(Baothanhhoa.vn) - Đốt Đình Liệu là một lễ tục có từ lâu đời của người dân vùng đất Động Bồng, xã Hà Tiến (Hà Trung). Lễ tục này diễn ra vào thời khắc giao thừa với mong muốn cầu cho mọi việc tốt lành, con người ấm no, hạnh phúc.

Đặc sắc tục đốt Đình Liệu

Đốt Đình Liệu là một lễ tục có từ lâu đời của người dân vùng đất Động Bồng, xã Hà Tiến (Hà Trung). Lễ tục này diễn ra vào thời khắc giao thừa với mong muốn cầu cho mọi việc tốt lành, con người ấm no, hạnh phúc.

Đặc sắc tục đốt Đình LiệuĐình Động Bồng, xã Hà Tiến nơi diễn ra tục đốt Đình Liệu.

Thành thông lệ, cứ đến đêm giao thừa người dân thôn Động Bồng lại quây quần tại đình Động Bồng để chuẩn bị cho thời khắc thiêng liêng, chứng kiến ngọn lửa đầu tiên bốc lên từ Đình Liệu - đầu rồng và xin lửa về nhà cầu may. Không biết từ bao giờ, tục lệ này đã trở thành nét đặc trưng văn hóa, “món ăn tinh thần” không thể thiếu của người dân làng Động Bồng.

Tục đốt Đình Liệu (tên gọi khác đốt đuốc Đình Liệu) gắn liền với ngôi đình Động Bồng – ngôi đình có quy mô hiếm thấy trên đất Thanh Hóa. Đình Động Bồng là nơi thờ Tô Hiến Thành – một bậc đại thần văn võ song toàn dưới vương triều Lý. Xưa kia, vào thời Lý, xã Động Bồng là một địa điểm trù mật. Sử sách có ghi chép quãng thời gian niên thiếu Tô Hiến Thành sống ở Thanh Hóa, cha ông làm quan thời Lý, được cử vào cai quản vùng đất Hà Trung. Cha mẹ Tô Hiến Thành lựa chọn xã Động Bồng xưa làm nơi ở và sinh ra ông.

Đặt chân đến đình Động Bồng, chúng tôi đã cảm nhận được vẻ bình yên, hữu tình của nơi đây. Một quần thể đình, đền, núi, sông đan xen hòa quyện mang đậm nét làng quê Việt. Đình làng Động Bồng có diện tích 480m2, được xây dựng theo kiểu kiến trúc “chồng rường kẻ bẩy” khỏe khoắn chắc chắn kết hợp với mái cong lợp ngói mũi hài mềm mại, thanh thoát. Vẻ đẹp của vùng đất Động Bồng, đã được các đời vua ca ngợi, ghi vào sử sách. Vào thời Lê, Vua Lê Thánh tông - vị vua nổi tiếng với tài thơ phú khi qua đất Động Bồng cũng để lại bài thơ ca ngợi cảnh đẹp núi sông trên vách núi Chung Sơn. Sau đó, các vua nhà Lê cũng nhiều lần qua lại vùng đất này. Đình Động Bồng không chỉ có vẻ đẹp hữu tình mà nơi đây còn gắn liền với những mốc lịch sử quan trọng của đất nước. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp, đình là nơi diễn ra lớp huấn luyện quân sự cán bộ toàn huyện. Vào năm 1949, nơi đây trở thành địa điểm Đại hội đại biểu Đảng bộ huyện Hà Trung.

Trò chuyện với các cụ cao niên trong làng, chúng tôi được biết tục đốt Đình Liệu là một lễ tục tín ngưỡng cầu ánh sánh, cầu may mắn. Để chuẩn bị cho lễ tục này, từ 20 tháng chạp hàng năm người dân trong làng Động Bồng lại rủ nhau lên núi Tượng Sơn chặt cây lè lè – loại cây họ tre, trúc, thân cây nhỏ, lòng rỗng, dẻo, có chất dầu dễ cháy về phơi khô để chuẩn bị cho tục đốt Đình Liệu đêm giao thừa. Đến 25 tháng chạp, người dân trong làng tập trung tại đình, mỗi người một việc chuẩn bị cho đêm giao thừa. Các cụ cao niên thì lau chùi đồ đạc trong đình. Các chàng trai chưa vợ, khỏe mạnh thì bó các cây lè lè đã phơi khô thành hình con rồng dài khoảng 25m. Những con rồng này được đặt ở bên trong tòa đại đình, không ai được tùy tiện đến gần. Ngày xưa dân làng thường đan 3 con rồng, còn ngày nay thường đan 5 con.

Vào chiều 30 tết, những con rồng – Đình Liệu được di chuyển ra giữa sân đình. Rồng phải đặt đúng thế đầu vươn cao, thân hạ thấp. Đến gần thời khắc giao thừa, 1 đoàn người gồm 4 thanh niên khỏe mạnh rước kiệu, 6 người cầm đuốc, 4 người cầm cờ và các cụ cao niên vào núi xin lửa. Người dân quan niệm, nếu để lửa bị tắt thì sẽ không gặp may mắn. Do đó, lửa xin trong núi về đình phải giữ không được tắt. Sau khi lửa được rước về hậu cung, các cụ cao niên làm lễ kính cáo với Thành hoàng làng, xin phép cho bà con đốt Đình Liệu đón năm mới. Lúc này, ngoài sân đình người dân trong làng đã tập trung đông vui, mỗi người cầm theo bó đuốc nhỏ để xin lửa. Sau khi làm lễ kính cáo trời đất, thần linh sông núi, kính cáo Thành hoàng làng lửa sẽ được lấy từ trong đình ra, châm đốt vào đầu rồng - Đình Liệu. Ngọn lửa bắt đầu rực cháy hòa cùng tiếng trống, tiếng hò reo phấn khởi, hân hoan của dân làng tạo thành một thời khắc thiêng liêng, con người giao hòa với con người, giao hòa với trời đất trong sắc lửa thiêng, xua tan cái lạnh và đêm tối.

Theo cụ Bùi Văn Lô, một cao niên trong làng chia sẻ, thời khắc giao thừa thiêng liêng ai cũng háo hức, bồi hồi. Lúc ấy, ánh sáng và lửa tượng trưng cho ước vọng một năm mới may mắn, bình an, khỏe mạnh, mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt. Làm lễ xong, mỗi người dân sẽ xin lửa thiêng từ đình về nhà báo cáo với thổ công, gia tiên và nhóm bếp nấu đồ cúng năm mới. Việc xin lửa về nhà với mong muốn mang lại may mắn, bình an, ấm áp cho các thành viên trong gia đình. Đây là một quan niệm của người dân địa phương, mang đặc trưng văn hóa của cư dân nông nghiệp Việt cổ.

Ông Mai Đức Chinh, Phó Chủ tịch UBND xã Hà Tiến chia sẻ, có thời gian, tục đốt Đình Liệu bị mai một, song với mong muốn gìn giữ văn hóa truyền thống, người dân địa phương đã khôi phục lại tục đốt Đình Liệu nhằm tỏ lòng thành kính và nhớ ơn cha ông đã mang ngọn lửa sưởi ấm lòng người, xua tan bóng đêm. Đặc biệt, đình Động Bồng được công nhận là Di tích lịch sử cấp quốc gia năm 2001, tuy nhiên, thực tế đình Động Bồng và lễ tục gắn liền với đình chưa được quan tâm gìn giữ đúng tầm của một di tích cấp quốc gia. Để gìn giữ lễ tục đặc sắc này, chính quyền địa phương sẽ tăng cường phối hợp với các cấp, ngành liên quan và Nhân dân địa phương quan tâm, tôn tạo bảo vệ và phát huy các giá trị văn hóa gắn liền với di tích.

Bài và ảnh: Thùy Linh

(Bài viết có tham khảo, sử dụng một số tư liệu trong cuốn Lịch sử Thanh Hóa; Lễ hội Xứ Thanh).



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]