Từ phận con ở nhà địa chủ, thành dũng sĩ cắm cờ quyết thắng trên đồi Him Lam
Ngày này 70 năm trước (13/3/1954), đúng 17 giờ 5 phút, quân ta tấn công cứ điểm Him Lam, cánh cửa thép phía Bắc cứ điểm Điện Biên Phủ, mở màn chiến dịch.
Trung tướng Trần Linh (nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng, nguyên chính trị viên Tiểu đoàn 11, E141, Đại đoàn 312 khi đơn vị đánh đồn Him Lam, người bồi dưỡng Nguyễn Hữu Oanh đi báo cáo thành tích kinh nghiệm chiến đấu trận đánh cứ điểm Him Lam tại các đơn vị ở mặt trận).
Trong trận đánh vô cùng quan trọng đó có người con xứ Thanh - Nguyễn Hữu Oanh, quê xã Yên Trung, huyện Yên Định, tiểu đội trưởng tiểu đội xung kích của Đại đội 143, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312, đã tỏa sáng với sự chỉ huy mưu trí, linh hoạt, quả cảm, tự tay diệt và cắm cờ quyết chiến quyết thắng trên nóc lô cốt chỉ huy cứ điểm.
Sau lệnh nổ súng, quân ta đồng loạt tấn công địch cả 3 mỏm 1, 2, 3, cứ điểm Him Lam. Trong khi mũi tiến công mỏm 2 và 3 phát triển thuận lợi thì hướng mỏm 1, mũi chủ yếu của tiểu đoàn 11 mới phá được 7 hàng rào, đến hàng rào cuối cùng thì bị hai hỏa điểm địch bắn chéo cánh sẻ rất quyết liệt cản bước quân ta. Tình hình vô cùng khẩn trương, nếu không dứt điểm, địch trong Him Lam có thể phản kích, các cứ điểm địch khác có thể tiếp viện giải vây. Trước tình thế đó, đại đội 243 được lệnh sử dụng lực lượng bộc phá dự bị có đại liên yểm trợ bằng mọi cách phải quyết tử lao lên đánh bung hàng rào cuối cùng.
Loạt bộc phá vừa dứt, tiểu đội trưởng xung kích Trần Oanh (đúng ra phải là Nguyễn Hữu Oanh) dẫn đầu tiểu đội dao nhọn lao thẳng vào trung tâm như lốc cuốn dẫn đầu đội hình xung kích của tiểu đoàn 11 tỏa đánh chiếm các mục tiêu.
Bị địch cản lại, Nguyễn Hữu Oanh phân công 5 chiến sĩ đánh các lô cốt nhỏ, còn anh với quả thủ pháo trong tay, bằng động tác mau lẹ và chính xác anh đút qua lỗ châu mai tiêu diệt bọn địch trong lô cốt mẹ và nhảy lên nóc lô cốt phất cờ “quyết chiến quyết thắng” vẫy toàn đơn vị đánh thẳng vào trung tâm cứ điểm.
Đến 23 giờ 30 phút ta hoàn toàn làm chủ cứ điểm Him Lam... mở toang cánh cửa sắt án ngữ phía bắc cứ điểm Điện Biên Phủ.
Sau chiến dịch, đến tháng 7/1954, Đại đoàn 312 tổ chức Đại hội mừng công, Báo Quân đội Nhân dân tại mặt trận số ra ngày 20/7/1954 có đưa tin Đại hội đã bầu được 13 chiến sĩ thi đua của Đoàn, Nguyễn Hữu Oanh người thứ 4 trong danh sách, chức vụ A trưởng xung kích (sau Trần Can, Phan Đình Giót, Lương Văn Vọng) và bài báo có đoạn ghi công “Các chiến sĩ anh hùng ấy, mỗi người một vẻ, thật xứng với ý nghĩa chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Như đồng chí Nguyễn Hữu Oanh, người Tổ trưởng xung kích, vượt qua lưới đạn, nhanh nhẹn nhảy lên chóp chỉ huy sở địch giương cao ngọn cờ “quyết chiến, quyết thắng” của Bác trong trận Him Lam...”.
Từ thân phận đi ở đợ trở thành dũng sĩ Điện Biên
Nguyễn Hữu Oanh sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, nhà có 8 anh chị em nên mới 16 tuổi cậu đã phải đi ở cho một nhà địa chủ ở xã Yên Phú để bớt cho gia đình một miệng ăn.
Đồng chí Nguyễn Hữu Oanh.
Thân phận, công việc của kẻ đi ở đợ thật cay đắng, cực nhọc, nhưng giúp Oanh trở thành chàng thanh niên tháo vát, giỏi mọi việc làm đồng cày bừa, gánh phân, gặt hái, lên rừng Đa Nẵm chặt củi, đốt than.
Gian khổ, cực nhọc nhưng Oanh rất buồn vì không thể giúp bố mẹ, các anh Trợ, Chậy, Cù, các chị Lăn, Lô, các em Hồng, Tình bớt đi nghèo đói. Những lúc buồn, Oanh lại tâm sự với bạn bè cùng thân phận ở cho nhà địa chủ biết đến bao giờ hết thân phận tôi đòi.
Bất ngờ, một buổi sáng đầu tháng 9 năm 1951, anh vừa lùa đàn trâu của nhà ông chủ ra bãi sông Cầu Chày để chăn thì gặp Thực, cùng cảnh con ở cho nhà địa chủ khác, người làng Quảng, xã Yên Hùng. Thực rỉ tai Oanh: “Mi nói ở cho địa chủ nhục nhã, cay đắng, rứa mi có dám đi đánh Tây không, có người của đơn vị bộ đội về huyện ta tuyển người đi tòng quân đấy!”.
Hồi đó Thanh Hóa là vùng tự do, các huyện Thọ Xuân, Yên Định, Vĩnh Lộc... thường có các đơn vị bộ đội trú quân huấn luyện rồi lại hành quân, nên Oanh cũng có chút hiểu biết về anh bộ đội và thích ngày nào đó được trong đoàn quân vác súng...
Được Thực gợi ý, Oanh nói ngay: “Đi bộ đội, được thoát cảnh làm con ở, sợ chi, chỉ lo mình trốn đi, ông chủ lấy cớ bắt vạ bố mẹ thôi!”. Hiểu nỗi lo của Oanh, Thực động viên: “Đừng sợ, nay ta đang phát động giảm tô, mi đi bộ đội là việc quan trọng, mọi việc ở nhà còn có Ủy ban Hành chính kháng chiến, ông chủ không dám bắt vạ bố mẹ mi được!”. Nghe lời động viên của người bạn cùng cảnh ngộ, Nguyễn Hữu Oanh gửi lại đàn trâu cho người khác trông hộ và lẻn trốn đến nơi đơn vị bộ đội ghi tên tuyển quân.
Vinh dự là chiến sĩ Đại đoàn chiến thắng
Vào quân ngũ, Nguyễn Hữu Oanh được biên chế về Đại đội 243, Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312. Vinh dự đầu tiên đến với anh là xong đợt huấn luyện gấp rút, anh được cùng đơn vị tham gia chiến dịch Nghĩa Lộ. Không lâu sau được cùng Đại đội 243 tham gia chiến dịch Hòa Bình, chiến đấu diệt địch trên hướng Chẹ, Ba Vì. Là tân binh nhưng anh sớm được đánh giá là một chiến sĩ tháo vát, xông xáo, luôn tự giác hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.
Khi ta mở chiến dịch Tây Bắc, Thượng Lào, Nguyễn Hữu Oanh đã được giao là tổ trưởng tổ 3 người. Anh lập được chiến công trong chiến dịch đó nên được thưởng huân chương Chiến thắng hạng Ba.
Ngày 21 tháng 11 năm 1953, tại bắc Phú Thọ, đúng thời điểm đơn vị nhận lệnh hành quân lên Tây Bắc chuẩn bị cho chiến dịch Điện Biên Phủ thì Nguyễn Hữu Oanh vinh dự được kết nạp vào Đảng.
Là đảng viên dự bị, lại có sức khỏe tốt, Oanh luôn đi đầu trong đơn vị về mọi công việc. Đầu xuân 1954, bắt đầu vào chiến dịch Điện Biên Phủ, đơn vị được giao nhiệm vụ phối hợp với Đại đoàn công, pháo 351 kéo pháo vào trận địa. Hôm ấy, bất ngờ địch trong cứ điểm nống ra định đánh chiếm đồi 674 hòng ngăn chặn đường kéo pháo của ta, Oanh đã cùng trung đội kiên cường phòng ngự, tiêu diệt 100 tên địch, giữ vững 2 mỏm đồi, bảo vệ pháo an toàn. Trong trận này, Nguyễn Hữu Oanh lại được đơn vị bình công đề nghị trên thưởng huân chương Chiến công hạng Ba.
Trung tướng Trần Linh, Nguyễn Hữu Oanh và vợ bác Oanh là Nguyễn Thị Thanh, nguyên phụ trách Trại nhi đồng Miền Bắc thuộc Hội LHPN Việt Nam thời kỳ 1960-1970
Sáng ngày 13 tháng 3 năm 1954, một sự kiện trọng đại đến với đơn vị và cá nhân Nguyễn Hữu Oanh: Đại đội 243 được trung đoàn chọn giao nhiệm vụ là mũi chủ công của Tiểu đoàn 11, có nhiệm vụ đánh chiếm mỏm 1, cứ điểm Him Lam mở màn chiến dịch.
Với Nguyễn Hữu Oanh, cũng vào buổi sáng 13 tháng 3 lịch sử đó, tại tuyến xuất phát tiến công của đại đội, anh nhận được quyết định của đảng ủy cấp trên công nhận trở thành đảng viên chính thức của Đảng. Vinh dự nữa, anh được giao làm tiểu đội trưởng tiểu đội xung kích mà đơn vị gọi là tiểu đội “dao nhọn”. Nhiệm vụ của tiểu đội “dao nhọn” là sau khi công binh mở thông cửa mở mỏm 1, tiểu đội có nhiệm vụ đánh thẳng vào tung thâm và cắm cờ “quyết chiến quyết thắng” lên sở chỉ huy địch.
Đến 17 giờ 5 phút, cấp trên phát lệnh nổ súng đánh Him Lam. Sau 3 giờ chiến đấu quyết liệt, Tiểu đoàn 428 chiếm được mỏm 2 và 3. Nhưng hướng mỏm 1, địch trong cứ điểm kháng cự rất quyết liệt, nhiều đoạn hào bị địch đánh mìn san lấp. Trung đội 7 bộc phá của Đại đội 243 sau khi phá được 7 hàng rào, đến hàng rào cuối cùng thì bất ngờ bị 2 hỏa điểm địch bắn chéo trước cửa mở như vãi đạn. Lợi dụng lúc địch tạm ngừng bắn, bộc phá viên dự bị xông lên nhưng chưa kịp điểm hỏa thì hy sinh. Phát hiện được hỏa điểm ngầm của địch, chỉ huy đại đội điều 4 đại liên chế áp quyết liệt và bộ phận bộc phá nhanh chóng phá bung hàng rào cuối cùng của địch.
Chớp thời cơ, Tiểu đội trưởng xung kích Nguyễn Hữu Oanh dẫn đầu tiểu đội lao vào tung thâm cứ điểm. Bị địch bắn chặn, Oanh nhanh chóng phân công 5 chiến sĩ đánh các lô cốt nhỏ, anh đánh lô cốt mẹ. Sau khi lừa địch, bằng động tác rất mau lẹ, Oanh áp sát cửa lô cốt và chỉ cần một quả thủ pháo, bọn địch trong lô cốt đã bị anh diệt gọn.
Thừa thắng, Oanh lao lên nóc lô cốt, phất mạnh lá cờ “Quyết chiến quyết thắng” mấy vòng ra hiệu cho toàn đơn vị tràn vào trung tâm, hoàn toàn làm chủ cứ điểm Him Lam. Lúc ấy là 22 giờ 30 phút. Trận mở màn chiến dịch, ta diệt 300 tên, bắt sống 200 tên, thu toàn bộ vũ khí, trang bị của địch.
Sau khi góp công trận diệt Him Lam, Nguyễn Hữu Oanh được vinh dự về Sở Chỉ huy chiến dịch gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau đó đi báo cáo kinh nghiệm chiến đấu ở một số đơn vị tại mặt trận. Những ngày cuối tháng 3, anh lại cùng đơn vị luồn sâu đánh tiêu diệt tiểu đoàn dù 5, tiểu đoàn 6 Âu - Phi đóng chốt giữa đồi D và đồi E, đánh địch trên điểm cao 210... Trận nào anh cũng cùng tiểu đội kiên quyết tiến công địch với tinh thần của trận Him Lam.
Nhưng thật không may, gần trưa ngày 4-4-1954, sau khi nhận nhiệm vụ, trên đường từ đại đội về tiểu đội, Nguyễn Hữu Oanh bị vướng mìn địch. Hậu quả đến với anh thật nặng nề, 2 mắt bị mù và một cẳng tay bị dập nát phải cắt bỏ, tình trạng thương tật sau này được xác định loại đặc biệt. Vậy là khi chiến dịch đến hồi quyết liệt anh phải xa đồng đội để về hậu phương điều trị và với tuổi 24, mất đôi mắt và một cánh tay, cú sốc tinh thần với anh thật nặng.
Tuy không được chứng kiến ngày chiến dịch lịch sử toàn thắng, nhưng thành tích, tấm gương chiến đấu của người thương binh đặc biệt Nguyễn Hữu Oanh được lãnh đạo, chỉ huy, đồng đội ghi nhận trân trọng. Tại đơn vị, trong đợt tổng kết mừng công kết thúc chiến dịch, tuy vắng, nhưng anh vẫn được các cấp từ đại đội đến trung đoàn bình bầu là Chiến sĩ thi đua. Trung tuần tháng 7-1954, tại đại hội mừng công của Đại đoàn 312, Nguyễn Hữu Oanh vinh dự được xác định là đại biểu danh dự (vì anh đã về tuyến sau điều trị) và được Đại hội bình bầu là 1 trong 13 Chiến sĩ thi đua cấp Đại đoàn cùng các liệt sĩ Trần Can, Phan Đình Giót và được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng 2.
Bị ghi nhầm tên trong cuốn sử sư đoàn, nhưng tên anh đã được sửa
Hòa bình lập lại, Nguyễn Hữu Oanh được chuyển về trại thương binh hỏng mắt Trung ương ở 39 phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội. Năm 1959, tuy thương tật nặng nhưng một cô gái cùng quê là Nguyễn Thị Thanh đã yêu thương anh và đám cưới được tổ chức tại quê nhà. Sau đó chị được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam nhận vào làm công tác nuôi dạy trẻ tại Trại nhi đồng Miền Bắc. Hạnh phúc gia đình đã giúp anh vượt qua nỗi đau mất mát và niềm vui lớn nhất là anh chị sinh được 3 con và các cháu sau này đều trưởng thành.
Năm 1996, anh làm thủ tục rời trại thương binh về ở với gia đình tại khu tập thể Trường Cán bộ Phụ nữ Trung ương, số 35 phố Pháo Đài Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội.
Điều đáng tiếc là đến cuối năm 2003, Nguyễn Hữu Oanh mới biết sự việc mình cắm cờ trong trận đánh Him Lam được ghi vào cuốn lịch sử của sư đoàn và nhiều cuốn sách tổng kết, hồi ký của một số nhân chứng viết về Điện Biên Phủ, nhưng lại viết là Trần Oanh.
Ảnh chụp bài báo Quân đội Nhân dân số 131, ngày 20/7/1954 có Nguyễn Hữu Oanh trong danh sách 13 chiến sĩ thi đua tại Đại hội mừng công sau chiến dịch Điện Biên Phủ của Đại đoàn Chiến thắng 312.
Chạnh buồn, nhưng anh tâm sự nôm na rằng, mình vẫn còn may và còn được hưởng hạnh phúc, rất nhiều đồng đội khác không được chứng kiến ngày chiến thắng.
Tháng 1-2006, trong khi tôi (tác giả bài viết này) cùng bạn bè, chỉ huy cũ đang làm thủ tục đề nghị đơn vị đính chính tên trong cuốn sử thì do tái phát vết thương, Nguyễn Hữu Oanh, người đảng viên 53 tuổi đảng, người thương binh đặc biệt đột ngột qua đời ở tuổi 77.
Rất may, việc tìm nhân chứng xác nhận để làm thủ tục sửa tên cho Nguyễn Hữu Oanh trong các cuốn lịch sử khá thuận lợi. Trước hết có sự xác nhận của Trung tướng Trần Linh (nguyên Phó tư lệnh Bộ đội Biên phòng). Năm 1951 ông đã về Thanh Hóa nhận chiến sĩ mới, trong đó có Nguyễn Hữu Oanh. Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, ông lại là Chính trị viên Tiểu đoàn 11, Trung đoàn 141, Đại đoàn 312, trực tiếp bồi dưỡng Nguyễn Hữu Oanh báo cáo thành tích đánh trận Him Lam.
Một điều may mắn nữa là tại kho lưu trữ của Thư viện Quân đội, tôi đã tìm được trong tập lưu Báo Quân đội Nhân dân số báo 131 ra ngày 20-7-1954 có bài “Đại hội mừng công chiến thắng Điện Biên Phủ”, trong phần “Tại đoàn X” báo đã đăng tên, chức vụ 13 chiến sĩ thi đua của đoàn X (mà nội dung là Đại đoàn 312), trong đó Nguyễn Hữu Oanh được ghi tên ở số thứ tự thứ 4 với chức vụ A trưởng xung kích (sau các tên Trần Can, Phan Đình Giót, Lương Văn Vọng).
Công văn của Sư đoàn 312 Quân doàn 1 sửa tên Trần Oanh thành Nguyễn Hữu Oanh trong cuốn Lịch sử của Sư đoàn 312.
Bài báo còn có lời bình: Các chiến sĩ anh hùng ấy mỗi người một vẻ, thật xứng với ý nghĩa chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Như đồng chí Nguyễn Hữu Oanh, người tổ trưởng xung kích vượt qua lưới đạn, lanh lẹn nhảy lên chóp chỉ huy sở địch, giương cao ngọn cờ “Quyết chiến Quyết thắng” của Bác trong trận Him Lam...
Từ những tư liệu trên, Đảng ủy, chỉ huy Sư đoàn 312 phối hợp với Viện Lịch sử Quân sự đã nhanh chóng xác minh và ngày 3-12-2008 đã có quyết định đính chính tên cho người Tiểu đội trưởng xung kích cắm cờ trên đồi Him Lam đêm 13-3-1954 là Nguyễn Hữu Oanh, thay cho tên đã bị viết sai là Trần Oanh. Trên Tạp chí Lịch sử Quân sự số tháng 3 năm 2009, trong mục “Sửa lại cho đúng - bàn thêm cho rõ” cũng có bài viết nói rõ Nguyễn Hữu Oanh là người cắm cờ trên cứ điểm Him Lam trong trận đánh đêm 13-3-1954.
Nhân kỷ niệm lần thứ 70 chiến thắng Điện Biên Phủ, với bài viết nhỏ này, tôi muốn thắp nén nhang tưởng nhớ người dũng sĩ cách đây 70 năm đã chỉ huy tiểu đội xung kích đánh vào tung thâm đồn địch, tự mình diệt lô cốt chỉ huy, cắm cờ Tổ quốc - lá cờ “Quyết chiến, quyết thắng” Bác Hồ trao cho Đại đoàn 312 trên nóc lô cốt quân thù giữa cứ điểm Him Lam.
Trịnh Thanh Phi (CTV)
- 2024-06-28 13:15:00
Bộ đội Biên phòng tỉnh triển khai đồng bộ các mặt công tác biên phòng
- 2024-05-23 05:56:00
Hôm nay, Quốc hội đánh giá kết quả thực hiện ngân sách và phát triển kinh tế
- 2024-03-13 06:47:00
Xé toang “cánh cửa thép” Him Lam trận mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ
Quá trình hình thành chủ trương chiến lược Chiến dịch Điện Biên Phủ
Đoàn công tác của Báo Thanh Hóa thăm chiến trường Điện Biên Phủ
Thường trực Tỉnh ủy làm việc với Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về tổ chức kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ
Vietjet khai trương đường bay thứ hai đến với Điện Biên mừng 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ
Dấu ấn thời gian qua triển lãm ảnh “Thanh Hoá với chiến dịch Điện Biên Phủ”