(Baothanhhoa.vn) - Trong quá trình lao động để sinh tồn và xây dựng bản, mường, người Thái ở Thanh Hóa đã gây dựng nên một đời sống văn hóa hết sức phong phú và có nhiều nét riêng độc đáo. Trong đó, khặp là loại hình dân ca sinh hoạt phổ biến của đồng bào.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình văn hóa – văn nghệ dân gian: Góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dân

Trong quá trình lao động để sinh tồn và xây dựng bản, mường, người Thái ở Thanh Hóa đã gây dựng nên một đời sống văn hóa hết sức phong phú và có nhiều nét riêng độc đáo. Trong đó, khặp là loại hình dân ca sinh hoạt phổ biến của đồng bào.

Bảo tồn và phát huy giá trị các loại hình văn hóa – văn nghệ dân gian: Góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho Nhân dânTrò Xuân Phả được biểu diễn trong Lễ hội Lam Kinh.

Khặp có nghĩa là hát, cũng có nghĩa là thơ ca hay cách trình diễn thơ ca. Những lời khặp có vần vè như thơ, lại có thêm nhạc điệu và tiết tấu. Khặp phản ánh sinh động và chân thực cuộc sống thường nhật như ru con, vui chơi, lao động hay trong những sinh hoạt có tính chất giao lưu tập thể như uống rượu cần. Những điệu khặp ngọt ngào trên đường đi, trên nương rẫy, hay vắt ngang hai bờ núi... mang nội dung trữ tình sâu sắc và phản ánh quan niệm về lẽ sống, cách ứng xử, tình cảm đối với bản quán, quê hương. Đồng thời, phản ánh những đức tính tốt đẹp của con người như lòng nhân ái, vị tha, đức kính già yêu trẻ... được thể hiện trong lối ứng xử, trong quan hệ giữa các thành viên trong bản, trong mường.

Không chỉ phổ biến và phát triển mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng; khặp còn hiện hữu trong các thể loại văn học dân gian Thái. Nói cách khác, người ta thường diễn ca các tác phẩm văn học dân gian bằng khặp. Tùy thuộc vào nội dung, ngữ cảnh và địa phương, mà khặp cũng có nhiều loại khác nhau. Nếu phân biệt theo nội dung sẽ có cách khặp, chẳng hạn, với các sử thi như “Quắm tô mương” hay “Táy pú xấc” thì người ta thường đọc có làn điệu; còn nếu là anh hùng ca thì sẽ “khặp xư” (ngâm - tương tự như ngâm thơ). Còn tùy theo hoàn cảnh cụ thể mà người khặp có thể khặp những làn điệu khác nhau. Ví như, trong bữa tiệc liên hoan, đón khách quý, đám cưới thì khặp theo làn điệu “pàn lấu, pàn khấu”, điệu khặp chậm, thiết tha, giọng vừa phải. Ngoài ra, tùy vào đặc trưng giọng nói, âm vực của mỗi địa phương cũng sẽ có các điệu khặp khác nhau...

Mặc dù giữ một vị thế quan trọng trong đời sống văn hóa tinh thần đồng bào Thái, song, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, nên có thời điểm và ở một số nơi, khặp đã không còn phổ biến hoặc trở nên mai một. Trước thực trạng đó, vài năm trở lại đây, tỉnh Thanh Hóa đã có nhiều cơ chế, chính sách nhằm phục hồi, bảo vệ và phát huy giá trị nét văn hóa truyền thống đậm đà bản sắc tộc người này. Đặc biệt, thông qua các lớp bảo tồn, phát huy nghệ thuật truyền thống dân tộc Thái xã Trí Nang (Lang Chánh); phục dựng loại hình hát khặp, hát giao duyên dân tộc Thái huyện Lang Chánh; bảo tồn và phục dựng các loại hình văn hóa Thái, Mường phục vụ khách du lịch tại bản Hiêu (Bá Thước)... không chỉ khặp mà còn nhiều loại hình văn hóa – văn nghệ dân gian của đồng bào Thái đã được khôi phục, gìn giữ và trao truyền.

Khoảng 10 năm trở lại đây, cùng với việc triển khai thực hiện “Chiến lược phát triển văn hóa Việt Nam đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa”, nhiều loại hình văn hóa – văn nghệ, trò chơi, trò diễn dân gian, đã nhận được sự quan tâm đầu tư cho công tác phục dựng, bảo tồn và phát huy giá trị. Điển hình trong đó là việc xây dựng các đề án bảo tồn, phục dựng một số lễ hội, trò diễn dân gian của các dân tộc thiểu số, như: Lễ hội Sớ Pha của người Thái huyện Thường Xuân; lễ hội Pồn Pôông của người Mường huyện Lang Chánh; tết Nhảy của người Dao huyện Ngọc Lặc; Khua luống của người Thái huyện Quan Sơn; Séc bùa của người Mường huyện Cẩm Thủy; múa Cá sa dân tộc Thái và các làn điệu dân ca, dân vũ dân tộc Mường huyện Bá Thước... Đến nay, các lễ hội, trò chơi, trò diễn kể trên đã và đang được phục dựng và đưa vào “sống” trong đời sống cộng đồng. Đồng thời, trở thành một tài sản vô giá được đồng bào các dân tộc trân trọng gìn giữ.

Song song với đó, các địa phương cũng mở nhiều lớp truyền dạy, tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về công tác bảo tồn văn hóa cho đội ngũ làm công tác quản lý văn hóa và cộng đồng dân cư. Điển hình là các lớp truyền dạy Trò Chiềng huyện Yên Định, trò diễn Xuân Phả huyện Thọ Xuân, múa đèn Đông Anh huyện Đông Sơn, hò Sông Mã huyện Hà Trung, nhạc cụ truyền thống huyện Quảng Xương, ca trù TP Thanh Hóa, chèo huyện Hoằng Hóa, tuồng huyện Vĩnh Lộc, cồng chiêng huyện Cẩm Thủy... Bên cạnh đó, các loại hình văn hóa – văn nghệ, trò chơi, trò diễn dân gian cũng được đưa lên sân khấu của các hội thi, hội diễn, liên hoan văn hóa để ngày càng trở nên phổ biến. Trong đó phải kể đến các phong trào, hoạt động văn hóa sôi động tại cơ sở như liên hoan thông tin cổ động toàn tỉnh (1 lần/năm), liên hoan văn hóa các dân tộc (1 lần/2 năm), liên hoan nghệ thuật quần chúng toàn tỉnh (1 lần/năm)... Ngoài ra, trong nhiều năm nay, các đội văn nghệ quần chúng tỉnh Thanh Hóa đã tham gia hơn 30 hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật toàn quốc và khu vực. Qua đó, mang về nhiều thành tích cao, với 20 HCV, 30 HCB, 30 giải A, 35 giải B và 30 Bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ trưởng – Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Bộ Tư lệnh biên phòng...

Có thể khẳng định, việc chú trọng công tác bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống nói chung, trong đó có các loại hình văn hóa - văn nghệ, trò chơi, trò diễn dân gian, đã góp phần làm phong phú đời sống văn hóa – tinh thần cho Nhân dân trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, từng bước tạo dựng được môi trường văn hóa lành mạnh cho phát triển bền vững. Qua đó, Thanh Hóa đã và đang có nhiều đóng góp, nhằm thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương V khóa VIII về “Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”.

Bài và ảnh: Hoàng Xuân



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name}- {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]