Thế hệ trẻ thiếu kiến thức lịch sử - thực trạng đáng lo ngại!
Tình trạng học sinh “lạnh nhạt” với môn Lịch sử đang là điều trăn trở cho các bậc phụ huynh, nhà trường và xã hội. Thể hiện rõ nhất là trong các kỳ thi tốt nghiệp THPT, điểm thi môn Lịch sử rất thấp, có năm kết quả thi đại học môn Lịch sử đã “gây sốc” khi có hàng nghìn điểm 0. Khi được hỏi lý do các em đều có câu trả lời, không thích học vì khô khan, số liệu khó nhớ.
Trường THCS Hoằng Quý tổ chức cho học sinh đi tham quan Nhà truyền thống huyện Hoằng Hóa nhằm giáo dục lịch sử địa phương cho học sinh.
Chỉ là môn phụ
“Chiến dịch Điện Biên Phủ là gì mà mấy hôm nay thấy các cô giáo thường xuyên nhắc đến hả mẹ, còn bắt bọn con làm bài dự thi nữa?” - em Hải Minh, học sinh một trường THCS trên địa bàn TP Thanh Hóa hỏi mẹ khi vừa đi học về.
Thấy con học lớp 7, vô tư hỏi về lịch sử, chị Nhung ngạc nhiên hỏi lại con: “Thế lâu nay các cô không dạy con về chiến dịch Điện Biên Phủ à?”. "Hình như là có nhưng con không nhớ...". Lo ngại về kiến thức lịch sử của con trai, chị Nhung hỏi con một số mốc lịch sử quan trọng của đất nước nhưng con đều không trả lời được và cháu cho rằng Lịch sử chỉ là môn học phụ, cần gì phải học. Hôm nào thi đọc qua là được.
Không chỉ con trai chị Nhung xem môn Lịch sử là môn phụ mà khi hỏi các cháu đang học THCS, THPT về môn học này, đều nhận được câu trả lời là “Em ghét nhất môn Lịch sử”.
Lý do em Minh Vũ, học sinh lớp 7, Trường THCS Lý Tự Trọng, TP Thanh Hóa đưa ra, đó là toàn nói về chiến tranh, số liệu lại khô khan, khó nhớ. Em Minh Vũ mong muốn: “Thay vì học trên lớp, các cô cho học sinh đi tham quan di tích lịch sử, các bảo tàng và xem phim lịch sử giống các nước khác thì đỡ nhàm chán và dễ ghi nhớ hơn”.
Cùng quan điểm như em Minh Vũ, em Ngọc Tùng học cùng lớp nói: “Em thấy em họ em học ở quê, thỉnh thoảng nhà trường tổ chức cho đi tham quan các điểm di tích lịch sử ở địa phương, nhà truyền thống ở huyện. Như thế cũng là cách để các em có thêm kiến thức lịch sử nước nhà cũng như lịch sử quê hương. Chứ từ ngày học cấp 1 lên cấp 2 đến giờ, em chưa lần nào được nhà trường cho đi tham quan các di tích lịch sử, mà các cô chỉ dạy theo sách giáo khoa nên vào tiết học môn Lịch sử có bạn tập trung, có bạn không tập trung...".
Cần "thổi hồn" lịch sử cho học sinh
Ngồi nghe các con và cháu trao đổi về môn học Lịch sử, ông Thanh Thủy, thương binh 2/4, ở phường Quảng Thịnh (TP Thanh Hóa) lắc đầu, nói: "Thế hệ các cháu không biết đến lịch sử nước nhà, không biết đến sự hy sinh xương máu của ông cha để giành lại hòa bình như ngày hôm nay, quả thực đáng buồn. Trong bối cảnh văn hóa bên ngoài đang tràn vào Việt Nam, mọi thứ “mở cửa” như vậy, nếu chúng ta không biết mình là ai thì tương lai sẽ phải trả giá rất đắt...".
Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cửa khẩu Tén Tằn giới thiệu cho học sinh Trường THCS Tén Tằn về đường biên giới Việt Nam - Lào. Ảnh: Ngân Hà
Ông Thanh Thủy nói thêm: “Bộ Giáo dục và Đào tạo, các nhà trường cũng cần phải xem xét lại phương pháp dạy lịch sử, thay vì “thầy nói trò nghe” như hiện nay thì phải “thổi hồn” lịch sử cho học sinh như các nước khác trên thế giới bằng cách định hướng cho học sinh khả năng tìm tòi, nghiên cứu thêm tư liệu ở bên ngoài sách giáo khoa, hoặc tổ chức cho học sinh đi học ngoại khóa ở các bảo tàng, xem phim lịch sử, xây dựng những bộ phim truyền hình dài tập lồng ghép lịch sử như Trung Quốc, Hàn Quốc để các em biết về các triều đại của Việt Nam. Điều quan trọng hơn cả là giáo viên dạy sử phải đam mê với nghề, tìm kiếm những chuyện kể liên quan đến các sự kiện để các em nghe, hay áp dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy thông qua việc trình chiếu hình ảnh, tư liệu lịch sử... có như vậy mới khơi dậy và duy trì được lòng yêu nước của thế hệ trẻ".
Từ cách nhìn nhận về môn học Lịch sử là môn phụ dẫn đến “lỗ hổng” về kiến thức lịch sử của các em học sinh hiện nay, cô Lương Thị Hạnh, Tổ trưởng Tổ Sử - Địa - Giáo dục công dân Trường THPT Hoằng Hóa 4, có lần chia sẻ với chúng tôi: "Hơn 20 năm gắn bó với nghề giáo dục, bản thân đã đào tạo qua bao thế hệ học sinh, có những em đạt giải rất cao môn Lịch sử cấp tỉnh nhưng khi học đại học các em lại chọn ngành nghề khác. Lý do các em đưa ra là học lịch sử ra trường cơ hội tìm kiếm việc làm rất khó. Hơn nữa, nghề giáo dục vất vả nhưng thu nhập so với ngành nghề khác không cao nên các em ít lựa chọn nghề giáo, nhất là dạy môn Lịch sử. Vì vậy, để truyền “lửa đam mê” môn Lịch sử cho học trò là rất khó, vì hiện nay hầu hết các em học chỉ đối phó với các kỳ thi nên khi thi xong là quên hết".
Cùng quan điểm với cô Lương Thị Hạnh, cô Nguyễn Thị Phượng, Phó giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Quảng Xương, chia sẻ: “Việc không yêu thích môn Lịch sử, không hứng thú trong học tập của học sinh cũng là băn khoăn, trăn trở và thử thách của giáo viên bộ môn Lịch sử. Vì vậy, các đồng nghiệp của cô đã ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy nhưng vì chương trình trong sách giáo khoa chưa có điểm nhấn, khiến học sinh khó nhớ và dẫn đến không thích học. Để môn Lịch sử thực sự là một môn học có sức truyền cảm, hấp dẫn người học, thay vì học lý thuyết suông trên lớp, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần bố trí các tiết học thực tế nằm trong chương trình chính khóa để “mang cuộc sống vào bài học, đưa bài học vào cuộc sống”, thông qua các hiện vật lịch sử, qua những thước phim truyền hình, phim tư liệu, tượng đài để các em cảm nhận được quá khứ một cách trực tiếp, có như vậy giáo dục lịch sử mới đạt được hiệu quả cao".
Cũng theo cô Nguyễn Thị Phượng, ngoài trách nhiệm của nhà trường và đội ngũ giáo viên tìm phương pháp dạy để tạo hứng thú cho học sinh yêu thích môn Lịch sử, thì phụ huynh nào có điều kiện về kinh tế khi đưa con đi du lịch cũng nên một vài lần đến những căn cứ, chiến khu cách mạng, bảo tàng lịch sử, tượng đài, nơi diễn ra các sự kiện lịch sử để các con được xem, được biết những thăng trầm của đất nước, sự hy sinh vất vả của thế hệ cha ông. Từ đó các em nâng cao ý thức giữ gìn lịch sử dân tộc, nhằm chống lại các thế lực thù địch đang tìm cách xâm nhập vào ý thức hệ của lớp trẻ hiện nay.
Bài và ảnh: Ngân Hà
{name} - {time}
-
2025-01-22 10:54:00
Đưa Di sản thế giới vào trong học đường
-
2025-01-21 09:41:00
Áp dụng công nghệ Blockchain tại Trường Đại học Hồng Đức
-
2024-05-04 14:11:00
Sôi nổi khí thế thi đua dạy và học ở Trường THPT Tĩnh Gia 2
Ocean Edu: Chuyến hành trình xanh tiếp lửa tinh thần học tập
Bài học từ những vụ án liên quan lứa tuổi vị thành niên
Ngăn ngừa hành vi vi phạm pháp luật trong học sinh
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024: Những mốc thời gian cần lưu ý
Loay hoay nâng cao chất lượng các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên miền núi
Nhiều kết quả trong hỗ trợ khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo tại Trường Đại học Hồng Đức
Một vài góp ý quanh việc thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên
Từ nay đến 28/4, học sinh được thử đăng ký thi Tốt nghiệp THPT trực tuyến
Tạo chuyển biến trong dạy và học tiếng Anh