(Baothanhhoa.vn) - Kể tên những mường lớn ở xứ Thanh, sẽ không thể thiếu Mường Đủ. Vùng đất mường rộng lớn nằm bên sông Bưởi, đất đai màu mỡ, thuận tiện cho việc đi lại, giao thương... Có lẽ bởi vậy, từ xa xưa, đất Mường Đủ đã nổi tiếng bởi sự đủ đầy. Cũng ở Mường Đủ, còn có những giá trị văn hóa và tín ngưỡng tâm linh đặc sắc được lưu truyền.

Trên đất Mường Đủ

Kể tên những mường lớn ở xứ Thanh, sẽ không thể thiếu Mường Đủ. Vùng đất mường rộng lớn nằm bên sông Bưởi, đất đai màu mỡ, thuận tiện cho việc đi lại, giao thương... Có lẽ bởi vậy, từ xa xưa, đất Mường Đủ đã nổi tiếng bởi sự đủ đầy. Cũng ở Mường Đủ, còn có những giá trị văn hóa và tín ngưỡng tâm linh đặc sắc được lưu truyền.

Trên đất Mường ĐủBên trong di tích đền Thánh Mẫu trên đất Mường Đủ.

Vùng đất Mường Đủ nay là xã Thạch Bình (Thạch Thành) nằm ở vị trí tiếp giáp giữa miền núi với miền xuôi. Từ Mường Đủ, hệ thống giao thông thủy, bộ tỏa đi các hướng khá thuận lợi. Người xưa vẫn thường theo sông Bưởi lên thượng nguồn để ra “mường ngoài”; hoặc xuôi dòng xuống sông Mã, hay ngược lên sông Chu... Ngày nay, từ Quốc lộ 1A theo Phố Cát lên Kim Tân, đi thêm một quãng không xa là thấy cả vùng đất rộng lớn Mường Đủ tươi tốt hiện ra trước mắt.

Theo các nhà nghiên cứu, đất Mường Đủ thuở xa xưa vốn là rừng rậm. Trải qua dặm dài nhiều thế kỷ khai phá đã tạo nên những đồi núi thấp, bao bọc lấy Mường Đủ với những tên gọi như núi Đùm Cơm, đồi Bàn Cờ... “ăn” sâu vào tâm thức người dân địa phương. Và ghé thăm Mường Đủ ngày nay, núi rừng đã “lùi” vào rất xa, thay vào đó là những cánh đồng cao, thấp xen kẽ, mênh mông và rộng lớn.

Sách Văn hóa truyền thống Mường Đủ, viết: “Mường Đủ nằm giữa một cánh đồng rộng hàng trăm héc-ta. Cánh đồng “chim bay mỏi giò, cò bay mỏi cánh” này từ bao giờ đã làm nên sự no đủ cho cả mường, cả vùng. Người Mường Đủ thường tự hào nói “Cun đủ lắm lọ (lúa) là nhờ ở cánh đồng màu mỡ này... Mường Đủ ở vào vùng đất cư trú lâu đời của người Mường Thạch Thành. Phía Đông Mường Đủ là Mường Già... Xưa kia, uy quyền của Cun Mường Đủ và Đạo Mường Già rất lớn. “Cun Đủ, Đạo Già” không chỉ nổi tiếng ở “mường trong” mà còn nổi tiếng ở “mường ngoài”. Dân ca mường, truyện thơ mường vẫn nhắc đến Cun Đủ, Đạo Già”.

Cũng nhờ đất đai tốt tươi, từ xa xưa Mường Đủ vẫn thường được biết đến là “vựa” lúa của cả vùng. Trong đó, đồng đất Mường Đủ đặc biệt thích hợp với giống lúa nếp hạt cau - một giống lúa cổ, thơm ngon nổi tiếng. Khi chúng tôi ghé thăm, cũng là thời điểm cả cánh đồng lúa nếp mênh mông, hương lúa đưa thơm ngát đang “uốn câu” căng tràn nhựa sống, hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Từ hạt gạo nếp dẻo thơm, người Mường Đủ đã tạo nên nhiều loại bánh truyền thống, như: cốm xanh, bánh mật, bánh gai, chè lam...

Ông Vũ Văn Đạo, Phó Chủ tịch UBND xã Thạch Bình, cho biết: “Do hợp thổ nhưỡng, lúa nếp hạt cau trồng ở đồng đất Thạch Bình có hương vị đặc trưng, thơm dẻo, ăn không ngán. So với các giống lúa tẻ thông thường, lúa nếp hạt cau có thời gian sinh trưởng dài ngày hơn, chỉ gieo trồng mỗi năm một vụ (vụ mùa) và thường cho thu hoạch vào tháng 9 (âm lịch). Năm 2023, diện tích lúa nếp hạt cau trên địa bàn xã Thạch Bình là 138 ha. Không ai biết lúa nếp hạt cau được trồng ở Mường Đủ từ bao giờ. Trải qua nhiều thăng trầm, gián đoạn, ngày nay giống lúa quý đang từng bước được khôi phục và mở rộng diện tích qua từng năm, mang lại hiệu quả kinh tế tốt hơn. Đến mùa thu hoạch, lúa nếp hạt cau Thạch Bình được các công ty, thương lái thu mua ngay tại ruộng”.

Trên đất Mường ĐủDo thổ nhưỡng phù hợp, lúa nếp hạt cau trên đồng đất Mường Đủ có hương vị thơm ngon nức tiếng.

Cũng bởi thuận tiện giao thông, đất đai, cây trồng tốt tươi, Mường Đủ đã sớm thu hút đông người về đây mưu sinh, lập nghiệp. Ít nhất, cách ngày nay gần 4 thế kỷ, những dòng họ đầu tiên đã đến Mường Đủ lập nghiệp. Để đến ngày nay, trên đất Mường Đủ, có gần 50 dòng họ cùng nhau sinh sống. Trong đó, họ Lưu Vĩnh, Lưu Quang được biết đến là những dòng họ đầu tiên đến đất Mường Đủ.

“Không rõ chữ Mường Đủ có từ bao giờ và ý nghĩa là gì. Có người cho rằng đất mường này “lắm lọ” (lúa), dân mường no đủ nên gọi là Mường Đủ. Nhân dân địa phương còn cho biết rằng: Bắt đầu từ Mường Đủ sau là làng Đủ, có thể tiếp đó là Án Đủ và lâu dần thì gọi chệch ra là Án Đổ. Án Đổ chữ Hán có nghĩa là tường chắn. Người dân ở đây đã ví von quả đồi Mường Đủ như một bức tường thu hết gió nồm nam và chắn gió đông bắc để mường yên ấm và mát mẻ” (sách Văn hóa truyền thống Mường Đủ).

Lại nói, có lẽ do đời sống vật chất đủ đầy nên cư dân Mường Đủ sớm có nhiều điều kiện để “chăm lo”, vun đắp đời sống văn hóa, tinh thần được tốt hơn. Trên địa bàn xã Thạch Bình hiện có hai di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng, là đền Tam Thánh và đền Thánh Mẫu.

Đền Thánh Mẫu là nơi thờ Nàng Nga. Với người Mường nói chung, chuyện tình Nàng Nga - Đạo Hai Mối đã ăn sâu, thấm đẫm vào trong đời sống văn hóa tinh thần. Và người dân Thạch Bình đến nay vẫn tin rằng, Nàng Nga là người con gái của đất Mường Đủ.

Nàng Nga nổi tiếng đẹp người đẹp nết là con gái của một Cun lang giàu có trên đất Mường Đủ. Nàng Nga giỏi trồng dâu nuôi tằm, trồng bông dệt vải, người dân Mường Đủ đã được nàng dạy nghề. Nàng và chàng Hai Mối gặp nhau ở chợ Quan Hoàng, yêu và trao nhau lời ước hẹn sẽ nên duyên vợ chồng. Tuy nhiên sau đó, Nàng Nga bị gả cho vua nước Thượng Lào, chuyện tình đẹp bỗng dang dở. Không cứu được người yêu, chàng Hai Mối đã thất vọng mà qua đời; biết tin, Nàng Nga cũng quyên sinh theo người mình yêu... Chuyện tình Nàng Nga - Đạo Hai Mối theo gió núi, cây rừng, được “kể” lại cho người dân các bản Mường. Tiếc thương người con gái tài sắc vẹn toàn, người dân Mường Đủ đã lập đền thờ Nàng Nga, còn gọi là đền Thánh Mẫu.

Nếu đền Thánh Mẫu là nơi thờ Nàng Nga thì đền Tam Thánh tương truyền là nơi thờ bộ ba tướng dưới trướng thánh Tản Viên. Đền có quy mô khá bề thế, uy nghiêm. Bên ngoài là nghi môn xây cầu kỳ, qua nghi môn là đình làng - cũng đồng thời là không gian sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Và trong cùng là hậu cung.

Trải qua thăng trầm lịch sử và thời gian, đền Thánh Mẫu và đền Tam Thánh đều đã được trùng tu. Tuy nhiên, điều may mắn, cả hai di tích hiện vẫn giữ được nét đẹp của kiến trúc thời Nguyễn với nhiều cột gỗ và các mảng chạm khắc tinh xảo.

Dẫn chúng tôi tham quan hai di tích, ông Lưu Quang Phấn, phó ban quản lý di tích xã Thạch Bình, giới thiệu: “Đền Tam Thánh và đền Thánh Mẫu là niềm tự hào, “điểm tựa” tâm linh, giữ vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của người dân Mường Đủ xưa, Thạch Bình nay. Hằng năm vào dịp lễ hội đền Tam Thánh (12 tháng 2 âm lịch) và đền Thánh Mẫu (15 tháng 3 âm lịch) người dân Mường Đủ từ khắp mọi nơi lại trở về di tích dâng hương, vui hội, cầu mong mọi điều tốt đẹp”.

Về Mường Đủ hôm nay, cùng với “nhịp” chảy trôi, phát triển của cuộc sống mưu sinh, ta vẫn cảm nhận được ở đó, những giá trị văn hóa được nâng niu, giữ gìn và trân trọng. Đời sống vật chất và tinh thần như “quện lẫn” tạo nên vẻ đẹp của đất và người Mường Đủ.

Khánh Lộc



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]