Truyền thuyết về những ngọn núi ở Thành Hạc
Dù nằm ở giữa khu vực đồng bằng rộng lớn của xứ Thanh, nhưng Thành Hạc có núi bao bọc xung quanh. Mỗi ngọn núi, hang động nơi đây đều đậm màu huyền thoại, như là sự lý giải về nguồn cội, tạo sơn lập địa, chứa đựng khát vọng chinh phục thiên nhiên từ thuở xa xưa của ông cha ta.
Hàm Rồng - sông Mã
Tương truyền, khi tìm địa điểm để rời thành Tư Phố đặt trấn lị cho trấn Thanh Hoa (Thanh Hóa ngày nay), vua Gia Long đã mộng thấy thần Bạch Hạc phái người đến chỉ dẫn nơi định đất “đó là nơi bền vững muôn đời, loạn có thể giữ, bình có thể trị, dẫu sau này có lần đổ nát nhưng lại hoàn như châu về Hợp Phố”. Theo báo mộng, được chim Hạc dẫn đường, vua Gia Long đã tìm thấy một vùng đất mới là nơi sơn thủy hữu tình “Núi sông như đặt bày trên đồng xôi bãi mật. Phía đông có dãy Linh Trường và dãy Trường Lệ làm án. Tả có long sơn long thủy, hữu có hổ phục hổ chầu. Đây chính là vùng đất vua trông đợi bấy lâu nay. Vui mừng khôn xiết, nhà vua chỉ tay xuống đất dõng dạc bảo các quần thần: Ta sẽ dựng thành ở chính nơi này. Toà thành đó gọi là thành Chim Hạc”.
Năm 1804, vua Gia Long hạ chiếu dời lị sở của trấn Thanh Hoa từ làng Dương Xá (Thiệu Dương) đến làng Thọ Hạc, dựng nên Thành Hạc – thành phố Thanh Hóa ngày nay.
Dù nằm ở giữa khu vực đồng bằng rộng lớn của xứ Thanh, nhưng Thành Hạc có núi bao bọc xung quanh. Mỗi ngọn núi, hang động nơi đây đều đậm màu huyền thoại, như là sự lý giải về nguồn cội, tạo sơn lập địa, chứa đựng khát vọng chinh phục thiên nhiên từ thuở xa xưa của ông cha ta.
Truyện kể dân gian về vợ chồng anh Kình và sự tích các núi trong thành phố Thanh Hóa, kể rằng: Ngày xửa ngày xưa ở xứ Thanh không có sông, không có núi, chỉ có cánh đồng mênh mông bát ngát, đất đai mầu mỡ. Nhưng khốn một nỗi là trời làm hạn hán lâu ngày nên không có nước để bà con cày cấy.
Lúc bấy giờ, trong vùng có vợ chồng anh Kình rất nghèo, nhà tuy có một mảnh đất nhưng quanh năm khô queo. Anh đã tốn nhiều công sức để đào giếng, đào ao trữ nước, nhưng cuối cùng chỉ là công cốc vì trời quyết không mưa. Vợ chồng anh Kình thấy vậy vô cùng tức giận, nhất quyết lên trời để hỏi sự thể ra sao.
Lên đến cửa trời, không may gặp phải lúc Trời đi vắng, các tướng giữ cửa xua đuổi anh Kình về hạ giới. Anh Kình tưởng bọn canh cửa không muốn cho anh gặp ông Trời nên bịa chuyện. Thấy có chiếc trống lớn để bên cạnh, anh nắm tay đập vào mặt trống làm ầm ĩ cả một góc trời, nhưng cửa nhà trời vẫn đóng im ỉm. Anh tức giận vung tay đánh đổ mấy pho tượng đá đặt hai bên đường rồi vợ chồng hậm hực ra về.
Khi Trời về, nghe các thiên tướng tâu lại, tức giận, bèn hội các văn thần, võ tướng hỏi xem ai xuống trần nghiêm trị tên Kình hỗn láo. 5 con đại bàng được cử xuống mổ vợ chồng anh Kình. Nhờ ông bếp nhà Kình báo trước nên vợ chồng Kình đã chuẩn bị đánh trả. Vợ chồng nhà Kình nép sau cánh cửa, mấy con đại bàng từ trên trời ào ào xuống nhà Kình thì có tiếng nỏ phựt phựt. Cứ mỗi tiếng phựt là một mũi tên bay ra, một con đại bàng chết. 5 con đại bàng đều bị bắn chết, xác của chúng hóa thành 5 quả núi ở rừng thông thuộc làng Sơn Viện, Văn Nhưng (phường Đông Lĩnh ngày nay).
Nghe tin bại trận, Trời tức lắm, lại sai một bầy voi đến hòng kéo nát vợ chồng và nhà cửa nhà Kình. Được ông táo báo cho biết, vợ chồng Kình bàn với dân tìm cách diệt bầy voi. Kình được nhân dân giúp sức chặt rất nhiều mía, chất thành từng đống to bên vệ đường rồi thả từng đàn kiến kềnh, kiến càng vào trong đó. Đàn voi từ trên trời xuống, vừa đói vừa khát thấy mía là sà vào ăn ngay. Lúc này, kiến chui vào vòi, vào tai, vào mắt voi. Voi bị kiến cắn lung tung không biết đường đánh trả, lồng lên điên cuồng. Con voi đầu đàn bị Kình cho 1 đòn càng như trời giáng, chạy ra đến đầu làng Đại Khối (phường Đông Cương) thì lăn ra chết hóa thành núi Voi. Con bé nhất chưa kịp chạy thì bị vợ Kình phang cho 1 đòn gánh nằm lăn ra bên đường hóa ra núi Voi (phường Quảng Thịnh).
Thất bại liên tiếp, Trời sai tướng rồng xuống trị vợ chồng nhà Kình. Rồng vốn là tướng giỏi, biến hóa thần thông quảng đại nhưng đi đâu cũng phải có một đám mây ngũ sắc hộ vệ. Biết vậy, vợ chồng nhà Kình mượn chiếc bễ của bác thợ rèn hàng xóm, đem ra gốc cây cổ thụ đầu làng. Khi thấy đám mây ngũ sắc từ từ xuống thấp, Kình thụt bễ liên tiếp mấy cái, đám mây ngũ sắc tan ngay. Tướng rồng không có mây, không biến hóa được bèn sà xuống đất. Đó là dịp để vợ chồng Kình đánh. Rồng bị đánh tới tấp, không kịp dẫy dụa rồi chết hóa thành núi Long (thuộc phường Đông Vệ)...
Ở trên trời, tướng hổ vốn là bạn thân của rồng, từ khi thấy tướng rồng bị vợ chồng Kình đánh chết, hổ uất ức lắm, cứ muốn đi trả thù nên đã nhiều lần xin Trời đi, song Trời nhất thiết không cho... Nhân một hôm Trời ngủ trưa, hổ bèn trốn xuống hạ giới, đúng lúc Kình đang mệt mà vợ lại vắng nhà. Hổ đi lén nên ông táo cũng không hay biết gì cả, vì thế không báo trước cho Kình để đề phòng. Khi thấy hổ xuất hiện, Kình chỉ kịp vớ con dao ở đầu giường, xông ra chống đỡ. Anh đâm hổ nhiều nhát dao nhưng không có nhát nào đúng huyệt nên hổ càng hăng máu xông tới vồ lấy Kình. Kình chém vào trán hổ, đầu hổ vỡ làm hai, nhưng Kình cũng kiệt sức tắt thở. Hổ chết và hóa thành núi Hổ. Mật hổ chảy ra lênh láng khắp vùng nên nhân dân gọi làng này là làng Mật (Mật Sơn)...
Cũng với cốt truyện tương tự như trên, trong truyện kể dân gian khác thay vì nhân vật là vợ chồng nhà Kình, lại là vợ chồng nhà Vồm. Truyện kể dân gian này đã lý giải nên sự hình thành của ngọn Hỏa Châu phong. Đó là khi rồng lửa vâng lệnh Trời, xuống hạ giới trị tội vợ chồng nhà Vồm, nhà Vồm đã lập kế khiến rồng sa xuống đất và bị vợ chồng nhà Vồm chặt đứt thành từng khúc. Khi rồng bị đánh vào cổ vào đầu, viên ngọc lửa trong miệng rồng văng ra xa, hóa thành một núi nhỏ gọi là Hỏa Châu Phong. Còn truyền thuyết kể về núi Rồng Đông Sơn lại cho rằng: Ông Trời lấy bà Trăng đẻ một trăm người con núi, trong đó chín mươi chín người con lớn vâng lời cha mẹ quây quần bên nhau, riêng đứa con út bé nhỏ nhất tính ham chơi, lạc qua sông không về được. Do đó hòn núi Hỏa Châu phong, còn gọi là núi Ngọc, hay núi Nít. Núi Nít cũng đã đi vào ca dao dân gian và lưu truyền đến ngày nay: “Chín mươi chín ngọn bên Đông/ Còn ngọn núi Nít bên sông chưa về”.
Thơ lên mái đá động Long Quang của Thiên Nam động chủ.
Quần thể dãy núi Hàm Rồng (núi Rồng) – làng cổ Đông Sơn ở phía Bắc thành phố là vùng danh thắng nổi tiếng của xứ Thanh, đã đi vào thơ ca của bao tao nhân mặc khách. Sách An Nam chí của Cao Hùng Trưng (Trung Quốc) viết “Non cao mà đẹp, liền với sông xanh, lên trên trông xuống, nước với trời cùng chung một sắc, thật là giai cảnh”. Thời nhà Minh đô hộ nước ta (1407 - 1427), đời Minh Thành tổ liệt Hàm Rồng vào hạng danh sơn, vua Hồng Vũ sai quan đến tế thần núi và vẽ hình trạng mang về Trung Quốc. Hai cha con vua Lê Thánh Tông, Lê Hiến Tông trong những cuộc hành hương về Lam Sơn bái yết sơn lăng đã từng du ngoạn, lên thăm cảnh đẹp trên động Long Quang (hang Mắt Rồng) ở núi Rồng. Trước cảnh sơn núi hữu tình, hai nhà vua đã cảm khái, đề thơ lên mái đá, lấy tên là Thiên Nam động chủ, Thượng Dương động chủ. Hang Mắt Rồng, đất Hàm Rồng cũng gắn liền với những chiến thắng lẫy lừng của quân và dân ta trong cuộc chiến bảo vệ cầu Hàm Rồng lịch sử, với 117 “Thần sấm”, “Siêu pháo đài bay” tối tân nhất của không lực Hoa Kỳ đã bị bắn rơi ở tọa độ lửa này.
Nằm trong thung lũng núi Rồng là làng cổ Đông Sơn. Kể từ năm 1924, sau khi một người dân trong làng phát hiện ra các hiện vật lịch sử ở vùng đất này, qua tiến hành khảo cổ, kết quả khảo cổ được công bố của ông L.Paijot (người Pháp), tên của làng Đông Sơn đã trở thành tên của một nền văn hóa rực rỡ cách đây từ 2.000 đến gần 3.000 năm. Những hiện vật phong phú, đa dạng được tìm thấy tại di chỉ khảo cổ này như các loại vũ khí, nông cụ, đồ gốm, đồ trang sức, trống đồng ... được chế tác tinh xảo cho thấy sự phát triển vượt bậc của cư dân thời bấy giờ, đặc trưng cho thời kỳ văn minh đầu tiên của người Việt cổ - sự ra đời của Nhà nước Văn Lang.
Trải dài theo mạch núi từ phía Bắc về phía Tây thành phố là các địa tầng văn hóa phong phú của vùng đất này. Trong một bán kính non chục kilomet, những lát cắt lịch sử từ thời kỳ hiện đại trở về thời kỳ đồ sắt, đồ đồng, đồ đá của loài người đều được hiện hữu qua những chứng tích đậm đặc – được lưu dấu trên những ngọn núi, cánh đồng nơi đây.
Gắn liền với địa danh núi Voi, làng Đông Khối (phường Đông Cương ngày nay) là một “công xưởng” chế tạo công cụ của tổ tiên ta thời đại đồ đá mới, được phát hiện, khai quật năm 1960.
Cách nơi này không xa, là nơi núi Rồng bắt đầu từ phía Tây, gắn với địa danh làng Dương Xá. Làng Dương Xá còn có tên gọi khác là làng Giàng (nay thuộc phường Thiệu Dương) là “vùng đất cổ nằm ở vị trí đắc địa, nơi hội tụ linh thiêng trời - đất - con người”. Từ thời Bắc thuộc, vào các thế kỷ đầu Công nguyên, thành Tư Phố - lỵ sở của quận Cửu Chân được xây dựng tại vùng đất này. Dương Xá cũng từng là trấn thành của tỉnh Thanh Hóa từ thế kỷ thứ XV đến thế kỷ thứ XVIII. Tương truyền tên gọi Dương Xá gắn liền với tên tuổi của dòng họ Dương. Chính tại nơi đây, Dương Đình Nghệ - nhà hào phú có tiếng ở Thanh Hóa đã dốc lòng dốc sức nuôi 3.000 nghĩa tử ngày đêm luyện tập võ nghệ, trở thành nơi “tụ nghĩa” của hào kiệt khắp nơi trong nước, để theo đuổi sự nghiệp giành độc lập. Năm 934, ông kéo quân ra giải phóng thành Đại La. Tuy nhiên, chưa kịp mở mang xây dựng đất nước thì ông bị kẻ phản phúc ám hại. Sau này, Anh hùng dân tộc Ngô Quyền và Dương Thị Nga (con rể và con gái ông) đã tiếp tục chiến đấu chống quân Nam Hán, làm nên chiến thắng Bạch Đằng vang dội.
Làng Dương Xá cũng là một di chỉ khảo cổ học điển hình thời kỳ văn hóa đồng thau và sắt sớm mà lâu nay vẫn thường gọi là di chỉ Thiệu Dương.
Chùa Vồm dưới chân núi Bàn A.
Làng Giàng – làng Dương Xá xưa trở thành trung tâm, đông vui, sầm uất bởi từ làng Giàng theo đường thủy sông Mã, sông Chu (sông Lương) có thể đi đến được nhiều vùng đất khác. Từ làng Giàng sang núi Đọ - cái nôi của người Việt cổ không cách bao xa. Nằm ở nơi giao nhau của sông Mã - sông Chu, núi Đọ là một trong những cảnh đẹp của “Bàn A thập cảnh”. Ngọn núi nằm giữa địa phận xã Tân Châu (huyện Thiệu Hóa) và phường Thiệu Khánh (TP Thanh Hóa). Núi Đọ có hình dáng con rùa, nên người xưa đã đặt tên là Quy Lĩnh/ Thạch Quy. Trên mảnh đất này, người ta đã nhặt, đào được vô số những dụng cụ lao động bằng đá thô sơ: mảnh tước, hạch đá, rìu tay và dao chặt. Các nhà khảo cổ học đã xác định được di chỉ này thuộc sơ kỳ thời đại đồ đá cũ, có niên đại cách ngày nay ba mươi, bốn mươi vạn năm.
Với những giá trị văn hóa, lịch sử được bồi đắp qua hàng vạn năm, đặc sắc và riêng có mà ít nơi nào có được, vùng đất Núi Đọ - Đông Sơn, TP Thanh Hóa, là nhật ký về quá trình tiến hóa lịch sử của loài người và người Việt cổ xứng đáng được đầu tư để trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách, thành khu di tích đặc biệt quốc gia cũng như di sản văn hóa của thế giới.
Theo mạch núi về phía Tây Nam thành phố, có núi Nhồi - tên chữ là An Hoạch Sơn. Trên đỉnh cao nhất của núi Nhồi là hòn Vọng Phu huyền thoại với hình người mẹ bồng con hướng ra biển. Đá núi Nhồi có màu xanh thẫm, từ xa xưa đã được dùng để tạc tượng, làm khánh, bia, lát nền, kè hiên trong đền, chùa. Tương truyền Thái thú Dự Châu đời Tấn (265 – 279) là Phạm Ninh từng sai người lấy đá nơi đây về làm khánh. Cũng bởi chất đá núi Nhồi khá tốt, có nhiều công dụng nên nghề đá thủ công ở đây rất phát triển, hình thành nên làng nghề. Trên núi còn có chùa Báo Ân, chùa Chân Tiên, nhiều di tích gắn liền với truyền thuyết dân gian và điển tích lịch sử.
Hòn Vọng Phu trên đỉnh núi An Hoạch.
Lui về phía Nam thành phố Thanh Hóa còn có núi Mật, núi Long, đều nằm trên đất làng Đông Vệ - cũng là quê hương của Tuyên Từ Hoàng Thái hậu Nguyễn Thị Anh - vợ vua Lê Thái Tông và là mẹ của vua Lê Nhân Tông. Núi Mật có hình dáng giống con kỳ lân, còn núi Long giống hình con rồng. Trên núi Mật có nhà máy nước được người Pháp xây dựng từ năm 1931 cung cấp nước cho toàn thành phố.
Từ núi Mật, núi Long nhìn sang phía Đông chưa đầy 1 km là Thái miếu Nhà Hậu Lê. Năm 1805, vua Gia Long đã cho dời Thái miếu nhà Hậu Lê từ Thăng Long về đất Bố Vệ (phường Đông Vệ) để phụng thờ các đời vua, các vị Hoàng hậu, Hoàng Thái hậu, cùng các vương công, đại thần triều Hậu Lê. Dù trải qua hơn 200 năm lịch sử, nhưng Thái miếu Nhà Hậu Lê còn lưu giữ được kiến trúc nghệ thuật độc đáo và nhiều hiện vật quan trọng được chạm khắc tinh xảo, mang đậm dấu ấn và giá trị văn hoá của thời Hậu Lê.
Trải qua mấy chục vạn năm kể từ thời khắc người Việt cổ xuất hiện trên mảnh đất này. Cùng với sự biến thiên của thời gian, những vết tích của thành xưa, dấu cũ đã hao mòn. Nhưng những truyền thuyết, huyền thoại, những di tích lịch sử và vỉa tầng văn hóa của Hạc Thành xưa, Thành phố Thanh Hóa hôm nay mỗi ngày lại càng được bồi đắp. Đó là vốn quý, là tài nguyên vô giá song hành cùng sự phát triển của thành phố đi đến tương lai.
(Bài viết sử dụng một số thông tin trong Địa chí Thành phố Thanh Hóa, NXB Văn hóa – Thông tin, năm 1999; Núi rồng sông Mã, Hoàng Tuấn Phổ, NXB Văn hóa, năm 1993; Thanh Hóa nghìn xưa lưu dấu, Hoàng Tuấn Phổ, NXB Trẻ, 2008).
Hoàng Trang (CTV)
{name} - {time}
-
2025-01-05 06:00:00
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật ngày 5/1
-
2025-01-05 05:00:00
Mời bạn đọc báo Thanh Hóa số ra ngày 5/1/2025
-
2024-11-29 16:24:00
Tập huấn tuyên truyền pháp luật trật tự an toàn giao thông năm 2024
ĐBQH Võ Mạnh Sơn (Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa) tham gia góp ý dự thảo Luật có liên quan đến việc quản lý doanh nghiệp của tổ chức Công đoàn
Xét chọn danh hiệu trí thức khoa học và công nghệ tiêu biểu tỉnh Thanh Hóa năm 2024
Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 Luật
Thông báo kết quả xem xét, xử lý kỷ luật đối với đảng viên vi phạm
Thọ Xuân: Nhiều chỉ tiêu quan trọng vượt kế hoạch và nằm trong nhóm dẫn đầu cả tỉnh
Thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2021-2026 được kiện toàn sau kỳ họp Quốc hội
Đề xuất Hội đồng Nhân dân giám sát hoạt động cơ quan Trung ương tại địa phương
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Doãn Anh tiếp Hội đồng hương Thanh Hóa tại Hà Nội
Hội Nông dân Việt Nam giao ban công tác Hội và phong trào nông dân Cụm thi đua số 2