08:22 17/07/2023 GMT+7
(Baothanhhoa.vn) - Trong những ngày vừa qua, Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius (Litva) đã trở thành tâm điểm chú ý khi xoay quanh hàng loạt các vấn đề nóng của thế giới, trong đó, đáng kể nhất là tiến trình gia nhập liên minh quân sự của Ukraine. Hội nghị kết thúc với nhiều quyết định quan trọng như Ukraine có thể không cần tới "Kế hoạch hành động thành viên" hay NATO cam kết sẽ bảo đảm an ninh lâu dài cho Ukraine… Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa có một kế hoạch cụ thể nào được đưa ra. Liệu, Ukraine có triển vọng gia nhập NATO trong tương lai gần dựa trên những kết quả đạt được từ hội nghị hay không?

Triển vọng gia nhập NATO của Ukraine

Trong những ngày vừa qua, Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius (Litva) đã trở thành tâm điểm chú ý khi xoay quanh hàng loạt các vấn đề nóng của thế giới, trong đó, đáng kể nhất là tiến trình gia nhập liên minh quân sự của Ukraine. Hội nghị kết thúc với nhiều quyết định quan trọng như Ukraine có thể không cần tới "Kế hoạch hành động thành viên" hay NATO cam kết sẽ bảo đảm an ninh lâu dài cho Ukraine… Tuy nhiên, cho tới nay vẫn chưa có một kế hoạch cụ thể nào được đưa ra. Liệu, Ukraine có triển vọng gia nhập NATO trong tương lai gần dựa trên những kết quả đạt được từ hội nghị hay không?

Triển vọng gia nhập NATO của Ukraine

Toàn cảnh Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Vilnius, Litva ngày 12/7/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Tiến trình gia nhập NATO của Ukraine: Từ Bucharest năm 2008 tới Vilnius năm 2023

Năm 2008, xuyên suốt Hội nghị Thượng đỉnh NATO được tổ chức tại Bucharest (Rumania), Tổng thống Mỹ George W. Bush đã làm dấy lên một làn sóng tranh cãi khi nỗ lực vận động hành lang để mở đường cho Gruzia và Ukraine gia nhập liên minh quân sự. Một số quốc gia Tây Âu, đặc biệt là Đức và Pháp, đã phản đối ý tưởng này do những lo ngại về phản ứng của Nga và những tác động không thể lường trước của quyết định này tới tình hình an ninh tại châu Âu. Vấn đề này sau đó rơi vào bế tắc, buộc NATO phải đi tới tuyên bố hai quốc gia này có thể sẽ trở thành thành viên vào một ngày nào đó nhưng không kèm theo một kết hoạch hay lộ trình cụ thể nào.

Tiến tới Hội nghị thượng định tại Vilnius (Litva), câu chuyện gia nhập NATO của Ukraine một lần nữa trở thành tâm điểm của những tranh cãi và là vấn đề phức tạp nhất đối với NATO hiện nay. Trước thềm Hội nghị có nhiều ý kiến bình luận rằng, NATO đã sai lầm khi không kết nạp Gruzia và Ukraine trong hai Hội nghị thượng đỉnh năm 2008 tại Bucharest và năm 2014 tại xứ Wales. Do đó, chính Gruzia và Ukraine đã phải gánh chịu hậu quả từ những hành động của Nga và môi trường an ninh tại châu Âu ngày càng trở nên bất ổn. Vì vậy, Hội nghị tại Vilnius lần này là thời điểm để NATO “sửa chữa những sai lầm”.

Triển vọng gia nhập NATO của Ukraine

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg (giữa) phát biểu tại Hội nghị Thượng đỉnh Liên minh ở Vilnius. (Ảnh: AFP/TTXVN).

Tuy nhiên, trong thực tế, Hội nghị thượng đỉnh tại Vilnius kết thúc, NATO vẫn chưa thể thống nhất về một lộ trình rõ ràng trong việc gia nhập liên minh của Ukraine, kể cả sau khi chiến sự tại đây kết thúc. Đối với Kiev, kết quả khả quan nhất hiện nay là các thành viên của NATO đã đồng thuận rằng Ukraine không cần “Kế hoạch hành động thành viên” (MAP), NATO sẵn sàng gửi lời mời tới Ukraine với sự đồng thuận của các nước thành viên và một số điều kiện được đáp ứng. Ngày 12-7, NATO đã thông báo về một kế hoạch đảm bảo an ninh lâu dài cho Ukraine. Thực chất, những động thái trên là những bước đi ngoại giao khôn khéo và là chiến lược của NATO nhằm xoa dịu sự bất mãn của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky trước việc liên minh này không thể đưa ra một lộ trình cụ thể cho Ukraine; đồng thời tránh làm trầm trọng thêm quan hệ với Nga. Ukraine đã nhiều lần bày tỏ sẵn sàng gia nhập khối liên minh quân sự, song vấn đề gia nhập NATO không chỉ đơn thuần là “sự tự nguyện” và “quyền lựa chọn” của quốc gia Đông Âu, mà còn là những tính toán xoay quanh quan hệ giữa Nga và NATO, dưới sự dẫn dắt của Mỹ.

Ukraine gia nhập NATO: Một tương lai mờ nhạt

NATO là một liên minh quân sự hoạt động trên nguyên tắc phòng thủ tập thể, có nghĩa là một cuộc tấn công chống lại một hoặc một số thành viên của liên minh được coi là hành vi chống lại cả khối liên minh. Các thành viên của NATO có thể chiến đấu và hy sinh vì nhau. Một phần vì lý do này, thời kỳ hậu Chiến tranh Lạnh, mặc dù có sự mở rộng không ngừng nghỉ về phía Đông và ngày càng tiến gần tới biên giới của Nga, nhưng NATO vẫn rất cẩn trọng trong việc kết nạp các thành viên. Thực tế, các thành viên đã được kết nạp đều ít có khả năng bị tấn công vũ trang.

Triển vọng gia nhập NATO của Ukraine

Lãnh đạo các nước thành viên tại Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnus, Lithuania. (Nguồn: Getty Images).

So với năm 2008, khi Nga vẫn đang nỗ lực khẳng định vị trí mới sau gần hai thập kỷ giải quyết các cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế - xã hội sau sự sụp đổ của Liên Xô, tình hình châu Âu hiện nay đã có nhiều thay đổi. Sau hàng loạt chiến dịch quân sự tại khu vực Đông Âu và Trung Đông, Nga đã chứng minh mình là một cường quốc quân sự hàng đầu thế giới với sức mạnh hạt nhân. Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần tuyên bố việc Ukraine gia nhập NATO là “lằn ranh đỏ” nghiêm trọng nhất, đe dọa tới “sự sống còn” của nước Nga. Thêm vào đó, dưới thời Tổng thống Putin, Nga là một nhân tố rất khó dự báo. Giai đoạn cuối năm 2021, đầu năm 2022, hầu hết dự báo đều cho rằng Nga sẽ không tấn công Ukraine. Thực tế, tháng 2-2022, Nga chính thức tuyên bố về một chiến dịch quân sự đặc biệt, làm thay đổi hoàn toàn tình hình an ninh tại châu Âu.

Do đó, có thể thấy lý do lớn nhất khiến Ukraine chưa thể trở thành thành viên của NATO suốt hơn 10 năm, kể từ Hội nghị thượng đỉnh tại Bucharest đó là, cái giá NATO phải trả khi kết nạp Ukraine có thể sẽ là một cuộc chiến tranh (bao gồm cả chiến tranh hạt nhân) với Nga. Trong thế kỷ XX, chính châu Âu là nơi làm bùng lên hai cuộc chiến tranh thảm khốc nhất trong lịch sử nhân loại. Kịch bản NATO xung đột với Nga trong bối cảnh hiện đại, có thể dẫn tới những hậu quả khôn lường với cả châu Âu và thế giới. NATO sẽ phải đối mặt với tình trạng lưỡng nan mới trong các cuộc xung đột với Nga, đó là lựa chọn giữa việc xung đột với Nga và gây ra những hậu quả khôn lường với việc nhượng bộ và làm xói mòn cam kết đảm bảo an ninh cho các thành viên. Cả hai lựa chọn đều có thể dẫn tới những kết quả không mong muốn.

Triển vọng gia nhập NATO của Ukraine

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phát biểu tại Vilnus, Lithuania. (Nguồn: AFP/Getty Images).

Ngoài ra, trong trường hợp Ukraine chính thức gia nhập NATO, liên minh này còn phải đối mặt với thách thức trong việc huy động nguồn lực để bảo vệ Kiev trước các nguy cơ an ninh. Rõ ràng, trong trường hợp này, gánh nặng có thể sẽ dồn lên Mỹ một cách không tương xứng, trong khi quốc gia này đã và đang phân tán nguồn lực của mình trong các cuộc cạnh tranh với Trung Quốc tại châu Á - Thái Bình Dương. NATO cần thực sự chứng minh năng lực thực hiện các cam kết nếu không muốn làm dấy lên các câu hỏi xoay quanh sự tồn tại của liên minh quân sự này.

Từ các nguyên nhân đó, các nhà lãnh đạo NATO, đặc biệt là các nhà lãnh đạo châu Âu, đều tỏ ra thận trọng trong vấn đề gia nhập NATO của Ukraine. Bằng chứng là, Đức và Pháp là một trong những quốc gia tích cực nhất trong việc tìm kiếm vai trò trung gian hòa giải và duy trì đối thoại với đồng thời cả Nga và Ukraine, thay vì chỉ đơn thuần ủng hộ cho Kiev. Ngoài ra, sau kết thúc Hội nghị, ngày 12-7, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho rằng: “Một điều mà [Tổng thống] Zelensky hiểu là việc ông ấy có ở trong NATO hay không, bây giờ không liên quan, miễn là ông ấy đã có các cam kết”.

Triển vọng gia nhập NATO của Ukraine

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky và người đồng cấp Mỹ Joe Biden cùng lãnh đạo một số nước NATO. (Nguồn: New York Times).

Có thể nói, mặc dù Ukraine luôn tỏ rõ nguyện vọng trở thành thành viên của liên minh quân sự lớn nhất hành tinh, NATO luôn có cách tiếp cận thận trọng trong vấn đề này. Hơn một thập kỷ, NATO đã nhiều lần khẳng định cam kết Ukraine có thể trở thành một thành viên của khối nhưng chưa bao giờ đi kèm với một bản kế hoạch cụ thể. Cách tiếp cận của liên minh này vẫn là sử dụng Ukraine như một nhân tố chiến lược nhằm kiềm chế và cạnh tranh ảnh hưởng với Nga tại châu Âu. Vấn đề gia nhập NATO của Ukraine đi kèm với nhiều rủi ro mà liên minh này vẫn không thể lường trước được. Vì vậy, triển vọng gia nhập NATO của Kiev vẫn tương đối mờ nhạt, ít nhất là cho tới khi chiến sự chấm dứt. Tuy nhiên, điều này lại dẫn tới câu hỏi bao giờ chiến sự tại Ukraine kết thúc, kết thúc như thế nào và sẽ có tác động như thế nào tới tiến trình gia nhập NATO của Kiev?

Hồng Hạnh


Hồng Hạnh

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]