(Baothanhhoa.vn) - Sau nhiều năm triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” theo Quyết định số 1008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngành giáo dục Thanh Hóa đã “gặt hái” được nhiều thành quả quan trọng, góp phần tạo chuyển biến tích cực về chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng dân tộc thiểu số: Những hiệu ứng tích cực

Sau nhiều năm triển khai thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh tiểu học vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2020, định hướng đến 2025” theo Quyết định số 1008/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, ngành giáo dục Thanh Hóa đã “gặt hái” được nhiều thành quả quan trọng, góp phần tạo chuyển biến tích cực về chất lượng giáo dục vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS).

Tăng cường tiếng Việt cho học sinh vùng dân tộc thiểu số: Những hiệu ứng tích cựcMột hoạt động bên ngoài lớp học của cô, trò Trường Mầm non Đồng Lương (Lang Chánh).

Mục tiêu hướng tới của đề án tăng cường tiếng Việt cho trẻ mầm non, học sinh (HS) tiểu học vùng DTTS là giúp các em HS có những kỹ năng cơ bản trong việc sử dụng tiếng Việt để hoàn thành chương trình giáo dục mầm non và chương trình giáo dục tiểu học; tạo tiền đề để các em học tập lĩnh hội tri thức của các bậc học tiếp theo, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Trên cơ sở mục tiêu đặt ra cùng với sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của ngành giáo dục, chính quyền địa phương, các trường học có HS là người DTTS đã tích cực, chủ động thực hiện tốt nhiệm vụ tăng cường tiếng Việt cho các em.

Là trường có gần 100% HS con em đồng bào DTTS, do đó, cùng với công tác chuyên môn, việc tăng cường tiếng Việt cho HS DTTS được xem là nhiệm vụ trọng tâm của tập thể cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Đồng Lương (Lang Chánh) trong nhiều năm qua. Cô Lê Thị Minh, hiệu trưởng nhà trường, cho biết: Phần lớn các trẻ khi vào nhập học đều chưa biết hoặc chưa nói thạo tiếng Việt. Trước thực tế đó, nhà trường và tổ chuyên môn đã xây dựng kế hoạch tăng cường tiếng Việt cho các em phù hợp với tình hình thực tế nhà trường và địa phương. Trong quá trình thực hiện, nhà trường quan tâm đến hoạt động bồi dưỡng tiếng dân tộc cho giáo viên là người Kinh để thuận tiện trong giao tiếp, tổ chức tốt các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Thường xuyên tổ chức các hội thi, hoạt động vui chơi gắn với tiếng Việt, trong đó tập trung vào việc luyện phát âm cho trẻ. Cùng với đó, nhà trường cắt dán, in các chữ cái tiếng Việt lên các khu vui chơi của trẻ, đồ dùng, đồ chơi ngoài trời, cây xanh, cây hoa để trẻ có thể luyện phát âm mọi lúc, mọi nơi; khuyến khích trẻ giao tiếp với cô giáo và các bạn bằng tiếng Việt. Đặc biệt, trong quá trình tổ chức các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, yêu cầu giáo viên chú trọng rèn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, mở rộng vốn từ tiếng Việt cho trẻ. Với cách làm trên, 100% trẻ 5, 6 tuổi của trường đều có kỹ năng cơ bản trước khi vào lớp 1.

Tại nhiều đơn vị trường khác như Trường Mầm non Luận Thành (Thường Xuân), Trường Tiểu học Cát Tân (Như Xuân)... hoạt động tăng cường tiếng Việt cho trẻ cũng được các nhà trường đặc biệt quan tâm thông qua những việc làm cụ thể như: tổ chức cho giáo viên là người Kinh tham gia bồi dưỡng và học tiếng dân tộc, bảo đảm cho giáo viên dạy vùng DTTS biết tiếng mẹ đẻ của trẻ để giao tiếp, tổ chức các hoạt động chăm sóc, giáo dục trẻ. Yêu cầu mỗi giáo viên khi dạy trẻ học tiếng Việt phải linh hoạt trong mọi tình huống, rèn cho trẻ tự tin trong giao tiếp tiếng Việt; tổ chức các trò chơi ngôn ngữ, các hoạt động giáo dục khác có tăng cường sự giao lưu, giao tiếp bằng tiếng Việt giữa trẻ với trẻ, giữa trẻ với cô và những người xung quanh; tổ chức các buổi đọc sách, thi kể chuyện, giao lưu “Tiếng Việt của chúng em”...

Thực tế cho thấy, khó khăn về giao tiếp tiếng Việt chính là rào cản lớn nhất của các trẻ DTTS khi đến trường. Vì vậy, khi đề án được triển khai thực hiện, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ÐT) luôn sát sao chỉ đạo các cơ sở giáo dục linh hoạt, sáng tạo thiết kế môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm; tạo điều kiện cho trẻ nhận biết và phát âm tiếng Việt ở mọi lúc, mọi nơi bằng cách gắn chữ cái lên các thiết bị đồ chơi, đồ dùng... Tổ chức xây dựng không gian phòng học tại các lớp với nhiều chữ viết tiếng Việt để giúp trẻ có nhiều cơ hội nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt, giúp các em có nhiều cơ hội và thuận tiện trong việc kết nối sử dụng tài liệu tiếng Việt trong học tập.

Theo đánh giá của Sở GD&ĐT, kết thúc giai đoạn I thực hiện Đề án “Tăng cường tiếng Việt cho trẻ em mầm non, HS tiểu học vùng DTTS giai đoạn 2016 - 2020, định hướng đến 2025”, việc sử dụng tiếng Việt của trẻ DTTS trên địa bàn tỉnh đã có nhiều tiến bộ rõ nét. 100% trẻ đến lớp đều được giao tiếp bằng tiếng Việt, khả năng sử dụng ngôn ngữ của trẻ cũng có nhiều tiến bộ. Qua đó giúp các em hứng khởi, tự tin lĩnh hội tri thức qua từng bài giảng của giáo viên. Cũng từ việc thực hiện đề án, giáo viên đã biết chú trọng xây dựng môi trường giao tiếp tiếng Việt, cho trẻ tập nói tiếng Việt trong các hoạt động phát triển ngôn ngữ và lồng ghép tích hợp ở mọi lúc, mọi nơi. Vì vậy, đầu mỗi năm học, nhiều HS DTTS vẫn nói tiếng mẹ đẻ khi đến trường, chưa biết sử dụng tiếng Việt, hoặc sử dụng chưa thành thạo, nhưng chỉ sau 1 học kỳ học tập tại trường 100% HS đã biết sử dụng tiếng Việt trong giao tiếp và học tập.

Từ kết quả đạt được, mục tiêu đặt ra của ngành giáo dục tỉnh nhà trong giai đoạn 2 thực hiện đề án là đến năm 2025, có ít nhất 50% trẻ em người DTTS trong độ tuổi nhà trẻ, 100% trẻ em người DTTS trong độ tuổi mẫu giáo, 100% trẻ em trong các cơ sở giáo dục mầm non được tập trung tăng cường tiếng Việt phù hợp theo độ tuổi trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ. 100% các huyện miền núi triển khai nhân rộng mô hình tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ hiệu quả, đặc biệt quan tâm đến việc phát triển mô hình tại các cơ sở giáo dục có nhiều điểm trường lẻ, thuộc vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; triển khai thực hiện giáo dục song ngữ, tăng cường tiếng Việt trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ. Để đạt được mục tiêu đề ra ngành cũng đã xác định, tiếp tục đẩy mạnh công tác tham mưu cho chính quyền địa phương tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, tài liệu, học liệu phục vụ dạy, học tiếng Việt cho trẻ vùng DTTS. Tổ chức bồi dưỡng tiếng mẹ đẻ của trẻ cho giáo viên dạy các nhóm, lớp vùng DTTS. Bố trí những giáo viên nhiệt tình, có trình độ chuyên môn và trách nhiệm cao, là người địa phương hoặc thông thạo tiếng địa phương làm công tác chủ nhiệm lớp và dạy môn tiếng Việt. Cùng với đó, không ngừng đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, huy động các nguồn lực hỗ trợ nhiệm vụ tăng cường tiếng Việt cho trẻ, trong đó đặc biệt quan tâm đến việc vận động các gia đình tạo điều kiện để trẻ đi học chuyên cần, thường xuyên sử dụng tiếng Việt ở gia đình và cộng đồng.

Bài và ảnh: Lê Phong



 {name} - {time}

 Trả lời

{body}
 {name} - {time}
{body}

0 bình luận

Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Vui lòng gõ tiếng Việt có dấu

Thời tiết

Địa phương

Xem thêm TP.Thanh Hóa

Chia sẻ thông tin với bạn bè!
Tắt [X]