(Baothanhhoa.vn) - Vùng đất mang dấu tích cách mạng, bến Cửa Hà nổi tiếng từ xưa bởi được thiên nhiên ban tặng cho cảnh quan “sơn kỳ thủy tú” với núi non, sông nước thơ mộng, hữu tình.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bến Cửa Hà - một vùng “sơn kỳ thủy tú” đậm dấu tích cách mạng

Vùng đất mang dấu tích cách mạng, bến Cửa Hà nổi tiếng từ xưa bởi được thiên nhiên ban tặng cho cảnh quan “sơn kỳ thủy tú” với núi non, sông nước thơ mộng, hữu tình.

Bến Cửa Hà - một vùng “sơn kỳ thủy tú” đậm dấu tích cách mạng

Bến Cửa Hà (Cẩm Thủy) nổi tiếng là một vùng “sơn kỳ thủy tú” và đậm dấu tích cách mạng. Ảnh: Ngọc Anh

Cửa Hà, tức cửa quan Hà Trường mà nhà Nguyễn đặt trên đất Phong Ý, tổng Mông Sơn, huyện Cẩm Thủy từ giữa thế kỷ XIX, nhằm thu thuế thuyền bè chở hàng lâm sản từ miền núi xuống miền xuôi, hoặc chở hàng từ miền xuôi lên miền núi bằng đường thủy trên sông Mã. Nơi ấy, những năm đầu của thế kỷ XX, người Pháp còn mở bến phà để nối liền tỉnh lộ từ thị xã Thanh Hóa lên Phong Ý (Cẩm Thủy) và Hồi Xuân (Quan Hóa), bây giờ là Quốc lộ 217 và bến phà ấy cũng mang tên là bến phà Cửa Hà (tức bến phà ở cửa quan Hà Trường). Như vậy, cửa quan Hà Trường không những kiểm soát phương tiện vận chuyển hàng hóa trên sông Mã, mà còn kiểm soát cả phương tiện vận chuyển hàng hóa trên trục đường quốc lộ đi quanh đây. Cũng từ khi có cửa quan Hà Trường mà dân gian mới gọi trái núi cạnh đó là núi Cửa Hà.

Bến Cửa Hà nằm ở phía hữu ngạn sông Mã, phía Bắc giáp đường đi từ trung tâm huyện ra bến phà cũ, phía Nam giáp đường đi ra bến đò cũ, phía Đông giáp sông Mã, phía Tây giáp đường Hồ Chí Minh. Do thuận lợi về giao thông, kể cả đường thủy và đường bộ, nên việc trao đổi hàng hóa, buôn bán ở Cẩm Thủy đã xuất hiện từ khá sớm. Một số trung tâm buôn bán đã hình thành từ xa xưa, như: Phố Cẩm Phong, phố Vạc, chợ Màu, chợ Bãi... Đây là những trung tâm buôn bán và chợ lớn trong vùng để đồng bào miền xuôi mang vải, đồ đúc đồng, nhôm, sành, sứ lên bán và mua về các lâm sản quý như: sa nhân, mộc nhĩ, măng khô, nấm hương và gia súc phục vụ sản xuất nông nghiệp. Đầu thế kỷ XIX, các trung tâm buôn bán xung quanh Cửa Hà đã thu hút được nhiều nhà buôn lớn từ thị xã Thanh Hóa, Vinh, Nam Định, Hà Nội... Phố xá, hàng quán của Hoa kiều, cửa hàng vải của Ấn kiều, hiệu buôn của các tiểu thương mọc lên nhiều. Các nghề truyền thống của địa phương như: dệt thổ cẩm, nuôi tằm dệt lụa, rèn dao, rèn cuốc có thời nổi tiếng khắp các châu ở miền Tây Thanh Hóa, ra tới Hòa Bình và sang tận nước bạn Lào.

Từ khi trở thành trung tâm buôn bán, bộ mặt nông thôn xung quanh Cửa Hà dần dần đổi thay, văn minh đô thị theo các nhà buôn lên vùng rừng núi mang đến cho Cẩm Thủy luồng sinh khí mới, dân trí được mở mang. Mặc dù cách xa tỉnh lỵ, nhưng cuộc sống đồng bào nơi đây cũng đỡ hoang sơ hơn so với các vùng rừng núi khác. Điều đó cắt nghĩa vì sao phong trào cách mạng về đến Cẩm Thủy, đồng bào dân tộc ở đây, mà tiêu biểu là trí thức yêu nước, đã tiếp nhận và chuyển thành phong trào cách mạng của quần chúng, gần như cùng nhịp với các huyện miền xuôi.

Bến Cửa Hà là nơi đường Hồ Chí Minh, Quốc lộ 217, sông Mã giao nhau. Đây là đầu mối giao thông quan trọng từ Bắc vào Nam, từ phía Đông lên miền Tây Bắc và thượng Lào. Vì vậy, nơi đây còn có vị trí quan trọng về mặt quân sự, được Đảng, Nhà nước chọn làm căn cứ hậu phương cho các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống đế quốc Mĩ xâm lược.

Tháng 6-1950, Tỉnh ủy Thanh Hóa giao nhiệm vụ cho Đảng bộ và Nhân dân huyện Cẩm Thủy là động viên Nhân dân thực hiện tốt nghĩa vụ hậu phương, mở đường ra phía Bắc, huy động nhân tài, vật lực chi viện cho mặt trận Hòa Bình, Tây Bắc, Hà Nam Ninh. Cẩm Thủy trở thành nơi tập kết của bộ đội, dân công và lực lượng hậu cần cho các mặt trận này. Bến Cửa Hà là nơi bốc dỡ hàng hóa bằng đường thủy từ miền xuôi lên để tiếp tục vận chuyển bằng đường bộ ra tiền tuyến, đến các mặt trận. Thời điểm này, huyện Cẩm Thủy náo nức như ngày hội lớn, trong khắp các làng bản, chòm xóm đều có bộ đội, dân công về tập kết. Bến Cửa Hà tấp nập tiếp nhận hàng trăm thuyền bè đưa hàng lên bờ chi viện cho tiền tuyến. Hàng vạn thanh niên nam, nữ từ các vùng quê xa xôi hội tụ về đây, người gồng, người gánh, người đẩy xe thồ đi lại nườm nượp suốt ngày đêm. Nhân dân huyện cẩm Thủy đã chặt cây trong vườn, ngoài rừng để dựng nhà kho chứa lương thực, thực phẩm, vũ khí, làm nơi ở cho bộ đội, dân công. Trạm quân y, công binh xưởng cũng được sơ tán vào nhà dân để trực tiếp chi viện cho chiến dịch Hà Nam Ninh. Huyện đã huy động toàn dân tham gia chiến dịch, tại bến Cửa Hà nhiều gia đình có cả cha và con, vợ và chồng cùng tham gia tiếp vận. Ngàn người như một, đã góp phần làm nên chiến thắng lẫy lừng trên đường số 6 và nhiều nơi khác trên mặt trận Hà Nam Ninh.

Khi Trung ương Đảng quyết định mở chiến dịch Thu Đông (1953-1954), trong đó chiến dịch Thượng Lào - một mũi tiến công có ý nghĩa chiến lược của chiến dịch, thì Cẩm Thủy trở thành hậu phương trực tiếp của chiến dịch. Lực lượng bộ đội, dân công cùng với lương thực, súng đạn từ hậu phương ùn ùn kéo lên tập kết tại đây để sẵn sàng ra mặt trận. Nhận thức rõ trách nhiệm vẻ vang của mình là căn cứ địa của kháng chiến, là điểm xuất phát của các cuộc tiến công của quân đội ta, Đảng bộ và Nhân dân huyện Cẩm Thủy đã hết lòng phục vụ và chi viện cho tiền tuyến đánh thắng quân xâm lược.

Năm 1953, thực hiện nhiệm vụ của Trung ương giao, Nhân dân huyện Cẩm Thủy đã chi viện cho các chiến trường hàng nghìn tấn lương thực, thực phẩm. Năm 1954, Nhân dân Cẩm Thủy bước vào trận tuyến hậu cần phục vụ cho chiến dịch Điện Biên Phủ là “Trận công kiên lớn nhất” trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Trung ương giao cho tỉnh Thanh Hóa bằng mọi cách chi viện cho tiền tuyến Điện Biên Phủ hơn chục vạn tấn lương thực, thực phẩm và tập trung tại huyện Cẩm Thủy. Đồng thời giao cho Huyện ủy Cẩm Thủy chỉ đạo, huy động dân công, lập công trường thủ công, làm gấp lán trại phục vụ chỗ ăn nghỉ cho hơn một vạn dân công để gánh gạo ra Hòa Bình. Mặc dù mặt trận ở xa hậu phương, nhu cầu chiến dịch lớn, thời gian kéo dài, nhưng Nhân dân các dân tộc huyện Cẩm Thủy đã bước vào chiến dịch Điện Biên Phủ với tinh thần hết lòng vì tiền tuyến, huy động đến mức cao nhất sức người cho các chiến trường.

Không chỉ là vùng đất mang dấu tích cách mạng, bến Cửa Hà nổi tiếng từ xưa bởi được thiên nhiên ban tặng cho cảnh quan “sơn kỳ thủy tú” với núi non, sông nước thơ mộng, hữu tình. Dãy núi đá cao, vách dựng đứng, đỉnh núi có những mỏm nhấp nhô, tạo hình kỳ dị, nên thơ soi mình trên chiếc gương trong xanh của dòng sông Mã. Đoạn sông Mã khu vực này rộng hơn 200m, ven bờ được bồi bằng bãi cát lẫn sỏi nhiều màu, phẳng đẹp trông như bức thảm gấm hoa trải ven sông. Bám dọc chân núi phía hữu ngạn có một ghềnh đá chìa ra khỏi mặt sông, tương đối bằng phẳng, nơi đây từ xưa đã được các bậc tao nhân, mặc khách ca ngợi cảnh đẹp thật là kỳ tú. Vì vậy, từ xưa đến nay Cửa Hà luôn là nguồn cảm hứng, đề tài nghệ thuật phong cảnh cho những nhà văn, nhà thơ, nghệ sĩ... sáng tác nên những tác phẩm có giá trị cao về nghệ thuật. Với những giá trị về lịch sử, khoa học và văn hóa, năm 2015 bến Cửa Hà đã được xếp hạng là Di tích Lịch sử địa điểm cấp tỉnh.

Ngày nay, bến Cửa Hà thuộc địa bàn thị trấn Phong Sơn (Cẩm Thủy). Các dấu tích của nơi trung chuyển hàng hóa xưa không còn nhiều, toàn bộ đất đai đã được giao cho các cơ quan và người dân sử dụng. Hiện chỉ còn lại bến phà và bến đò cũ - nơi diễn ra sự kiện lịch sử của mấy chục năm trước. Mặc dù UBND thị trấn đã có tờ trình đề nghị UBND huyện và các sở, ngành liên quan về việc quy hoạch tổng thể khu di tích, song từ khi được công nhận di tích cấp tỉnh đến nay vẫn chưa có đầu tư gì. Nhằm bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, thiết nghĩ chính quyền địa phương, các cơ quan chuyên môn cần nghiên cứu, xây dựng ở nơi đây một công trình ghi dấu sự kiện, góp phần đưa di tích trở thành địa danh sống động của lịch sử dân tộc. Đồng thời góp phần giáo dục truyền thống yêu nước cách mạng, tinh thần chống giặc ngoại xâm của ông cha ta cho thế hệ trẻ hôm nay và mai sau.

Ngọc Anh


Ngọc Anh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]