Thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm và quyền giám sát của đại biểu HĐND
Chiều 13/12, dưới sự chủ tọa của các đồng chí: Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh; Lê Tiến Lam, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh; Nguyễn Quang Hải, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh, Kỳ họp thứ 24, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII tiếp tục làm việc, tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn.
Toàn cảnh kỳ họp.
Dự kỳ họp có các đồng chí: Đỗ Minh Tuấn, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thường trực HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh; Đoàn ĐBQH tỉnh; lãnh đạo các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh, các huyện, thị xã, thành phố và các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII.
Phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn, Chủ tịch HĐND tỉnh Lại Thế Nguyên nêu rõ: Chiều nay, HĐND tỉnh dành thời gian một buổi để tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn. Chắc chắn hoạt động chất vấn sẽ được đông đảo cử tri và Nhân dân trong tỉnh quan tâm theo dõi và chờ đợi.
Chủ tịch HĐND tỉnh Lại Thế Nguyên phát biểu khai mạc phiên chất vấn và trả lời chất vấn
Cử tri chờ đợi ở các đồng chí có trách nhiệm, các cơ quan có thẩm quyền trong việc tháo gỡ những khó khăn, bất cập và đề ra các giải pháp để thực hiện, đáp ứng sự mong đợi của cử tri và Nhân dân trong tỉnh.
Hoạt động chất vấn tại kỳ họp tiếp tục thực hiện theo quy định của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, đưa hoạt động chất vấn ngày càng trở thành nội dung quan trọng của mỗi kỳ họp HĐND tỉnh.
Các đại biểu dự kỳ họp.
Tại kỳ họp, thực hiện chức năng giám sát, HĐND tỉnh sẽ chất vấn đối với Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư về tiến độ thực hiện một số dự án đầu tư trực tiếp, nhất là các dự án có quy mô lớn, trọng điểm của tỉnh còn chậm, chưa đáp ứng yêu cầu tiến độ đề ra.
Chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất, do chăn nuôi còn xảy ra ở một số địa phương; tình trạng quá tải tại nhiều bãi rác trên địa bàn tỉnh, tiến độ triển khai các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn chậm.
Chất vấn Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, phát triển kinh tế số trong một số ngành, lĩnh vực; việc xử lý thông tin sai lệch, tin giả trên các phương tiện truyền thông còn nhiều, chưa được xử lý triệt để.
Để thực hiện quyền chất vấn của mình, Chủ tọa kỳ họp đề nghị các tổ đại biểu, các đại biểu HĐND tỉnh đều phải chuẩn bị câu hỏi để chất vấn đối với 3 vấn đề nêu trên.
Việc đặt câu hỏi chất vấn phải lựa chọn những vấn đề nổi cộm, bức xúc; nêu lên những vấn đề chung mà đông đảo cử tri quan tâm.
Các đại biểu dự kỳ họp.
Chủ tọa kỳ họp cũng đề nghị các vị đại biểu đặt câu hỏi ngắn gọn, dễ hiểu, rõ nội dung cần hỏi. Đối với người trả lời chất vấn, đề nghị phải trả lời đầy đủ các câu hỏi, các nội dung trong câu hỏi mà đại biểu nêu. Nội dung trả lời cũng phải ngắn gọn, rõ nội dung, không giải trình quá dài, sa vào báo cáo thành tích hoặc né tránh nội dung câu hỏi của đại biểu.
Cần thẳng thắn, cầu thị, nhận trách nhiệm nếu có hạn chế, tồn tại. Và điều quan trọng là phải đưa ra các giải pháp khắc phục; cam kết thời gian khắc phục, thời gian chỉ đạo, thời gian giải quyết.
Tuỳ theo nội dung chất vấn và trả lời chất vấn ở mỗi nội dung, sau trả lời của đồng chí giám đốc sở, Chủ tọa kỳ họp có thể mời lãnh đạo các ngành, UBND các huyện có liên quan và mời đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh phụ trách lĩnh vực phát biểu làm rõ hơn các vấn đề.
Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Lê Minh Nghĩa trả lời chất vấn tại kỳ họp.
Sau phát biểu của đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh, HĐND tỉnh đã tiến hành chất vấn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư và thủ trưởng các ngành có liên quan.
Theo báo cáo của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Minh Nghĩa, trên địa bàn tỉnh có 23 dự án quy mô lớn, trọng điểm đang triển khai thực hiện, với tổng mức đầu tư khoảng 74.208 tỷ đồng. Trong số này chỉ có 7 dự án bảo đảm tiến độ.
Đại biểu đặt câu hỏi chất vấn.
Đại biểu đặt câu hỏi chất vấn.
Đại biểu Đỗ Ngọc Duy (Tổ đại biểu Nga Sơn) đặt câu hỏi: Nhiều dự án điều chỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, giấy chứng nhận đầu tư; trong đó có nội dung liên quan tới “lùi” thời gian thực hiện dự án. Có dự án thực hiện điều chỉnh chủ trương tới 8 lần như Dự án dây chuyền 1, Nhà máy xi măng Công Thanh. Đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết nguyên nhân điều chỉnh chủ trương và có giải pháp nào ngăn ngừa được việc điều chỉnh, gia hạn nhiều lần mà nhà đầu tư vẫn không triển khai?
Trả lời nội dung này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Việc thực hiện điều chỉnh chủ trương đầu tư liên quan tới quy mô dự án, tổng mức đầu tư hay thời gian thực hiện, thay đổi chủ đầu tư đã được pháp luật quy định rất rõ ràng. Vì vậy, khi nhà đầu tư đề xuất nhu cầu điều chỉnh phù hợp với quy định của pháp luật thì cơ quan Quản lý Nhà nước sẽ thực hiện. Với các trường hợp cố tình kéo dài thời gian triển khai dự án thì qua theo dõi, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo UBND tỉnh xem xét. Cũng có dự án trong quá trình thực hiện gặp khó khăn trong công tác GPMB nên chủ đầu tư thực hiện điều chỉnh giảm diện tích, quy mô đầu tư.
Với câu hỏi có thể ngăn ngừa việc gia hạn thời gian thực hiện dự án mà chủ đầu tư vẫn cố tình không thực hiện hay không, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết, việc tham mưu cho UBND tỉnh đồng ý hay không đồng ý điều chỉnh chủ trương về nội dung gia hạn thời gian thực hiện dự án cũng đã có quy định và thực hiện với các lý do khách quan. Ví dụ như thời gian các năm 2020-2021, nhiều nhà đầu tư gặp khó khăn do trường hợp bất khả kháng dịch COVID-19 xảy ra.
Giải trình rõ thêm việc gia hạn dây chuyền 1 Nhà máy Xi măng Công Thanh gia hạn nhiều lần, đồng chí Nguyễn Tiến Hiệu, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Nghi Sơn và các Khu công nghiệp cho biết: Dự án này gia hạn lần đầu vào năm 2008, lần thứ 8 vào năm 2021. Ở lần gia hạn cuối cùng có nguyên nhân do Phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021-2030, định hướng đến năm 2050 của Chính phủ yêu cầu các công trình vật liệu xây dựng có công suất thấp, trang thiết bị chưa phù hợp thì phải khẩn trương đầu tư theo định hướng. Tuy nhiên, do điều chỉnh dự án vào năm 2021 khi dịch bệnh COVID-19 xảy ra, nhà đầu tư khó khăn về tài chính nên cũng triển khai được như dự định.
Cùng liên quan đến nội dung này, đại biểu Nguyễn Ngọc Tuý (Tổ đại biểu huyện Như Xuân) đặt câu hỏi: 3 dự án xử lý nhà máy rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh bao gồm: Dự án bãi rác xã Đông Nam (Đông Sơn); Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện tại phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn); Dự án tại phường Quảng Minh (TP Sầm Sơn) đều chậm tiến độ. Trong đó Nhà máy đốt rác thải sinh hoạt phát điện tại phường Đông Sơn triển khai từ năm 2004 chưa hoàn thành đưa vào khai thác sử dụng. Đến nay, sau nhiều lần “đổi chủ”, dự án khởi động lại trong năm nay với “lời hứa” sẽ đi vào hoạt động năm 2025, liệu “cam kết” này có thể thực hiện được không? Nguyên nhân thực sự của việc chậm trễ kéo dài và giải pháp thực sự đột phá, hiệu quả, khả thi để sớm hoàn thành các nhà máy, đưa vào khai thác sử dụng?
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Thực tế, cả 3 dự án này đều chậm tiến độ. UBND tỉnh đã nhiều lần có văn bản chỉ đạo, giao các ngành liên quan kiểm tra đôn đốc. Hiện nay, Dự án Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Đông Nam, huyện Đông Sơn đã đầu tư xong nhưng chưa đủ điều kiện vận hành. Trong quá trình triển khai, các dự án trong nhóm này chậm tiến độ do cần phải hoàn chỉnh nhiều loại hồ sơ theo yêu cầu của các bộ, ngành Trung ương.
“Truy xét” đến cùng về sự khả thi khi tạo điều kiện cho các dự án được điều chỉnh, gia hạn nhiều lần, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Lê Tiến Lam đặt câu hỏi thêm: "Như đồng chí Giám đốc Sở đã trả lời, việc đồng ý điều chỉnh, gia hạn dự án được thực hiện trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Nhiều dự án đã được điều chỉnh chủ trương, gia hạn nhiều lần và liên tục. Vậy nhưng, Sở Kế hoạch và Đầu tư có bảo đảm được việc nhà đầu tư sẽ “nhiệt tình” thực hiện dự án như “yêu cầu” gia hạn không?".
Trả lời chất vấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Minh Nghĩa cho biết: Việc gia hạn thời gian thực hiện dự án được đơn vị thực hiện căn cứ vào các quy định pháp luật và chỉ thực hiện trong trường hợp do các nguyên nhân khách quan. Từ năm 2021 đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng đã kiểm tra tình hình thực hiện thủ tục đầu tư đối với 111 dự án và tham mưu UBND tỉnh chấm dứt hiệu lực đầu tư đối với một số dự án vi phạm Luật Đầu tư. Với dự án đã được giao đất và cho thuê đất, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tiếp tục theo dõi quá trình triển khai của nhà đầu tư. Nếu dự án chậm triển khai theo quy định của Luật Đất đai 24 tháng sẽ thu hồi dự án theo quy định.
Trong số các dự án đầu tư lớn, trọng điểm đang rà soát, có tới 11/16 dự án có nguyên nhân chậm do nguyên nhân giải phóng mặt bằng (GPMB). Các đại biểu cũng đã chất vấn, làm rõ vai trò, trách nhiệm của Sở Kế hoạch Đầu tư và các ngành, đơn vị, địa phương có liên quan.
Đại biểu Hoàng Anh Tuấn (Tổ đại biểu Hậu Lộc) đặt câu hỏi: Trong 4 nhóm nguyên nhân khách và chủ quan dẫn tới dự án chậm tiến độ đã được Sở Kế hoạch và Đầu tư rà soát, nguyên nhân GPMB là yếu tố chính yếu. Đặc biệt, khó khăn về xác định nguồn gốc đất, xây dựng khu tái định cư chậm là những nguyên nhân lặp lại ở nhiều dự án. Vậy, Sở Kế hoạch và Đầu tư định hướng các giải pháp khả thi nào để GPMB không còn là điểm nghẽn quá lớn trong thực hiện dự án?
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Minh Nghĩa, công tác GPMB thuộc về trách nhiệm của các huyện, thị xã, thành phố. Ở nhiều dự án, các địa phương không thực triệt để, “chỗ dễ làm trước, khó để lại sau” nên có dự án 10 năm chưa hoàn thành GPMB và chậm tiến độ kéo dài. Tiếp thu ý kiến của đại biểu, Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo các huyện, thị xã, thành phố phải tổ chức GPMB gọn, triệt để, không để nhà đầu tư “viện cớ” kéo dài thời gian hoàn thành dự án vì chưa hoàn thành GPMB.
Các đại biểu cũng chất vấn nhiều vấn đề liên quan đến trách nhiệm của nhiều ngành, đơn vị liên quan. Đại biểu Đinh Ngọc Thuý (Tổ đại biểu huyện Nông Cống) nêu câu hỏi: 1 trong 3 nguyên nhân chủ quan dẫn tới dự án chậm tiến độ là một số cơ quan, đơn vị làm đầu mối theo dõi chưa thường xuyên đôn đốc. Chính Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu cho UBND tỉnh giao cho 6 đơn vị làm đầu mối, đó là những đơn vị cơ quan nào. Sở Kế hoạch và Đầu tư đã kịp thời báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh biết tình trạng này để có giải pháp khắc phục sự yếu kém này chưa?
Trả lời nội dung này, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư đã nêu rõ từng nhóm dự án đã được đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh giao cho các đơn vị đầu mối theo dõi như: Ban Quản lý KKTNS và các KCN theo dõi 9 dự án; Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi 3 dự án; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo dõi 2 dự án; Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi 1 dự án. Tuy nhiên, một số đơn vị chưa phát huy cao độ tinh thần phối hợp, theo dõi tiến độ cũng như báo cáo, tham mưu tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc.
Tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng thẳng thắn nhìn nhận thực trạng về dự án đầu tư trực tiếp chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh. Mặc dù có nhiều nguyên nhân, nhiều phần việc liên quan đến các ngành, địa phương bởi quá trình đầu tư một dự án bao gồm nhiều khâu triển khai, từ chấp thuận chủ trương, giải phóng mặt bằng, quản lý nhà nước về đất đai... Tuy nhiên, Sở Kế hoạch và Đầu tư cũng thẳng thắn nhận trách nhiệm với vai trò là cơ quan đầu mối, tham mưu cho UBND tỉnh nhiều thủ tục liên quan. Với trách nhiệm của đơn vị, thời gian tới Sở sẽ tham mưu cho UBND tỉnh các giải pháp hiệu quả, căn cơ hơn để tháo gỡ khó khăn cho đầu tư các dự án trực tiếp thời gian lớn.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch HĐND tỉnh Lại Thế Nguyên cho rằng: Tại phiên chất vấn các đại biểu đã nêu câu hỏi rất cụ thể, ngắn gọn, rõ ràng và bám sát chủ đề chất vấn, đi thẳng vào vấn đề và mang tính xây dựng, trách nhiệm cao; thể hiện vai trò, trách nhiệm và quyền giám sát của đại biểu HĐND.
Các nội dung chất vấn của các đại biểu đã được Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư trả lời tương đối rõ thực trạng, nguyên nhân, trách nhiệm trong việc chậm triển khai các dự án.
Quan trọng hơn, qua chất vấn lần này cũng thống nhất về mục đích, ý nghĩa của việc tháo gỡ khó khăn cho các dự án, sớm đưa các dự án vào triển khai hoạt động.
Chủ tịch HĐND tỉnh Lại Thế Nguyên phát biểu kết luận phiên chất vấn Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư.
Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh nêu rõ: Thu hút đầu tư và triển khai các dự án đầu tư là giải pháp có tính chiến lược, quyết định đến sự phát triển bền vững của tỉnh. Với việc quyết liệt trong cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đồng hành với doanh nghiệp, tỉnh đã thu hút được nhiều dự án lớn, có cả những dự án trọng điểm quốc gia. Khi hoàn thành đi vào hoạt động các dự án này thật sự là cú hích, động lực tạo đột phá trong tăng trưởng và thu ngân sách của tỉnh. Từ thực tiễn đó càng có cơ sở để khẳng định việc tháo gỡ khó khăn triển khai dự án và thu hút đầu tư là vô cùng quan trọng.
Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh chỉ rõ 4 nguyên nhân dẫn đến chậm tiến độ trong triển khai các dự án, đồng thời đề nghị thời gian tới cần tập trung cao nhất, có sự vào cuộc với tinh thần trách nhiệm cao của các cấp chính quyền, các ngành, với mục tiêu tháo gỡ triệt để khó khăn, vướng mắc, tạo chuyển biến rõ nét ngay trong năm 2025, nhằm tạo điều kiện để các dự án khởi động và triển khai.
UBND tỉnh phân công các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh và các ngành trực tiếp theo dõi để tháo gỡ vướng mắc từng dự án cụ thể. Đồng thời cần xác định rõ trách nhiệm của UBND, Chủ tịch UBND các huyện trong chỉ đạo công tác giải phóng mặt bằng các dự án chậm tiến độ, phấn đấu năm 2025 cơ bản phải có hướng để tháo gỡ.
UBND tỉnh yêu cầu các chủ đầu tư phải cam kết bố trí vốn để tập trung cho chi trả giải phóng mặt bằng. Đồng thời yêu cầu nhà đầu tư cam kết triển khai dự án theo đúng tiến độ. Cùng với đó tập trung tháo gỡ khó khăn cho các nhà đầu tư, đặc biệt quan tâm đầu tư hạ tầng các khu, cụm công nghiệp.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Sỹ Nghiêm trả lời chất vấn.
Tiếp đó, HĐND tỉnh đã tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường về tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất, chăn nuôi xảy ra ở một số địa phương; tình trạng quá tải tại nhiều bãi rác trên địa bàn tỉnh, tiến độ triển khai các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt còn chậm.
Về vấn đề này, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Sỹ Nghiêm cho biết: Trên địa bàn tỉnh có 671 cơ sở (595 cơ sở sản xuất, 76 trang trại) thuộc đối tượng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp bộ, tỉnh. Trong đó, có khoảng 152 cơ sở thuộc nhóm có nguy cơ ô nhiễm môi trường, chiếm 22,7%; nhóm không thuộc loại hình có nguy cơ ô nhiễm môi trường nhưng thường phát sinh nhiều bụi trong quá trình hoạt động là 318 cơ sở, chiếm 47,4%...
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Sỹ Nghiêm trà lời chất vấn.
Thời gian qua, tình trạng gây ô nhiễm môi trường do một số cơ sở sản xuất, chăn nuôi còn xảy ra ở một số địa phương, ảnh hưởng đến đời sống và gây bức xúc trong Nhân dân như: Các cơ sở chế biến hải sản ở khu vực thị xã Nghi Sơn, huyện Hậu Lộc; một số trang trại chăn nuôi quy mô lớn và nhỏ trên địa bàn các huyện Thường Xuân, Lang Chánh, Thạch Thành, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa....
Đại biểu tham gia chất vấn.
Các đại biểu HĐND tỉnh đã đặt nhiều câu hỏi và đề nghị Giám đốc SởTài nguyên và Môi trường làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục.
Trong đó, trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thị Hương (Tổ đại biểu huyện Thọ Xuân) liên quan đến việc quản lý các cơ sở sản xuất vàng mã nằm dọc bờ sông Mã thuộc các địa phương như Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước và công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở trên, tư lệnh ngành TN&MT Lê Sỹ Nghiêm cho biết: Năm 2021, UBND tỉnh đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành, thanh tra toàn diện công tác bảo vệ môi trường (BVMT) đối với 18 cơ sở sản xuất giấy vàng mã trên địa bàn các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh và TP Thanh Hóa. Quá trình thanh tra cho thấy, các cơ sở đều có các hành vi vi phạm quy định về đất đai, đầu tư xây dựng, tài nguyên nước và BVMT ở các mức độ khác nhau, các hành vi vi phạm đã được ngành nhắc nhở, xử lý theo quy định. Đến nay, các cơ sở trên đều đã đầu tư khu xử lý nước thải; quá trình hoạt động có giám sát của ngành chức năng, chính quyền địa phương.
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Cao Tiến Đoan (Tổ đại biểu TP Sầm Sơn) về nguyên nhân, giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng quá tải ở các bãi rác thải, Giám đốc Sở TN&MT nêu rõ: Thời gian qua lượng rác thải hằng ngày vận chuyển về một số bãi chôn lấp rác trên địa bàn tỉnh là rất lớn dẫn đến tình trạng quá tải, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến khu vực xung quanh. Điển hình có bãi chôn lấp rác thải xã Đông Nam (Đông Sơn); bãi chôn lấp rác thải phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn); bãi chôn lấp rác thải phường Trung Sơn (TP Sầm Sơn).
Giải pháp để khắc phục tình trạng trên là Sở TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai rộng rãi quy định về phân loại CTRSH tại nguồn theo quy định của Luật BVMT. Phối hợp với các sở tăng cường đôn đốc, yêu cầu các chủ đầu tư các dự án Nhà máy xử lý rác thải tại xã Đông Nam (Đông Sơn); phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn) và xã Quảng Minh (TP Sầm Sơn) khẩn trương hoàn thành đưa vào hoạt động để đóng cửa các bãi chôn lấp gây ô nhiễm môi trường. Về lâu dài sẽ tham mưu đầu tư các nhà máy xử lý rác công nghệ hiện đại quy mô lớn.
Tư lệnh ngành TN&MT Lê Sỹ Nghiêm cũng đã làm rõ những khó khăn, vướng mắc, trách nhiệm của ngành và các đơn vị liên quan đến việc chậm triển khai dự án Nhà máy xử lý rác thải tại xã Đông Nam (Đông Sơn); Nhà máy đốt rác phát điện tại phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn); Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Quảng Minh (TP Sầm Sơn).
Theo Giám đốc Sở TN&MT Lê Sỹ Nghiêm, nguyên nhân chậm tiến độ là do thủ tục hành chính về dự án đầu tư còn phức tạp, thời gian thẩm định dự án kéo dài. Giai đoạn năm 2020-2022 diễn ra dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện của các dự án; vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng chậm được giải quyết... Đặc biệt, các nhà đầu tư dự án chưa tập trung toàn bộ nguồn lực để thực hiện sớm các hồ sơ thủ tục liên quan để triển khai dự án.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Quốc Hải (Tổ đại biểu huyện Thiệu Hóa) và đại biểu Nguyễn Ngọc Túy (Tổ đại biểu huyện Như Xuân) về giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án CTRSH, tư lệnh ngành TN&MT nhấn mạnh: Sở TN&MT tiếp tục đồng hành cùng các chủ đầu tư nhà máy xử lý CTRSH để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt giá dịch vụ xử lý CTRSH sau khi Bộ TN&MT ban hành quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật và quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH; tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục có các văn bản chỉ đạo, đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành, đưa dự án đi vào hoạt động theo đúng tiến độ và cam kết; thu hồi các dự án không hoàn thành hồ sơ thủ tục pháp lý theo quy định.
Kết luận nội dung này, Chủ tịch HĐND tỉnh Lại Thế Nguyên cho rằng: Phần trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường phần nào cho thấy rõ thực trạng ô nhiễm môi trường do một số cơ sở sản xuất, cơ sở chăn nuôi và ô nhiễm môi trường tại các bãi rác, cũng như việc chậm tiến độ của các nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh đang đầu tư.
Chủ tịch HĐND tỉnh Lại Thế Nguyên phát biểu kết luận phiên chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường.
Qua đó, cũng thấy được tinh thần chỉ đạo quyết liệt của UBND tỉnh trong việc xử lý vấn đề môi trường nói chung và các nhóm nội dung chất vấn tại kỳ họp nói riêng. Qua chất vấn đã làm rõ được trách nhiệm của các ngành chức năng, Sở Tài nguyên và Môi trường cũng như trách nhiệm của UBND các huyện trong công tác quản lý nhà nước trên địa bàn.
Để giải quyết hiệu quả tình trạng ô nhiễm môi trường do các cơ sở sản xuất, cơ sở chăn nuôi gây ra, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị trong quá trình chỉ đạo điều hành phát triển kinh tế - xã hội, các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện nghiêm các quy hoạch đã ban hành, bao gồm quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch vùng huyện... làm cơ sở để phòng ngừa, giảm thiểu tác động của các sự cố về môi trường do bố trí cơ sở sản xuất, kinh doanh và chăn nuôi không theo quy hoạch.
Phải tập trung chỉ đạo thu hút đầu tư và triển khai đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chăn nuôi tập trung của tỉnh và của huyện để bố trí các cơ sở sản xuất công nghiệp vào khu công nghiệp, cụm công nghiệp, từ đó giảm thiểu và khắc phục tình trạng ô nhiễm sản xuất. Đồng thời, cần nghiên cứu, cân nhắc theo hướng chỉ chấp thuận đầu tư các dự án chăn nuôi nếu đáp ứng yêu cầu bảo vệ môi trường và gắn với chế biến sản phẩm chăn nuôi.
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường tại các cơ sở sản xuất chăn nuôi theo quy định, kiên quyết dừng hoạt động đối với các cơ sở gây ô nhiễm, không đáp ứng được yêu cầu về môi trường.
Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do quá tải tại các bãi rác hiện nay, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư các nhà máy xử lý rác thải. Áp dụng các biện pháp xử lý bằng công nghệ tiên tiến tại các bãi rác để giảm thiểu ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống của bà con Nhân dân.
Chính quyền các cấp, nhất là TP Thanh Hóa và các huyện, thị xã phải tập trung tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường, vận động Nhân dân tham gia vào việc phân loại, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại nguồn với tinh thần tự giác cao. Đồng thời đề nghị các đơn vị thu gom rác đảm bảo các điều kiện để thu gom rác theo phân loại.
UBND tỉnh cần sớm chỉ đạo triển khai các thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư nhà máy xử lý rác thải rắn tại xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân theo quy hoạch.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm báo cáo nội dung chất vấn.
Tiếp đó, HĐND tỉnh tiến hành chất vấn và trả lời chất vấn đối với đồng chí Mai Xuân Liêm, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh về chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước, phát triển kinh tế số trong một số ngành, lĩnh vực; việc xử lý thông tin sai lệch, tin giả trên các phương tiện truyền thông còn nhiều, chưa được xử lý triệt để.
Đại biểu tham gia chất vấn.
Sau khi các đại biểu chất vấn, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã trả lời chất vấn, giải trình làm rõ những vấn đề đại biểu nêu.
Trong đó, đồng chí đi sâu phân tích những nguyên nhân chủ yếu của tồn tại, hạn chế trong CĐS. Một trong số đó là công tác lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện CĐS ở một số ngành, lĩnh vực, địa phương chuyển biến chậm, chưa đồng đều. CSDL theo ngành dọc còn rời rạc, chưa được kết nối để chia sẻ, cung cấp thông tin; chưa xây dựng được CSDL chung của tỉnh. Phần mềm TDoffice có một số chức năng không còn phù hợp; thiết bị lưu trữ CSDL văn bản còn hạn chế. Các máy tính chủ, thiết bị lưu trữ tại Trung tâm CSDL của tỉnh được đầu tư lâu, bắt đầu xuống cấp... Thêm vào đó, nguồn nhân lực thực hiện CĐS, an toàn thông tin ở các cấp còn chưa đáp ứng được nhu cầu. Trong khi lĩnh vực công nghệ ứng dụng trong CĐS phát triển nhanh...
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Mai Xuân Liêm cũng đã phát biểu làm rõ hơn về những giải pháp thực hiện trong thời gian tới nhằm đẩy mạnh CĐS, như: Tiếp tục chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các cấp trên địa bàn tỉnh quan tâm, nhận diện rõ công tác chuyển đổi số trong kỷ nguyên mới để tổ chức triển khai, thực hiện đem lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp. Quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng số, nguồn nhân lực số phục vụ CĐS và đảm bảo an toàn thông tin. Chỉ đạo xây dựng CSDL chuyên ngành, lĩnh vực, địa phương mình quản lý theo ngành dọc; thực hiện lưu trữ tại Trung tâm CSDL của tỉnh để thực hiện chia sẻ, công khai theo quy định.
Đặc biệt, quan tâm phát triển nguồn nhân lực phục vụ mục tiêu CĐS bằng nhiều giải pháp. Trong đó cần ưu tiên đào tạo, tập huấn tại chỗ thông qua nhiều hình thức, cả trực tuyến và trực tiếp cho cán bộ, người làm công tác CĐS trong các cơ quan nhà nước, doanh nghiệp...
Kết luận nội dung này, Chủ tịch HĐND tỉnh Lại Thế Nguyên cho rằng: Phần trả lời chất vấn của đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh với tinh thần trách nhiệm rất cao, rõ ràng. HĐND tỉnh hy vọng trên cương vị công tác của mình và trong thẩm quyền được giao, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh sẽ chỉ đạo các ngành chức năng và cơ quan liên quan tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh. Trước mắt phải tập trung chỉ đạo thực hiện việc chuyển đổi số thật sự có chất lượng trong các cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp của Nhà nước để lấy chính quyền số dẫn dắt kinh tế số và xã hội.
Chủ tịch HĐND tỉnh Lại Thế Nguyên phát biểu kết luận phiên chất vấn.
Đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị cần triển khai quyết liệt các nghị quyết của Trung ương, Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong chuyển đổi số và đặc biệt là Nghị quyết số 06 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số, nhằm tạo chuyển biến rõ nét trong nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và Nhân dân trong chuyển đổi số và nhận thức được lợi ích to lớn của quá trình chuyển đổi số mang lại.
Tiếp tục quan tâm đầu tư và nâng cấp cơ sở hạ tầng thông tin, bao gồm máy tính, mạng máy chủ, phần mềm và hệ thống lưu trữ đủ lớn để đáp ứng yêu cầu của chuyển đổi số. Đồng thời quan tâm đào tạo, cập nhật kiến thức về kỹ năng sử dụng công nghệ thông tin, kỹ năng vận hành trong môi trường số; yêu cầu phải sử dụng công nghệ để xử lý công việc hàng ngày. Đẩy mạnh chuyển đổi số trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh để mọi hoạt động kinh tế đều dựa trên công nghệ số, đặc biệt là các giao dịch điện tử thông qua internet.
Về đấu tranh phản bác với các thông tin xấu, độc, đồng chí Chủ tịch HĐND tỉnh đề nghị các ngành chức năng của tỉnh và Ban Chỉ đạo 35 tỉnh phối hợp chặt chẽ với các ngành, các cấp để tiếp tục phát huy tác dụng của các trang mạng xã hội tích cực, đồng thời chủ động trong hoạt động truyền thông, chính sách, thông tin về các sự kiện quan trọng của Đảng, Nhà nước, sự kiện văn hóa - xã hội và các tấm gương điển hình trong và ngoài tỉnh để truyền cảm hứng cho cộng đồng, cho xã hội trên không gian mạng.
Tiếp tục tăng cường sử dụng phần mềm để rà quét và phát hiện sớm những thông tin xấu độc, những thông tin sai lệch và kiểm soát chặt chẽ thông tin, hạn chế người dùng chia sẻ, lan truyền những thông tin tiêu cực ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.
Các cơ quan chức năng thường xuyên theo dõi, xử lý kịp thời những tin giả, tin xấu độc trên không gian mạng để tránh có những bình luận, hình ảnh không tốt trên môi trường mạng như đã xảy ra.
Nhóm PV
{name} - {time}
-
2025-01-15 22:38:00
Công bố Quyết định bổ nhiệm Phó Giám đốc Công an tỉnh Thanh Hóa
-
2025-01-15 20:00:00
Sự kiện nổi bật trong nước, quốc tế ngày 15/1/2025
-
2024-12-13 18:00:00
[Bản tin 18h] Kỳ họp thứ 24 HĐND tỉnh Thanh Hóa: Chất vấn nhiều nội dung được cử tri quan tâm
Làm rõ vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi và tình trạng quá tải tại nhiều bãi rác thải
Tập trung bứt phá để đạt 15 chỉ tiêu năm 2024, tạo đà phát triển cho năm 2025
Bộ Chính trị xem xét, thi hành kỷ luật đồng chí Nguyễn Xuân Phúc
Nhiều ý kiến sâu sắc, làm nổi bật những vấn đề đang đặt ra đối với tỉnh Thanh Hóa
Thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện Triệu Sơn đạt chuẩn huyện NTM nâng cao năm 2024
Nỗ lực hết sức đưa Việt Nam ra khỏi Danh sách Xám về phòng, chống rửa tiền
Hôm nay có gì? - Sự kiện nổi bật ngày 13/12/2024
PODCAST 6AM: Điểm tin nổi bật sáng 13/12
Mời bạn đọc báo Thanh Hóa số ra ngày 13/12/2024