai gái cứ đứng bên nhau để hát đối đáp giao duyên bằng các làn điệu trống quân, huê tình... để rồi kết thành bạn bè và nên duyên đôi lứa.

Giờ đây, nếu có dịp đến thăm thành xưa ấy thì cũng chỉ tìm trong ký ức kỷ niệm về thời đã qua của một trung tâm đô thị xứ Thanh thời phong kiến. Tất cả thành lũy, lầu các, đền đài... rất tiếc đều đã bị triệt phá hết lúc thành được rời chuyển về Thọ Hạc. Nhưng dù sao, khi đến đây, chúng ta vẫn có sự xốn xang, rung cảm dạt dào bởi một quá khứ hết sức quyến rũ của cảnh trí thiên nhiên thơ mộng và bến nước, con đò tấp nập của trấn thành xưa này. Dương Xá ngoại của đất Giàng cổ, trấn thành xưa được xây dựng theo hình chữ nhật, nằm chếch hướng Tây - Nam. Chiều dài của thành gần 1.000m và rộng 400m, chiều cao thì không xác định được nữa vì địa hình đã được san bằng để trồng trọt. Nhưng dấu vết của chân thành thì còn rõ, có nơi rộng từ 10 đến 15m, chứng tỏ mặt thành xưa khá rộng, có thể xây dựng các trạm gác ở bốn góc như các thành lớn khác.

Tương truyền, mặt ngoài của thành dựng đứng, còn mặt trong thì thoai thoải. Thành đắp bằng đất, không có đá kê chân. Bốn cửa thành được làm kiên cố, cẩn thận bằng nhiều viên gạch vồ và đá tảng hình vuông cỡ lớn. Cửa Tiền nhìn ra sông Mã ngày nay gọi là Bến Cái. Chỗ này chính là nơi trên bến dưới thuyền tấp nập nhất. Cửa Hậu phải qua một cống gọi là Cống Hồ. Còn cửa Tả thì lại đi qua cống Hạ. Xung quanh thành có hào sâu bao bọc, nhưng bây giờ phù sa sông Mã đã bồi đắp thành những ruộng có thể cấy lúa. Bên trong thành vẫn còn dấu vết của Hành cung, hai giếng Tiên, bồn hoa, cột cờ, bãi bia, cồn súng, vũng tầu voi (nơi làm chuồng voi) và kênh Hồng Ngục (nơi làm nhà giam)... Gần đây, Nhân dân còn đào được cột đá, súng thần công, các vật bằng đồng, chì, gang và các loại con giống đá.

Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, mảnh đất này đã để lại dấu ấn vô cùng đậm nét, làm nên một vùng đất cổ và điển hình bậc nhất ở xứ Thanh địa linh, nhân kiệt. Người làng Giàng tự hào và yêu mến quê hương tha thiết, họ thường ngâm nga:

Núi Hoa Phong gió trong như quạt

Nước sông Lường bóng ngọt như gương

Đất dinh cơ trông thể như giường

Quý thiêng đông đúc trời Dương dịu dàng

Non Đoài trông thể mày Nga

Nguyệt hồ phương Mão ngoại sao sa tục truyền.

Làng Giàng nay đã là làng trong phố trù phú, cây cối xanh tốt, kinh tế phát triển. Hy vọng, thời gian tới khi được xây dựng thành điểm tham quan du lịch nổi tiếng trên trục đường thành phố - Hàm Rồng - đến Bàn A Sơn và núi Đọ, vùng đất này sẽ còn đẹp và nhộn nhịp hơn xưa.

Phạm Tấn



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]