Tuyên truyền pháp luật có trọng tâm, trọng điểm, sát nhu cầu thực tế
TP Thanh Hóa là trung tâm của cả tỉnh, đô thị phát triển sôi động, kéo theo đó cũng tồn tại nhiều vấn đề phức tạp về an ninh trật tự. Một điểm nhấn quan trọng trong hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) trên địa bàn thành phố trong những năm gần đây đó là đẩy mạnh hoạt động PBGDPL cho thanh, thiếu niên trong các trường học.
Sở Tư pháp cấp phát tài liệu cho các tuyên truyền viên pháp luật tại huyện Mường Lát.
Thông qua các buổi ngoại khóa, sinh hoạt dưới cờ, các nhà trường thường xuyên tổ chức các hoạt động PBGDPL phù hợp với lứa tuổi. Đáng chú ý, nhiều hoạt động có sự tham gia phối hợp của các cán bộ, chiến sĩ lực lượng công an trực tiếp giảng dạy, trao đổi, nói chuyện với học sinh. Bằng những câu chuyện thực tế, ngắn gọn, dễ hiểu liên quan đến các chủ đề về phòng chống ma túy, phòng chống đuối nước, phòng cháy chữa cháy, an toàn giao thông, bạo lực học đường..., các em học sinh được tiếp cận với những kiến thức, kỹ năng cần thiết trong cuộc sống hằng ngày.
Thực tiễn cho thấy PBGDPL trong trường học với cách làm phù hợp, sinh động, linh hoạt sẽ giúp học sinh dễ dàng tiếp thu, học hỏi và ghi nhớ. Cô giáo Bùi Thị Kiều Oanh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú tỉnh, cho biết: Từ đầu mỗi năm học, nhà trường chủ động xây dựng kế hoạch PBGDPL, tổ chức sinh hoạt theo chủ đề, chủ điểm của từng tháng như: “Tháng An toàn giao thông”, “Tháng Giáo dục pháp luật”, “Ngày Pháp luật Việt Nam” và các chủ đề về phòng, chống ma túy, mại dâm, HIV/AIDS... cho các khối lớp. Công tác PBGDPL theo hướng gần gũi, dễ hiểu, sinh động và phù hợp với tâm lý, nhận thức của học sinh sẽ mang lại hiệu quả tích cực, giúp các em nâng cao hiểu biết, có ý thức chấp hành pháp luật, giảm thiểu những hành vi vi phạm, lệch chuẩn ở lứa tuổi vị thành niên và ngăn ngừa tệ nạn xã hội xâm nhập học đường.
Căn cứ vào đặc điểm, điều kiện thực tế của mỗi đối tượng, mỗi vùng miền mà nội dung, hình thức PBGDPL cũng khác nhau. Tại huyện Như Xuân – nơi 43% dân số là người dân tộc Thái, 14,5% dân tộc Thổ và 5,5% dân tộc Mường, thì hoạt động PBGDPL lại gắn với các nội dung, chương trình, chính sách về dân tộc và miền núi.
Đại diện Phòng Tư pháp huyện Như Xuân cho biết: Nội dung PBGDPL tại huyện Như Xuân gắn liền với các chính sách về dân tộc, miền núi và các nhiệm vụ chính trị của huyện. Trong đó, tập trung tuyên truyền thực hiện Đề án “Giảm thiểu tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong đồng bào dân tộc thiểu số”; “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số”... Nội dung tuyên truyền được xây dựng đảm bảo tiêu chí ngắn gọn, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với phong tục, tập quán địa phương, tác động trực tiếp tới nhận thức của người dân, tạo sự đồng thuận cao trong quá trình tham gia thực hiện để các chính sách ngày càng đi vào cuộc sống, đạt hiệu quả như mục tiêu đặt ra.
PBGDPL về bảo vệ và phát triển rừng là một nhiệm vụ quan trọng tại các huyện miền núi. Để việc tuyên truyền đạt hiệu quả, hoạt động PBGDPL ở lĩnh vực này tập trung hướng về cơ sở, đặc biệt là phát huy vai trò của các tổ tuyên truyền thôn, bản. Thống kê của Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho thấy, chỉ tính riêng trong giai đoạn 2019 đến tháng 10/2024, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp các địa phương xây dựng, củng cố hoạt động của hơn 1.700 tổ tuyên truyền bảo vệ rừng tại thôn, bản ở 212 xã, phường, thị trấn trong tỉnh. Các tổ tuyên truyền đều xây dựng quy chế hoạt động, phối hợp với ủy ban MTTQ các cấp xây dựng 810 mô hình khu dân cư “3 không” trong bảo vệ, phòng chống cháy rừng ở các thôn, bản có rừng với các nội dung: Không sử dụng lửa bất cẩn trong sản xuất, sinh hoạt gây cháy rừng; không sử dụng cưa xăng khai thác gỗ trái phép; không sử dụng súng săn, bẫy nỏ săn bắt trái phép động vật rừng. Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã phối hợp với các tổ tuyên truyền thôn, bản tổ chức trên 6.000 hội nghị tuyên truyền về bảo vệ rừng, phòng, chống cháy rừng với trên 200.000 lượt người tham gia. Đồng thời, tổ chức trên 200 hội nghị đối thoại trực tiếp với Nhân dân về công tác bảo vệ rừng. Tư vấn, rà soát hoàn chỉnh hơn 1.800 bản quy ước, hương ước thôn, bản có nội dung bảo vệ rừng. Từ việc bám địa bàn, phát huy vai trò trực tiếp của các tổ tuyên truyền bảo vệ rừng tại thôn, bản đã phát huy hiệu quả tích cực, góp phần vào công tác bảo vệ an ninh rừng.
Có thể nói để công tác PBGDPL đạt hiệu quả cao, nội dung tuyên truyền phải có trọng tâm, trọng điểm, trúng và sát đối tượng. Đặc biệt, nếu như trước đây, công tác PBGDPL trên địa bàn tỉnh chủ yếu tập trung vào hình thức tuyên truyền miệng trực tiếp tại các hội nghị thì những năm gần đây, công tác này ngày càng được đổi mới mạnh mẽ với các hình thức đa dạng, chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và thực hiện chuyển đổi số trong hoạt động PBGDPL. Nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật một cách bài bản, linh hoạt, lựa chọn nội dung phù hợp với tình hình và từng đối tượng tiếp cận, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của người dân. Từ đó hạn chế hành vi vi phạm pháp luật, giữ gìn an ninh trật tự, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Bài và ảnh: Việt Hương
{name} - {time}
-
2024-12-18 09:37:00
Đối tượng tinh giản biên chế sẽ được hưởng những trợ cấp gì?
-
2024-12-13 15:59:00
Thẩm định Bộ Chỉ số đánh giá kết quả bảo vệ môi trường các địa phương năm 2023
-
2024-11-05 08:11:00
Phối hợp cung cấp thông tin về nhà ở khi làm thủ tục cấp GCNQSDĐ, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất
Tiếp tục tăng cường chỉ đạo, triển khai thi hành Luật Đất đai 2024
Quy định chi tiết các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong phòng lây nhiễm HIV
Quy định mới về việc quản lý kho vật chứng và tài liệu, đồ vật
Chính phủ ban hành Nghị định về lập quỹ từ thiện, quỹ xã hội
Như Thanh: Nâng cao hiệu quả phổ biến, giáo dục pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi
Điểm mới về quy chuẩn kỹ thuật an toàn sản xuất, kinh doanh hóa chất nguy hiểm
Thu phí đường cao tốc do Nhà nước đầu tư: Cao nhất lên tới 5.200 đồng/km
Hướng dẫn quy trình đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất hoặc cho thuê đất
Bổ sung chính sách chi thăm hỏi một số đơn vị, cá nhân là người dân tộc thiểu số