(Baothanhhoa.vn) - Với vẻ đẹp, sức hấp dẫn riêng có của mình, Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Luông đang dần trở thành khu du lịch phát triển của tỉnh. Ngày càng có nhiều du khách đến khám phá thiên nhiên, văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, được nghỉ chân tại chính những ngôi nhà mà người dân sinh sống. Nắm bắt cơ hội này, nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư làm homestay đón khách. Điều này đã và đang đánh thức tiềm năng du lịch cho vùng đất này, giúp đồng bào có cuộc sống ấm no hơn.

Bá Thước thời... homestay

Với vẻ đẹp, sức hấp dẫn riêng có của mình, Khu Bảo tồn thiên nhiên (BTTN) Pù Luông đang dần trở thành khu du lịch phát triển của tỉnh. Ngày càng có nhiều du khách đến khám phá thiên nhiên, văn hóa của đồng bào dân tộc Thái, được nghỉ chân tại chính những ngôi nhà mà người dân sinh sống. Nắm bắt cơ hội này, nhiều hộ dân mạnh dạn đầu tư làm homestay đón khách. Điều này đã và đang đánh thức tiềm năng du lịch cho vùng đất này, giúp đồng bào có cuộc sống ấm no hơn.

Bá Thước thời... homestay

Puluong home thu hút khách du lịch nhờ không gian xanh, gần gũi với thiên nhiên.

Bức tranh mới nơi vùng cao, biên giới

Những ngày cuối tháng 8, chúng tôi có mặt tại bản Đôn, xã Thành Lâm. Con đường nhỏ dẫn vào bản quanh co uốn lượn, nhiều đoạn xe phải đi chậm. Cùng chung đường với chúng tôi là từng tốp “phượt thủ” nối đuôi nhau trên những xe máy và ô tô nhằm hướng trung tâm Khu BTTN Pù Luông. Một vài nhóm phượt và du khách dừng xe, tụ lại bên đường để chiêm ngưỡng, chụp ảnh và hòa vào không khí lao động sôi nổi của người dân bản địa trên các triền đồi.

Nơi chúng tôi chọn nghỉ lại qua đêm là dãy homestay của gia đình anh Hà Văn Thược, có tên chỉ dẫn trên Google Map là “Puluong Home”, nằm giữa bản Đôn trong khuôn viên khoảng 3.000m2. Sau khi đón khách bằng nụ cười rạng rỡ và sắp xếp xong đâu đó chỗ ăn nghỉ, anh Thược xin phép vào bếp chuẩn bị nốt bữa trưa dang dở. Dù có thuê người làm nhưng anh vẫn muốn tự tay chuẩn bị những món đặc sản thơm ngon cho khách như vậy. Trong lúc chồng vặt lông vịt thì chị vợ tất bật chạy vào chạy ra, xắn tay giúp làm các món nào măng xào, rau luộc... Anh Thược cho biết, đặc sản ở đây là vịt Cổ Lũng, nên thường làm món này để phục vụ mỗi khi có khách du lịch. Trên chiếc bàn đá nguyên tấm lớn đặt dưới mái lá góc sân, đồ ăn bày trên cái mẹt tre, gồm: vịt Cổ Lũng luộc, gà đồi rang, các món măng chua, măng đắng, canh lá rừng, cá suối... Trời se lạnh, nhâm nhi chén rượu cay nồng cùng những món ăn đặc sản núi rừng, cảm giác đó không bút mực nào tả siết. Vợ chồng anh Thược sẵn sàng ngồi cùng mâm khách nếu được mời uống rượu đến tận khuya. Anh bảo: “Cũng có những đoàn muốn yên tĩnh, không muốn bị ai làm phiền khi ăn. Nhưng đoàn nào mời giao lưu là nhà em giao lưu ngay”.

Ra trường đúng thời điểm du lịch ở Pù Luông đang rậm rịch, anh tự hỏi, tại sao nhà mình cũng có nhà đất, cũng nằm trong không gian văn hóa đậm bản sắc của bản làng vùng cao, mà người ta đón được khách tới thăm, tới ở (với giá thấp nhất cũng 500.000 - 700.000 đồng/ngày đêm - cao điểm lên tới 1 - 2 triệu đồng/ngày đêm) mà mình lại không làm được. Mình chỉ lấy giá phòng 100.000 - 200.000 đồng/ngày đêm thôi, hướng đến những khách bình dân. Nghĩ là làm, anh vay người thân và ngân hàng 140 triệu đồng dựng một cái nhà sàn bằng tre, luồng, lợp mái cọ để đón khách. Những du khách đầu tiên đến, họ rất thích khi được anh đưa đi ngắm biển mây, khám phá sắc thái văn hóa bản địa, đi thăm thác nước, ruộng bậc thang. Nhiều du khách khi về vẫn liên lạc qua điện thoại, mạng xã hội để cảm ơn tình cảm và sự mến khách của gia đình anh và người dân bản địa, thậm chí còn kết nối với bạn bè, mang quà tết lên cho trẻ em nghèo vùng cao.

Để xem người dưới xuôi làm du lịch thế nào, thị hiếu của khách ra sao, anh Thược đến nhiều khu du lịch khác nhau để học kỹ năng, nghiệp vụ. Trở về, anh mở rộng diện tích homestay lên 3.000m2, làm thêm bungalow bên cạnh ngôi nhà sàn chính. Bởi không phải ai lên Pù Luông cũng thích ngủ chung nhà sàn, sử dụng nhà vệ sinh chung, nhất là các cặp uyên ương, vợ chồng. Tuy nhiên, anh không xây kiểu nhà bê tông, phòng hộp như ở bản Lác (Mai Châu - Hòa Bình) và nhiều nơi khác, mà phát triển từ một mẫu lều lắp ghép, bungalow nhưng vật liệu làm bằng gỗ và cọ, như chính những ngôi nhà bản địa, để tạo nên sự đồng nhất và giản tiện, gần gũi. Đến nay, cũng có thêm nhiều nhà xây dựng được bungalow như vợ chồng anh Thược. Anh Thược cho biết: “Mình đã mạnh dạn cải tiến kiến trúc ngôi nhà sàn của dân tộc Thái phù hợp để đón khách. Các phòng được trang trí thêm tranh ảnh, những bộ trang phục và vật dụng truyền thống của người Thái để du khách khám phá. Ngoài ra, mình trồng thêm cây xanh, phong lan, thiết kế tiểu cảnh, làm thêm những bộ bàn đá, bàn ghế gỗ ngoài trời... làm nơi khách ngồi uống nước và chụp ảnh lưu niệm”.

Những homestay của người dân trên đại ngàn Pù Luông với vẻ đẹp và sự độc đáo ngày càng thu hút du khách đến đông hơn, mở ra hướng đi mới trong phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo cho người dân nơi đây. Mô hình phát triển du lịch này vừa giúp người dân loại bỏ được những hủ tục; giữ gìn, phát huy nét đẹp truyền thống văn hóa ông cha truyền lại, từ đó giúp họ có được thu nhập cao hơn so với việc đi rừng, làm nương. Nhiều thanh niên trẻ lập nghiệp ở xa nay đã trở về, khởi nghiệp du lịch cộng đồng và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình. “Trung bình mỗi tháng, homestay thu hút gần 300 lượt khách đến lưu trú, có hôm khách đến đông quá, nhà nhỏ không đủ chỗ ngủ phải san sẻ cho những homestay khác”, anh Thược cho biết.

Hỏi anh Thược, nguyên nhân nào khiến Pù Luông thu hút du khách, anh cho rằng, ngoài cảnh đẹp mà thiên nhiên ban tặng thì đó là văn hóa. Văn hóa ở đây không có gì cao siêu cả mà đó chính là cuộc sống hàng ngày đang diễn ra, là chợ phiên, là nếp nhà, là các lễ hội diễn ra hàng năm. Chính vì hiểu điều đó, anh thường xuyên đăng lên trang cá nhân của mình những hình ảnh về Pù Luông, hoặc cập nhật tình hình thời tiết, các câu chuyện về phong tục, tập quán của người dân địa phương... Mùa lúa thì cập nhật từ khi đổ nước đến bao ngày nữa thì lúa sẽ chín vàng. Mùa mây thì đăng tải clip biển mây bồng bềnh ngay trước sân khu homestay. Chỉ thế thôi mà khách nườm nượp kéo lên Pù Luông. Những dịp cao điểm phòng thường được đặt trước cả tháng.

Ước mơ của anh Thược không chỉ là xây dựng homestay của mình, mà còn giúp đồng bào nơi đây cùng nhau liên kết để phát triển du lịch, cùng có cuộc sống ấm no hơn. Vì thế, anh và nhiều chủ homestay khác đang có kế hoạch thành lập một câu lạc bộ các homestay ở Pù Luông để dần chuyên nghiệp hơn trong phục vụ khách. Câu lạc bộ sẽ là nơi trao đổi và hỗ trợ nhau. Ví dụ nhà này hết phòng có thể giới thiệu khách sang nhà khác. Hoặc cùng kết hợp để tổ chức các tour văn hóa truyền thống phục vụ khách mà không cần đợi mùa lễ hội. “Mình thấy làm du lịch văn hóa mà cứ mạnh ai nấy làm, ganh đua cạnh tranh nhau thì không đúng. Văn hóa thuộc về cộng đồng chứ không phải của cá nhân nào cả. Thế thì làm du lịch cũng phải đoàn kết với nhau chứ không nên cạnh tranh, chỉ cần cả cộng đồng cùng chung sức là mình đã thành công lớn rồi”, anh Thược chia sẻ.

Giấc mơ về ngành "công nghiệp không khói"

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Thế Anh, Bí thư Đảng ủy xã Thành Lâm, cho biết: homestay là một sản phẩm du lịch đặc thù, không đơn giản chỉ là điểm lưu trú, mà du khách mong muốn có sự trải nghiệm văn hóa, được khám phá thiên nhiên và phong tục, tập quán của người dân địa phương. Vì thế, chính quyền địa phương rất quan tâm, luôn hỗ trợ về chính sách, giúp vay vốn, hướng dẫn kỹ năng nghiệp vụ du lịch để bà con đầu tư, nâng cấp nhà cửa đón khách. Tuy nhiên, chỉ những đảm bảo tiêu chuẩn về nhà vệ sinh, phòng ngủ và an toàn thực phẩm mới cho đăng ký làm cơ sở lưu trú.

“Vấn đề quan tâm hiện nay của địa phương đó là đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm cho du khách. Để làm được điều này, chính quyền địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân; tổ chức cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch ký cam kết đảm bảo an toàn thực phẩm; bố trí nơi thu gom, xử lý chất thải đúng quy định; có dụng cụ chế biến, bảo quản và sử dụng riêng đối với thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến; có sổ và tủ lưu mẫu thức ăn riêng biệt theo đúng quy định...”, ông Thế Anh nhấn mạnh.

Từ năm 2015 đến nay, huyện Bá Thước đã thu hút được nhiều doanh nghiệp đến nghiên cứu đầu tư phát triển du lịch và họ rất quan tâm đến Pù Luông. Tuy nhiên, nhìn một cách tổng thể và đánh giá thực trạng hiện tại thì do chất lượng hệ thống giao thông ở các xã vùng cao còn chưa đảm bảo, các cơ sở lưu trú còn tự phát, thiếu kỹ năng dịch vụ, vốn cho phát triển du lịch ở địa phương còn hạn hẹp... nên du lịch của Khu Bảo tồn quốc gia thiên nhiên Pù Luông nói chung và huyện Bá Thước nói riêng còn hạn chế, chưa tương xứng với tiềm năng. Số ngày lưu trú của khách du lịch còn thấp, mức chi tiêu chưa cao. Các sản phẩm du lịch còn ít về số lượng, chưa thật sự phát triển như mong muốn, thiếu sự đồng bộ và liên kết cần thiết, trong khi công tác xúc tiến quảng bá chưa hiệu quả... Lực lượng lao động cho lĩnh vực du lịch còn thiếu số lượng và hạn chế về kỹ năng, nghiệp vụ.

Với mong muốn phát huy và khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, đồng thời bảo tồn và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp, Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bá Thước đã tham mưu cho UBND huyện triển khai một loạt các nội dung, chương trình xúc tiến quảng bá thông qua nhiều kênh, nhiều hình thức; tiến hành tập huấn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch; hỗ trợ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân kinh doanh trong ngành du lịch được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi; triển khai thực hiện công tác vệ sinh môi trường tại các điểm du lịch. Đồng thời chú trọng đầu tư hệ thống giao thông kết nối tới các điểm du lịch tạo sự an toàn và hài lòng cho du khách khi đến tham quan, nghỉ dưỡng tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn.

Ông Trương Văn Minh, Trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Bá Thước, cho biết: “Với lợi thế thiên nhiên sẵn có, Pù Luông tập trung khai thác, chào bán các sản phẩm nghỉ dưỡng vùng núi, du lịch sinh thái núi, du lịch cộng đồng tại Khu BTTN Pù Luông và hình thành một số sản phẩm du lịch mới như: tuyến du lịch sông Mã, du lịch lòng hồ thủy điện Bá Thước II, du lịch mạo hiểm khám phá hang động, đỉnh Pù Luông, đi bộ xuyên rừng... Để phát triển sản phẩm du lịch toàn tỉnh, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Đề án “Phát triển du lịch cộng đồng huyện Bá Thước đến năm 2020, tầm nhìn 2030”. Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương đã chọn 2 làng du lịch cộng đồng của huyện làm sản phẩm OCOP điểm của Trung ương, gồm: dự án xây dựng công viên tre luồng và chuỗi du lịch sinh thái Pù Luông tại các làng du lịch cộng đồng ở xã Thành Sơn và Cổ Lũng”.

Hy vọng một tương lai gần địa danh Pù Luông sẽ có trên bản đồ du lịch toàn cầu, là điểm hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế bởi vẻ đẹp của thiên nhiên cùng người dân thân thiện, hiếu khách.

Bài và ảnh: Tăng Thúy


Bài và ảnh: Tăng Thúy

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]