Thanh niên trồng nấm làm giàu cho quê hương
Nhờ nắm vững kiến thức, mô hình trồng nấm hữu cơ của anh Phạm Lân Quang thành công từ ngay lần đầu gieo trồng. Gần 10 năm hoạt động, mô hình này đã và đang khẳng định được hiệu quả kinh tế vượt trội, mở ra hướng phát triển kinh tế cho nhiều hộ dân địa phương.
Anh Nguyễn Lân Quang chia sẻ về những lưu ý khi trồng và chăm sóc nấm. Ảnh: Tăng Thúy
Anh nông dân tri thức
Vốn từng là thạc sĩ kỹ thuật của Trung tâm Nuôi cấy mô thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Thanh Hóa (nay là Viện Nông nghiệp Thanh Hóa), anh Phạm Lân Quang, sinh năm 1983, quê ở huyện Vĩnh Lộc từng tham gia nghiên cứu, hỗ trợ xây dựng và phát triển nhiều mô hình nông nghiệp ở các địa phương. Song, với mong muốn hiện thực hóa giấc mơ làm giàu cho gia đình và những người xung quanh, anh Quang đã xin nghỉ việc ở trung tâm để về xây dựng trang trại trồng nấm sò và mộc nhĩ tại phố Ái Sơn 2, phường Đông Hải, TP Thanh Hóa, với định hướng vừa sản xuất, vừa đào tạo, tập huấn, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trồng nấm hữu cơ cho các hộ dân trên địa bàn tỉnh có nhu cầu xây dựng và phát triển mô hình.
Từ những kinh nghiệm có được, anh Quang nhận thấy việc nuôi cấy nấm theo hướng hữu cơ phù hợp với nhu cầu sử dụng nguồn thực phẩm ngon, giàu dinh dưỡng, an toàn ngày càng cao của người tiêu dùng. Vì thế, trang trại nấm với mô hình “6 không” (không canh tác trên vùng đất và nước ô nhiễm; không sử dụng thuốc diệt cỏ; không sử dụng thuốc trừ sâu; không sử dụng phân bón hóa học; không sử dụng thuốc kích thích tăng trưởng và không sử dụng giống biến đổi gen) được chia làm nhiều phòng khép kín, mỗi phòng rộng 180 - 200m2, ngăn bằng các tấm cách nhiệt để luôn đảm bảo kiểm soát nhiệt độ và độ ẩm phù hợp. Hệ thống tưới, phun, dẫn nhiệt cũng được đầu tư theo hướng tự động hóa.
Do đã có kiến thức và kinh nghiệm, nên ngay từ năm đầu tiên triển khai thực hiện, mô hình trồng nấm hữu cơ và mộc nhĩ của anh đã gặt hái được những thành công bước đầu. Khu trồng nấm sò phát triển tốt, năng suất đạt khoảng 500g/bịch/vụ, mộc nhĩ khô đạt khoảng 90g/bịch/vụ, linh chi khô khoảng 30g/bịch/vụ. Chất lượng sản phẩm được khách hàng đánh giá cao, nên nhiều nhà hàng, khách sạn, quán ăn đã liên hệ đặt hàng. Từ thành công ban đầu, anh đã mở thêm trang trại nấm thứ 2 tại thôn Đằng Trung, xã Hoằng Đạo (Hoằng Hóa) và đa dạng thêm các loại sản phẩm.
Làm giàu cho mình, cho quê hương
Đến nay, quy mô sản xuất của anh đã lên tới 110.000 bịch/năm; trong đó, nấm sò duy trì sản xuất với số lượng 50.000 bịch/năm, mộc nhĩ 35.000 bịch/năm; nấm linh chi 35.000 bịch/năm. Nói về hiệu quả kinh tế của việc sản xuất nấm theo hướng hữu cơ, anh Quang cho biết, mỗi năm thu hoạch được 20 tấn nấm sò, giá bán 25.000 đồng/kg; 3 tấn mộc nhĩ khô/năm, giá bán 130.000 đồng/kg; nấm linh chi đạt 1 tấn khô/năm, giá bán 600.000 đồng/kg. Tổng doanh thu mỗi năm đạt khoảng 1,5 tỷ đồng, sau khi trừ hết chi phí, lợi nhuận còn 600 triệu đồng.
Với mong muốn đưa nghề trồng nấm hữu cơ phát triển theo hướng bền vững, anh Quang không chỉ phát triển quy mô sản xuất của gia đình, mà còn nhân rộng bằng việc phát triển các mô hình trồng nấm hữu cơ vệ tinh. Theo đó, anh đã tự sản xuất các loại giống nấm sò, mộc nhĩ, nấm linh chi để cung ứng cho các trại trồng nấm vệ tinh; đồng thời, hướng dẫn, chuyển giao công nghệ, kỹ thuật trồng nấm cho chủ của các trại nấm vệ tinh. Sản phẩm của các trại vệ tinh này sẽ được anh đứng ra thu mua toàn bộ theo giá thị trường. Với cách làm nói trên, hiện anh đã phát triển được 5 trại nuôi nấm vệ tinh tại các huyện: Hoằng Hóa, Vĩnh Lộc, Hậu Lộc và thị xã Nghi Sơn.
Trang trại nấm của anh Phạm Lân Quang, tại thôn Đằng Trung, xã Hoằng Đạo (Hoằng Hóa).
Theo anh Quang, vấn đề quyết định đến năng suất, chất lượng của sản phẩm nấm, mộc nhĩ nằm ở khâu kiểm soát và xử lý nguyên liệu. Nguyên liệu sử dụng làm giá thể trồng nấm chỉ nên sử dụng các loại mùn cưa từ gỗ xoan, keo, cao su, không nên để lẫn tạp mùn cưa từ các loại cây có chứa tinh dầu sẽ làm phôi nấm bị chết. Quá trình ủ ẩm và phối trộn các loại phụ gia phải được thực hiện theo đúng tỷ lệ để tránh làm phôi nấm bị chết, năng suất thấp. Môi trường để nấm sinh trưởng và phát triển phải luôn thoáng mát, sạch sẽ, nguồn nước tưới phải là nước hợp vệ sinh. “Phụ phẩm trồng nấm mộc nhĩ sau khi thải ra được phối trộn để cung cấp cho người dân trong vùng phục vụ trồng rau màu, đảm bảo tạo ra nông sản sạch. Đây là cách tối đa tận thu các nguồn phế phụ phẩm, đồng thời, hạn chế chất thải gây ô nhiễm môi trường”, anh Quang nói.
Khâu chăm sóc và thu hoạch, người trồng cần lưu ý, để bảo đảm chất lượng sản phẩm cho lứa nấm vừa thu hái và năng suất cho lứa nấm lần sau thì nhất thiết phải thu hái nấm đúng độ tuổi, chỉ cần thu hoạch chậm sau vài giờ đồng hồ là nấm sẽ bị nở, già, giảm dinh dưỡng và độ thơm, ngon của sản phẩm. Vì thế, ngoài việc chia từng khu vực trồng nấm để thu hoạch và tiêu thụ theo hình thức cuốn chiếu, anh Quang tính toán mùa vụ cụ thể để điều tiết sản lượng nấm phù hợp. Theo đó, giai đoạn tháng bảy âm lịch, ngày mồng một và rằm thì lượng nấm tiêu thụ tăng cao khi nhu cầu ăn chay của người dân tăng, do đó, căn chỉnh để có nấm thu hái nhiều vào thời điểm này. Khi nguồn cung rau xanh ở thị trường khan hiếm vào mùa nắng hạn gay gắt hoặc khi mưa bão kéo dài thì nhu cầu nấm cũng tăng cao. Do vậy, việc điều tiết, chăm sóc để đảm bảo nấm cho thu hoạch đúng thời điểm là quan trọng.
Hiện nay, ngoài việc sản xuất các loại nấm, trang trại nấm QP farm của anh Quang còn là nơi học tập, nghiên cứu ngoại khóa của học sinh, sinh viên trên địa bàn và các địa phương lân cận. Bên cạnh đó, anh Quang cũng tổ chức dạy nghề miễn phí và tạo việc làm, thu nhập cho nhiều lao động trong tỉnh. Anh chia sẻ: “Dù không sinh ra và lớn lên trên mảnh đất “3 Đằng” từng là lá cờ đầu trong phong trào đấu tranh cách mạng tỉnh ta, nhưng đã và đang xây dựng, nuôi dưỡng ước mơ trên mảnh đất này, tôi tự thấy bản thân cần phải phát huy truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước, phấn đấu xây dựng thôn Đằng Trung, xã Hoằng Đạo nói riêng, mảnh đất xứ Thanh nói chung không ngừng phát triển”.
Qua trò chuyện với ông Trương Ngọc Sơn, Bí thư Chi bộ thôn Đằng Trung, được biết, năm 2021, thôn Đằng Trung được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu đầu tiên của xã Hoằng Đạo. Và để Đằng Trung trở thành một miền quê đáng sống, bà con Nhân dân đã cùng nhau chung sức, đồng lòng xây dựng quê hương. Trong đó, thế hệ trẻ là lực lượng xung kích. Cụ thể, thôn Đằng Trung đã huy động được hơn 13 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp mở rộng đường giao thông, xây dựng các thiết chế văn hóa cơ sở. 12 hộ gia đình trong thôn đã chủ động hiến trên 200m2 đất thổ cư và 100m2 đất nông nghiệp cho việc nâng cấp, mở rộng đường giao thông nông thôn, giao thông nội đồng. Nhân dân tích cực tích tụ, tập trung đất đai, đưa các loại cây hàng hóa có giá trị kinh tế cao, như các loại nấm, ớt, bí xanh, dưa leo... vào sản xuất. Các mô hình chăn nuôi thủy cầm, nuôi tôm thẻ chân trắng cũng mang lại nguồn thu nhập cao cho nhiều hộ dân... Nhờ vậy, đời sống của Nhân dân được cải thiện rõ rệt. Năm 2023, thu nhập bình quân đầu người của thôn đạt 64,2 triệu đồng/năm; số hộ giàu, hộ khá chiếm 45%, hộ cận nghèo chỉ còn 2,4%.
Tăng Thúy
{name} - {time}
-
2024-12-13 09:37:00
Nữ “thủ lĩnh” công đoàn tận tâm
-
2024-12-07 10:39:00
Thầy giáo gương mẫu, tận tâm với nghề
-
2024-10-07 16:00:00
Phát huy vai trò của bí thư chi bộ thôn, khu phố
Hành trình “có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc” của chàng trai phố biển
Bám biển, bám tàu vì chủ quyền biển đảo, bình yên của Nhân dân
Người trưởng thôn gương mẫu, hết mình vì công việc
Vì sự phát triển chung của phố
Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban công tác mặt trận thôn đảm việc dân
Cựu chiến binh nặng lòng với giáo dục truyền thống
Trưởng thôn nhiệt huyết với công việc tập thể
Người có uy tín nêu gương sáng trong cộng đồng dân cư
Bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận 8X năng nổ, nhiệt tình với công việc