(Baothanhhoa.vn) - Những ngày đầu tháng 4, chúng tôi trở lại thăm Hàm Rồng - Nam Ngạn, địa danh đã đi vào lịch sử như bản anh hùng ca bất tận, làm nức lòng quân dân cả nước và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới.

Tin liên quan

Đọc nhiều

Kỷ niệm 54 năm Hàm Rồng chiến thắng (3, 4-4-1965 – 3, 4-4-2019): Gặp lại những chứng nhân lịch sử

Những ngày đầu tháng 4, chúng tôi trở lại thăm Hàm Rồng - Nam Ngạn, địa danh đã đi vào lịch sử như bản anh hùng ca bất tận, làm nức lòng quân dân cả nước và nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới.

Kỷ niệm 54 năm Hàm Rồng chiến thắng (3, 4-4-1965 – 3, 4-4-2019): Gặp lại những chứng nhân lịch sử

Lãnh đạo phường Nam Ngạn (TP Thanh Hóa) gặp gỡ các cựu dân quân từng tham gia bảo vệ cầu Hàm Rồng.

Nằm vắt ngang dòng sông Mã oai hùng, cầu Hàm Rồng trong kháng chiến chống Mỹ được coi là một trọng điểm giao thông đặc biệt quan trọng cần phải bảo vệ. Đế quốc Mỹ đã nhận rõ vị trí trọng yếu của cây cầu này nên luôn coi Hàm Rồng là một mục tiêu “ưu tiên” của không quân Mỹ hòng chặt đứt con đường huyết mạch chi viện từ miền Bắc cho chiến trường miền Nam. Chỉ trong hai ngày 3 và 4-4-1965, Mỹ đã huy động hàng trăm lượt máy bay ồ ạt ném bom xuống mảnh đất nhỏ bé này. Và, cũng trong 2 ngày lịch sử ấy, lưới lửa của quân dân Hàm Rồng, Nam Ngạn, Yên Vực đã thiêu rụi 47 máy bay Mỹ, lập nên chiến công vô cùng hiển hách. Trận đánh trả máy bay Mỹ diễn ra trong 2 ngày ấy trở thành dấu son chói lọi trong hành trình hàng nghìn ngày chống trả không lực Hoa Kỳ của cả dân tộc Việt Nam.

Về thăm làng Yên Vực, phường Tào Xuyên (TP Thanh Hóa) những ngày này, khúc ca Hàm Rồng chiến thắng âm vang hòa trong nắng gió, trong bài hát của thế hệ trẻ và trong tâm thức của những người từng chứng kiến thời khắc lịch sử đã qua. Hơn nửa thế kỷ đi qua, nhưng ký ức về những ngày tháng khốc liệt, hào hùng làm nên chiến thắng oai hùng vẫn vẹn nguyên trong tâm trí của những người từng sống, chiến đấu ở thời khắc lịch sử thiêng liêng ấy. 75 “dũng sĩ” làng Yên Vực từng dũng cảm chiến đấu, phục vụ chiến đấu, kiên cường bám đất, bám làng nay người còn, người mất. Với những người đang sống, họ chưa bao giờ quên những kỷ niệm về đội dân quân tự vệ làng Yên Vực ngày ấy, nhất là mỗi dịp tháng 4 về. Quay ngược thời gian trở về quá khứ, bà Nguyễn Thị Hiền, “dũng sĩ” làng Yên Vực năm xưa vẫn nhớ như in trận đánh ác liệt bảo vệ cầu Hàm Rồng của quân và dân ta. Bà kể cho chúng tôi nghe với giọng đầy tự hào, phấn khởi của người được trực tiếp tham gia chiến đấu. Bà Hiền nhớ lại: Lúc đó, tôi là đội trưởng đội cứu thương, trung đội phó đội dân quân tự vệ, bí thư chi đoàn làng Yên Vực, xã Hoằng Long (Hoằng Hóa). Yên Vực ngày 3 và 4-4 là túi bom, là trọng điểm đánh phá của giặc Mỹ. Nhân dân làng Yên Vực được lệnh phải đi sơ tán hết. Còn lại 75 người, tuổi đời mới chỉ mười tám, đôi mươi tràn đầy nhiệt huyết bám trụ tại làng để chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng. Nhiệm vụ của chúng tôi là cứu thương, tiếp tế đạn dược và sẵn sàng thay thế pháo thủ khi cần thiết. Trong 2 ngày trọng điểm của tháng 4, máy bay Mỹ điên cuồng đánh phá cầu Hàm Rồng, mặt bê tông của cầu bị phá hủy, chỉ còn trơ lại những thanh sắt, các phương tiện vận tải không thể qua được. Để có đạn cho trận địa pháo, không sợ hiểm nguy, bất chấp tính mạng, tôi và nhiều chị em khác đã vác những hòm đạn nặng gấp đôi trọng lượng cơ thể mình đi trên những thanh ray qua cầu chi viện cho phía Nam. Do trận đánh kéo dài khiến cho nòng pháo cao xạ của quân đội ta nóng đỏ làm giảm tốc độ và cự ly của đường đạn. Tôi đã nhanh trí xé ống quần của mình, nhúng vào nước rồi đắp lên nòng pháo để hạ nhiệt. Và sáng kiến của tôi đã nhanh chóng được áp dụng ngay cho các trận địa pháo ở Yên Vực cũng như các trận địa pháo bảo vệ cầu Hàm Rồng. Trong trận đánh lịch sử ấy, làng Yên Vực mất đi em Lê Thị Hoàn, dù mới 16 tuổi nhưng cứ xung phong tiếp đạn, tiếp nước cho các chiến sĩ. Trong lúc làm nhiệm vụ, một mảnh bom đã găm vào người Hoàn và em đã hy sinh.

Trong câu chuyện kể của người lính Hoàng Xuân Cành, Trưởng ban liên lạc cựu dân quân phường Nam Ngạn (TP Thanh Hóa), không khí sục sôi của những ngày xông pha nơi hòn tên mũi đạn lại được tái hiện một cách nguyên vẹn. Ông Cành kể: Năm 1964, tôi tham gia đội dân quân tự vệ tiểu khu Nam Ngạn, sau đó được cử đi tập huấn bắn máy bay bằng súng bộ binh. Chiều 2-4, lực lượng thanh niên tiểu khu Nam Ngạn đang làm đồng thì thấy 2 máy bay trinh sát của Mỹ bay rất thấp qua khu vực cầu Hàm Rồng. Ngay lập tức, chúng tôi được chi bộ gọi về triển khai nghị quyết từ thời bình sang thời chiến. Lực lượng thanh niên, dân quân tự vệ được giao nhiệm vụ đào hào, đào công sự trận địa chiến đấu. Sáng ngày 3-4-1965, 1 trung đội nam, 1 trung đội nữ được lệnh triển khai trận địa trực chiến đấu ở phía Bắc và phía Đông cầu Hàm Rồng. Mỗi trận địa được trang bị 1 khẩu súng đại liên và 12 khẩu súng trường, có một đồng chí chỉ huy bắn. Tôi là người chỉ huy trận địa nam. 9 giờ 30 phút, máy bay Mỹ lao từ phía Bắc sang phía Đông, chúng tôi được lệnh bắn và liên tục chiến đấu. Đến 11h trưa, theo đài quan sát của tỉnh cho biết, có 1 máy bay Mỹ bị bắn rơi lao ra biển đông. 15 giờ cùng ngày, từng tốp máy bay Mỹ liên tục cắt bom đánh phá cầu Hàm Rồng. Đến sáng ngày 4-4, máy bay Mỹ nhiều tầng, nhiều hướng tiếp tục đánh phá Hàm Rồng, Nam Ngạn, Yên Vực. Được lệnh của Ban Chỉ huy phòng không thị xã Thanh Hóa, người dân phải sơ tán hết, chỉ có lực lượng chiến đấu và phục vụ chiến đấu được ở lại. Đáp trả lại quân địch là những họng pháo từ núi Hàm Rồng, Nam Ngạn, Yên Vực thi nhau bắn trả, cả bầu trời Hàm Rồng chìm trong khói lửa của đạn bom. Kết thúc hai ngày 3 và 4-4, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân tự vệ Hàm Rồng, Nam Ngạn, Yên Vực đã thiêu rụi 47 máy bay Mỹ, bắt sống cả giặc lái.

Trải qua nhiều năm tháng, những người từng tham gia chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng vẫn nhớ như in những chiến công đầy tự hào. Trong câu chuyện của các bác xen lẫn niềm tự hào khi được góp sức mình làm nên chiến thắng lịch sử là cảm xúc bùi ngùi khi nhớ lại những người đã anh dũng hy sinh. Chiến tranh đã lùi xa, chiến thắng Hàm Rồng đã đi vào lịch sử như một mốc son sáng chói của chủ nghĩa anh hùng cách mạng thời đại Hồ Chí Minh. Trên những hố bom xưa nay đã là những vườn cây trái tốt tươi. Bên cạnh cầu Hàm Rồng xưa là cầu Hoàng Long bề thế, vững chãi. Đền thờ các Bà mẹ Việt Nam Anh hùng và các anh hùng liệt sĩ, Tượng đài thanh niên xung phong... cũng mới được xây dựng để tưởng nhớ, tri ân những con người đã có nhiều đóng góp cho Tổ quốc. Hàm Rồng ngày nay đã trở thành điểm nhấn về du lịch của tỉnh Thanh. Bên dòng sông Mã, nhiều khu công nghiệp, khu đô thị sầm uất đã, đang mọc lên, cùng với đó là các con đường mới mở nối Hàm Rồng với TP Thanh Hóa và TP Sầm Sơn, các khu du lịch sinh thái cũng đã hình thành, tạo cho Hàm Rồng một dáng dấp mới, dáng dấp của sự phát triển hiện đại, bền vững.

Bài và ảnh: Tố Phương



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Thời tiết

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]