(Baothanhhoa.vn) - Hiện nay, việc phát triển diện tích trồng cây gai xanh nguyên liệu trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, các ngành có liên quan của tỉnh và địa phương trong vùng quy hoạch đang tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân mở rộng diện tích trồng cây gai xanh.

Vận động người dân mở rộng diện tích gai xanh nguyên liệu

Hiện nay, việc phát triển diện tích trồng cây gai xanh nguyên liệu trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Vì vậy, các ngành có liên quan của tỉnh và địa phương trong vùng quy hoạch đang tích cực tuyên truyền, vận động Nhân dân mở rộng diện tích trồng cây gai xanh.

Vận động người dân mở rộng diện tích gai xanh nguyên liệuNgười dân xã Nam Xuân (Quan Hóa) chăm sóc cây gai xanh nguyên liệu.

Xác định rõ những khó khăn trong phát triển cây gai xanh nguyên liệu, huyện Quan Hóa đã tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền để người dân hiểu rõ về hiệu quả kinh tế từ trồng cây gai xanh. Đồng thời, vận động người dân thay đổi tập quán sản xuất, chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất. Cùng với đó, huyện tổ chức cho người dân tham quan, học tập kinh nghiệm tại Nhà máy dệt An Phước và các vùng nguyên liệu cây gai xanh trên địa bàn huyện Cẩm Thủy. Qua đó, tạo sự đồng thuận cao trong Nhân dân về phát triển cây gai xanh, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống. Năm 2022, huyện Quan Hóa đã trồng được 21,44 ha cây gai xanh nguyên liệu, vượt 0,44 ha so chỉ tiêu được giao. Năm 2023, huyện Quan Hóa phấn đấu trồng mới 131 ha cây gai xanh nguyên liệu, tại các xã Phú Lệ, Phú Sơn, Phú Thanh, Thành Sơn, Trung Thành, Trung Sơn, Nam Xuân, Nam Tiến, Hiền Chung và thị trấn Hồi Xuân.

Theo kế hoạch năm 2022, toàn tỉnh phát triển cây gai xanh đạt 1.460 ha (trong đó, diện tích lưu gốc 460 ha, diện tích trồng mới đạt 1.000 ha) tập trung tại các huyện Cẩm Thủy, Thạch Thành, Như Xuân, Bá Thước, Quan Hóa, Mường Lát, Như Thanh... Tuy nhiên, hết năm 2022, diện tích cây gai xanh toàn tỉnh mới chỉ đạt 930 ha (trong đó, trồng mới 480 ha, lưu gốc 450 ha). Theo tìm hiểu ở các địa phương trong vùng quy hoạch cây gai xanh nguyên liệu, công tác tuyên truyền, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật còn nhiều hạn chế, chưa làm cho Nhân dân thấy rõ hiệu quả, lợi ích của việc trồng gai dẫn tới tâm lý hoài nghi, e ngại. Công tác phối hợp giữa nhà máy với các địa phương chưa được thường xuyên nên việc chuyển đổi, bố trí đất trồng gai còn nhiều hạn chế, trong khi nhiều cây trồng truyền thống tuy có hiệu quả tương đương hoặc có thể thấp hơn nhưng dễ trồng, chi phí thấp, ít nhân công nên nông dân vẫn chưa mạnh dạn chuyển đổi. Việc thu hoạch và sơ chế gai tại nông hộ rất phức tạp do nhà máy mua nguyên liệu là vỏ khô, trong khi việc thu hoạch, tách sợi, phơi khô cần thực hiện nhanh và tốn rất nhiều công lao động, cường độ lao động cao, trong khi lao động tại khu vực nông thôn thiếu...

Để khắc phục những hạn chế trên, phấn đấu phát triển diện tích trồng cây gai xanh nguyên liệu đến năm 2025 đạt hơn 6.400 ha, nhằm nâng cao đời sống và thu nhập cho người dân, nhất là khu vực miền núi của tỉnh. Hiện ngành nông nghiệp và các huyện trong vùng quy hoạch trồng cây gai xanh nguyên liệu phục vụ chế biến đang tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển gai xanh để người dân hiểu rõ và triển khai thực hiện. Tăng cường đào tạo, tập huấn bằng nhiều hình thức khác nhau về các biện pháp kỹ thuật, giới thiệu các mô hình, cách tổ chức liên kết sản xuất hiệu quả để người dân ứng dụng rộng rãi. Ngoài ra, các địa phương phối hợp với công ty rà soát diện tích, cơ cấu cây trồng, xây dựng cụ thể các mục tiêu phát triển cây gai xanh với tinh thần hoàn thành vượt mức kế hoạch được giao. Ngành nông nghiệp tổ chức xây dựng cơ chế quản lý, hướng dẫn, giám sát vùng nguyên liệu chặt chẽ với sự tham gia của Nhà nước, doanh nghiệp, tổ chức cung ứng dịch vụ, nông dân, nhà khoa học để hình thành các vùng nguyên liệu bền vững, tạo sự tin tưởng cho nhà máy và Nhân dân. Tổ chức nghiên cứu các giải pháp đẩy mạnh cơ giới hóa, nhất là trong khâu thu hoạch, sơ chế tuốt vỏ gai để nâng cao hiệu quả, tiết kiệm công sức và chi phí lao động.

Bài và ảnh: Hải Đăng



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]