17:41 24/07/2025 GMT+7
(Baothanhhoa.vn) - Chiều 24/7, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Phòng thủ dân sự quốc gia tổ chức Phiên họp thứ nhất về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025.

Thực hiện quyết liệt từ sớm, từ xa trong công tác phòng, chống thiên tai

Chiều 24/7, Ban Chỉ đạo (BCĐ) Phòng thủ dân sự quốc gia tổ chức Phiên họp thứ nhất về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2025.

Thực hiện quyết liệt từ sớm, từ xa trong công tác phòng, chống thiên tai

Đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh cùng các đại biểu dự phiên họp tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Các đồng chí: Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng BCĐ Phòng thủ dân sự quốc gia; Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó trưởng BCĐ; Trần Hồng Hà, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó trưởng Ban Thường trực BCĐ đồng chủ trì phiên họp.

Dự phiên họp tại điểm cầu Chính phủ có đại diện các ban, bộ, ngành Trung ương, các thành viên BCĐ Phòng thủ dân sự quốc gia.

Phiên họp được kết nối trực tuyến tới điểm cầu 34 tỉnh, thành phố và 3.321 điểm cầu các xã, phường, đặc khu trong cả nước.

Dự phiên họp tại điểm cầu Trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa có đồng chí Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh cùng đại diện lãnh đạo các ban, sở, ngành cấp tỉnh.

Thực hiện quyết liệt từ sớm, từ xa trong công tác phòng, chống thiên tai

Thực hiện quyết liệt từ sớm, từ xa trong công tác phòng, chống thiên tai

Các đại biểu dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh Thanh Hóa.

Phiên họp đã thông qua Quyết định số 1585/QĐ-TTg, ngày 23/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập BCĐ Phòng thủ dân sự quốc gia trên cơ sở hợp nhất BCĐ Phòng thủ dân sự quốc gia; BCĐ quốc gia về phòng, chống thiên tai và Ủy ban quốc gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.

Theo Quyết định số 1585/QĐ-TTg, BCĐ Phòng thủ dân sự quốc gia là tổ chức phối hợp liên ngành, có chức năng tham mưu giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong tổ chức, chỉ đạo, điều hành hoạt động phòng thủ dân sự trên phạm vi cả nước; trực tiếp chỉ đạo Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự các bộ, ngành Trung ương và Ban Chỉ huy phòng thủ dân sự cấp tỉnh.

Thực hiện quyết liệt từ sớm, từ xa trong công tác phòng, chống thiên tai

Điểm cầu cấp xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa dự phiên họp (Ảnh chụp màn hình).

Theo báo cáo của BCĐ tại phiên họp, từ đầu năm 2025 đến nay, một số đợt thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra trên cả nước như bão, áp thấp nhiệt đới, lũ, ngập lụt, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở, sụt lún đất.

Trong đó, có 2 đợt mưa lớn, sạt lở đất, lũ quét, lũ, ngập lụt nghiêm trọng xảy ra từ ngày 17/5-19/5 và từ ngày 20/6-22/6 tại một số tỉnh miền núi phía Bắc và Bắc Trung bộ; dông lốc ngày 19/7 trước bão số 3 tại Quảng Ninh làm 39 người chết, mất tích; hoàn lưu bão số 3 gây mưa lũ lớn tại Nghệ An...

Qua thống kê, thiên tai từ đầu năm 2025 đến nay đã làm 114 người chết, mất tích; thiệt hại về kinh tế ước tính trên 553 tỷ đồng.

Trước diễn biến thiên tai cực đoan, khốc liệt, cả hệ thống chính trị, trực tiếp là đồng chí Tổng Bí thư, Thủ tướng Chính phủ, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, các bộ ngành, địa phương, các lực lượng đã vào cuộc và phát huy tốt phương châm “4 tại chỗ”, đặc biệt là sự chủ động của người dân và các cấp chính quyền cơ sở.

Thực hiện quyết liệt từ sớm, từ xa trong công tác phòng, chống thiên tai

Toàn cảnh phiên họp tại điểm cầu Trụ sở UBND tỉnh Thanh Hóa.

Công tác lãnh đạo, chỉ đạo được thực hiện quyết liệt từ sớm, từ xa với phương châm chỉ đạo “chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất, sẵn sàng ứng phó với các tình huống xấu nhất”; công tác khắc phục hậu quả được thực hiện với tinh thần đại đoàn kết, tình dân tộc, nghĩa đồng bào, tương thân, tương ái, “lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm lá rách nhiều”...

Tại phiên họp, các đại biểu đã đánh giá những tồn tại, hạn chế trong công tác phòng, chống thiên tai thời gian qua; dự báo, nhận định tình hình thiên tai và những nhiệm vụ, giải pháp để triển khai ở các cấp, các ngành, địa phương trong thời gian tới.

Đại diện các địa phương cũng đã thông tin về sự cố thiên tai do cơn bão số 3 vừa qua gây ra. Đồng thời chia sẻ bài học kinh nghiệm, đưa ra những kiến nghị, đề xuất nhằm nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai tại đơn vị, địa phương.

Thực hiện quyết liệt từ sớm, từ xa trong công tác phòng, chống thiên tai

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: TTXVN)

Phát biểu chỉ đạo tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thay mặt Tổng Bí thư Tô Lâm, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước gửi lời chia sẻ và chia buồn sâu sắc tới gia đình các nạn nhân trong vụ lật tàu Vịnh Xanh 58 QN-7105 trên Vịnh Hạ Long (tỉnh Quảng Ninh) xảy ra vào chiều 19/7 và đồng bào bị ảnh hưởng của cơn bão số 3 vừa qua.

Thủ tướng nhấn mạnh ý nghĩa quan trọng mà Phiên họp thứ nhất của BCĐ Phòng thủ dân sự quốc gia hướng tới đó là triển khai hiệu quả công tác phòng, chống thiên tai. Theo Thủ tướng, phòng, chống thiên tai là nội dung phòng thủ đặc biệt vì Việt Nam có địa hình trải dài, thường xuyên phải đối mặt với rất nhiều loại hình thiên tai (bão, lũ lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, động đất, nắng hạn, xâm nhập mặn...). Sự tác động của các loại hình thiên tai đến đời sống, sản xuất ngày càng phức tạp và khó lường.

Từ yêu cầu thực tiễn, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ: Trong hoạt động phòng thủ dân sự phải tuân thủ nguyên tắc “3 phải” đó là: phòng ngừa phải từ sớm, từ xa, từ khi chưa xảy ra sự số; ứng phó phải bình tĩnh, sáng suốt, kịp thời, an toàn, hiệu quả; khắc phục phải chung tay, cơ bản, toàn dân, toàn diện, toàn phần.

Trước diễn biến khó lường của thiên tai, Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành tiếp tục làm tốt công tác dự báo, nắm bắt, phân tích tình hình; đổi mới tư duy, hành động quyết liệt, chủ động phòng ngừa, ứng phó linh hoạt, kịp thời, khắc phục hiệu quả; lấy con người làm trung tâm, làm chủ thể, coi trọng tính mạng người dân là trên hết.

Cùng với đó, tập trung hoàn thiện bộ máy phòng thủ dân sự ở từng cấp, từng ngành; hoàn thiện thể chế phù hợp, hiệu quả trước tình hình mới; huy động các nguồn lực tạo đột phá về năng lực dự báo, năng lực ứng phó và năng lực khắc phục hậu quả.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính giao nhiệm vụ cụ thể đối với từng cấp, từng ngành, từng địa phương trong thực hiện phòng thủ dân sự theo chỉ đạo của Đảng và Nhà nước. Đồng thời nhấn mạnh chủ trương phân cấp, phân quyền gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát khi thực hiện nhiệm vụ phòng thủ dân sự. Đặc biệt, trong phân công, phân nhiệm phải bảo đảm “6 rõ”: rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ trách nhiệm, rõ thẩm quyền và rõ kết quả ở cả Trung ương và địa phương.

Phong Sắc

Tin liên quan:
  • Thực hiện quyết liệt từ sớm, từ xa trong công tác phòng, chống thiên tai
    Thủ tướng yêu cầu nhanh chóng khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ

    Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa có Công điện số 120/CĐ-TTg gửi các bộ, ngành và các tỉnh, thành phố, đề nghị nhanh chóng khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ, khôi phục sản xuất, kinh doanh, ổn định tình hình đời sống và hoạt động sản xuất kinh doanh của nhân dân.


Phong Sắc

 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu
Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]