Tai họa ập đến khi những đứa trẻ nhỏ ngủ chưa tròn giấc, những người lớn chưa kịp ra đồng, những người già đang mong trời tạnh ráo để giúp con cháu dọn dẹp nhà cửa... Ngay cả những người bi quan nhất cũng chẳng thể ngờ bản làng nhỏ bé định cư lâu đời, thuận hòa với thiên nhiên dưới chân núi Con Voi hùng vĩ lại một ngày phải hứng chịu cơn đại hồng thủy. Làng Nủ hôm nay chìm trong đau thương. Nghe tin dữ, chúng tôi như rụng rời chân tay.

Tang thương bản làng dưới chân núi Con Voi

Tai họa ập đến khi những đứa trẻ nhỏ ngủ chưa tròn giấc, những người lớn chưa kịp ra đồng, những người già đang mong trời tạnh ráo để giúp con cháu dọn dẹp nhà cửa... Ngay cả những người bi quan nhất cũng chẳng thể ngờ bản làng nhỏ bé định cư lâu đời, thuận hòa với thiên nhiên dưới chân núi Con Voi hùng vĩ lại một ngày phải hứng chịu cơn đại hồng thủy. Làng Nủ hôm nay chìm trong đau thương. Nghe tin dữ, chúng tôi như rụng rời chân tay.

Cả bản bị vùi lấp

Sáng 10/9, người dân Bảo Yên thở phào khi nước sông Chảy đang rút nhanh, nhiều hộ dân sau những ngày lánh nạn đã trở về dọn dẹp nhà cửa, các hộ gia đình tranh thủ nước rút để đẩy bùn đất ra ngoài. Bầu trời đang ló rạng những ánh nắng nhiều ngày mưa dầm thì bỗng lại phủ một màu ảm đạm khi từ khu vực phía Nam huyện truyền về tin dữ.

Tang thương bản làng dưới chân núi Con Voi

Việc tiếp cận khu vực sạt lở gặp nhiều khó khăn.

Dưới chân núi con Voi- nơi sinh sống của 35 hộ dân tộc đồng bào dân tộc Tày, Dao bị lũ quét, sạt lở đất đá vùi lấp hoàn toàn, chỉ rất ít người sống sót. Những nạn nhân đầu tiên đã được người dân đưa ra cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa huyện. Khuôn mặt hoảng hốt, đôi mắt vô hồn của những người dân được chứng kiến trận lũ quét đã cho chúng tôi có dự cảm chẳng lành.

Chặng đường hơn 20 cây số từ thị trấn Phố Ràng về thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh hôm nay cảm giác như dài vô tận. Dòng sông Chảy cuộn đỏ với tốc độ dòng chảy hàng nghìn mét khối mỗi giây chỉ chực chờ cuốn phăng mọi thứ về hạ nguồn. Chúng tôi nín thở men theo dòng sông hung dữ, qua những đoạn sạt lở lấp kín Quốc lộ 70 bùn đất ngập ngụa, rồi lại luồn rừng để tránh những đoạn sạt lở đã ăn sát ra mép sông.

Tang thương bản làng dưới chân núi Con Voi

lu nu (2).JPGlu nu (1).JPGKhuôn mặt thất thần của người dân khi chứng kiến thảm họa thiên tai.

Trên đường đi qua những khu sụt sạt, nghe đất đá nổ rầm rầm vọng lại, anh Hoàng Quốc Bảo, Bí thư Huyện ủy Bảo Yên nhắc mọi người trong đoàn đi tách nhau ra, nhỡ may... còn có người ở lại báo tin. Xuất phát từ trung tâm thị trấn từ 10 giờ trưa, vượt qua hàng chục điểm ngập lụt, sạt lở, phải đến gần 15 giờ chiều chúng tôi mới tiếp cận được khu vực sạt lở.

Ngay đầu thôn Làng Nủ là những khuôn mặt thất thần của những người đi tìm người thân, những người xa lạ từ các thôn lân cận nghe tin đến cứu giúp cũng đỏ hoe mắt, dõi theo dòng nước, dòng bùn đất mà bất lực.

Làng Nủ thơ mộng với cánh đồng đang màu xanh cốm, những mái nhà sàn men theo chân núi Con Voi nay bị san phẳng, ngập trong bùn đất dày cả chục mét. Con suối nhỏ uốn lượn giữa thôn nay trở nên hung bạo, ầm ào gầm thét, cột nhà, mái tôn cũng bị đất đá vò nát. Trên dãy núi cao phía xa là một vệt đất đá khổng lồ từ đỉnh núi kéo dài hàng trăm mét.

lu nu (4).jpgAnh Hoàng Văn Thới và nỗi đau mất người thân.

Anh Hoàng Văn Thới, ngồi bên thi thể 3 đứa con mà lòng đau thắt. Người đàn ông trụ cột gia đình từng trải qua nhiều khó khăn này không thể kìm được nước mắt khi sự mất mát lần này là không gì bù đắp nổi. Trận lũ quét, sạt lở đất này đã lấy đi của anh 5 người thân yêu nhất, là người mẹ già, vợ và 3 đứa con nhỏ. Cũng giống như anh Thới, rất nhiều người dân ở thôn Làng Nủ trong ngày định mệnh này sẽ chẳng có gì có thể bù đắp nổi những mất mát mà họ đã trải qua.

Danh sách ghi tên những nạn nhất mất tích trong cuốn sổ của anh Hoàng Văn Diệp, Trưởng thôn Làng Nủ cứ dài thêm. Anh bảo, chỉ những người đi làm ăn xa hoặc không ở nhà thời điểm đó mới may mắn thoát nạn. Thiệt hại lúc này là không thể đo đếm được. Rút chiếc điện thoại ra, bấm gọi vào những số của những người được ghi chú là “mất tích” trong cuốn sổ, nghe tiếng thông báo điện thoại không liên lạc được, anh Diệp bảo chỉ mong đó do mất sóng thôi.

Gấp rút tìm kiếm người mất tích

Sau khi có thông tin vụ lũ quét, sát lở đất nghiêm trọng tại thôn Làng Nủ, Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Bảo Yên đã huy động khẩn cấp các lực lượng quân sự, công an nhanh chóng tiếp cận hiện trường, nỗ lực tìm kiếm, cứu sống nạn nhân nào còn có hy vọng.

Ngoài lực lượng quân đội, công an chính quy, tại nơi xảy ra lũ quét còn có hàng chục người dân và lực lượng tại chỗ tham gia cứu nạn. Ngay trong buổi chiều 10/9, các lực lượng cứu hộ đã nỗ lực tìm kiếm được thêm 7 nạn nhân. Trời vẫn tiếp tục đổ mưa, khiến công tác tìm kiếm nạn nhân thêm bội phần khó khăn.

Tang thương bản làng dưới chân núi Con VoiCác lực lượng nỗ lực tìm kiếm người mất tích.

Giao thông bị chia cắt, khu vực này cũng hoàn toàn mất điện, mất liên lạc, khiến công tác chỉ huy, chi viện, thông tin ra bên ngoài gặp nhiều khó khăn. Để kết nối với bên ngoài và báo cáo nhanh về lãnh đạo tỉnh và thông báo cho các cơ quan của huyện chi viện, ứng cứu, anh Hoàng Quốc Bảo, Bí thư Huyện ủy phải viết thư tay để một cán bộ băng rừng truyền tin.

Tang thương bản làng dưới chân núi Con VoiBí thư Huyện ủy Hoàng Quốc Bảo viết thư tay và cho cán bộ băng rừng ra bên ngoài báo tin.

Trung tá Lý Minh Chiến, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Bảo Yên cho biết, lượng bùn lầy, đất đá, cây gỗ lớn đổ về rất nhiều, thêm vào đó, hầu hết nhà dân là nhà gỗ, khi bị đổ sập do lũ đã kéo theo nhiều người dân, khiến công tác tìm kiếm cứu nạn rất khó khăn.

Tang thương bản làng dưới chân núi Con VoiLớp bùn dày hàng mét có thể đe dọa an toàn của cả lực lượng cứu hộ.

Sau cuộc họp khẩn vào tối 10/9, Thường trực Huyện ủy, UBND huyện Bảo Yên đã chỉ đạo gấp rút thông tuyến giao thông từ trung tâm huyện vào khu vực sạt lở để thuận lợi cho công tác cứu hộ, cứu nạn và tiếp tế nhu yếu phẩm cho người dân. Cùng với đó, khẩn trương khôi phục kết nối thông tin liên lạc phục vụ công tác phối hợp, chỉ đạo lực lượng tìm kiếm.

Tang thương bản làng dưới chân núi Con VoiChủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường thăm hỏi người dân bị nạn.

Đêm 10/9, Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Xuân Trường cũng đã vượt qua tuyến Quốc lộ 70 đầy hiểm nguy với hàng chục điểm sạt lở để có mặt tại huyện Bảo Yên trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả thiên tai, công tác tìm kiếm, cứu nạn. Trong đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu thành lập ngay Sở Chỉ huy tiền phương tại khu vực xảy ra lũ quét.

Trong sáng 11/9, các lực lượng chi viện của Quân khu 2, các đơn vị lực lượng vũ trang của tỉnh, cùng nhiều lực lượng khác sẽ có mặt tại Bảo Yên hỗ trợ công tác tìm kiếm cứu nạn.

Theo Báo Lào Cai



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]